Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Đặc điểm của Gia phong Xứ Nghệ
Xứ Nghệ là một vùng văn hóa cổ và là vùng biên viễn, nơi biên ải của nhà nước Đại Việt đối diện với nhà nước Chăm Pa và cũng là nơi dân tộc ta đi tiếp cuộc hành trình mở mang bờ cõi về phía nam, cũng là nơi đày ải những người tài bị tội “khi quân” (ở Kỳ Anh còn có làng Đày, đình Đày…). Các lớp cư dân ở đây phải chăng là hệ quả của sự dồn toa từ ngoài Bắc vào (trong đó có những dòng họ, những sỹ phu tài năng…), xa dần trung tâm văn hóa của nhà nước Đại Việt, cộng với những sắc tộc kém phát triển, nhưng phải đảm nhiệm một trọng trách đối với quốc gia: bảo vệ biên cương, mở mang bờ cõi. Vì thế từ kẻ sỹ cho đến người dân đều phải nâng lên với ý thức trách nhiệm cao, phải tự vượt lên chính mình bằng sức mạnh của ý chí và nghị lực để tồn tại và phát triển. Hơn thế nữa, con người ở đây phải đối mặt với một thiên nhiên - như một “bức tranh họa đồ”, ở núi rừng, đồng bằng và biển cả hội tụ trong một dải đất hẹp, vừa đặt con người trước những thách đố gay gắt như nắng hạn, bão lụt, gió Lào…với một nhịp sống sôi động vừa ban cho con người một phong cảnh núi sông hùng vĩ, non xanh nước biếc, kiểu “long lanh đáy nước in trời, thành xây khói biếc non phơi ánh vàng”. Kích thích trí tưởng tưởng, sự liên tưởng tạo nên cho con người những cảm hứng thẩm mỹ thăng hoa.
Cũng như mọi người Việt Nam yêu nước, ai cũng cảm nhận hai nỗi nhục: mất nước và đói nghèo. Có thể người dân xứ Nghệ cảm nhận những nỗi nhục ấy bằng cảm hứng thẩm mỹ cực đoan theo hướng anh hùng mà nghệ sỹ, nghèo khổ mà giàu ước mơ, trong đó nổi lên tinh thần chịu khó, chịu khổ nhưng không chịu nhục, mà rửa nhục bằng trí tuệ, nhân cách:
“Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục
Mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh”.
Với một phong cách ngang tàng kiểu Nguyễn Công Trứ:
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Phải chăng đó cũng là mặt tích cực của tính “sỹ” được biểu hiện theo kiểu “gàn” xứ Nghệ, khác với cái sỹ thâm nho Bắc Hà, cái sỹ được cung đình hóa kiểu “mệ” của Huế hay cái sỹ của anh Hai Nam Bộ!
Người ta thêu dệt nên hình tượng ông đồ xứ Nghệ chí lớn, gan lì với hình ảnh con “cá gỗ” và cái “tráp” đi khắp nơi dạy học để rồi nhận thêm một đức tính rất Nghệ: tằn tiện đến keo kiệt! Theo nhiều người thì ở nước ta có 3 lò đào tạo nên những ông đồ: Thành Nam (Nam Định), Xứ Nghệ và Xứ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Ông đồ nếu đỗ thì làm quan “phụ mẫu chi dân”, không đỗ hoặc không muốn làm quan thì về làng làm thầy giáo, thầy thuốc, thầy cúng…nghĩa là chỉ làm thầy thiên hạ.
Chính trên mảnh đất này đã sản sinh bao anh hùng, bao nghệ sỹ và nhiều dòng họ nổi tiếng mà gia phong nổi bật vẫn là những nhân cách lớn.
“Làm người đói sạch rách thơm
Công danh là nợ nước non phải đền”.
(Cao dao)
“Đã sinh ra ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”.
(Nguyễn Công Trứ)
Tinh thần hiếu học, ý chí sắt đá, thái độ tôn sư trọng đạo là những nếp nhà cổ vũ người dân xứ Nghệ “học gạo” để lập nghiệp với khát vọng đổi đời.
“Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa
Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”.
Một đôi câu đối, một lối chơi chữ đồng âm, nhưng nó đã phản ánh đặc trưng của một số dòng họ lớn ở Nghệ Tĩnh: Họ Nguyễn Huy, họ Phan Huy, họ Nguyễn ở Tiên Điền: Cha con anh em đều làm quan đồng triều. Ở Trường Lưu Nguyễn Huy Oánh đậu đình nguyên (1748), em Nguyễn Huy Quýnh đậu Tiến sỹ (1772), con Nguyễn Huy Tự đậu tiền triều. Ở Nghi Xuân, Nguyễn Nghiêm đậu hoàng giáp (1731), anh Nguyễn Huệ đậu Tiến sỹ (1733), con Nguyễn Khản đậu Tiến sỹ 1760 làm quan đồng triều với cha và cũng vào hàng tả tướng chức quận công. Ở Thiên Lộc, Phan Cận đậu Tiến sỹ (1754), hai con Phan Huy Ích đậu Tiến sỹ (1775) và Phan Huy Ôn đậu Tiến sỹ (1779). Cả ba cha con anh em làm quan đồng triều. Chỉ tính riêng dưới triều Nguyễn cả nước có 660 người đỗ đạt thì Nghệ Tĩnh dã có 150 người chiếm tỉ lệ xấp xỉ 23%.
Trong bối cảnh đất nước đổi mới, gia phong là cơ sở để cho người xứ Nghệ nói riêng và người Việt Nam nói chung củng cố và xây dựng gia đình lành mạnh, có văn hóa. Gia phong tạo bản lĩnh cho gia đình và các thành viên trong các gia đình để ứng xử với mọi biến chuyển trong cuộc sống. Gia phong là lá chắn giúp ngăn chặn mọi tiêu cực của xã hội xâm nhập vào gia đình, giữ gìn những nét đẹp truyền thống của gia đình, gia tộc.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: