Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Phân biệt giữa mê tín dị đoan và văn hóa tinh thần
Văn hóa là hệ thống những giá trị phong phú trong hiện thực, được tạo nên bởi hoạt động sáng tạo cả về vật chất và tinh thần của nhiều thế hệ người trong lịch sử, các giá trị này biểu hiện trình độ phát triển và những đặc tính riêng của dân tộc.
Xét đến cùng, bản chất của văn hóa là sự phát triển của bản thân con người với tư cách là con người xã hội - sự phát triển những năng lực sáng tạo, những nhu cầu, những hình thức giao tiếp... trong quá trình thực tiễn khám phá tự nhiên, cải tạo xã hội và tự hoàn thiện bản thân. Văn hóa là sự tồn tại dưới dạng khác của con người và thể hiện sức mạnh bản chất của con người.
Văn hóa bao gồm rất nhiều thành tố, trong đó hệ tư tưởng giữ vị trí trung tâm và chi phối các thành tố khác. Tín ngưỡng dân gian, tôn giáo cũng là một thành tố của văn hóa. Giữa tín ngưỡng dân gian và mê tín dị đoan có ranh giới rất mong manh. Phân biệt rõ ranh giới này là điểm mấu chốt để giúp chỉ đạo, quản lý tốt các hoạt động văn hóa tinh thần, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng.
Nói đến văn hóa là nói đến những giá trị về vật chất và tinh thần do con người tạo ra. Những giá trị đó được hình thành, trao đổi và tích lũy từ lâu đời của các cộng đồng dân tộc. Nó đối nghịch với mê tín và những hủ tục. Nhưng chúng cũng có liên quan với nhau về mặt nguồn gốc. Trải qua những thời kỳ lịch sử và chế độ xã hội, nhiều hệ tư tưởng được hình thành, phát triển và dần dần tiêu vong. Một số hệ tư tưởng tuy không còn giữ được địa vị thống trị nhưng vẫn còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt tư tưởng của một bộ phận quần chúng nhân dân hoặc trong những tác phẩm văn học, nghệ thuật. Chúng giao thoa, kết nối với những hệ tư tưởng khác và nhiều yếu tố trong lĩnh vực đời sống tinh thần để trở thành phong tục tập quán hoặc tín ngưỡng dân gian và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đời sau chúng có thể được lược bỏ hoặc bổ sung thêm tùy từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể và chúng luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực chính là những giá trị văn hóa, mặt tiêu cực là mê tín dị đoan và các hủ tục.
Trong xã hội phong kiến Việt Nam, hệ tư tưởng nho giáo giữ địa vị thống trị và phục vụ cho giai cấp quý tộc. Khổng Tử và các Nho gia đã đặt ra rất nhiều lễ nghi, quan niệm rườm rà, phức tạp: quân tử phải thi lễ với trời đất; tôi phải thi lễ với vua; con cháu phải thi lễ với cha mẹ, ông bà; vợ phải thi lễ với chồng; con người sống theo mệnh do “người nào có mệnh ấy”... những lễ nghi ấy thâm nhập và chi phối sâu sắc đời sống xã hội Việt Nam trong khoảng thời gian hai ngàn năm (từ năm 111 TCN đến năm 1945). Đến khi Nho giáo bị đánh đổ cùng chế độ phong kiến, những tàn dư của nó vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội nước ta. Trong quá trình thống trị, Nho giáo đã cùng với những tín ngưỡng, tôn giáo khác như tín ngưỡng dân tộc, đạo giáo, phật giáo giao thoa, kết nối với nhau để trở thành phong tục, tập quán của người Việt Nam. Nó thể hiện ở hai mặt như sau:
- Mặt tích cực: được đại cộng đồng các dân tộc Việt Nam tiến bộ đúc kết thành những giá trị truyền thống tốt đẹp như truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn”, con cái hiếu kính với cha mẹ, ông bà; tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ .v.v. Riêng vấn đề thắp hương là một nét văn hóa tâm linh đặc sắc. Nén hương tỏa khói tạo ra một “không gian thiêng” làm lắng đọng nội tâm con người thể hiện sự tưởng nhớ và biết ơn của những người đang sống đối với những người đã chết. Nó có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
- Mặt tiêu cực:biến chuyển thành mê tín dị đoan như tệ cúng tế linh đình và nghi thức đốt lễ vật, vàng mã, tiền bạc (lễ nghi tế bái trời đất trong nho gia); lên đồng cốt, bói toán (quan niệm âm dương của đạo gia); xin xăm, cúng cô hồn, vong linh (phật gia); kiêng gặp đàn bà (tư tưởng trọng nam khinh nữ của nho gia)... và những hủ tục khác như khóc lăn đường, trong thời gian 3 năm để tang cha hoặc mẹ thì con cái không được cưới hỏi, tiệc mừng; cô dâu ra khỏi nhà bố mẹ để về nhà chồng thì phải di lùi và 3 ngày sau mới được phép quay lại (ở một số vùng nông thôn).
Tóm lại, đặt trong sự so sánh với lĩnh vực văn hóa tinh thần, mê tín dị đoan là những hiện tượng phản văn hóa. Nó đối nghịch với những giá trị của xã hội loài người.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: