Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Nêu cao vai trò của Đảng để phát huy quyền làm chủ của dân
Trong mối quan hệ giữa Đảng và dân, sự tác động qua lại không chỉ là: Đảng gắn với dân, dựa vào dân thì mới có sức mạnh, thì mới làm lên thắng lợi trong cách mạng mà còn có một khía cạnh khác khá phong phú và sâu sắc, đó là: có nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng thì mới phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Điều này nghe tưởng như mâu thuẫn nhưng trên thực tế việc này nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, không hề đối lập với phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Sự thống nhất biện chứng giữa chủ thể lãnh đạo và đối tượng lãnh đạo được Hồ Chí Minh thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất:Hồ Chí Minh nêu quan điểm lãnh đạo là để phục sự dân, là công bộc, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Có thể nói từ này xuyên suốt cuộc đời hoạt động của Người, kể từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước cho đến suốt cả cuộc đời hoạt động. Và đến khi từ biệt cõi đời này vẫn còn tiếc không phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Ngay sau khi cách mạng tháng Tám vừa thành công, trong thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện, làng, Người đã chỉ rõ “các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của nhân dân nghĩa là gánh vác việc chung cho nhân dân chứ không phải là đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp - Nhật”.
Dân là chủ thì chính phủ phải là đầy tớ, làm việc ngày nay không phải là để thăng quan phát tài. Sau đó nhiều lần Người tiếp tục nhắc nhở rằng trong các cơ quan nhà nước đều là đầy tớ cho nhân dân, rằng cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng ăn trên ngồi trốc mà phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, mà phải cần kiệm liêm chính, hết lòng phục vụ nhân dân.
Như vậy, trước sau Hồ Chí Minh đều nhất quán với quan điểm là đầy tớ trung thành của nhân dân. Không những thế Người còn làm rõ bản chất của chế độ ta thông qua tính mục đích sự lãnh đạo của Đảng là nhà nước đem lại lợi ích cho nhân dân. Hồ Chí Minh nêu một cách khá sâu sắc tính mục đích của sự lãnh đạo, mối quan hệ của bổn phận và trách nhiệm của lãnh đạo, Người viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ của nhân dân. Vì vậy nhân dân có nghĩa vụ giúp đỡ chính phủ, theo đúng kỷ luật của chính phủ và làm đúng chính sách của chính phủ để chính phủ làm tròn bổn phận nhân dân giao phó cho”.
Ngoài ra Người cũng chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể, đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên trong bộ máy Đảng và nhà nước phải yêu kính tôn trọng dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ hai:tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên phải có phương pháp lãnh đạo đúng đắn. Theo Hồ Chí Minh phương pháp đó là.
- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
- Luôn gần gũi với dân ra sức nghe ngóng hiểu biết dân qua đó học hỏi dân.
- Động viên, giải thích đó là sức thuyết phục sát thực tế, sát trình độ và đặc biệt phải gắn liền vấn đề lợi ích với nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Lãnh đạo, theo Hồ Chí Minh còn phải áp dụng phương pháp làm gương, phải tự mình cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, dũng cảm, công bằng trước dân. Đặc biệt lời nói và hành động đi đôi với nhau, chứ không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Như vậy với Hồ Chí Minh, ngay trong kinh nghiệm lãnh đạo đã hàm chứa cả nghĩa đầy tớ chứ không phải phân biệt lúc này là lãnh đạo lúc khác là đầy tớ. “Đầy tớ ” và “lãnh đạo” là thống nhất trong phẩm chất, năng lực và trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ trước nhân dân.
Thứ ba:Muốn nâng cao vai trò lãnh đạo, cán bộ đảng viên phải không ngừng học tập và rèn luyện.
Bởi “cách mạng cũng là một nghề”, làm nghề gì cũng phải học, do vậy làm cách mạng cũng phải học. Muốn làm cách mạng, muốn làm lãnh đạo được nhân dân phải có kiến thức, trí tuệ, năng lực phẩm chất đạo đức.
Theo Hồ Chí Minh, học không phải để làm quan mà “học để làm việc, học để làm người”, Người đòi hỏi cán bộ phải có phẩm chất đạo đức và năng lực tương ứng. Người cán bộ phải “vừa hồng vừa chuyên”, nếu người cán bộ có tài mà thiếu đức thường gây ra những hậu quả không lường. Nhưng có đức mà thiếu tài chẳng những làm việc gì cũng khó mà còn giống như ông bụt ngồi trong chùa. Vậy, cán bộ phải học, phải rèn luyện, mà trước hết là học lý luận Mác-Lênin để củng cố đạo đức cách mạng giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết và nâng cao trình độ chính trị. Điều quan trọng là đảng viên và cán bộ còn phải học dân. Vì dân ta rất thông minh, có nhiều kinh nghiệm “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân”, có biết làm học trò trước thì mới làm được thầy dân.
Theo Hồ Chí Minh: “chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”.
Người nói: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta biết trước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được, nhưng vẫn còn nhiều người hủ hoá. Hô phong trào dân tiết kiệm mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm chính. muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”.
Người cũng đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải rèn luyện để nâng cao đạo đức cách mạng, phải biết đặc lợi ích tập thể, lợi ích của Đảng, lợi ích của doanh nghiệp trên hết. Phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, luôn chăm lo đến đời sống của dân. Phải thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình một cách thành khẩn thẳng thắn, phải giữ nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước, phải làm cho dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân sự của mình, dám nói, dám làm. Điều đó chứng tỏ khi nào Đảng giữ vững và phát huy được quyền lãnh đạo của mình như Hồ Chí Minh đã dạy thì nhân dân có dân chủ, mới có quyền lực thực sự. Và khi nào quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thì vai trò uy tín của Đảng càng được đề cao, càng được củng cố.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: