Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của dân
Có thể nói đường lối lãnh đạo của Đảng mang tính khoa học và nghệ thuật: nó xác định được mục tiêu, phương hướng, và những giải pháp cơ bản của cách mạng trong những giai đoạn nhất định.
Đường lối là cơ sở chính trị, tư tưởng, tổ chức của Đảng, là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, nhân dân xung quanh đảng, là cơ sở để định ra các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Vì vậy đường lối có liên hệ mật thiết tới sinh mệnh của Đảng và của nhân dân. Do vậy một mặt đường lối phải đúng đắn, khoa học, phản ánh được quy luật phát triển khách quan của xã hội, hợp với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, mặt khác phải được tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Một đường lối đúng của Đảng phải là đường lối dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay và đặc biệt phải thể hiện được những lợi ích và nhu cầu cơ bản của nhân dân. Việc tổ chức thực hiện đường lối của Đảng vừa thể hiện khả năng lãnh đạo, hiện thực hoá đường lối của Đảng và đội ngũ đảng viên vào cuộc sống, vừa phản ánh sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Hơn lúc nào hết, để cho đường lối, chính sách của Đảng được đúng đắn chính xác, Đảng cần phải thường xuyên tổ chức cho quần chúng tham gia vào việc xác định, cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, thực hiện lời dạy của Người “việc gì cũng nên hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc....”.
Có đường lối đúng đắn rồi chưa đủ, đường lối đó phải được biến thành hiện thực trong cuộc sống. Muốn vậy cần công bố, công khai các nghị quyết chương trình hoạt động của Đảng, của các cấp uỷ các tổ chức Đảng có liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” .
Để đường lối của Đảng được hiện thực hoá trong cuộc sống thì Đảng phải thực hiện khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tức là:
“dân biết” là hiểu biết những chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của dân, biết cách thực hiện mọi nghĩa vụ và những quyền lợi của họ.
“dân bàn” tức là sự bàn bạc của dân về những điều dân biết. Muốn cho dân bàn có kết quả chẳng những phải cung cấp những thông tin đúng đắn, chính xác mà còn phải thực hành dân chủ, lắng nghe ý kiến của dân. Qua đó mà tiếp thu ý kiến bàn bạc của dân nghiên cứu và sắp đặt thành những ý kiến có hệ thống, biến nó thành ý kiến của quần chúng và làm cho quần chúng thực hiện ý kiến đó.
“dân làm” có nghĩa là Đảng phải tổ chức quần chúng hành động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Muốn thực hiện công bằng xã hội phải làm tốt công tác kiểm tra trong đó dựa vào dân để kiểm tra là một biện pháp tích cực, trao cho dân quyền kiểm tra là thể hiện lòng tin dân và trọng dân. Có như vậy thì Đảng mới đề ra được đường lối đúng đắn và đưa đường lối đó vào trong cuộc sống của nhân dân, được nhân dân đồng tình tin và đi theo Đảng.
Theo Hồ Chí Minh, nguyên tắc cao nhất trong chỉ đạo thực tiễn, trong triển khai đường lối, chính sách của Đảng là phải luôn luôn do nơi quần chúng kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng không.
Mặt khác, khi đã có đường lối và chính sách đúng rồi thì nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và nơi kiểm tra không đồng bộ, không chặt chẽ thì đường lối sẽ trở lên vô ích.
Trong quá trình triển khai, việc thực hiện đường lối của Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải hết sức tôn trọng ý kiến đóng góp của quần chúng không được có thái độ “bịt mồm quần chúng”. Sự tôn trọng và tiếp thu ý kiến xây dựng của quần chúng không chỉ là để Đảng với dân hiểu nhau, gần nhau, mà còn giúp cho các tổ chức đảng, đảng viên nhận rõ sai lầm và thiếu sót của mình mà sửa chữa, làm cho mối quan hệ cũng như tình cảm của Đảng và dân thêm gắn bó.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: