Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Tác động của môi trường đối với sự phát triển kinh tế
Đề cập đến môi trường là chúng ta đề cập tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các hoạt động sống của con người như không khí, nước, độ ẩm, sinh vật, các thể chế, xã hội loài người cả hai mặt tích cực và tiêu cực, tốt và xấu, ở đây chỉ đề cập ở khía cạnh tích cực của môi trường đối với sự phát triển kinh tế, tất nhiên trong mối quan hệ sự tác động của nó có tính hai mặt, nếu thế này thì tích cực còn nếu ngược lại thì trở thành tiêu cực. Vai trò tác động của nó được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau đây:
2.1. Môi trường chính trị
Môi trường chính trị là tập hợp tất cả các yếu tố chính trị, mối quan hệ giữa các giai cấp, dân tộc, chế độ, thể chế. Nếu chế độ, thể chế là dân chủ, công bằng, văn minh, mối quan hệ giữa các yếu tố trong hệ thống chính trị đồng thuận thống nhất, giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong điều kiện hòa bình, ổn định chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội thì sẽ tạo lập tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế. Đúng như VI. Lênin đã nhấn mạnh: Chính trị là sự biểu hiện của kinh tế nhưng chính trị không thể không chiếm địa vị hàng đầu so với kinh tế. Có thể nói sự phát triển kinh tế Việt Nam nhiều thập niên với tốc độ phát triển bình quân hàng năm trên 7%, từ một nước nghèo kém phát triển trở thành một nước phát triển trung bình của thế giới, từ khó khăn, nguy cơ đã tạo ra thế và lực mới, từ nông nghiệp lạc hậu trở thành nước xuất khẩu gạo, tiêu, cao su… nhất, nhì thế giới, trước hết là do định hướng chính trị và môi trường chính trị được ổn định bền vững.
2.2. Môi trường địa lý – tài nguyên
Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Ở đâu khí hậu thuận lợi, nguồn nước đảm bảo, giàu khoáng sản, rừng được bảo vệ, đất màu mỡ, phong phú đa dạng tài nguyên biển đảo… thì ở đó kinh tế phát triển. Yếu tố “thiên thời”, “địa lợi” tạo ra tiền đề, điều kiện cho sự phát triển kinh tế. Ở nước ta theo số liệu thống kê 2008 cho thấy cả nước có 33.115.000 ha đất trong đó đất nông nghiệp là 24.997.200 ha chiếm 75% diện tích đất đai cả nước[1]. Tài nguyên khoáng sản ở nước ta hiện nay có khoảng 5.000 mỏ với trên 60 loại khoáng sản khác nhau[2]. Tính đến 2010 diện tích rừng của cả nước chỉ còn khoảng 11,5 triệu ha trong đó 84% là rừng tự nhiên có đến 2/3 diện tích được coi là nghèo. Bờ biển nước ta có chiều dài trên 3.260 km với diện tích vùng, biển rộng trên 1 triệu km2.[3]. Kinh tế vùng biển đảo ở nước ta đã chiếm từ 47 – 48% GDP cả nước trong đó dầu khí, hải sản, hàng hải chiếm đến 98%[4]. Đánh giá giá trị kinh tế - sinh thái của các rạn san hô ở Việt Nam (ở Hòn Mun, vịnh Nha Trang) là 111,352 ngàn USD/km2.[5] Trữ lượng tiềm năng dự báo khoảng 900 – 1.200 tỷ m3 dầu, 2100 – 2800 tỷ m3 khí[6]. Những tài nguyên trên nếu biết khai thác hợp lý, khoa học sẽ trở thành điều kiện tốt cho sự phát triển kinh tế bền vững. Rất tiếc trong những năm qua do ý thức của người dân về tài nguyên chưa đúng và nhất là do quản lý, chúng ta đã làm cho tài nguyên ngày càng cạn kiệt và gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
2.3. Môi trường giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ với sự phát triển kinh tế
Mác đã từng nhấn mạnh: “Khoa học là động lực của lịch sử”, “lao động lành nghề là bội số của lao động giản đơn, giáo dục – đào tạo sẽ tạo ra lao động lành nghề cho sự phát triển kinh tế”. Sự xác định đó ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đại hội lần thứ XI của Đảng ta cũng khẳng định: “Giáo dục – đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam… Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại bảo vệ tài nguyên môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sự cạnh tranh của nền kinh tế[7], vì vậy việc tạo ra môi trường giáo dục – đào tạo lành mạnh theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế sẽ là điều kiện cho việc phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - trung tâm, động lực cho sự phát triển kinh tế. Ở các nước phát triển giáo dục – đào tạo đã góp trên 75% cho sự phát triển kinh tế. Xây dựng môi trường khoa học – công nghệ sẽ tạo điều kiện cần và đủ để khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trên thế giới vào sự phát triển kinh tế và nếu như hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thì nó sẽ trở thành động lực cho sự tăng trưởng kinh tế, xây dựng kinh tế tri thức. Ở các nước phát triển khi tạo lập được môi trường khoa học – công nghệ và giáo dục đào tạo trên 10.000 công ty độc quyền xuyên quốc gia làm chủ 9/10 kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thế giới đã chi phối kiểm soát 2/3 thương mại thế giới, 4/5 nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài[8]. Như vậy, có thể nói môi trường giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ sẽ tạo ra điều kiện cần và đủ cho sự phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ phát triển, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ đến lượt mình tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
2.4. Môi trường đạo đức và thẩm mỹ với sự phát triển kinh tế
Đạo đức xã hội, vấn đề thẩm mỹ một lĩnh vực tưởng chừng như xa vời đối với sự phát triển kinh tế nhưng thực ra nó rất gần và được xem là nhân tố không thể thiếu được cho sự phát triển kinh tế. Khổng Tử cách chúng ta trên 2.500 năm đã nhìn thấy được điều này. Ông đã viết: Đạo làm ra của cải vật chất là: những người làm ra của cải vật chất ngày càng nhiều, những người ăn tiêu phung phí ngày càng ít. Ấy là đạo của của cải vật chất. Như vậy, theo Khổng Tử cần kiệm cũng là một động lực của sự phát triển kinh tế. Ngày nay, Đảng ta cũng rất quan tâm đến lĩnh vực đạo đức và cho rằng tham nhũng, lãng phí là một trong những nguy cơ không chỉ dẫn đến sự đổ vỡ chế độ mà còn là lực cản cho sự phát triển kinh tế. Còn cái đẹp, cái thẩm mỹ cũng vậy, nó không chỉ làm tăng vẻ đẹp của các sản phẩm mà còn làm cho các giá trị các sản phẩm làm ra ngày càng có giá trị kinh tế cao hơn. Một bộ comle, một đôi giầy, một chiếc cặp làm việc, một laptop, một bộ salon trang nhã, hợp thời trang được sản xuất theo quy luật của cái đẹp giá trị kinh tế sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với các sản phẩm bình thường. Vấn đề còn lại là làm thế nào để tạo ra môi trường đạo đức trong sáng, môi trường thẩm mỹ lành mạnh để tạo ra điều kiện tạo thành động lực cho sự phát triển kinh tế. Đúng như Đảng ta xác định: Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế… Hoàn thiện hệ thống chính sách, kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội; thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể đảm bảo phát triển nhanh, bền vững
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: