Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa Đảng và dân
“Đảng với dân như cá với nước”
Quan hệ giữa Đảng với dân là quan hệ xã hội đặc biệt, được hình thành và phát triển trong cách mạng vô sản. Vì vậy mối quan hệ giữa Đảng và dân là một phạm trù lịch sử. Trong mối quan hệ giữa Đảng và dân thì Đảng là một thực thể chính trị, dân là một thực thể xã hội không đồng nhất. Giữa hai thực thể đó có quan hệ biện chứng ràng buộc, phụ thuộc tác động qua lại lẫn nhau. Cái này lấy cái kia làm tiền đề tồn tại của mình. Để thoát khỏi thân phận nô lệ thành người chủ của đất nước, nhân dân ta chỉ có con đường duy nhất là đứng lên làm cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng chân chính theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Còn Đảng muốn tồn tại, muốn khẳng định vai trò trách nhiệm của mình đối với xã hội, muốn làm nên sự nghiệp vẻ vang lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đổ ách thống trị của thực dân phong kiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc ấm no cho nhân dân, xây dựng xã hội mới thì Đảng phải dựa vào nhân dân. có dựa vào nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân thì Đảng mới có sinh khí và sức mạnh. Vì vậy giữa hai thực thể Đảng và dân, vừa có tính thống nhất vừa có mâu thuẫn biện chứng. Tính thống nhất thể hiện ở chỗ:
* Đảng không có mục đích tự thân, Đảng ra đời là do đòi hỏi khách quan, đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống, do nhu cầu được giải phóng của nhân dân.
* Sự gắn bó giữa Đảng và dân có cơ sở sâu xa ở sự thống nhất về những lợi ích căn bản. Mục tiêu lý tưởng của Đảng là phụng sự những lợi ích của giai cấp của dân tộc như Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định.
* Theo Hồ Chí Minh, Đảng cũng ở trong xã hội, từ nhân dân mà ra, từ trung ương đến xã đều có dân tổ chức nên vì vậy Đảng mạnh hay yếu là ở dân; Đảng anh hùng vì có dân anh hùng.
* Nhân dân chính là cuội nguồn sức mạnh của Đảng, là nguồn gốc tạo nên thắng lợi của cách mạng “khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thành công hoàn toàn”. Vì vậy Đảng phải dựa vào dân, không được xa rời dân.
* Chính Đảng là bộ phận ưu tú nhất của giai cấp công nhân, người đại diện cho trí tuệ của nhân dân. Sự gắn bó trong quan hệ giữa Đảng và dân là sự cộng lực của trí tuệ và lực lượng. Hồ Chí Minh ví quan hệ giữa Đảng và dân như quan hệ của “người chèo” và “người lái” trên con thuyền cách mạng. Nếu chỉ có người chèo mà không có người lái thì con thuyền không chạy được. Cho nên người chèo và người lái phải đoàn kết với nhau.
* Bên cạnh tính thống nhất trên, giữa Đảng và dân có những khác biệt: Đảng là chủ thể lãnh đạo, còn dân là đối tượng lãnh đạo. Đảng bao gồm những phần tử ưu tú, có kỷ luật và có tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân. Đảng viên là những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm phục vụ trước dân. Còn dân là thực thể xã hội không đồng nhất và thuần nhất. Trong nhân dân có nhiều tầng lớp, nhiều trình độ và sự giác ngộ khác nhau. Vì vậy giữa Đảng và dân có quy định ràng buộc tác động qua lại lẫn nhau một cách biện chứng. Trong tư duy về mối quan hệ biện chứng giữa Đảng và nhân dân, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tới tính toàn diện của công tác củng cố và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng mạnh để lãnh đạo nhân dân lãnh đạo cách mạng. Mặt khác Người luôn coi trọng việc nâng cao sức mạnh của nhân dân. Đó là hai mặt của sự thống nhất biện chứng tạo nên sức mạnh chung của Đảng và nhân dân trong cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, Đảng có mạnh thì mới đủ uy tín và khả năng thu hút tập hợp nhân dân làm cách mạng.
Có nhiều sức mạnh tạo nên sức mạnh của Đảng nhưng trước hết là ở bản thân Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng ngoài việc trang bị học thuyết Mác-Lênin, thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho giai cấp vô sản và các lực lượng cách mạng, trong Đảng phải bao gồm những phần tử ưu tú nhất, giác ngộ nhất, có kỷ luật nhất và tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp. Những đảng viên của Đảng là những người tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, trí tuệ của dân tộc, hết lòng phục vụ nhân dân, biết chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. đó là những người luôn nêu cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, tin tưởng vào nhân dân, biết tổ chức giáo dục nhân dân, biết học hỏi nhân dân, thường xuyên lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nhân dân, đoàn kết nhân dân thành một khối mặt trận thống nhất toàn dân.
Trong nội bộ Đảng phải đoàn kết chặt chẽ trên nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên thực hiện phê bình và tự phê bình một cách chân thật nhất, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, chủ quan, bệnh quan liêu xa rời quần chúng. Chỉ có như vậy Đảng mới có sức mạnh chinh phục và thu phục được mọi người theo mục tiêu lý tưởng của mình.
Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: sức mạnh của Đảng do nơi dân mà có. Sức mạnh đó được thể hiện ở quyền lực chính trị của Đảng. Quyền lực đó chính là do dân uỷ thác cho Đảng.
Tư tưởng về sức mạnh, quyền lực của người lãnh đạo, của Đảng là sự uỷ thác của nhân dân, là một tư tưởng lớn, biện chứng và nhất quán ở Hồ Chí Minh. Đó chính là tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp giải phóng con người một cách triệt để nhất, hoàn thiện nhất. Điều đó chứng tỏ Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra vấn đề cốt lõi, vấn đề bản chất của dân chủ cách mạng là quyền lực phải thuộc về nhân dân. Liên hệ với quần chúng, chăm lo củng cố hoàn thiện mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là mối quan tâm thường xuyên lớn nhất của Hồ Chí Minh. Giữ vững và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là một quá trình liên tục, bền bỉ phấn đấu của Đảng, là sự tác động qua lại giữa Đảng và nhân dân .Song trong mối quan hệ đó, Đảng có trách nhiệm chính đảng phải chủ động mật thiết liên hệ quần chúng, kiên quyết giữ vững liên minh công nông trong các giai đoạn cách mạng, đảm bảo thực hiện Mặt trận dân tộc thống nhất chặt chẽ và rộng rãi, đoàn kết tất cả mọi người yêu nước.
Chính vì những lẽ đó, Hồ Chí Minh đã rút ra những kết luận: Đảng mạnh tức là dân mạnh, dân mạnh thì Đảng mạnh. Đảng mạnh thì nhất định chúng ta thắng lợi.
Luận điểm trên đây vừa mang tính biện chứng sâu sắc, vừa liên quan đến một kết luận khác được rút ra từ thực tiễn cách mạng việt nam của Hồ Chí Minh là: “ Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác-Lênin”.
Trách nhiệm của Đảng là phải chăm lo củng cố sức mạnh của dân. Nhưng muốn có dân mạnh thì dân phải được giác ngộ, được tổ chức lãnh đạo. Hồ Chí Minh đã quan tâm tới nhân dân một cách toàn diện. Người nói nhiều tới vấn đề giáo dục, nâng đỡ dân vì ngót một thập kỷ xâm lược nước ta thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn để “ hủ hoá dân tộc bằng nhiều thói xấu khác nhau”. Với âm mưu thâm độc “lấy tôn giáo và văn hoá làm cho dân ngu”, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy chính sách cai trị để chia rẽ nhân dân, thực dân Pháp đã để lại hậu quả nặng nề cho nhân dân ta. Do vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới là phải giáo dục lại nhân dân, làm cho dân tộc ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.
Trong giáo dục, điều quan trong trước tiên là phải thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin cho dân để nhân dân giác ngộ lý tưởng của Đảng. Có hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin mới có cơ sở nhận nhức đúng đắn mục tiêu của cách mạng, Vì chủ nghĩa Mác-Lênin soi phương hướng đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đường lối đúng đắn thì việc làm mới đúng, mới tích cực, tự giác, mới dũng cảm hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin chính là cơ sở tạo nên sự nhất trí giữa Đảng với nhân dân, là cơ sở tạo nên sức mạnh vô địch của đảng, của cách mạng, đồng thời cũng là cơ sở để sống với nhau có tình có nghĩa.
Giác ngộ nhân dân, còn phải nâng cao trình độ văn hoá, trình độ dân trí cho nhân dân, Hồ Chí Minh cho rằng một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, vì dốt nát cũng là giặc, giặc “nội xâm” rất nguy hiểm, nó làm yếu dân tộc từ bên trong.
Theo Người, chính sự yếu kém về văn hoá là cản trở chủ yếu khiến dân ta không hiểu căn nguyên nỗi khổ của mình, thậm chí không hiểu ngay sức mạnh của mình, không hiểu quyền hạn và bổn phận của mình trước Tổ quốc. Chính vì lẽ đó, nâng cao dân trí là một quan điểm rất quan trọng của Hồ Chí Minh trong việc củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Đúng như Lênin đã nói “Người không biết chữ đứng ngoài chính trị”. Đân trí càng cao bao nhiêu thì Đảng càng ở tầm cao bấy nhiêu.Cố nhiên nhiều lúc trí tuệ của Đảng phải đi trước dân trí, vì Đảng là bộ phận tinh tuý nhất của dân. Chính vì vậy ngay sau khi nước nhà được độc lập, Hồ Chí Minh kêu gọi dân chúng phải hăng hái học tập để nhanh chóng xoá nạn mù chữ và nâng cao trình độ văn hoá.
Chính nhờ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những phẩm chất giá trị mới của thời đại được bổ sung mà nhân dân ta có tầm trí tuệ mới, và trên cái nền trí tuệ của nhân dân ta, Đảng ta thực sự trở thành trí tuệ của cả dân tộc. Đó chính là kết quả của quá trình không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: