Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng và dân
Các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ: mọi học thuyết tư tưởng ra đời, một mặt là sự kế thừa những học thuyết trước đó, mặt khác là sự phản ánh quy luật vận động của hiện thực, đồng thời là kết quả của hoạt động nhận thức sáng tạo của một con người gắn với phẩm chất, nhân cách cá nhân, phản ánh ý chí nguyện vọng của một giai cấp, một dân tộc trong một thời đại nhất định. Do vậy khi nghiên cứu nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ Đảng và dân nói riêng, ta nên chú trọng nguồn gốc tư tưởng đó.
Trước hết là truyền thống văn hoá Việt Nam, nổi bật là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, cố kết dân tộc đã được hun đúc qua hàng ngàn năm đấu tranh để bảo vệ độc lập dân tộc. Trải qua mấy nghìn năm giữ nước và dựng nước, đất nước Việt Nam đã trở thành Tổ quốc thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Chính sức mạnh yêu nước của nhân dân đã thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Đó cũng là động lực tư tưởng, tình cảm chi phối mọi suy nghĩ, hành động của Người trong suốt cả cuộc đời mình. Đặc biệt là truyền thống đặc sắc và tiến bộ về vai trò và sức mạnh của dân , coi dân là gốc của nước như Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn đã nêu, là một trong những nguồn gốc chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành tư tưởng của Người về mối quan hệ với dân sau này. Ngoài truyền thống dân tộc, Hồ Chí Minh còn chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Đông (đặc biệt là Nho giáo), Người đã tiếp thu và kế thừa có phê phán tư tưởng dân chủ, nhân văn của văn hoá phục hưng của cách mạng tư sản phương Tây. Người biết kế thừa, phê phán, chọn lọc, không bao giờ sao chép máy móc, cũng không phủ định một cách đơn giản mà có sự phân tích sâu sắc để tìm ra những yếu tố tích cực làm giàu với kiến thức và hành trang tư tưởng của mình.
Ngay khi ấu thơ, Người đã tiếp thu triết lý đạo đức Khổng - Mạnh. Hồ Chí Minh đã học hỏi nhiều nhất là mệnh đề “Trung - Hiếu”, đặc biệt là quan niệm “dân là gốc của nước - gốc vững thì nước yên”, “vua là thuyền, thứ dân là nước, nước chở thuyền nước cũng lật thuyền”. Hồ Chí Minh rất tâm đắc những tư tưởng nói về vai trò của nhân dân trong lịch sử, trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Từ lúc 13 tuổi, Hồ Chí Minh đã biết khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” của đại cách mạng Pháp và văn minh phương Tây, đã gợi tư duy của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khiến Người muốn sang phương Tây để tìm hiểu thực chất khẩu hiệu đó. Trong 10 năm bôn ba hải ngoại tìm tòi, học hỏi, hoạt động xã hội, Hồ Chí Minh đã rút ra những nhận xét, đánh giá, tìm ra những tinh hoa tốt đẹp cần phải tiếp thu. Năm 1924, Hồ Chí Minh đến Quảng Châu - trung tâm cách mạng Trung Quốc, Người có điều kiện tiếp xúc với chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Người thấy ở chủ nghĩa Tam dân “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Người xem đó là những tư tưởng tiến bộ có thể vận dụng vào cách mạng Việt Nam, và khẩu hiệu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tiêu ngữ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được Hồ Chí Minh rút ra từ đây.
Nguồn gốc lý luận quyết định bước phát triển mới của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là bước ngoặt cơ bản trong quá trình tìm đường cứu nước và quá trình phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh. Thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lênin đã giúp Hồ Chí Minh tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Người chỉ rõ: chúng ta giành được thắng lợi do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng chúng ta giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin. Bởi chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng: “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân ”, “quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử”.
Có thể nói chính từ trong hoạt động thực tiễn mà từng bước Hồ Chí Minh đã tìm ra quy luật, khái quát nhận thức của mình thành lý luận. Lý luận ấy lại được Hồ Chí Minh vận dụng và kiểm nghiệm trong thực tiễn.
Hồ Chí Minh có cuộc sống và hoạt động thực tiễn đa dạng, phong phú gắn liền với mọi thời kỳ lịch sử sôi động của dân tộc và thời đại. Người đi nhiều nơi, làm nhiều việc, phụ trách nhiều cương vị khác nhau, đặc biệt là Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm. Chính thực tiễn ấy đã đem lại cho Hồ Chí Minh vốn hiểu biết về nhiều mặt. Người đã rút ra chân lý vĩ đại: muốn cách mạng thành công phải có đảng lãnh đạo, đảng phải có mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân thì đảng mới làm tròn nhiệm vụ lịch sử của mình.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: