Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Mối quan hệ giữa Đảng và dân (II)
1. Khái niệm về dân trong lịch sử và một số quan điểm về dân
a. Khái niệm về dân
Trước tiên cần phải bàn về khái niệm dân, vì đây là học thuyết rất cơ bản trong tư tưởng chính trị xã hội phương Đông mà Hồ Chí Minh đã dùng rất nhiều. Khái niệm này đã xuất phát từ xa xưa, được sử dụng rất phổ biến trong các thư tịch của Nho giáo Trung Hoa, trong các di sản văn thơ của ông cha ta và trong văn học dân gian qua các thời kỳ lịch sử. Khái niệm này còn được dùng thường xuyên trong ngôn ngữ hiện đại đời thường, trong báo chí và cả trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, để làm rõ được một khái niệm cũng không đơn giản. Khái niệm thường được biểu hiện bằng một từ, mà một từ thường có nhiều nghĩa. Dân là một khái niệm chính trị - xã hội vừa có nhiều nghĩa và vừa có những khái niệm khác tương ứng có thể dùng thay thế được trong những trường hợp nhất định. (Ví dụ: Nhà nước của dân, do dân, vì dân).
Nhân dân là một khái niệm có ý nghĩa chính trị tức là một khái niệm nói về một xã hội đã phân chia thành giai cấp, thành các tập đoàn người có địa vị và lợi ích khác nhau.
Nhân dân không đồng nhất với dân cư. Nhân dân là khối người đông đảo trong dân cư, tức là phần lớn dân cư chứ không phải toàn bộ dân cư.
Nhân dân gồm những người thuộc các giai cấp và tầng lớp lao động không bóc lột, trực tiếp sản xuất ra của cải cho xã hội, có khả năng tham gia giải quyết những nhiệm vụ phát triển tiến bộ xã hội.
Quan niệm về nhân dân như trên là phù hợp với một quan niệm của Hồ Chí minh khi người khẳng định: “Nhân dân và quốc dân là khác nhau. Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước. Đó là nền tảng của quốc dân”. Quan niệm đó cũng phù hợp với tư tưởng chủ nghĩa Mác, như Lênin đã nói “Khi dùng danh từ nhân dân, Mác thông qua danh từ ấy xoá mờ tất cả sự khác biệt về giai cấp, Mác đã gộp vào danh từ ấy những thành phần nhất định, có khả năng làm cách mạng đến cùng”
Như vậy có thể nói khát quát, Dân là một khái niệm xuất hiện và tồn tại trong xã hội đã có giai cấp, có nhà nước, đó là khái niệm chỉ người: lao động bình thường, đông đảo không có chức quyền và đối diện với những người cầm quyền cai trị ở các địa bàn kinh tế, các nghề nghiệp khác nhau trong các lĩnh vực sản xuất vật chất và hoạt động tinh thần của xã hội nhất định. Do đó khái niệm Dân mang màu sắc và ý nghĩa chính trị khá rõ rệt, phần nào phản ánh mối quan hệ giữa các giai cấp trong xã hội. với ý nghĩa đó, có thể nói khái niệm dân đồng nhất với khái niệm nhân dân, dân chúng, quần chúng, đồng bào. Những khái niệm này Bác Hồ dùng đồng nghĩa. Nhưng Bác hay dùng từ Dân vì nó ngắn gọn và quen với cách nói hàng ngày của người Việt Nam. Dân theo Bác là mọi con dân nước Việt, không phân biệt tầng lớp, giai cấp. Như vậy Dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một phạm trù rộng mà vẫn bao hàm và thể hiện tính giai cấp.
Qua đấy ta có thể thấy tư tưởng về Dân của Hồ Chí Minh rất phong phú và độc đáo. Ở Người đó không phải là tư tưởng bẩm sinh vốn có mà đó chính là kết quả của cả quá trình lâu dài Hồ Chí Minh nghiên cứu học tập, suy nghĩ chọn lọc, kế thừa những tư tưởng về dân trong lịch sử được vận dụng phù hợp với những yêu cầu mới về thời đại trên cơ sở lòng yêu nước thương dân nồng nhiệt của người. Vì vậy rất cần thiết phải điểm qua những tư tưởng chủ yếu về dân trong lịch sử để từ đó có cơ sở hiểu sâu thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về dân.
b. Những quan điểm khác nhau về dân trong lịch sử
Trong các học thuyết lớn về xã hội, nhất là trong các giới cầm quyền và những người có chức, có quyền xưa nay đều nói về dân và về vai trò của dân với những quan điểm và thái độ rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau quan điểm và thái độ đối với dân. Vì vậy, trở thành một tiêu chí rất cơ bản để đánh giá sự tiến bộ hay bảo thủ, phản động của một học thuyết, một giai cấp, một chính đảng, một nhà hoạt động chính trị xã hội nhất định.
* Trong tư tưởng Triết học cổ đại Trung Hoa, vai trò của dân trong quan hệ với nước, với vua, đã có một số nhà triết học tiêu biểu Nho giáo nêu cao trong tư tưởng chính trị cách đây hơn 2000 năm. Kinh thi, một cuốn sách kinh điển của Nho giáo có nói: “Dân là gốc của nước, gốc vững thì nước yên”.
Sách Đạo học và Trung dung nhắc lại lời của Kinh thi “Được dân chúng thời được nước; mất dân chúng thời mất nước” (Đạo học trung dung Nho giáo - Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1964).
Khổng Tử - nhà triết học lớn của Trung Quốc thời Xuân Thu, một người có học vấn uyên bác, được tôn sùng là bậc thánh nhân của Nho giáo đã có tư tưởng đề cao vai trò của dân, đồng thời đề cao trách nhiệm của vua đối với dân. Ông cho rằng điều kiện quan trọng nhất đối với nhà cầm quyền là phải được lòng dân, phải biết dưỡng dân, phải chăm lo cải thiện đời sống cho dân và phải biết giáo dân. Dưỡng dân là phải biết “sử dân dĩ thì” tức là sai khiến dân làm việc gì phải kịp thời, phải tuỳ lúc, chịu khó lo liệu giúp đỡ dân và làm cho dân giàu.
Mạnh Tử - một đại biểu xuất sắc của Nho giáo đã bàn luận rất nhiều về dân, ông cho rằng mọi chế độ đều phải nhằm vào lợi ích của dân. Vì lợi ích của dân cũng là lý do tồn tại của Thiên tử, chư hầu. Mạnh Tử đã khẳng định vị trí hàng đầu của dân trong mối quan hệ giữa dân với xã tắc với vua. “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, nghĩa là: dân là quý hơn hết, xã tắc là thứ hai, vua là thường. Mạnh Tử cho rằng quan trọng nhất là được dân hay mất dân. Ông rất chú trọng dốc lòng thương yêu dân, thái độ dân chân thực đối với dân của những người cầm quyền. Ông yêu cầu những người cầm quyền phải biết vui sự vui của dân và lo sự lo của dân. Mạnh Tử coi việc cải thiện đời sống của dân là “điều gốc” là trách nhiệm của người cầm quyền, ông còn nói cụ thể hơn về việc cải thiện đời sống của dân, làm cho ai nấy đều đủ cơm ăn, áo mặc, bằng cách người cầm quyền phải chú trọng điều kiện sản xuất .
* Lịch sử Việt Nam có những tư tưởng truyền thống đặc sắc và tiến bộ về vai trò và sức mạnh của dân, coi dân là gốc của nước. Dân gian Việt Nam từ xưa đã có câu “quan nhất thời, dân vạn đại” thể hiện một quan niệm triết lý, một tư tưởng triết học sâu sắc. “Dân vạn đại” nghĩa là dân đã xuất hiện ngay từ khi có xã hội loài người và có dân, còn dân thì mới có xã hội, còn xã hội . “Quan nhất thời” nghĩa là quan chỉ xuất hiện, chỉ trở thành một tầng lớp khi xã hội đã có giai cấp, có nhà nước, và trong tầng lớp quan lại thì mỗi một ông quan cũng chỉ tồn tại ở một thời hạn nhất định so với sự tồn tại “vạn đại” của dân, của xã hội . Xét về gốc tích thì quan lại cũng không phải từ trên trời rơi xuống mà đều gắn với dân, đều từ dân, “quan sang cũng ở làng mà ra”. Vì là “nhất thời” nên quan nào thì cũng đều là “hết quan hoàn dân” nghĩa là khi thôi làm quan thì sẽ làm dân, về sống với dân.
Nhân dân lao động cũng tự ý thức được vai trò và sức mạnh của mình. Từ truyền thuyết Thánh Gióng nhờ nhân dân nuôi dưỡng và cung cấp vũ khí đã đánh thắng giặc Ân. Truyền thuyết Mỵ Châu Trọng Thuỷ nêu lên bài học chủ quan, mất cảnh giác, chỉ dựa vào vũ khí, không dựa vào sức mạnh của dân nên mất nước.
Cho đến các triều đại phong kiến sau này ở giai đoạn hưng thịnh đều có quan điểm về dân đúng đắn, tích cực đã được dân ủng hộ đánh đuổi giặc ngoại xâm - xây dựng đất nước, củng cố được vương triều vững mạnh.
Nhà Trần thế kỷ XIII ba lần đại thắng quân Nguyên Mông hung hãn. Yếu tố cơ bản của thắng lợi đó như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã ghi rõ là do: “vua tôi đồng tâm, anh em hoà thuận, cả nước góp sức”. “Cả nước góp sức” chính là sức mạnh của toàn dân được huy động. Trần Quốc Tuấn còn nêu tư tưởng đặc sắc khi khuyến tấu vua Trần “khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”.
Đầu thế kỷ XV, Hồ Quý Ly do không đoàn kết được toàn dân, lòng dân ly tán nên cuộc kháng chiến chống quân Minh bị thất bại. Đúng như Hồ Nguyên Trừng đã nói “thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”.
Nguyễn Trãi - một nhà văn hoá lớn, một anh hùng của dân tộc ta thế kỷ XV đã nêu ra những tư tưởng sâu sắc về vai trò và sức mạnh của dân. Sau khi cùng Lê lợi lãnh đạo của kháng chiến 10 năm chống quân minh thắng lợi, ông viết bài “Bình Ngô Đại Cáo” hùng tráng với hai câu mở đầu nói về tư tưởng an dân, muốn an dân thì trước hết phải trừ bạo ngược: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Nói về sức mạnh của dân, ông đã nêu lên tư tưởng tiến bộ, vì dân như nước, các triều đại phong kiến cũng như con thuyền, thuyền nổi được là nhờ nước. Nước có tác dụng chở thuyền, nhưng cũng có sức mạnh lật thuyền “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà thơ triết lý của dân tộc ta ở thế kỷ XVI đã từng khẳng định lại tư tưởng trọng dân, một tư tưởng tiến bộ của Nho giáo: “Cổ lai quốc dĩ dân vi bản” tức là “xưa nay nước lấy dân làm gốc”. Đầu thế kỷ XX khi thực dân Pháp đặt ách thống trị lên đất nước ta, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta bùng lên mạnh mẽ. Cụ Phan Bội Châu, một chí sĩ yêu nước nồng nhiệt, trong con đường cứu nước, cứu dân, Cụ đã gửi quốc dân đồng bào một lá thư đầy tâm huyết. Cụ có quan niệm sâu sắc, chí lý về dân, về nước thể hiện tư tưởng “khinh quân trọng dân”, “ái quốc, ái quần” rất rõ rệt. Cụ chỉ ra ba nguyên nhân mất nước đó là: “Một là vua sự dân chẳng biết. Hai là quan chẳng thiết gì dân. Ba là dân chỉ biết dân. Mặc quân với quốc, mặc thần với ai”. Đặc biệt Cụ thấy vai trò to lớn của dân, không thể thiếu dân: “Sông xứ Bắc, bể phương Đông. Nếu không dân cũng là không có gì”. Và Cụ gắn dân với nước, dân có trách nhiệm với sự hưng thịnh của đất nước: “Nghìn muôn ứng triệu người chung góp. Xây dựng nên công nghiệp nước nhà. Người dân ta, của dân ta. Dân là dân nước, nước là nước dân”.
Có thể nói thông qua “Hải ngoại huyết thư” chúng ta thấy Phan Bội Châu đã coi dân là gốc của nước, dân chúng là lực lượng có ý thức về trách nhiệm cao cả của mình. trách nhiệm của quốc dân đồng bào.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: