Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Ảnh hưởng của các tôn giáo đối với đời sống của nhân dân
Quảng Nam
Trong quá trình du nhập và phát triển các tôn giáo đã ảnh hưởng, tác động đến đời sống của nhân dân địa phương trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề mang tính tôn giáo thuần túy đến vấn đề lợi dung tôn giáo để làm trái pháp luật; những tác động/xung đột về mặt văn hóa; những ảnh hưởng về kinh tế, đến những thay đổi về mặt xã hội; những tác động có thể nhìn thấy và cả những yếu tố tiềm ẩn trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tất nhiên, khách quan để nhìn nhận thì những ảnh hưởng đó biểu hiện cả trên hai phương diện: tích cực và tiêu cực.
Về chính trị, tư tưởng, sự phát triển của các tôn giáo và việc được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân làm tăng thêm lòng tin của đồng bào có đạo đối với Đảng và Nhà nước. Đồng bào có tôn giáo vừa an tâm theo tôn giáo mà mình đặt lòng tin, nhưng cũng an tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sống hoà hợp với đồng bào không có tôn giáo, cũng như đồng bào thuộc các tôn giáo khác. Những tư tưởng nhân ái, dân chủ, đề cao công bằng xã hội, khuyến khích con người hướng thiện, hăng say lao động sản xuất để phụng sự đất nước,… những đặc điểm tiến bộ ấy có ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội của quần chúng tín đồ trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, một số cá nhân, nhóm người thuộc các tôn giáo bị các thế lực thù địch mua chuộc đã có không ít hành động mị dân, lôi kéo đồng bào có đạo thực hiện các hành vi chống phá chế độ, gây mất trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, ở vùng sâu vùng xa, hoạt động truyền giáo, từ thiện, xã hội... của các cá nhân và tổ chức tôn giáo (có sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài) dẫn đến kết quả cuộc sống của một số gia đình quần chúng có đạo có giảm bớt khó khăn (chủ yếu trong những thời điểm ngặt nghèo). Song, đây cũng chính là nơi có quan hệ đóng kín nhất, tư tưởng cách mạng và chủ nghĩa xã hội là những vấn đề còn xa lạ với nhận thức của không ít đồng bào.
Về kinh tế, văn hoá, xã hội, nét ảnh hưởng tích cực của các tôn giáo đối trên các lĩnh vực này đối với nhân dân chính là tư tưởng hướng thiện, bác ái, khuyến khích quần chúng có đạo chăm chỉ lao động sản xuất, biết vận dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để làm ra ngày càng nhiều của cải. Các tôn giáo ngoài việc truyền đạo đã đặc biệt chú trọng hơn đến việc hỗ trợ, giúp đỡ các tín đồ làm ăn phát triển kinh tế. Việc tổ chức tôn giáo thường xuyên có những hoạt động từ thiện hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào trong những lúc hoạn nạn khó khăn, thiên tai lũ lụt,….ít nhiều cũng góp phần cùng với chính quyền địa phương giải quyết những khó khăn cấp bách trước mắt về kinh tế cho đồng bào. Những luật lệ, nghi lễ tiến bộ của các tôn giáo với tính hướng thiện rất cao đã góp phần bài trừ, hạn chế được tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, uống rượu, quan hệ nam nữ bất chính, bỏ được cúng bái tốn kém khi có người chết hoặc ốm đau, và một số tập tục kiêng cử do mê tín.
Tôn giáo nếu không bị lợi dụng thì hoàn toàn đáp ứng những nhu cầu về tâm linh của con người, thuần tuý tôn giáo và không làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của đồng bào có đạo, cũng như không tiềm ẩn những nguy cơ đối với cộng đồng xã hội. Ví như đối với đạo Tin Lành, trong hoàn cảnh dồn dân lập ấp chiến lược thời chiến của Mỹ-ngụy, lợi dụng ưu thế kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển cao và bằng cách phân phát của cải vật chất cho đồng bào trong ấp chiến lược, đã tạo nên một lối sống ăn bám, ích kỷ, tâm lý sùng bái Mỹ, sùng bái vật chất - đặc biệt đối với thế hệ thanh thiếu niên, tư tưởng cá nhân và lối sống Mỹ đã xâm nhập, ảnh hưởng một cách sâu sắc. Việc lợi dụng tôn giáo trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch chủ yếu dùng đồng tiền và những luận điệu xuyên tạc hòng làm lung lạc ý chí của người Việt Nam, giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, làm tha hoá một bộ phận quần chúng có đạo.
Sự xâm nhập của một số tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo xuất phát từ phương Tây vốn có những nét khác biệt với nền văn hoá, nét sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống đã tồn tại từ lâu đời của người dân, dẫn đến hệ luỵ là phá vỡ trật tự cộng đồng; nghiêm trọng hơn có thể gây chia rẽ, phân hoá sâu sắc trong nội bộ nhân dân giữa người theo đạo với người không theo đạo (những từ “Lương” hay “đạo thờ Ông Bà” mà người dân Quảng Nam không theo tôn giáo đến nay vẫn còn quen dùngthể hiện sự phản ứng một thời của họ đối với Công giáo vàTin Lành. Trong khi đó, việc Nhà thờ Trà Kiệu vẫn tổ chức kỷ niệm ngày đức Mẹ hiện hình đã gợi lại những vấn đề lịch sử không tế nhị đối với phong trào Nghĩa hội ở Quảng Nam) và cản trở việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với tôn giáo của chính quyền địa phương. Trước đây và cả hiện nay, quá trình du nhập, phát triển của đạo Tin lành vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh dẫn đến cuộc đấu tranh khá gay gắt giữa đạo này với tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Giẻ-Triêng, Katu, Càdong, Mơnông... Khi theo đạo Tin lành thì lễ hội tín ngưỡng ở đây thay đổi hẳn. Hàng năm họ không còn ăn tết vào dịp cuối mùa gặt hái; họ coi lễ Noel, Phục Sinh là những lễ lớn nhất trong năm; tục đâm trâu cổ truyền với các nghi lễ đậm màu sắc dân tộc ở nhiều nơi không còn nữa. Trong nhiều buôn làng, hệ thống huyền thoại cổ truyền bị xuyên tạc, giải thích lại; hệ thống tín ngưỡng đa thần đã dần dần biến thành độc thần mà vị Giàng tối cao chính là Chúa Giêsu.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: