Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Kinh tế tri thức và đặc điểm của nền kinh tế tri thức
a. Kinh tế tri thức
Bên cạnh cách giải thích truyền thống về lịch sử phát triển nhân loại tiếp cận từ phương thức sản xuất xã hội, vào đầu những năm 90 thế kỷ XX nhiều nhà khoa học còn phân chia giai đoạn lịch sử văn minh nhân loại căn cứ vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Theo cách này, nhân loại đã trải qua nền văn minh nông nghiệp (từ khi xuất hiện xã hội loài người đến những năm 70 của thế kỷ XVIII) lên nền văn minh công nghiệp (từ những năm 70 thế kỷ XVIII đến nay) và đang trong giai đoạn quá độ chuyển lên một nền văn minh cao hơn gọi là nền văn minh trí tuệ. Trong đó, nền kinh tế được chuyển từ kinh tế nông nghiệp lên kinh tế công nghiệp và đang quá độ chuyển lên kinh tế tri thức.
Kinh tế tri thức là gì?
Vào đầu những năm 90 thế kỷ XX, do nhận thức về vai trò quan trọng hàng đầu của sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trong tăng trưởng kinh tế, các nhà khoa học và tổ chức thực tiễn đã sử dụng thuật ngữ “kinh tế tri thức”. Thuật ngữ này nhanh chóng được thừa nhận và đưa vào sử dụng rộng rãi. Tuy đã có nhiều quan niệm và giải thích khác nhau về thuật ngữ này, song các nhà khoa học đều có sự thống nhất trong nhận thức về bản chất của nền kinh tế tri thức khác với hai nền kinh tế trước nó. Nếu trong quá trình sản xuất của cải của nền kinh tế nông nghiệp dựa chủ yếu vào sức cơ bắp của con người và tài nguyên thiên nhiên, còn trong nền kinh tế công nghiệp tuy đã có sự trợ giúp của máy móc nhưng sức cơ bắp của con người và tài nguyên thiên nhiên vẫn giữ trọng yếu, thì trong nền kinh tế tri thức, tri thức đóng vai trò quyết định hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.
Trên thực tế, không có một nền kinh tế nông nghiệp hay nền kinh tế công nghiệp thuần túy. Tức là trong nền kinh tế nông nghiệp cũng đã chứa đựng một số yếu tố của nền kinh tế công nghiệp và trong nền kinh tế công nghiệp cũng vẫn còn một số yếu tố của nền kinh tế nông nghiệp. Trong nền kinh tế nông nghiệp, tri thức chủ yếu là những kinh nghiệm được tích lũy từ các hoạt động thực tế, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất đều hết sức thấp kém. So với nền kinh tế nông nghiệp, trong nền kinh tế công nghiệp, tri thức đã chiếm vị trí ngày càng quan trọng hơn. Nó không chỉ là kinh nghiệm từ các hoạt động thực tế, mà còn khám phá ra những quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy để đưa ra những sáng chế, phát minh nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trong nền kinh tế tri thức, tri thức là bộ phận nguồn lực quan trọng nhất, quyết định nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, mà trình độ phát triển của lực lượng sản xuất lại đóng vai trò quyết định sự phát triển xã hội.
b. Đặc điểm của nền kinh tế tri thức:
- Tri thức là nguồn vốn vô hình to lớn, quan trọng trong đầu tư phát triển, nền kinh tế dựa chủ yêu vào tri thức.
- Sáng tạo là động lực của sự phát triển.
- Nền kinh tế có tính chất toàn cầu hóa, trong đó mạng thông tin trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng nhất của xã hội.
- Sự di chuyển cơ cấu lao động theo hướng giảm số lao động trực tiếp làm ra của cải, tăng số lao động xử lý thông tin, làm dịch vụ, di chuyển sản phẩm và làm văn phòng.
- Học suốt đời, đào tạo liên tục, giáo dục thường xuyên để không ngừng phát triển tri thức, sáng tạo công nghệ mới, làm chủ công nghệ cao, hoàn thiện các kỹ năng, thích nghi nhanh với sự phát triển là một yêu cầu nghiêm ngặt; xã hội học tập là nền tảng của kinh tế tri thức.
- Tri thức hóa các quyết sách kinh tế.
- Khác với nền kinh tế công nghiệp, chủ thể là công nhân với các công cụ cơ khí, cho năng suất lao động cao; còn nền kinh tế tri thức, chủ thể là công nhân trí thức với công cụ là tạo ra tri thức, quảng bá tri thức và sử dụng tri thức.
-
Như vậy, nền kinh tế tri thức là một nền kinh tế tiếp nối nền kinh tế công nghiệp, phát triển ở trình độ cao hơn nền kinh tế công nghiệp, là nền kinh tế mà nhân loại đang hướng tới. Có thể hiểu kinh tế tri thức là một nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: