Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Một số giải pháp góp phần vào việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ hiện nay
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, do đó sự nghiệp trồng người không phải là sự nghiệp của riêng ai, riêng một tổ chức nào mà nó phải được xem là nghĩa vụ của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc góp phần xây dựng những nhân tố tích cực sẵn sàng cho một xã hội tương lai. Trong khuôn khổ bài viết nghiên cứu này thiết nghĩ cần có một số giải pháp cụ thể nhằm hướng đến hiệu quả của việc giáo dục đạo đức cho cá nhân trong xã hội nói chung và thế hệ trẻ nói riêng
Thứ nhất, cần có một sự nhận thức sâu sắc trong nhà trường và toàn xã hội về mục tiêu chiến lược của công tác giáo dục đạo đức - công dân mà nhà trường là lực lượng xung kích, trực tiếp làm nhiệm vụ này góp phần quan trọng tạo nên nhân phẩm, đạo đức, tư cách và nếp sống, sinh hoạt, học tập của lứa tuổi vị thành niên tạo lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển và hoàn chỉnh về mặt đạo đức cho chính các em ở lứa tuổi thanh niên, đó là môi trường quan trọng mà không tổ chức xã hội - chính trị nào có đủ điều kiện để giáo dục đạo đức bằng nhà trường phổ thông hiện nay. Trong đó:
- Cần khai thác triệt để những nội dung khoa học của các bộ môn có ý nghĩa và tác dụng trong giáo dục đạo đức của học sinh qua từng cấp học kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Thực hiện tốt mặt này nhà trường đã làm phong phú hơn về nội dung giáo dục đạo đức và làm tăng về số lượng lực lượng tham gia làm nhiệm vụ giáo dục đạo đức trong tòan trường nếu không muốn nói huy động toàn bộ các nhà sư phạm của trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức. Đồng thời phải thay đổi phương pháp giáo dục của môn đạo đức và giáo dục công dân trong các trường học hiện nay, hãy giáo dục một cách nghiêm túc và thành thật với chính những chủ nhân tương lai của đất nước, đó mới giải pháp giúp các em có thể nhìn nhận vấn đề vượt ra khỏi bốn bức tường của phòng học với khối lượng lý thuyết nặng nề và nhàm chán.
- Nhà trường phổ thông cần có sự phối hợp với gia đình, xã hội bằng những nội dung cụ thể , lộ trình thực hiện khả thi trong việc phối hợp các nguồn lực giáo dục đạo đức cho học sinh, như đã phân tích trên đây gia đình, xã hội và nhà trường từ bao đời nay trong tiến trình lịch sử dân tộc, lịch sử giáo dục luôn luôn có sự gắn kết chặt chẽ trong lĩnh vực giáo dục đạo đức cho trẻ vị thành niên.
- Nhà trường và các tổ chức xã hội cần hưởng ứng tích cực các cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, xây dựng thầy cô giáo là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo nhằm tạo một môi trường giáo dục lành mạnh trong sáng, tạo điều kiện tốt cho việc giáo dục kiến thức về đạo đức - công dân ở lớp học.
Thứ hai, cần có ý thức xây dựng gia đình như một tổ ấm thực sự của mọi con người, đó là nơi nuôi dưỡng, che chở, vun đắp và góp phần vào việc giáo dục cho các thành viên hướng đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, và trở thành một bộ giảm xóc hiệu quả cho xã hội. Đồng thời các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn trong việc tìm hiểu tâm lý và gần gũi với con cái, không nên chỉ chạy theo các giá trị hiện thực như học vấn hay tiền bạc mà còn phải chỉ cho con thấy những giá trị đích thực của tâm hồn.
Thứ ba, về phía xã hội khi muốn giáo dục một ai đó, trước tiên phải giáo dục được chính mình. Thế hệ trước luôn phải có ý thức rằng mình là một tấm gương để thế hệ trẻ noi theo. Làm được như thế xem như chúng ta đã thành công một phần không nhỏ trên con đường giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ hôm nay và đồng thời góp phần tự hoàn thiện chính bản thân mình.
- Phát huy mạnh mẽ vai trò của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và lực lượng của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp. Đây là lực lượng tham gia giáo dục đạo đức đầy hiệu quả vì nó giúp học sinh rèn luyện, kiểm tra về đạo đức trong hoạt động thực tiễn ở trường và ngoài xã hội thông qua các hoạt động phong phú, sáng tạo của Đoàn, Đội và Thầy cô giáo chủ nhiệm lớp. Với ý nghĩa này và để phát huy giá trị của vai trò của Đoàn, Đội, giáo viên chủ nhiệm nhà trường, phòng, sở, Đoàn, Đội ở quận, huyện, thành phố cần giúp đỡ thêm về kiến thức, phương pháp giáo dục đạo đức để đội ngũ này có điều kiện tham gia tốt công tác giáo dục đạo đức ở trường phổ thông các cấp. Mặt khác các tổ chức hội đoàn cần tạo ra những sân chơi bổ ích, thiết thực thu hút sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của lứa tuổi thanh thiếu niên sau những giờ lao động và học tập căng thẳng. Bên cạnh đó cần có những biện pháp quản lý tốt các tụ điểm vui chơi giải trí, lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội, triệt để truy quét tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự, v.v...
Xây dựng những hệ thống luật pháp chặt chẽ cụ thể nhằm tránh cho bọn tội phạm lợi dụng kẽ hở mà vi phạm, lách luật. Song cũng phải có những biện pháp trừng phạt cứng rắn bởi một lẽ trước khi tính đến sự hiệu quả của phép “đức trị” thì phải dùng “pháp trị” để làm gương trong xã hội trước đã.
Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước nên giáo dục đạo đức cho giới trẻ là cách chúng ta đào tạo ra những công dân tốt cho tổ quốc, là cách đầu tư tốt nhất cho tương lai của một đất nước. Giáo dục thế hệ trẻ ngay từ trong gia đình và trên ghế nhà trường luôn là điểm khởi đầu để một xã hội chuyển mình phát triển bền vững./.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: