Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Cấu trúc và sự phân định chức năng, thẩm quyền trong các nhân tố cấu thành HTCT nước ta
Trên cở sở lý thuyết hệ thống, chúng ta nhận thức rằng, trong lĩnh vực chính trị ở nước ta hiện nay, các tổ chức bộ máy quyền lực trong xã hội đã được xác lập vị thế nhất định trong một chỉnh thể, một hệ thống. Hệ thống theo nghĩa đó là sự xác lập một trật tự các mối quan hệ ngang- dọc, kể cả quan hệ lồng ghép, đan xen.
Theo chiều ngang, mỗi tổ chức tồn tại và hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật, nhưng không phải dàn đều mà trong HTCT mỗi cấp, tổ chức đảng (thường xuyên và trực tiếp là cấp uỷ ) có vai trò lãnh đạo, đồng thời chịu trách nhiệm cao nhất.
Theo trật tự chiều dọc, cao nhất là cấp trung ương và thấp nhất là cơ sở, cấp càng cao thẩm quyền càng lớn, nhưng xét theo ý nghĩa vai trò thì ở mọi cấp độ tồn tại của nó, HTCT và các bộ phận hợp thành luôn là nơi thể hiện tập trung sức mạnh, khả năng thực thi ý chí, lợi ích của Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta. Vai trò đó một mặt được thể hiện và thực hiện trên cơ sở thẩm quyền và chức năng của cả hệ thống, mặt khác được triển khai cụ thể thông qua chức năng, thẩm quyền của các bộ phận hợp thành hệ thống (đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội) và được chứng thực bằng chính chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức, bộ máy và của cả hệ thống.
HTCT ở nước ta hiện nay là một chỉnh thể thống nhất, gắn bó hữu cơ bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nên tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản, Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong HTCT.
Đảng lãnh đạo HTCT đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
-Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Đặc điểm của Nhà nước ta là tổ chức thể hiện, thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước định ra luật pháp, tổ chức quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng hoàn thiện hệ thống tổ chức nhà nước, cải cách bộ máy hành chính để thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý của Nhà nước.
Nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân... Tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Quyền lực của nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là trụ cột của HTCT - bao gồm Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, hệ thống tư pháp (Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân) và chính quyền các địa phương.
Ở nước ta, quyền lực nhà nước tập trung vào Quốc hội (cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất). Các cơ quan khác như Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát đều được Quốc hội cử ra, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội. Chính phủ còn là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Mặc dù quyền lực Nhà nước là thống nhất không thể phân chia, nhưng có phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cho các chủ thể quyền lực chủ động sáng tạo trong thực thi quyền lực Nhà nước.
-Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu của các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Mặt trận hoạt động theo phương thức hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên.
Các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội tùy theo tính chất, tôn chỉ và mục đích đã xác định, vừa vận động đoàn viên, hội viên giúp nhau chăm lo, bảo vệ các lợi ích thiết thực, vừa giáo dục nâng cao trình độ mọi mặt cho đoàn viên, hội viên, vừa tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội (nòng cốt là Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân), các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội khác tùy theo tính chất, đặc điểm mà có quy mô tổ chức phù hợp.
Những đặc điểm này vừa quy định kết cấu, tổ chức, vận hành và các mối quan hệ vừa cho thấy những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải giải quyết... vừa đặt ra những yêu cầu đổi mới và hoàn thiện HTCT nước ta. Những yêu cầu đó khác nhiều so với các HTCT khác.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: