Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
SỰ HÌNH THÀNH HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở NƯỚC TA SAU NĂM 1945
Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đánh dấu sự hình thành ở nước ta một HTCT mới- HTCT dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc hết sức rộng rãi- không phân biệt giống nòi, giai cấp, tôn giáo, ý thức hệ; đặt lợi ích của dân tộc là cao nhất. Với nhiệm vụ “Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội”. Trải qua nhiều biến động của tiến trình cách mạng, HTCT của nước ta đã có những sự thay đổi nhất định về hình thức tổ chức và phương thức vận hành.
Trong giai đọan đầu (1945-1954), vai trò lãnh đạo của Đảng trong HTCT được ẩn trong vai trò của Quốc hội và Chính phủ, trong vai trò của cá nhân Hồ Chí Minh và các đảng viên trong Chính phủ. Có một Mặt trận (Liên Việt) và nhiều tổ chức quần chúng rộng rãi, làm việc tự nguyện, không hưởng lương và không nhận kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách Nhà nước, do đó không có điều kiện công chức hóa, quan liêu hoá. Cơ sở kinh tế chủ yếu của HTCT dân chủ nhân dân là nền sản xuất tư nhân hàng hoá nhỏ, phân tán, tự cấp, tự túc; bị kinh tế thực dân và chiến tranh kìm hãm, chưa có viện trợ. Đã xuất hiện (ở một mức độ nhất định) sự giám sát và sự phản biện của hai đảng khác (Đảng Dân chủ và Đảng xã hội) đối với Đảng Cộng sản Việt Nam; mặt khác do nhu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nên nhìn chung trong hệ thống tổ chức quyền lực thời kỳ này ít có các “bệnh” phát sinh.
Giai đoạn 1955 - 1975 và 1975 – 1985 - sau thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ở nước ta, khi giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo cách mạng thì thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng là sự bắt đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, sự bắt đầu của thời kỳ thực hiện nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản. Bước ngoặt lịch sử này đã diễn ra trên miền Bắc sau 1954 và từ sau ngày 30-4-1975 diễn ra trong phạm vi cả nước. Từ tháng 4-1975cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước. Do đó HTCT của nước ta cũng chuyển sang giai đoạn mới: từ hệ thống chuyên chính dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản trong phạm vi nửa nước (giai đoạn 1955-1975) sang hệ thống chuyên chính vô sản hoạt động trong phạm vi cả nước.
Giai đoạn từ 1986 đến nay: đứng trước yêu cầu và đòi hỏi mới của cách mạng Việt Nam Đảng ta khẳng định đổi mới là một quá trình, bắt đầu từ đổi mới kinh tế, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới HTCT. Phải tập trung đổi mới kinh tế trước hết, vì có đổi mới thành công về kinh tế mới tạo được điều kiện cơ bản để tiến hành đổi mới HTCT thuận lợi. Mặt khác, nếu không đổi mới HTCT, thì đổi mới kinh tế sẽ gặp trở ngại. HTCT được đổi mới kịp thời, phù hợp sẽ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế.
Như vậy, đổi mới HTCT là đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ thể chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảm bảo Toàn bộ tổ chức và hoạt động của HTCT nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Báo cáo chính trị tại Đại hội VII (năm 1991) nhấn mạnh: thực chất của việc đổi mới và kiện toàn HTCT nước ta là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Tại Đại hội này, lần đầu tiên Đảng ta đã xác định cơ cấu và cơ chế vận hành của HTCT. Theo đó, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; Đảng vừa là một bộ phận của HTCT, vừa là “hạt nhân” lãnh đạo hệ thống ấy, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có chức năng thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; có vai trò quan trọng trong việc thực hiện phản biện, giám sát xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân là người làm chủ xã hội, làm chủ thông qua Nhà nước và các cơ quan đại diện, đồng thời làm chủ trực tiếp thông qua cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và thông qua hình thức tự quản.
Thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta đã từng bước đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động HTCT nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm cho HTCT hoạt động năng động hơn, có hiệu quả hơn, làm cho nước ta phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: