Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Sự phát triển của dòng họ Phan Huy ở Thạch Châu từ thế kỷ XVI đến nay.
Trong số các dòng họ ở nước ta, họ Phan là một trong những dòng họ có từ lâu đời (theo truyền thuyết từ thời các vua Hùng có công Phan Tây Nhạc, quê gốc Hà Trung, Châu Ái (Thanh Hoá) là bộ tướng của tản viên Sơn Thánh, con rể của Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) có công đánh giặc giữ nước được thờ thành hoàng tại đình làng Thị Cấm và Hòe Thị thuộc xã Xuân Phương huyện Từ Liêm – Hà Nội). Từ xa xưa cùng với trăm họ, họ Phan đã có những đóng góp tích cực trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cộng đồng người Việt Nam.
Trên vùng đất cổ Hà Tĩnh, từ thời Lê Sơ, như chúng ta được biết không chỉ có dòng họ Phan ở Song Lộc, Can Lộc với 3 chi, mà còn có dòng họ Phan gốc ở xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà.
Theo cuốn “Phan gia công phả” còn ghi lại: “nghe nói trước kia tiên tổ dòng họ ta nguyên quán ở xã Ngọc Điền, huyện Thạch Hà, thuộc ty Giáo phường, quen nghề làm ruộng và am tường âm nhạc. Đến niên hiệu Quang Thuận, Hồng Đức đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), phụng chỉ cho coi việc giáo phường làm phân trưởng của đình ở huyện, lúc đó mới nhập tịch vào phía Tây xứ Trằm Vịt, thôn Chi Bồng (sau đổi là Hữu Phương) xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc cho nên người trong ấp thường gọi tiên tổ họ ta là ông Trằm, mụ Trằm…” (tờ 7a). Có thể nói ông Trằm là ông tổ đầu tiên của họ Phan ở Thạch Châu, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Vào đời Lê Sơ, tổ tiên dòng họ Phan vốn có nghề làm ruộng lại giỏi âm nhạc do ty giáo phường quản lý và được phân về giữ đình (đình Môn) các xã trong huyện.
Tổ tiên họ Phan vốn ở xã Ngọc Điền huyện Thạch Hà, do quy định trên đã phụng chỉ chuyển về thôn chi Bồng, sau đổi là thôn Hữu Phương, xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tĩnh Hà Tĩnh) . Thạch Châu nguyên xưa là thuộc làng chi Bồng xã Thu Hoạch tổng Canh Hoạch – huyện Thiên Lộc – phủ Đức Quang. Nơi đây là một miền đất khai phá từ lâu. Đến năm Khải Định thứ 6 (1021) chia tổng đoàn vào huyện Can Lộc và huyện ấy lại tách hai tổng Vĩnh Luật và Canh Hoạch về Thạch Hà cho đến đời thứ 10 trong dòng họ Phan có người là Trùm huyện là chức sắc trong giáo phường, một tổ chức của hát ca từ thời phong kiến ở nước ta.
Từ Ngọc Điền chuyển về thôn chi Bồng tức Hữu Phương, vào đời thứ bảy, họ Phan phân làm hai chi phái: Đại Tôn ở thôn Gia Thiệu và Tiểu Tôn ở Hữu Phương, nay đều thuộc xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Với lịch sử hơn 400 năm qua 15 thế hệ con cháu (tính từ cụ tổ) Dòng họ Phan Huy ở Thạch Châu – Thạch Hà - Hà Tĩnh đã lan tỏa ra nhiều huyện trên đất Hà Tĩnh, nhiều tỉnh thành trong cả nước và thậm chí đang có số ít sinh sống ở nước ngoài. Đến đời cụ Phan Huy Cận dòng họ Phan Huy có một nhánh ra dòng họ Thuỵ Khê (Hà Tây). Riêng ở Thạch Châu, Thạch Hà, Hà Tĩnh dòng họ Phan Huy đã rất phát triển.
Theo cuốn “Phan Gia công phả” cả phần dịch và chữ Hán dày 308 trang do Nguyễn Ngọc Nhuận dịch và giáo sư Phan Huy Lê hiệu đính, từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX trải qua 13 đời như sau:
Đời 1: Tiên tổ khảo, tên Thụy là Đôn Dụ phủ quan.
Đời trước có nói rằng: Cao cao tổ tên là ông Trằm, Cao cao tổ tên là mụ Trằm (vào mùa thu năm Mậu Thân niên hiệu Bảo Thái đời Lê (1728), tăng quận công cùng các vị Quý Tần về bản quán có đặt đàn, bày lễ, truy tiến các vị gia tiên đã ghi như vậy).
Đời 2:Phan Lệnh Công tên Thuỵ là trang chiêu phủ quân, tên huý là Phan Văn Lâu.
Đời 3:Phan Lệnh Công, tên thuỵ là thuần mục phủ quân tên, huý là Phan Văn Đài .
Đời 4:Phan Văn Nguyên: Ông là con trưởng của cụ Thuần Mục Công, vào năm Nguyên Hòa đời vua Lê Trang Tông (1533 - 1548) lúc đầu đi theo viên quân nhiều lần được thăng quan cơ cai làm vũ huân tướng quân, phong tước hầu, sau khi đánh giặc có công, được tấn phong tước quận công. Ngày tháng 3 niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917) được gia phong Quang Ý trung đẳng thần. Niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) được gia tặng là trắc vĩ thượng đẳng thần.
Đời 5: Cụ Phan Văn Lan:con trưởng của cụ Phan Văn Nguyên. Vào niên hiệu Quang Hưng (1578 - 1599) thời Lê Thế Tôn (1573 – 1600), ông làm cai cơ dần dần thăng tả thăng đốc, được phong tước hầu.
Đời 6:Cụ Phan Văn Kính: con đầu cụ Phan Văn Lan, vào niên hiệu cảnh trị đời Lê Huyền Tôn (1663 - 1671) ông theo nghiệp binh làm cai cơ, sau dần dần được thăng chiêu nghị tướng quân, đô đốc đồng tri, đến đời Lê Cảnh Hưng năm thứ 47 (1786) được phong tặng là Trấn quốc thượng tướng quân, Hữu đô đốc vinh lộc hầu trụ quốc thượng liệt. Tháng 5 Thành Thái thứ 6 (1894), triều Nguyễn, ông được phong Đoan túc bảo trung hưng tôn thần, chuẩn cho hai thôn phụng thờ. Ngày tháng 10 năm Duy Tân thứ 3 (1909) lại được gia phong, Chuẩn cho hai thôn phụng thờ. Năm Khải Định thứ IX (1924) được gia tăng Quang Ý trung đẳng tôn thần.
Đời thứ 7:Dòng họ chia ra thành Đại tôn và Tiểu tôn.
Trưởng là Vũ Tường Hầu (Phan Văn Canh) thuộc đại tôn, nhập tịch ở Gia Thiện.
Thứ là Tăng Quận Công (Phan Văn Tĩnh), thuộc tiểu tôn vẫn ở Hữu Phương.
Từ đây gia phả chép các thế thứ theo hai dòng đại tôn và tiểu tôn.
Đại tôn:
Đời thứ 7: Phan Văn Canh: Tên tự là Như Thành, tên Thuỵ là Thuần hậu phủ quân. tuổi Đinh Mùi (1667) thọ 65 tuổi sinh được hai người con trai (trưởng là Côn Thọ Bá, thứ hai là Văn Kiều) .
Đời thứ 8:Chánh ngũ phẩm giữ chức thiêm sự tại sự viện, Côn Thọ Bá Phan Quý Công, tên tự là Như Phương, tên Thuỵ là Thanh Trực. Con trưởng cụ Phan Văn Canh, sinh năm Quý Dậu (1693), thọ 68 tuổi.
Sinh hạ được 6 con trai là: (Châu, Điền, Tuyên, Gia, Điền).
Đời thứ 9:Phan Huy Châu: Là chánh ngũ phẩm giữ chức thiên sự tại thiên sự viện là con trưởng của Côn Thọ Bá. Ông sinh năm Nhâm Thìn (1712), thọ 59 tuổi.
Sinh hạ 4 con trai (trưởng Bĩnh, thứ hai là Quan, thứ ba là Điền, thứ tư là Tôn).
Đời thứ 10:Phan Văn Bỉnh là con trưởng của cụ thu lộc hầu Phan Văn Châu, sinh năm Kỷ mão (1959), thọ 60 tuổi. Ông là quan viên tử kiêm trùm huyện tức là người đứng đầu ty giáo phường cấp huyện.
Sinh hạ được 4 con trai là: Xán, Án, Đồng, Lương.
Đời thứ 11: Phan Văn Xán là con trưởng cụ trùm huyện Phan Văn Bỉnh, ông sinh năm Kỷ Mão, thọ 60 tuổi. Ông là quan viên tôn kiêm tướng sĩ lang giữ chức tri sự thừa hoa điện.
Sinh hạ được 2 con trai con trưởng là Vĩ, con thứ là Minh.
Đời thứ 12:Phan Văn Vĩ tên chữ là Mân, là con trưởng cụ tri sự Phan Văn Xán, ông thọ 70 tuổi.
Sinh hạ được 3 người con trai: Con trưởng là Lãng, con thứ hai là Phổ, con thứ ba là Tiến.
Đời thứ 13:Ông trưởng là Phan Văn Lãng. Sinh hạ được một con trai, mất sớm.
Ông thứ hai là Phan Văn Phổ. Sinh hạ được một con trai.
Ông thứ ba là Phan Văn Tiến.
Tiểu tôn:
Đời 7:Phan Văn Tĩnh sinh năm Tân Hợi niên hiệu Cảnh Trị thời Lê (1671), con thứ cụ Phan Văn Kính và bà á thất là Phạm Đặng lệnh nhân. Vào ngày mùng 5 tháng 9 năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức thứ ba (1734) ông mất khi đương chức, thọ 64 tuổi.
Sinh hạ được 9 người con trai (Công, Diễn, Đính, Hạo, Đôn, Cận, Vị, Kiêm, Trì), 10 người con gái, chỉ biết hai người là thị Chỉnh, thị Đang, còn lại không rõ.
Đời thứ 8:
- Phan Huy Công con trưởng cụ Phan Văn Tĩnh.
- Phan Huy Diễn con thứ hai cụ quận công Phan Văn Tĩnh, sinh hạ được một người con gái.
- Phan Huy Đình con thứ ba cụ Phan Văn Tĩnh. Sinh hạ được một người con trai tên là Trị hai người con gái là thị Hán, thị Bình.
- Phan Huy Hạo con thứ 4 cụ Phan Văn Tĩnh. Sinh hạ được 1 người con trai là Kiển.
- Phan Huy Đôn là con thứ 5 cụ Phan Văn Tĩnh.
- Phan Huy Cận Con thứ 6 cụ Phan Văn Tĩnh.Ông Sinh giờ Thìn mồng 2 tháng 2 năm Nhâm Dần, niên hiệu Bảo Thái Triều Lê năm thứ 3 –(1722), mẹ là Tự Phu Nhân. Lúc đầu được nuôi ở nhà nhũ mẫu thôn Cầu Trì, khi 6 tuổi được Tu Nghi nuôi trong phủ Nhân Vương. Vương yêu quí vì thông minh dĩnh ngộ, cho hầu trong nội cung. Đến khi cụ Quận Công (Phan Văn Tĩnh) vào Trấn thủ ở Nghệ An, ông tối quân thứ hầu hạ, đựơc thụ nghiệp tiến sĩ Nguyễn Tuấn. Năm Giáp Dần (1734), khi đã xong việc tang cụ Phan Văn Tĩnh, lại đến kinh theo học Tiến sĩ Nghiêm Bá Đĩnh. Khoa Qúy Hợi (1743), ông phải cư tang, cùng Vũ Công Trấn (Tiến sĩ), Đỗ Huy Kỳ (Thám Hoa) giao du, về lý số, từ nguyên, ông đã đạt đến chỗ tinh túy. Đến khoa Đinh Mão (1747), niên hiệu Cảnh Hưng, khi đó 26 tuổi, thi Hương trúng giải nguyên, năm Giáp Tuất (1754) thi hội trúng hội nguyên, vào Điện thì được ban Đồng Tiến sĩ đệ tứ.
Sinh được 5 ngươì con trai là: Ích ,Thự , Ôn, Sảng, Tân; 4 con gái: Anh, Trân, Uyển, Toại.
- Phan Huy Vị con thứ 7 cụ Quận Công Phan Văn Tĩnh.
- Phan Huy Kiêm con thứ 8 cụ Phan Văn Tĩnh.
- Phan Huy Trì con thứ 9 cụ Phan Văn Tĩnh.
Đời thứ 9: Lấy con của Phan Huy Cận làm đại diện.
- Phan Huy Ích :Ông sinh giờ thìn, ngày 12 tháng 12 năm Canh Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11 (1750), là con đầu cụ Bình Chương (Phan Huy Cận), lúc nhỏ rất thông minh dĩnh ngộ.
Khoa Tân Mão (1771) ông thi Hương đậu giải nguyên, khi đó ông 22 tuổi. Năm Nhâm Thìn (1772), khảo khoa 4 kỳ đều ưu cả, đến mùa đông năm đó thi Hội 4 trường đều có phân số. Năm Quý Tỵ (1773) được nghị thưởng một bậc, cho làm Thừa Ty Sơn Nam, không bao lâu ông xin về. Năm Giáp Ngọ (1774) phụng mệnh khảo hạch tuyển chọn học trò huyện Đông Quan. Khoa thi hội năm Ất Mùi (1775), ông đỗ hội nguyên, được ban cho là Thiếu Tuấn khoa đồng Tiến sĩ đệ thất. Tháng 2 mùa xuân, ông lên kinh ứng khảo, đặc phê ứng chế đệ nhất, được thưởng 10 quan thanh tiền, được trao chức Hàn Lâm hiệu Thảo, sau đó giữ chức Thị giám sát Ngự Sử tỉnh Thanh Hoá…. Ông đã có nhiều đóng góp cho triều Tây Sơn, ông mất vào giờ Tuất ngày 20 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (1822) niên hiệu Minh Mệnh, thọ 73 tuổi.
Sinh hạ 6 con trai là: Quỳnh, Thực, Chú,Thanh, Ly, Mãn; 8 người con gái là: Bích, Ngôn, Điền, Xuân, Thiều, Quán, Đại, Lương.
- Phan Huy Thự: Là con thứ hai cụ Bình Chương (Phan Huy Cận), sinh năm Quy Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thời Lê (1753). Khoa Tân Mão (1771) đậu hương cống, lúc đó 19 tuổi, năm Kỷ Hợi (1779) thi hội trúng tam trường. Lúc đầu ông giữ chức tự thừa, đến năm Đinh Mùi (1787)được cử làm Hiến sát phó sứ. Mùa hạ năm Tân Hợi (1791) thời Tây Sơn ông về trú xã Bảo Triện Kinh Bắc, bị kẻ cướp giết hại (ông mất lúc 39 tuổi).
Sinh hạ được hai con trai là: Phái, Điền; hai con gai là: Ái, Tuyên.
- Phan Huy Ôn: con thứ 3 cụ Bình Chương (Phan Huy Cận), sinh năm Ất Hợi niên hiệu Cảnh Hưng (1755) , mất tháng 11 năm Bính Ngọ (1786), thọ 32 tuổi.
Sinh hạ được 2 trai là: Đạm, Hoàn ; 3 gái là: Hoãn, Lịch, Viên.
- Phan Huy Sảng là con thứ tư cụ Bình Chương (Phan Huy Cận) sinh năm Giáp Thân (1764). Khoa Kỷ hợi (1779) đậu Hương Cống (năm 16 tuổi), thi hội nhiều lần trúng tam trường. Lúc đầu ông giữ chức tự thừa, đến thời Tây Sơn được triệu ra bổ chức Hiệu lý Viện Hàn Lâm; phái Lộc Bá. Mùa thu năm Mậu Ngọ (1798) ông lĩnh chức Hữu quản lý huyện Thạch Thất. Sau đó đổi tên Giám, tự là Thúc Minh, rồi về Cổ Nhuế dạy học, đặt niên hiệu là phục Am Công. Ông mất ngày 24 tháng Giêng năm Tân Mùi (1811) niên hiệu Gia Long, thọ 48 tuổi. Sinh được 1 con gái là: Cự.
- Phan Huy Tân sinh năm Giáp Thân (1764), con thứ 5 cụ Bình Chương (Phan Huy Cận). Khi trẻ giỏi võ nghệ, được theo cụ Bình Chương đi trấn thủ ở Động Hải, được làm võ úy quân đội Hữu Chấn, Tể võ bá. Nhà Lê mất, ông không chịu làm tôi nhà Tây Sơn đã nổi quân chống lại nhưng bị thua phải đi trốn, đến năm Quý Sửu (1793) niên hiệu Quang Trung, ông bị Trấn Quan bắt được rồi giết chết, thọ 30 tuổi. Bà vợ sinh được một con trai là:Thẩm.
Đời thứ 10: Lấy con của Phan Huy Ích làm đại diện gồm:
- Phan Huy Quýnh hiệu Tố Am, sinh giờ Mão ngày 19 tháng 6 năm Ất Mùi (1775) là con trưởng của cụ Dụ Am Hầu (Phan Huy Ích), ở nhà dạy học. Ông mất ngày 17 tháng 5, thọ 70 tuổi. Có 3 người con trai là: Khiết, Phương, Trừng, và 1 người con gái.
- Phan Huy Thực là con thứ hai cụ Phan Huy Ích, sinh giờ tý, ngày 5 tháng 10 năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778) ông mất vào giờ dần ngày 11 tháng 2 năm Giáp Thìn (1844) thọ 67 tuổi, Có hai con trai là: Vịnh và Lãm, hai người con gái.
- Phan Huy Chú, sinh năm Nhâm Dần niên hiệu Cảnh Hưng (1782), con thứ 3 cụ Phan Huy Ích. Khoa Đinh Mão (1807) Kỷ Mão (1819) đời Gia Long đều đậu tú tài, tháng giêng năm 2 niên hiệu vua Minh Mạng (1821) ông được bổ…. Hàn lâm viện biên tu, rồi làm phủ Thừa Thiên, Hiệp Trấn tĩnh Quảng Nam. Hai lần phụng mệnh đi sứ phương Bắc, sau đó bị khiển trách, đến năm 15 (1834) được phục hồi làm công bộ tư vụ, bị đau chân xin về nghỉ hưu, dạy học. Sau phụng mệnh đi sứ, thăng thị giảng sung sứ bộ. Ông mất năm Minh Mạng thứ 21 (1840), thọ 59 tuổi. Có 5 người con trai là: Uyên, Chuẩn, Triệt, Hàm, Nhuận, một con gái là Cơ.
- Phan Huy Thanh con thứ 4 cụ Phan Huy Ích. Ông sinh giờ Dần ngày 15 tháng 9 năm Bính Ngọ (1786), mất ngày 22 tháng 4, thọ 54 tuổi. Có 3 con trai là : Trạm, Tiệm, Thúc; 3 con gái là: Thành, Hoàn, Cư.
- Phan Huy Lý con thứ 5 cụ Dụ Am Phan Huy Ích, ông sinh năm Tân Dậu (1801), sinh hạ được 2 con trai là: Nghi, Đàm; 2 con gái.
- Phan Huy Mãn: Ông sinh năm Nhâm Tuất (1802), là con thứ 6 cụ Phan Huy Ích theo thượng thư Khuê nhạc công( Phan Huy Thực) đi sứ sang Trung Quốc, làm quan đến thông phán, mất ngày 19 tháng 8 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) lúc đó ông 35 tuổi, có 1 con trai là Diên.
Đời thứ 11:
Lấy con của Phan Huy Thực làm đại diện gồm 2 người con trai nhưng nổi bật lên là Phan Huy Vịnh.
Phan Huy Vịnh sinh giờ hợi, ngày 25 tháng Giêng năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Thịnh (1801). Ông đậu cử nhân khoa Mậu Tý năm thứ 9 niên hiệu Minh Mạng (1828), năm Tự Đức thứ 6 (1853) được bổ thị Lang, làm chánh sứ sang Thanh, vì đường khó đi phải ở lại 3 năm, đến lúc về được thăng Hữu tham tri bộ hình và ban cho 8 bài Ngự thi (1 bài thất ngôn, 7 bài ngũ ngôn), một kim khánh (có 4 chữ Cần Lao Khả Lục nghĩa là: chuyên cần lao động đáng ghi nhận), sau thăng về bộ thượng thư trưởng lễ bộ, kiêm trưởng Quốc sử quán tổng tài, bộ hình. Năm Canh Ngọ (niên hiệu Tự Đức) thứ 23 (1870), giáng làm tham tri, cho về hưu, ban cho lụa sâm các loại. Ông mất giờ Sửu ngày 22 tháng 8 năm Tân Mùi (niên hiệu Tự Đức) thứ 24 (1871), thọ 71 tuổi. Có 7 con trai là: Nguyên, Tảo, Lạc, Tuân, Kỳ, Trăn, Tấu; 4 người con gái là: Hàm, Trù, Ôn, Bình.
Đời thứ 12.
Lấy con của Phan Huy Vịnh làm đại diện gồm:
- Phan Huy Nguyên con trưởng cụ Phan Huy Vịnh, sinh giờ Mão ngày mồng 1 tháng 9 năm Ất Dậu niên hiệu Minh Mạng (1825), năm Nhâm Tuất (1862) niên hiệu Tự Đức đi lính được thưởng hàm chánh bát phẩm, tháng 7 dẫn khâm phái thu hồi đuợc phủ thành Quốc Oai, giặc Yên được thưởng trao hàm thị giảng. Năm Bính Dần (1866), về kinh bổ thụ chức viên ngoại lang, năm Đinh Mão (1867), sung làm Đề điệu trường thi Nam Định, nhân bệnh xin cáo quan về, giỗ ngày mồng 8 tháng 7, thọ 44 tuổi. Có 2 con trai là Đồng, Mai; 1 con gái.
- Phan Huy Tảo là con thứ 2 cụ Phan Huy Vịnh, sinh năm Đinh Dậu (1837), giỗ ngày 18 tháng 4, thọ 47 thuổi. Có 1 con trai là Huyền, 2 con gái là : Thị Anh, Thị Hưởng.
- Phan Huy Lạc là con thứ 3 cụ Phan Huy Vịnh, sinh năm Đinh Mùi (1847), ấm thụ cửu phẩm, làm hậu bổ tỉnh Hưng Hoà, năm ất Dậu niên hiệu Đồng Khánh quyền kinh lịch ở tỉnh, năm Bính Tuất (1886) nhiếp huyện. Có 1 con trai là Kỳ; 3 người con gái.
- Phan Huy Tuân là con thứ tư cụ Phan Huy Vịnh, sinh năm Kỷ Dậu (1849), tòng tỉnh ấm sinh, năm Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc (1884) làm bang tá phủ vụ. Có 4 con trai là: Tiếp, Thiêm, Tấn, Cán; 2 xon gái là: Thị Nhĩ, Thị Thám.
- Phan Huy Kỳ là con thứ 3 cụ Phan Huy Vịnh, sinh năm Kỷ Mùi (1859), được tặng nghi nhân hàmTòng ngũ phẩm. Mất ngày 14 tháng 3, thọ 27 tuổi. Có 1 con trai là Cầm.
- Phan Huy Trăn là con thứ 6 cụ Phan Huy Vịnh, sinh năm Canh Ngọ (1870). Năm Nhâm Thìn niên hiệu Thành Thái (1892) được ấm lệ vào học Quốc Tử Giám, khoa Giáp Ngọ niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894), ông đỗ cử nhân xếp thứ 14. Năm Ất Mùi (1895) theo khâm phái được binh bổ đi hậu bố tỉnh Nghệ An, năm Giáp Thìn (1904) được bổ thụ tri huyện Nghi Lộc, năm Ất Tỵ (1905) được thăng thụ tri phủ phủ Quỳ Châu. Sau đó ông bị giáng rồi được bổ dụng làm đến Tư vu Binh bộ Ty, kinh lịch thông phán tỉnh Khánh Hoà. Khi về hưu được trao thị giảng học sĩ, hưu trí vào năm Khải Định thứ 9 (1924). Nhân tiết mừng thọ nhà vua vừa 40 tuổi, ông được cải thụ Quang Lộc tự thiếu khanh. Có 2 con trai là Thung, Đăng; 3 con gái là: Thị Cúc, Thị Liên, Thị Quỳ.
- Phan Huy Tấu là con thứ 7 cụ Phan Huy Vịnh, sinh năm Ất Mùi (1871).
Từ đời 13 đến nay tất cả các chi họ đều phát triển mạnh sinh sống ở nhiều tỉnh trong cả nước và cả ở nước ngoài, con cháu học rộng, tài cao và ngày càng có nhiều cống hiến quan trọng cho đất nước.
Trải qua hơn 400 năm lịch sử, kể từ đời cụ tổ nhập tịch vào phía Tây xứ Trằm Vịt thôn Chi Bồng (sao đổi là Hữu Phương) xã thu hoạch, huyện Thiêu Lộc nay Thạch Châu- Thạch Hà- Hà Tĩnh , dòng họ Phan Huy đã trở thành một dòng họ lớn có truyền thống hiếu học, yêu nước và con cháu dòng họ đang ngày càng tô điểm thêm truyền thống văn hoá tốt đẹp đó của cha ông.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: