Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Vị trí, vai trò của tuyên truyền đối ngoại
Trong hệ thống tuyên truyền, tuyên truyền đối ngoại là loại hình giữ vị trí quan trọng, là bộ phận rất quan trọng trong công tác đối ngoại của Nhà nước, bất cứ nhà nước nào cũng luôn có hai chức năng đối nội và đối ngoại. Tuyên truyền đối ngoại là phương thức để Nhà nước thực hiện chức năng đối ngoại của mình, có tuyên truyền đối ngoại mới làm cho nước ngoài hiểu được về đất nước của mình nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước đối với sự phát triển của đất nước mình.
Tuyên truyền đối ngoại còn là nhân tố cơ bản tạo nên sự thành công của cách mạng vô sản ở mỗi nước vì tuyên truyền đối ngoại là yếu tố cơ bản tạo nên tình đoàn kết quốc tế, làm cho giai cấp công nhân trên thế giới hiểu nhau hơn, tạo nên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mạnh mẽ trên toàn thế giới, là điều kiện tất yếu để sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản thành công. Đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài đã chủ động, tích cực thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại cho cách mạng Việt Nam. Người đã thông tin rộng rãi về tình hình của Việt Nam trong phong trào cách mạng thế giới và trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế từ những năm 20 - 30 của thế kỷ XX, tạo tiền đề thuận lợi để thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cũng là điều kiện tất yếu tạo nên sự thành công của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và công cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhờ có công tác tuyên truyền đối ngoại đã hình thành được mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam trong các cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ, đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, kiên trì sự nghiệp đổi mới, tạo ra một “hiện tượng Việt Nam”, “phát hiện Việt Nam trong dư luận quốc tế”. Như vậy, trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, cách mạng Việt Nam luôn gắn bó với phong trào cách mạng thế giới và tuyên truyền đối ngoại đã và đang góp phần tạo nên sự gắn bó đó.
Tuyên truyền đối ngoại có vai trò đặc biệt đối với mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Tuyên truyền đối ngoại nhằm phát huy sức mạnh của dân tộc, quốc gia trên trường quốc tế, huy động sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của quốc tế, sức mạnh truyền thống và sức mạnh hiện đại. Tuyên truyền đối ngoại đã có vai trò xứng đáng trong những thành quả chung của dân tộc và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, của Đảng thực hiện thắng lợi những quyết sách, đường lối mà đại hội Đảng đề ra.
Hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, và đặc biệt là 30 năm đổi mới, công tác tuyên truyền đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp và đã thực sự trở thành một trong những động lực cho sự phát triển của đất nước, một trong những nhân tố góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc
Trong những thập kỷ trước, hoạt động tuyên truyền đối ngoại đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới, thực hiện khát vọng bao đời nay của cha ông là: xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam độc lập, tự do, thống nhất và phồn vinh. Trong cuộc đấu tranh đó, hoạt động tuyên truyền đối ngoại đã góp phần làm cho chính nghĩa của sự nghiệp đấu tranh giải phóng sáng ngời trên khắp năm châu bốn biển, đã góp phần tạo dựng nên được phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam rộng lớn và mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử thế giới, tạo nên sức mạnh tổng hợp từ sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Từ một nước thuộc địa, nô lệ, không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với truyền thống lịch sử và văn hoá đặc sắc, với những con người cần cù, sáng tạo, yêu chuộng hoà bình nhưng cũng sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ tự do, độc lập, hoà bình và công lý. Như vậy, hoạt động tuyên truyền đối ngoại vừa góp phần thực hiện công cuộc đổi mới, vừa vươn tới những thành tích cao hơn ở những tầm vóc lớn hơn; phá thế bao vây cấm vận, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, bình thường hoá quan hệ với các nước lớn, duy trì và thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè truyền thống; thiết lập, mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế và khu vực. đẩy mạnh hoạt động trong các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhằm tạo dựng, duy trì môi trường quốc tế và khu vực hoà bình ổn định lâu bền. Đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài như: viện trợ ODA, vốn đầu tư, khoa học công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý... phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có quan hệ hợp tác bình đẳng với tất cả các nước lớn, và các tổ chức quốc tế quan trọng, có quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt với các nước láng giềng. Sự tham gia của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế, đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để giải quyết những vẫn đề cấp bách nhất của nhân loại được ghi nhận và đánh giá cao. Vị thế quốc tế của việt Nam ngày càng cao, hoạt động tuyên truyền đối ngoại vẫn luôn phát huy được vai trò và tác dụng tích cực của một mặt trận quan trọng trong tổng thể đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: