Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
SỰ NGHIỆP TRƯỚC TÁC CỦA DÒNG HỌ PHAN HUY.
Mỗi tác phẩm, mỗi công trình nghiên cứu chính là sản phẩm tinh thần, là kết tinh sức lao động của trí tuệ, trái tim những con người sáng tạo ra nó. Đó là di sản thiêng liêng, là cầu nối giữa hiện tại và tương lai. Từ những tác phẩm ấy ta hiểu hơn tâm hồn của những con người và thời đại họ sống, ta thêm hiểu bề dày tri thức của ông cha tích luỹ qua từng chặng đường lịch sử, ta thêm hiểu, thêm trân trọng những ước vọng của cha ông để sống tốt hơn, đẹp hơn với cuộc sống xung quanh mình.
Sự nghiệp thơ văn của dòng họ.
Nếu như dòng họ Võ Tá xã Hà Hoàng lừng danh về võ, với nhiều quân công, tạo sĩ (tiến sĩ võ) đời Lê thì dòng họ Phan Huy lại để lại dấu tích chói ngời trong những sự nghiệp văn chương kỳ tài tiếp tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác. Những di phẩm kiệt xuất mà lớp lớp dòng họ này để lại đã góp một phần vào tiếng nói hào hùng của hồn thiêng sông núi, làm rạng rỡ diện mạo văn hoá dân tộc.
Dòng họ Phan Huy sáu đời đầu chủ yếu là quan võ, phải đến đời thứ bảy mới phát văn. Từ đời thứ 8, Phan Huy Cận theo gia phả của dòng họ ghi chép: lúc bấy giờ các văn thân đều xu nịnh hót, chỉ có ông không khuất phục cho nên bị phu gian bãi chức ở nhà 8 năm, ông đã mở trường dạy học và làm thơ. Tuy nhiên những tác phẩm đó không thấy các tài liệu nhắc đến.
Đến Phan Huy Ích là người mở đầu cho dòng văn chương nổi tiếng của dòng họ Phan Huy. Ông viết nhiều, để lại một khối lượng tác phẩm đặc biệt là về thơ ca, ông có các tập như Nam Trình Tạp Vịnh, Vân Sơn Khiển Hưng, Cẩm Trinh Kỷ Hưng, Thang Châu Dữ Hứng, Tinh Sá Kỷ Hành, Cúc Thu Bách Vịnh, Nam Trình Tục Tập, Vân Du Tuỳ Bút. Các tập thơ này vào lúc cuối đời các con của ông đã thu thập lại thành một tập đặt tên là Dụ Am Ngâm Lục.
Về văn, Phan Huy Ích viết đủ các loại biểu, chiếu, tấu thư, trát, văn tế, tựa, bạt, văn chương… được tập hợp trong bộ Dụ Am Văn tập khoảng 400 bài, trong đó có hàng trăm bài về bang giao, Phan Huy Ích có bài thơ “Tân Diễn Chinh phụ ngâm khúc thành ngẫu thuật”, nghĩa là bài thơ ngẫu thuật làm khi mới đến nôm song chinh phụ ngâm khúc. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Phan Huy Ích là một dịch giả của “Chinh phụ ngâm khúc”.
Trong văn học thời Tây Sơn, sau Ngô Thì Nhậm có lẽ Phan Huy Ích là người viết chính luận xuất sắc hơn cả. Những văn hiệu bang giao do Phan Huy Ích viết phản ánh được đường lối đối ngoại khôn khéo vừa giữ được tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường vừa thể hiện được tính thiện chí, khiêm nhường, yêu chuộng tình hoà hiếu lân bang của triều Tây Sơn đối với nhà Thanh.
Cùng với Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích đã góp phần không nhỏ vào những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của triều Tây Sơn, đồng thời với những bài biểu, những thư từ ngoại giao được soạn thảo tinh tế, minh bạch và hùng biện, Phan Huy Ích đã để lại cho đời sau một di sản văn học ngoại giao quý giá. Sáng tác văn thơ của Phan Huy Ích dưới thời Tây Sơn thể hiện trách nhiệm của một nhà văn, quan chức được nhà nước trọng đãi đúng mực. Thơ nôm của ông đánh dấu một giai đoạn văn học dân tộc.
Phan Huy Ích sáng tác hàng nghìn bài thơ nhưng hiện giờ chỉ còn lưu giữ được khoảng 6 trăm bài.
Đề tài trong thơ văn Phan Huy Ích rất phong phú và thơ ông nói chung có một cốt cách riêng khá rõ, được các danh sĩ đương thời đánh giá cao, thí dụ trong lời tựa viết cho tập thơ Tình sá kỷ hành, Phan Huy Ích sáng tác trong thời gian đi sứ Trung Quốc, Trần Bá Lãm nhận xét : “Thơ ông ôn hoà, trang nhã, âm tiết thanh tao mà đẹp đẽ, thành phong cách của một đại gia trác Việt”.
Tính cách ôn hoà, trang nhã là đặc điểm nổi bật ở thơ Phan Huy Ích. Viết về cuộc đại bại của Tôn Sỹ Nghị năm Kỷ Dậu 1789. Phan Huy Ích không dùng những câu chữ quá mạnh mẽ, mà ông chỉ điềm đạm hạ bút: Sơ Văn Tôn tổng đốc thoái sư Xương Giang ngẫu phú (Mới nghe tin tổng đốc họ Tôn lui quân về thành Xương Giang, ngẫu nhiên làm thơ) với những câu như:
Vạn Lý chinh huy viễn xuất cương
Phù điên bài nạn điện nam hoang
Nghĩa thanh trực túc khu xuyên nhạc
Nhung mạc hà lạc ngoạ tuyết sương
Phục quốc quân thần câu ngoạn yết
Độ kiều nhân mã tối thương hoàng
Khả lân sở vạn thành biên cốt
Oán khí tuỳ phong quá Thọ Xương
Cụ Đào Phương Bình dịch thơ:
Muôn dặm cờ binh trơ xuất cương
Rằng phò nguy cấp, định Nam Phương
Nghĩa cao ví đủ kêu sông núi
Màn soái cần chi giải tuyết sương
Phục quốc vua tôi đều biếng nhác
Qua cầu người ngựa xiết kinh hoàng
Đáng thương mấy vạn xương ngoài luỹ
Theo gió hồn bay đến Thọ Xương
Trong thơ Phan Huy Ích giàu chất “ký sự” (ghi việc) và đó cũng là một đặc điểm, một phong cách của ông, ở mỗi bài thơ, Phan Huy Ích thường có lời “nguyên dẫn” nói rõ hoàn cảnh cụ thể bài thơ đó. Vì vậy thơ ông dù diễn tả một cảnh vật hay một sự việc cũng đều chứa đựng nội dung thực mà nhà thơ từng thấy, từng rung cảm.
Đến Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh đều là những người nổi tiếng hay chữ, tài cao học rộng. Phan Huy Thực là con cả của Phan Huy Ích, với cương vị là tổng tài bộ “thực lục” Phan Huy Thực đã cùng các sứ thần quốc sử quán triều Nguyễn biên khảo bộ sách hết sức công phu. Ngoài ra, Phan Huy Thực còn có một số sản phẩm được lưu truyền đến ngày nay như: “Tinh thiều kỷ hành”, “Hoa thiêu tạp vịnh”, “Mộng dương tập tự”, “Nhân nguyệt vấn đáp”.
Em trai Phan Huy Thực là Phan Huy Vịnh là người có nhiều đóng góp cho kho tàng văn hoá, lịch sử đất nước. Phan Huy Vịnh là dịch giả bài thơ nổi tiếng “Tì bà hành” của Bạch Cư Dị. Ngoài ra ông còn có các tập thơ “Như thanh sứ trình”, “Sứ trình tuỳ bút tập”.
Tiếp nối sự nghiệp văn chương của cha mình Phan Huy Chú trên phương diện văn hoá đã có cống hiến rất lớn, ông đã để lại cho dân tộc một công trình khoa học đồ sộ, đó là bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”. Ngoài công trình quan trọng này, Phan Huy Chú còn là tác giả của nhiều cuốn sách về địa lý nước ta, của nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng.
Về sự nghiệp văn thơ của ông, ông có nhiều tập thơ tiêu biểu như “Hoa thiều ngâm lục”- đây là tập thơ do Phan Huy Chú làm lần đi sứ thứ nhất (1825) có hai quyển: Quyển thượng gồm một bài tựa của tác giả; 161 bài thơ và ba bài phú, quyển hạ gồm 114 bài thơ, 1 bài phú và 8 bài từ.
Tập thứ hai là “Hoa trình lục ngâm” thơ do Phan Huy Chú làm lần đi sứ thứ hai (1831) gồm 127 bài.
Ngoài ra Phan Huy Chú còn có 20 bài biểu, tấu, tựa … (chỉ là di cảo). Trong số di cảo đó có hai bài mang giá trị thông tin đặc biệt là “Nam trình tạp ngâm” tự là bài tựa tự tác giả viết cho tập thơ “Nam trình tạp ngâm” làm năm 1821. Trên đường ông từ Sơn Tây vào Huế để nhận chức theo chiếu gọi của Minh Mệnh. Phan Huy Chú viết “Tôi chỉ là một gã thư sinh, đội ơn có chiếu chỉ của nhà vua gọi. Không giám lấy cớ là một kẻ quê mùa đau yếu để từ chối. Vào cuối tháng đầu năm (tháng giêng) tôi từ biệt núi cũ lên đường vào kinh. Trên đường đi trải ngắm phong cảnh sông ngòi, đồng ruộng, núi, biển mêng mông, xúc cảm trước cảnh vật, đều có thơ vịnh ngâm … Nhân sắp xếp số thơ đó lại được 36 bài đặt tên là Nam trình tạp ngâm. Năm Tân Tị, tiết thanh minh Hàn Lâm Viện mai phong chủ nhân viết ở quán trọ bên sông Hương”.
Tiến ngọc phả biểu (biểu dâng ngọc phả): Tờ biểu này Phan Huy Chú dâng lên vua Minh Mệnh khi ông và một vài người nữa làm xong cuốn “Ngọc phả” viết về dòng họ vua Nguyễn theo lệnh Minh Mạng .Mở đầu bài biểu viết “tâu về việc cung kính tu soạn xong “Ngọc phả” biên chép đầy đủ dâng lên nhà vua. Như vậy, Phan Huy Chú còn là tác giả sách “Ngọc phả” của nhà Nguyễn nữa.
Một số trước tác khác.
Phan Huy Chú ngoài những tác phẩm văn thơ ông còn để lại một công trình khoa học đồ sộ, đó là bộ “lịch triều hiến chương loại chí”, đây là công trình lớn nhất của ông. Có thể nói toàn bộ trí tuệ, tài năng, lòng say mê nghiên cứu, công sức lao động, nghị lực làm việc của Phan Huy Chú đã dồn hết vào công trình này. Sự nghiệp còn mãi của Phan Huy Chú cũng chính là công trình này.
Để hoàn thành bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, ông đã phải bỏ ra thời gian 10 năm, từ 1809 đến 1819, tức là bộ sách được khởi thảo lúc Phan Huy Chú mới 27 tuổi nhưng mãi đến 37 tuổi mới xong. Quả là phải có một lòng yêu tha thiết đối với lịch sử dân tộc, văn hoá dân tộc mới có được chí ấy.
Như Phan Huy Chú đã nói: “Lịch triều hiến chương loại chí” là bộ sách gồm 10 chí: Tức là 10 sách ghi chép 10 bộ môn được phân loại, nghiên cứu một cách hệ thống theo trình tự: Dư địa chí, nhân vật chí, quan chức chí, binh chế chí, văn tịch chí, bang giao chí. Qua đó ta thấy đây là một bộ lịch sử văn hiến đồ sộ, một pho bách khoa toàn thư của đất nước. Một nhà nghiên cưú lịch sử Việt Nam của Liên Xô G.P. Mu-ra-sê-va đã đánh giá: “Lịch triều hiến chương loại chí là một bộ sách xứng đáng gọi là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Việt Nam. Công trình này thực tế không có công trình nào sánh nổi về bề rộng của phạm vi các vấn đề trong khoa học lịch sử sử học Việt Nam thời phong kiến” .
Mười bộ môn trong công trình của Phan Huy Chú là mười lĩnh vực khoa học riêng, có quan hệ với nhau và là những vấn đề thiết yếu của quốc gia thời xưa. Lĩnh vực nào Phan Huy Chú cũng tỏ ra uyên bác và có những quan điểm sâu sắc. Hơn nữa, với sự phân hoá, hệ thống hoá từng bộ môn như thế “Lịch triều hiến chương loại chí” đánh dấu một bước phát triển cao của thành tựu khoa học nước nhà hồi đầu thế kỷ XIX.
Ngày nay đi sâu tìm hiểu “lịch triều hiến chương loại chí”, chúng ta có thể nói được khá nhiều về giá trị khoa học của bộ sách, như về thể tài, tính hệ thống, tính chính xác, tính sáng tạo, phương pháp trình bày … Đặc biệt, bên cạnh giá trị khoa học, giá trị cung cấp sử liệu hết sức phong phú, toàn diện. “Lịch triều hiến chương loại chí” còn là một công trình học thuật chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ của tác giả. Qua “lịch triều hiến chương loại chí”, chúng ta thấy Phan Huy Chú là một nhà bác học có lòng yêu nước tha thiết và có một ý thức dân tộc sâu sắc. Lòng yêu nước, ý thức dân tộc đó gắn quyện với nhau chặt chẽ, thể hiện qua cách suy nghĩ về toàn bộ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, cũng như qua cách nhìn nhận, đánh giá từng vấn đề, từng sự kiện lịch sử mà ông nghiên cứu.
Ngoài ra Phan Huy Chú còn có một số tác phẩm khác như Hoàng việt dư địa chí, là cuốn sách viết về địa lý của nước ta ở thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), sách này được in ở hai nơi: Hội văn đường và Quảng văn đường.
Chúng ta còn biết đến Phan Huy Ôn cũng là một nhà trước thuật, khảo cứu uyên bác, ông đã để lại một công trình khảo cứu quý là bộ sách “Đăng khoa bị khảo”.
Như vậy chúng ta biết đến dòng họ Phan Huy không chỉ trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự mà còn biết đến dòng họ bởi một sự nghiệp trước tác phong phú đặc sắc với nhiều thể loại. Nó vừa mang những nét chung nhưng cũng mang những nét riêng khác biệt để nó khẳng định được vị trí của mình trong nền văn hoá dân tộc. Qua tìm hiểu những trước tác đó của dòng họ Phan Huy ta thấy rằng đó là một khối lượng tác phẩm đồ sộ với những tác phẩm tiêu biểu và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó nổi lên là sử học, mà ta không thể không kể đến “lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú – một bộ bách khoa toàn thư của đất nước và có giá trị muôn đời.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: