Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Kỷ niệm 71 năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại
|
Lễ duyệt binh kỷ niệm 71 năm Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ (Moscow). Ảnh: TTXVN |
Kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai, cũng là 71 năm Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại (09-5-1945 - 09-5-2016).
Đây là dịp để ôn lại những ngày tháng đau thương nhưng hào hùng hơn 70 năm trước, cũng như bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã đóng góp công sức làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc chiến được xem là tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại này, đặc biệt là của các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô.
Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại
Chiến tranh Thế giới lần thứ hai chính thức bùng nổ vào ngày 01-9-1939, khi phát xít Đức gây chiến, tấn công Ba Lan. Chỉ hơn một năm sau khi thôn tính Ba Lan, phát xít Đức đã thống trị hầu như toàn bộ châu Âu tư bản chủ nghĩa. Đại bộ phận giai cấp tư bản cầm quyền của các nước châu Âu đã nhanh chóng đầu hàng. Lúc này, chỉ còn duy nhất nước Anh là vẫn kiên cường chống lại các cuộc không kích của Hitler. Đồng thời với cuộc tấn công của Đức, quân phiệt Nhật và phát xít Italia đã tiến hành xâm lược những thuộc địa cũ của Hà Lan, Anh, Pháp tại châu Á, châu Phi, Trung Đông.
Đầu năm 1941, Đức đơn phương hủy bỏ Hiệp ước không xâm phạm Xô - Đức, mở các cuộc tiến công Liên Xô. Ngày 22-6-1941, phát xít Đức đã sử dụng một đội quân khổng lồ, với hơn 5,5 triệu lính và sĩ quan, gần 4.300 xe tăng và 5.000 máy bay chiến đấu cùng nhiều loại phương tiện chiến tranh khác ào ạt tấn công Liên Xô. Phát xít Đức chủ trương tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng nhằm bao vây và tiêu diệt các lực lượng chủ chốt của Hồng quân Liên Xô trước khi mùa đông đến.
Nhưng phát xít Đức hoàn toàn bị bất ngờ trước sự chống trả quyết liệt của quân và dân Liên Xô. Trong vòng hai năm từ 1941 đến 1943, hàng chục sư đoàn và lữ đoàn phát xít Đức bị tiêu diệt. Chiến thắng quan trọng đầu tiên của quân và dân Liên Xô là trận đánh tại ngoại ô Moskcow vào mùa đông từ tháng 12-1941 đến tháng 01-1942. Đây là thất bại lớn đầu tiên của phát xít Đức, đập tan sự hoang đường thống trị thế giới và kế hoạch “chiến tranh thần tốc” thôn tính Liên Xô.
Tuy trải qua nhiều khó khăn và mất mát nhưng nền tảng của chiến thắng đã dần được hình thành. Qua mỗi năm chiến tranh, sau nhiều trận đánh, lực lượng vũ trang Liên Xô ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Với sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ huy cùng tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm, các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã giành được thế chủ động tại các mũi đánh quyết định, đập tan mưu đồ xâm lược của phát xít Đức.
Sau chiến dịch Moscow, Hồng quân Liên Xô đã có trận thắng vẻ vang tại thành phố Stalingrad, dẫn đến sự thay đổi cục diện quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh Vệ quốc. Sau đó, thành công của quân đội Liên Xô luôn được phát huy, đặc biệt trong trận chiến xe tăng lịch sử oanh liệt nhất trên vòng cung Kursk vào tháng 7-1943.
Mùa hè năm 1944, Hồng quân Liên Xô liên tiếp mở các đợt tấn công dồn dập trên mặt trận phía Đông và đánh tan các đơn vị chiến lược của phát xít Đức, giải phóng toàn bộ lãnh thổ Liên Xô và khôi phục đường biên giới. Trong khi đó, quân đội Mỹ và Anh mở mặt trận thứ hai tại Tây Âu, cho quân đổ bộ lên miền Bắc nước Pháp. Sau đó, Hồng quân Liên Xô tiếp tục di chuyển về hướng Đông, giải phóng Romania, Bulgaria, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư, Na Uy… và tiến đến biên giới nước Đức.
Ngày 30-4-1945, lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đã bay phấp phới trên tòa nhà quốc hội Đức. Ngày 09-5-1945, thay mặt nước Đức quốc xã, thống chế Wilhelm Keitel ký biên bản đầu hàng vô điều kiện quân đội Xô-viết và quân đồng minh. Trong cuộc chiến này, nhân dân Xô-viết và các nước đồng minh đã tiêu diệt phần lớn quân chủ lực của Đức quốc xã và chư hầu. Trên mặt trận Xô - Đức, quân đội Xô viết đã tiêu diệt và bắt làm tù binh 607 sư đoàn với 10 triệu binh lính, chiếm 74,6% tổng thiệt hại của quân đội Đức, đồng thời phá hủy 75% số vũ khí của quân sự của Đức. Hơn 7 triệu binh lính Xô-viết trong gần 15 tháng đã giải phóng được 13 nước trên thế giới với tổng diện tích 2,2 triệu km2. Như vậy, Hồng quân Liên Xô đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử giải phóng dân tộc và góp phần quan trọng trong việc khôi phục nền văn minh châu Âu và thế giới.
Kỷ niệm “Ngày chiến thắng”
Nhân loại không thể quên sự hy sinh, lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của những người lính Xô-viết phải đối mặt với kẻ thù hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, trước đó đã dễ dàng xâm chiếm hầu hết lãnh thổ Tây Âu. Quân và dân Liên Xô đã chiến đấu chống lại sự áp bức nô lệ, vì nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chiến thắng phát xít đã làm tan rã hệ thống thuộc địa và cổ vũ hoạt động của các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai và cũng là 71 năm Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại, Liên bang Nga và nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức hàng loạt các hoạt động kỷ niệm không chỉ là sự tưởng nhớ thiêng liêng tới các liệt sĩ trong cuộc chiến khốc liệt chống chủ nghĩa phát xít xâm lược, mà còn thể hiện sự đoàn kết liên minh các quốc gia trong cuộc đấu tranh chống các nguy cơ toàn cầu, mà trước hết là chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cường quyền, bá quyền và chủ nghĩa phát xít kiểu mới.
* Đúng 10 giờ sáng (tức 14h theo giờ Việt Nam) ngày 09-5, tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow, Liên bang Nga đã diễn ra lễ duyệt binh, diễu hành truyền thống mừng 71 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (09-5-1945 – 09-5-2016) và 71 năm chiến thắng phát xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Đến dự cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng nhiều quan chức chính phủ Liên bang Nga. Hàng trăm nghìn người dân Nga cũng đã có mặt trên các tuyến đường mà đoàn diễu binh và diễu hành đi qua.
Quy mô của cuộc duyệt binh, diễu hành năm 2016 có sự tham gia đầy đủ của các lực lượng quân sự thể hiện sức mạnh nước Nga. Rất nhiều loại vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại nhất của Nga sẽ được phô diễn trong lễ duyệt binh này. Tham gia cuộc duyệt binh có gần 10.000 binh lính, 135 thiết bị kỹ thuật quân sự như xe quân sự Tigr (Con cọp), xe tăng T-90, thiết giáp BTR-82A, tên lửa phòng không Buk-M2, tổ hợp pháo tên lửa phòng không Panshir-S, tên lửa chiến lược Yars, tăng Armata. Ngoài ra, trên bầu trời Mosow còn có màn trình diễn ngoạn mục của 71 máy bay trực thăng, máy bay tiêm kích. Đặc biệt, năm nay cũng là năm đầu tiên lễ duyệt binh có sự tham gia của các nữ quân nhân quân đội Liên bang Nga.
Trước đó, ngày 08-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể quân nhân và cựu chiến binh nhân Ngày Chiến thắng. Ông S. Shoigu nhấn mạnh, người dân Nga luôn thành kính gìn giữ những kỷ niệm về một thế hệ đã hy sinh cuộc sống, xông pha trên các mặt trận, cũng như lao động không mệt mỏi ở hậu phương trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Vượt qua mất mát, đau thương và chết chóc, những người dân Xô-viết đã chiến thắng kẻ thù tàn bạo, đem lại độc lập và tự do cho Tổ quốc. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, chiến công của thế hệ những người chiến thắng luôn là tấm gương sáng về lòng quả cảm, ý chí kiên cường và tinh thần hết lòng phụng sự Tổ quốc.
* Phát biểu ngày 08-5 nhân kỷ niệm 71 năm chiến thắng phát xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Aldo Rebelo nhấn mạnh, nhân loại mang ơn những người lính Liên Xô và Nga vì những đóng góp của họ cho chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít. Ông A. Rebelo cho biết, cuộc chiến tàn khốc trên đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người con Xô-viết và đây là minh chứng chứng tỏ lòng dũng cảm của các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã góp phần đáng kể mang lại cuộc sống tự do ngày nay.
* Trong khi đó, để tưởng nhớ công lao của Hồng quân Liên Xô trong công cuộc “đập tan” chủ nghĩa phát xít, Tổng thống Slovakia Andrej Kiska ngày 08-5 đã tới đặt vòng hoa tại đài tượng niệm Hồng quân Liên Xô ở thành phố Sered ở phía Tây Slovakia và thắp ngọn nến biểu tượng cho linh hồn những anh hùng đã ngã xuống vì tự do cho nhân loại. Ông A. Kiska nhấn mạnh, người dân Slovakia luôn biết ơn những Hồng quân Liên Xô, những người lính Nga, Ukraine, Belarus... đã giải phóng Slovakia khỏi ách phát xít.
* Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới đặt vòng hoa trước tượng đài Charles de Gaulle ở thủ đô Paris để bắt đầu lễ kỷ niệm 71 năm ngày quân đồng minh giành chiến thắng trước phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Tại Khải Hoàn môn - một biểu tượng thiêng liêng của nước Pháp, Tổng thống F. Hollande cũng đã đặt vòng hoa tại mộ liệt sĩ vô danh trước khi tiến hành phút mặc niệm.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian và hàng chục quan chức cấp cao khác cũng tham dự sự kiện kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít, vốn bao gồm cả nghi lễ cử hành hát quốc ca Pháp do đội vệ binh danh dự thực hiện.
* Phong trào xã hội “Trung đoàn bất tử” là một trong những hoạt động lớn được tiến hành nhân Ngày Chiến thắng. Phong trào này bắt đầu từ năm 2007 nhân Ngày Chiến thắng tại tỉnh Tyumen, miền Trung nước Nga, khi mọi người, nhất là thanh niên, mang ảnh của người thân đã tham gia Chiến tranh giữ nước vĩ đại tuần hành trên đường phố trong sự kiện gọi là “Cuộc diễu hành của những người chiến thắng”. Cái tên “Trung đoàn bất tử” xuất hiện từ năm 2012 trong cuộc tuần hành tương tự tại tỉnh Tomsk. Năm 2013, hoạt động này được tổ chức tại 120 thành phố, 1 năm sau con số này lên tới hơn 500 thành phố tại 7 nước. Từ năm 2015, phong trào chính thức được tổ chức trên toàn nước Nga với hơn 12 triệu người tham gia cuộc tuần hành “Trung đoàn bất tử”.
Năm nay, phong trào xã hội “Trung đoàn bất tử” được tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới như Canada, Mỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Tây Ban Nha... Tại thành phố Washington của Mỹ, hơn 160 người đã tham gia hoạt động “Trung đoàn bất tử”. Đoàn người này đã diễu hành từ bức tường Nhà Trắng tới Đài tưởng niệm quốc gia Chiến tranh thế giới thứ Hai và hát vang những bài ca thời chiến. Thành phố Hamburg (Đức) cũng tổ chức hoạt động trên với sự tham gia của nhiều người. Đây là lần đầu tiên hoạt động xã hội này được tổ chức tại Washington và Hamburg. Trong khi đó, tại trung tâm thành phố Toronto (Canada), hoạt động của “Trung đoàn bất tử” tổ chức lần thứ hai đã thu hút sự tham gia của hơn 2.000 người. Đoàn người tham gia hoạt động đã mang theo chân dung người thân đã từng tham gia vào cuộc chiến, cũng như cờ Chiến thắng, quốc kỳ Nga, Liên Xô và Canada. Trong khi đó, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nga tại Hà Lan, Hội đồng hương người Nga tại Hà Lan đã tổ chức hoạt động “Trung đoàn bất tử” và buổi hòa nhạc để kỷ niệm Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong Cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Hoạt động xã hội trên cũng được tổ chức ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển thu hút sự tham gia của nhiều người./.
BTV/TTXVN
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: