Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946
TCCSĐT - Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày hội để cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trải qua 70 năm, với 13 nhiệm kỳ hoạt động, với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu cho mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Tự hào với những thành tựu vẻ vang của Quốc hội Việt Nam đã đạt được trong 70 năm qua, chúng ta càng thấm thía công lao và những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho việc hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam…
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 03-9-1945, nghĩa là chỉ một ngày sau khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là... tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu… Tất cả công dân trai gái 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…, để bầu ra Quốc hội. Quốc hội đó sẽ là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ.
Việc chuẩn bị cho tổng tuyển cử đã diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Chúng ta vừa kháng chiến ở miền Nam, vừa phải giải quyết những nhiệm vụ rất cấp bách hàng ngày đặt ra, vừa thực hiện sách lược tạm hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc; đồng thời lại vừa phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng. Ngày 08-9-1945, Chính phủ ta đã ra Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội, thể hiện tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng của việc cần phải tổ chức ngay cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước. Để cổ vũ, động viên nhân dân cả nước tích cực thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, ngày 05-01-1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu:
“Ngày mai mồng 06-01-1946.
Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền làm chủ của mình.
Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn…
Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước.
Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.
Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vị lợi chung, quên lợi riêng…
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử.
Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”
Cũng trong thời gian đó, đồng bào và Ủy ban hành chính từ nhiều nơi gửi thư cho Chính phủ đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh không cần ra ứng cử ở một thành phố hoặc một tỉnh nào, để nhân dân cả nước có thể bỏ phiếu cho Người. Ai cũng muốn được ghi tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lá phiếu của mình.
Trước tấm lòng thịnh tình, kính yêu và tuyệt đối tín nhiệm của đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư ngỏ gửi đồng bào, đồng chí:
Tôi rất cảm động được đồng bào yêu quý mà đề nghị tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của cuộc Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên cũng không thể ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới.
Sáng 06-01-1946, khắp cả nước từ nông thôn đến thành thị đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, nhân dân không phân biệt giầu nghèo, già trẻ, gái trai nô nức đi bỏ phiếu, sử dụng quyền làm chủ thực sự của mình. Mỗi người tự mình cầm lá phiếu của tự do giành được từ cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài gian khổ bằng cả máu xương và nước mắt. Tổng tuyển cử thực sự là ngày hội của nhân dân. Bất chấp tình hình chính trị phức tạp tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ, cuộc bầu cử diễn ra trong tiếng bom đạn gầm rú của quân thù, gần 90% cử tri vẫn dũng cảm thực hiện quyền làm chủ của
mình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên” rằng: Tại Hà Nội, buổi sáng trời se lạnh, Bác mặc bộ quần áo ka-ki màu vàng giản dị, chân đi giày vải, đầu đội mũ cát, bên cạnh Bác chỉ có một cán bộ đi cùng, Người bước vào phòng bỏ phiếu, nét mặt tươi vui, cùng mọi người nhận lá phiếu đầu tiên thực hiện quyền công dân của một nước độc lập, tự do... Được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhân dân kéo tới đứng chật trước phòng bỏ phiếu, vui mừng đón chào Người. Bác giơ tay chào mọi người và đáp lại bằng những lời thăm hỏi thân mật, ấm tình thân ái, rồi tiếp tục đi thăm một số đơn vị bầu cử khác…
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, với ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt giàu nghèo, gái trai, già trẻ, dân tộc, tôn giáo từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử, dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các lực lượng thù địch. Tinh thần đó đã mang lại kết quả là hơn 89% tổng số cử tri trên cả nước đi bỏ phiếu, nhiều địa phương có số cử tri đi bỏ phiếu đạt hơn 95%. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946 đã thành công rực rỡ. Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Sự kiện đó đánh dấu sự phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta… Cử tri cả nước đã bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với 98,4% số phiếu bầu, đây là một bằng chứng hùng hồn về uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06-01-1946 đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, mất nước đã trở thành "chủ nhân" một nước tự do, độc lập và đã khẳng định với thế giới rằng: nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do, có quyền và đã thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ mới, chế độ Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta; đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, đó: kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc. Đồng thời, thắng lợi đó cũng khẳng định niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.
Vượt lên muôn vàn khó khăn trong cũng như ngoài nước, với những âm mưu đen tối của các thế lực phản động định tiêu diệt cách mạng Việt Nam, chiến đấu với cả giặc đói, giặc dốt... cùng với những di chứng của chế độ thực dân đế quốc để lại, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 của nước ta đã được tổ chức thành công. Một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất, lại dám tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ như nước Việt Nam ta khi ấy.
Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trong đó, hoạt động lập pháp ngày càng được quan tâm, quy trình nâng cao chất lượng của các văn bản luật, pháp lệnh nhằm từng bước hoàn thiện, hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, góp phần củng cố, xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đồng thời cũng đòi hỏi trách nhiệm của mỗi công dân. Cầm trên tay lá phiếu, mọi cử tri sẽ thực hiện quyền làm chủ của mình để bầu chọn ra những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Vì vậy, hăng hái tham gia bầu cử đúng pháp luật, đó là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm mà mỗi người cần thực hiện với niềm tin, niềm vui, sự tự hào là công dân của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: