Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Tuyên truyền đối ngoại
Tuyên truyền theo nghĩa rộng là sự truyền bá những quan điểm, những tư tưởng chính trị, triết học, khoa học nghệ thuật nhằm biến những tư tưởng, quan điểm ấy thành ý thức xã hội, thành hoạt động của quần chúng.
Theo nghĩa hẹp, tuyên truyền là quá trình truyền bá những quan điểm lý luận nhằm xây dựng cho quần chúng thế giới quan nhất định phù hợp với lợi ích của chủ thể tuyên truyền và kích thích những hoạt động thực tế của quần chúng phù hợp với quan điểm đó (chủ yếu đề cập đến tuyên truyền chính trị là truyền bá những tư tưởng, quan điểm, đường lối chính sách của đảng) nhằm hình thành thế giới quan khoa học của mỗi người dân, hình thành ý thức xã hội, cổ vũ tính tích cực hành động.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin và dân làm. Có nghĩa là nhằm mục đích nâng cao nhận thức, hình thành niềm tin, cổ vũ tính tích cực hành động.
Tuyên truyền đối ngoại là một loại hình tuyên truyền hướng ra bên ngoài, có đối tượng và phạm vi thế giới, nhằm gây uy tín và ảnh hưởng của đất nước mình trên trường quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ và đồng tình của các nước, đồng thời góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc tế của giai cấp công nhân.
Đối với nước ta hiện nay, tuyên truyền đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nhằm làm cho các nước, người nước ngoài, người Việt nam ở nước ngoài hiểu đúng đắn, đầy đủ về quan điểm đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng tình ủng hộ nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Như vậy, tuyên truyền đối ngoại là hoạt động tuyên truyền hướng vào đối tượng ở bên ngoài và người nước ngoài đang có mặt trong nước. Nhiệm vụ của tuyên truyền đối ngoại là nhằm tạo điều kiện quốc tế hòa bình và thuận lợi nhất cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bản chất là đồng nghĩa với hoạt động thông tin đối ngoại. Hiện nay trong các văn bản, cách nói, cách viết của Đảng và Nhà nước ta, sử dụng thuật ngữ thông tin đối ngoại do trong quan hệ quốc tế người ta ít dùng từ tuyên truyền. Thậm chí, một số thế lực thù địch còn xuyên tạc coi tuyên truyền là “nhồi sọ của cộng sản”. Vì vậy, từ năm 1992, trong chỉ thị 11- CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng khóa VII đã dùng thuật ngữ “thông tin đối ngoại” thay cho thuật ngữ “tuyên truyền đối ngoại”. Song chúng ta cần hiểu thông tin đối ngoại và tuyên truyền đối ngoại là một khái niệm có nội dung thống nhất.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: