Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
DÒNG HỌ PHAN HUY VỚI TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG.
Hà Tĩnh nói chung và Thạch Hà nói riêng từ lâu đã có tiếng là đất học, là quê hương của nhiều nhà nho văn hay chữ tốt, hào hoa, phong nhã và cũng là nơi có truyền thống khoa bảng.Tiêu biểu như: Phan Viên (Bàn Thạch) đậu tam giáp đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại -Bảo thứ 3 (1442), Lê Trực (Bàn Thạch) 25 tuổi đậu tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Dậu niên hiệu Thái - Hoà thứ 11 (1453), Nguyễn Nhân Hiếu (Đan Liên) 26 tuổi đậu đồng tiến sĩ khoa Ất Sửu niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505), Trương Quang Trạch (Tống- Lỗ) 30 tuổi đậu đồng tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Chính-Cảnh-Trị thứ 8 (1670)…..
Ngày nay Thạch Hà tiếp tục là quê hương của nhiều nhà khoa học, nhà báo, nhà giáo nổi tiếng mà được cả trong nước và thế giới biết đến như giáo sư sử học Phan Huy Lê, giáo sư Phan Huy Xu, nhà báo Phan Huy Hiền….
Khoa bảng được coi là một niềm tự hào của nhiều dòng họ ở nước ta, trong đó có dòng họ Phan Huy là dòng họ có truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao. Từ cụ tổ đến nay đã có 15 đời con cháu, 6 đời trước những ông cụ là võ quan đời đời đức dày đã giữ chức tể tướng, quận công trong triều. Đến cụ Phan Huy Cận là người mở đầu cho sự nghiệp khoa bảng của dòng họ, từ đó các thế hệ sau lại nối tiếp truyền thống đó góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử khoa cử Viêt Nam.
Người đỗ đạt đầu tiên của dòng họ Phan Huy là Phan Huy Cận, ông sinh ngày 7 tháng 2 năm Nhâm Dần, niên hiệu Dụ Tôn Bảo Thái thứ 3 (1722) trong một gia đình quan võ, là con thứ 6 của cụ Phan Văn Tĩnh. Năm 26 tuổi thi hương đỗ giải nguyên. Năm 33 tuổi đỗ hội nguyên khoa Giáp Tuất năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) thi đình đỗ Đồng Tiến sĩ “ông là một người có nhân cách giữ mình ngay thẳng không xu phu kẻ quyền yếu” [3,312], ông làm quan đã đến chức nhập thị bồi tụng; Hữu thị lang bộ công kiêm thị giảng Quốc Tử Giám, năm Bính - Ngọ (1786) ông 65 tuổi, được về trí sĩ. Trước khi về, được thăng chức thị lang bộ công, tước Khuê - Phong bá. Về trí sĩ được ít lâu, lại có chiếu khởi dụng, lãnh chức Bình chương sự, nhập thị kinh diên, nhập thị bồi tụng, Thăng Khuê - Phong Hầu. Thời gian trở lại triều làm việc, từng giữ chức tả thị lang bộ binh, bộ binh và bộ lễ, kiêm tổng tài quốc sử quán, trước sau ông làm việc ở triều hơn 30 năm.
Phan Huy Cận là thân phụ của Phan Huy Ích và Phan Huy Ôn cũng là những người đậu đạt, kế tục sự nghiệp của cha mình.
Phan Huy Ích là con trai trưởng cụ Bình Chương hiệu là Dụ Am, sinh ngày 12/12 năm Canh Ngọ (1750). Khi còn học ở quê nhà Phan Huy Ích nổi tiếng thông minh. Ông thi hương đỗ Giải nguyên, 26 tuổi đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu cảnh hưng 36 (1775) đời Lê Thiển Tông. Sau khi đỗ được bổ chức Hàn Lâm thừa chỉ, về sau được điều đi giữ chức tham chính xứ Sơn Nam. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc, ông đến yết kiến, được Nguyễn Huệ tin dùng, trao chức Tả thị lang bộ binh, tước thuỵ Nham Hầu. Năm 1790, ông được cử làm chánh sứ đưa Giã Vương sang nhà Thanh. Năm 1792, được thăng chức Thị trung ngự sử. Triều Tây Sơn thất bại, ông và nhiều nhân vật khác bị bắt, sau đó được tha về, ông về quê dạy học.
Sau khi Phan Huy Ích đậu tiến sĩ một năm thì em ông là Phan Huy ôn (1755 – 1786) cũng đậu tiến sĩ năm Canh Tý (1780). Trước đó ông thi hương đỗ giải nguyên. Sau khi thi đỗ được bổ chức đốc đồng Sơn Tây, thăng hàn lâm thị chế, tham đồng đê lĩnh, thiên sai tri công phiên, tước mỹ xuyên bá. Sau khi mất được tặng chức hàn lâm thị giảng, tước Mỹ xuyên hầu.
Phan Huy Thự là con thứ hai cụ Bình Chương (Phan Huy Cận) khoa Tân Mão (1771) đậu Hương cống, lúc đó ông mới 19 tuổi (đỗ cùng người anh trai cả), năm Kỷ Hợi (1779) thi hội trúng Tam trường.
Phan Huy Sảng là con thứ tư cụ Phan Huy Cận khoa thi hội (1779) đậu Hương cống lúc 16 tuổi, thi hội nhiều lần trúng Tam trường.
Ngoài các nhân vật đó trong dòng họ Phan Huy còn có nhiều bậc danh tài kế tục như Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh, Phạm Huy Thực, Phan Huy Dũng, Phan Huy Tùng… làm rạng rỡ thêm cho dòng dõi tổ tiên ông cha. Trong những người này phải kể đến Phan Huy Chú, ông là con trai thứ ba trong 6 người con của cụ Phan Huy Ích, sinh ra trong một gia đình ông nội, cha, chú, anh em nhiều người học rộng tài cao, thi cử đỗ đạt, Phan Huy Chú thi không đỗ cử nhân, tiến sĩ mà hai lần đậu tú tài (nên thường gọi là kép thầy). Nhưng ông là người thông minh, hiếu học biết nhiều, biết rộng nên được bổ làm Biện Tu ở Viện hàn lâm triều Nguyễn.
Đến Phan Huy Vịnh, tự là Hàm Phủ, đỗ cử nhân khoa Mậu Tý, Minh Mạng thứ 10 (1828), Phan Huy Dũng sinh ngày 24 tháng 3 năm Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị (1842), ông đỗ tú tài khoa Giáp Tuất (1874) đỗ Giải Nguyên, từng ba lần làm tri huyện, thường vụ tỉnh Sơn Tây, được vài năm ông giữ chức án sát sứ tỉnh Sơn Tây.
Tiếp đến là Phan Huy Tùng sinh năm Mậu Dần, đậu cử nhân khoa Bính Ngọ (1906), 36 tuổi đỗ hội Nguyên đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu niên hiệu Duy Tân 7 (1913). Trước khi thi đỗ làm Huấn đạo huyện Đông Sơn, sau khi thi đỗ được bổ chức Thị lang trung bộ hình.
Nối tiếp truyền thống khoa bảng của cha ông, trong những thời kỳ sau con cháu của dòng họ Phan Huy có rất nhiều người kết quả cao trong thi cử. Tiêu biểu như giáo sư Phan Huy Lê (giáo sư Sử học, là một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam), giáo sư Phan Huy Xu, tiến sĩ Phan Huy Thuần, tiến sĩ Phan Huy Tiến, tiến sĩ Phan Huy Dục, cả ba người con gái của giáo sư Phan Huy Lê là Phan Thị Liên, Phan Thị Thảo, Phan Thị Linh đều là tiến sĩ trên các lĩnh vực như Hoá học quân sự, sử học, khoa học.
Ngoài ra con cháu của dòng họ hiện nay có nhiều người là đại tá quân đội, là kỹ sư, giáo viên giảng dạy ở các trường Đại học, cao đẳng, nhiều người là nhà báo như nhà báo Phan Huy Hiền làm phó vụ trưởng vụ báo nhân dân. Trong dòng họ có hàng trăm người có trình độ Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, có những gia đình có 3-4 con đậu Đại học.
Như vậy, với truyền thống khổ học, hiếu học, học giỏi các thế hệ con cháu của dòng họ Phan Huy đã ngày càng vun đắp thêm, tô thắm truyền thống khoa bảng hiển vinh của ông cha để lại cũng như làm rạng rỡ thêm truyền thống khoa bảng của dân tộc Việt Nam.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: