Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Chí sĩ cách mạng Nguyễn Sỹ Sách
Trong 30 năm đầu thế kỷ XX, khi tầng lớp văn thân sĩ phu và tri thức yêu nước đang khủng hoảng khó khăn trong việc tìm cho dân tộc một con đường đi mới thì những đóng góp của Nguyễn Sỹ Sách trong thời đầu là vô cùng quan trọng.
Nguyễn Sỹ Sách biệt hiệu là Kiếm Phong, con trai trưởng cụ Hàn Giản, sinh năm 1905, ra đời dưới thời cai trị thuộc Pháp. Anh cùng chịu chung số phận của người dân mất nước. Từ thuở nhỏ, Nguyễn Sỹ Sách được tiếp thu truyền thống yêu nước của các sĩ phu Nghệ Tĩnh thông qua các bậc cha chú trong các buổi đàm đạo, bình văn thơ tại nhà thờ. Anh khâm phục những con người yêu nước của quê hương. Anh rất tự hào về truyền thống hiếu học yêu nước của dòng họ và nguyện học tập truyền thống của các bậc cha chú.
Lúc còn nhỏ, Nguyễn Sỹ Sách vốn là người thông minh, hiếu học. Năm 11 tuổi, anh thi tuyển sơ cấp đỗ đầu huyện Thanh Chương. Năm 13 tuổi, đỗ thứ hai kỳ thi Tiểu học. Năm 17 tuổi, Nguyễn Sỹ Sách đỗ bằng Thành chung khóa đầu tiên của trường Quốc học Vinh cùng Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Trần Văn Kiên - người cùng huyện.
Sau khi đỗ bằng Thành chung, Nguyễn Sỹ Sách được vua Bảo Đại mời vào làm quan nhưng anh không nhận, được nhà nước bảo hộ phong cho sắc Hàn lâm, anh mang sắc về rồi đốt đi và bảo: “Chả để làm gì, chật hòm vô ích”. Nguyễn Sỹ Sách đã khắc vào cổng vào nhà ở và nhà thờ dòng chữ bằng tiếng Pháp “Les manains ne peuvent pas y enter”. Tạm dịch: “Các quan lại không thể vào đây”. Nghĩa bóng: Trong nhà thờ và nhà ở phía trong cổng ngăn này chỉ có những người yêu nước thương dân không ra làm quan kể cả Nguyễn Sỹ Sách. Còn những quan lại Nam triều đã đầu hàng giặc không có chỗ ở trong này. Kể cả tư tưởng đi làm quan thỏa hiệp theo giặc, tham nhũng đục khoét nhân dân cũng không thể lọt vào cổng ngăn này được.
Trong thực tế Nguyễn Sỹ Sách đã khước từ mọi ưu ái của thực dân phong kiến. Anh học giỏi, đỗ giải nhất, được học bổng du học ở Pháp nhưng anh từ chối và cũng không ra làm quan. Chọn nghề dạy học để làm cách mạng.
Anh được bổ nhiệm dạy trường Tiểu học Pháp Việt thị xã Hà Tĩnh. Anh tìm sách báo tiến bộ, thăm dò hoạt động cứu nước của các sĩ phu…Nhiệt tình cách mạng ấy đã thúc anh sớm đi vào con đường hoạt động cứu nước. Là giáo viên phụ giảng môn Quốc sử và Việt văn nên Nguyễn Sỹ Sách có điều kiện để tuyên truyền giác ngộ quần chúng nhất là lớp học sinh đã trưởng thành có tư tưởng yêu nước, lớp giáo viên, thanh niên trí thức có tư tưởng căm thù thực dân phong kiến để tham gia vào hội. Anh đã bắt mối liên lạc quần chúng tạo điều kiện thuận lợi khi đồng chí Hoàng Đức Thi và bắt liên lạc phát triển tổ chức và thành lập tỉnh bộ Tân Việt ở Hà Tĩnh. Tổ chức Tân Việt ở Hà Tĩnh đã phát triển cơ sở từ thị xã Hà Tĩnh đến các huyện Hương Khê, Kỳ Anh, Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Nghi Xuân, Thạch Hà. Tân Việt có nhiều loại hình tổ chức quần chúng như Hội tu thân, Hội đọc sách báo, Hội khuyến học, Hội đá bóng, Học sinh đoàn, Hội phường vải, phường lợp nhà, Hội ái hữu…Mặc dù Hội chưa có điều kiện, chưa có chương trình rõ rệt song cùng chung một mục đích là tự tôn dân tộc, chống đối ách thống trị của thực dân phong kiến.
Năm 1925, Nguyễn Sỹ Sách tham gia vào hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng) gồm: Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Lê Huân, Tú Kiên.v.v…một tổ chức cách mạng quốc gia do các tầng lớp tri thức sáng lập. Anh nhận trách nhiệm tổ chức tuyên truyền tư tưởng yêu nước rộng rãi trong học sinh, giáo chức và nhân dân. Tôn Thất Cổn, hiệu trưởng đã dò la được hoạt động của anh, nhiều lần đốc học, công sứ Hà Tĩnh gọi anh đến dụ dỗ, vừa trấn áp. Do những hành động tích cực của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách nên bọn thống trị ở Hà Tĩnh đánh hơi trước những hoạt động của anh. Công sứ Macti trực tiếp gặp Nguyễn Sỹ Sách dọa dẫm, cảnh cáo. Mọi hành động của chúng đều bất lực trước ý chí của Nguyễn Sỹ Sách, tên thủ hiến học chính Trung kỳ Đêlêixi, điều Nguyễn Sỹ Sách và Huế để tra hỏi. Hắn lên mặt hỏi: “Nước mẹ Đại Pháp cho ăn học, đào tạo tại sao anh dám vô lý với quan trên, lại có hành động phản bội”. Nguyễn Sỹ Sách lập tức bác bỏ và khẳng khái đáp lại: “Tôi làm việc nghĩa, tôi chống lại những người làm việc thiếu đạo đức, tôi đòi hỏi một sự công bằng bình đẳng sao lại bảo tôi là phản bội”. Bọn thực dân không có chứng cứ gì để buộc tội đành chuyển Nguyễn Sỹ Sách xuống dạy ở trường Phú Vang cách Huế 10km. Sau đó anh tìm đến gặp cụ Phan Bội Châu ở Huế, vừa là người thầy, vừa là học trò tri kỉ của bậc tiên khảo họ Nguyễn Sỹ. Cụ Phan tỏ thái độ đồng tình và khuyên anh “đối với giặc nước, đấu tranh phải hết sức khôn khéo. Chớ vì bực tức mà phải ứng đơn độc lẻ loi”. Lời chỉ bảo của Phan Bội Châu đã giúp Nguyễn Sỹ Sách thêm những bài học kinh nghịêm quý báu trên con đường cách mạng.
Những ngày ở Huế, anh đã phải chứng kiến biết bao hành động ngang ngược, thô bạo của quan chức và binh lính người Pháp đối với người Việt Nam. Đầu năm 1926, anh vận động thân sinh đốt bỏ đạo sắc “Hàn lâm đại chiếu” ban cho ông, rồi sau đó Nguyễn Sỹ Sách đã quyết định bỏ nghề dạy học để có thời gian dốc toàn tâm lực cho việc hoạt động cách mạng.
Mùa hè năm 1926, anh về quê bắt liên lạc với chú ruột là Nguyễn Sỹ Lương (tức là Đốc Tám), hơn anh 3 tuổi. Nguyễn Sỹ Lương dạy trường Tiểu học Pháp Việt ở huyện Nam Đàn. Một đôi lần anh vào Huế liên lạc với cụ Phan Bội Châu nhưng bị thực dân Pháp theo dõi và bị bắt giam lỏng ở Huế. Sau đó đuổi anh không cho dạy trường huyện. Anh về cùng Nguyễn Sỹ Lương, Vương Thúc (Nam Đàn) đứng ra thành lập “Hội khuyến học” trong làng, mở trường dạy học tại nhà thờ và hội quán Tú Viên gồm có: Nguyễn Duy Quế, Nguyễn Sỹ Diệu, Nguyễn Sỹ Đồng, Nguyễn Sỹ Đức, Nguyễn Sỹ Tâm, Nguyễn Duy Trầm, Võ Thúc Đồng, Lê Nam Thắng, Nguyễn Đình Tùng v.v..
Sau đó chuyển sang dạy chữ quốc ngữ đầu tiên ở tổng Xuân Lâm và huyện Thanh Chương gồm 3 lớp sơ học: Lớp 5, lớp 4, lớp 3. Thời đó tương đương lớp 1,2,3 ngày nay. Đối với những học trò ở xa trường, nhà nghèo Nguyễn Sỹ Lương và Nguyễn Sỹ Sách nuôi ăn học tại gia đình. Hàng ngày bà Nguyễn Thị Hồng - vợ Nguyễn Sỹ Sách vừa phục vụ cơm nước cho chồng lại lo cơm nước cho các học trò nghèo ăn học trong nhà chu đáo. Những bộ phản, bộ tràng kỷ, yến thư, bàn thờ vừa là nơi học và nơi nghỉ của học trò lúc đó. Trong những buổi học, Nguyễn Sỹ Sách đưa các bài thơ của cụ Phan Bội Châu để giảng giải cho học sinh. Thanh niên tham gia học ngày càng đông. Đặc biệt, Nguyễn Sỹ Sách còn lấy ý trong các bài thơ, các bức hoành phi, câu đối, bức trướng và những mẩu chuyện của các bậc tiền bối ngay trong nhà thờ của các lớp học làm giáo cụ trực quan nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước đối với đông đảo thanh niên và quần chúng. Thông qua con đường dạy học, Nguyễn Sỹ Sách đã truyền cảm tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ ở Thanh Chương. Và sau này chính những người học trò đó đã trở thành hạt nhân cho phong trào cách mạng Việt Nam, là những người đi đầu trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Đó là Nguyễn Duy Tâm; thiếu tướng Lê Nam Thắng; đại tá Nguyễn Đình Tùng; Võ Thúc Đồng - Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An…
Có thể nói Nguyễn Sỹ Sách là một trong những người cộng sản đầu tiên và sớm nhất ở huyện Thanh Chương.
Giữa năm 1926, anh liên lạc với cán bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội vừa ở Quảng Châu về. Sau đó anh định sang Trung Quốc gặp Nguyễn Ái Quốc nhưng đến Hải Phòng bị mật thám theo dõi anh đành trở về hoạt động tại Vinh.
Mùa thu năm 1927, Nguyễn Sỹ Sách được hội Hưng Nam cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện về chủ nghĩa Mác - Lênin do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội mở. Người trực tiếp lên lớp là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Trước lúc lên đường sang Quảng Châu, anh về thăm gia đình, lên nhà thờ thắp nén hương bái tổ cầu xin tổ tiên phù hộ cho anh sớm đạt ý nguyện của mình.
Sau khi ở Quảng Châu về nước, Nguyễn Sỹ Sách được cử làm Bí thư Kỳ Bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Với cương vị Bí thư, đồng chí đến các tỉnh chỉ đạo việc xây dựng, phát triển tổ chức Hội và các tổ chức quần chúng, đặc biệt là trong các xí nghiệp, nhà máy. Đi đôi với công tác tổ chức anh dịch sách báo, soạn tài liệu bồi dưỡng lý luận cho cán bộ hội viên. vì vậy chưa đầy một năm sau tổ chức và ảnh hưởng của Hội đã lan rộng.
Ở cương vị đó, anh đã đến các tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và phát triển tổ chức hội, các tổ chức quần chúng. Nguyễn Sỹ Sách đã lấy nhà thờ Can Cụ làm địa điểm liên lạc, hội họp và cất dấu tài liệu của Đảng từ nước ngoài đưa về. Hàng ngày, anh đọc sách báo, tiếp khách bạn bè ngồi quây quần trên bộ phản gỗ lim, bộ tràng kỷ tre ở 2 gian nhà ngoài. Những lúc rảnh khách anh tranh thủ lên nhà thờ dịch sách tiếng nước ngoài ra tiếng Việt, biên soạn tài liệu bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, hội viên đến dự rất đông cả ngày lẫn đêm. Mặc dù mùa hè nóng nực, oi bức, anh vẫn say sưa làm việc cho đến 1, 2 giờ sáng vẫn chưa nghỉ. Ở đây yên tĩnh dễ che mắt địch, bên cạnh có chị Nguyễn Thị Hồng là người vợ hiền thảo vừa lo việc cơm nước hàng ngày cho chồng và các đồng chí. Chị cùng anh em trong họ làm giao thông liên lạc, cất dấu tài liệu, canh giữ bí mật cho chồng và các đồng chí đến hội họp bàn công việc hoạt động cách mạng ở nhà thờ được bảo vệ an toàn. Chưa đầy một năm sau, tổ chức và ảnh hưởng của Hội đã lan rộng khắp nơi.
Đầu năm 1928, đồng chí Sách sang Quảng Châu xin ý kiến của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
Khó khăn lớn nhất lúc này là việc hợp nhất giữa Hưng Nam và Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách rất tích cực, kiên trì vận động hợp nhất 2 tổ chức theo quan điểm và chủ trương đúng đắn của Tổng bộ Thanh niên ở Quảng Châu. Đồng chí làm hết sức mình bằng cả tấm lòng chân thành, tất cả vì sự nghiệp cách mạng, nhưng do một số đại biểu còn mang nặng tư tưởng cá nhân hẹp hòi, nên hội nghị hợp nhất ở Kim Liên (Nam Đàn) không thành công.
Năm 1929 xu hướng cộng sản đã phát triển mạnh khắp trong cả nước. Là người nhạy bén luôn nắm bắt được tình hình chính trị xã hội, Nguyễn Sỹ Sách nhất trí với nhận định của Hội nghị trù bị đại hội đại biểu toàn quốc Thanh niên họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) đầu năm 1929 là: Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội không còn đáp ứng được vai trò lãnh đạo cách mạng nữa, đã đến lúc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để làm nhiệm vụ lịch sử của giai cấp vô sản. Cuối tháng 4 năm 1929, đồng chí đã dẫn đầu đoàn đại biểu Trung kỳ sang Hương Cảng dự Đại hội đại biểu Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (đây là lần thứ 5 Nguyễn Sỹ Sách xuất dương sang Trung Quốc). Ngày 1 tháng 5, Đại hội khai mạc, đồng chí được bầu là ủy viên Ban chấp hành Tổng bộ, đặc trách công tác trong nước.
Về nước đồng chí khẩn trương cho xây dựng các chi bộ Đảng, chuẩn bị cử đại biểu đi dự Hội nghị thành lập Đảng. Những tài liệu của mật thám Pháp lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng minh: Trên con đường cách mạng miền Trung đầy gian khổ, từ Vinh vào Đà Nẵng nơi nào cũng có dấu chân hoạt động của người cán bộ nhiệt tình, năng nổ Nguyễn Sỹ Sách.
Tháng 6 năm 1929, tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ cử đại diện những người xây dựng Đảng ở Nghệ Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách đã chuyển các chi bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở: Nhà máy Trường Thi, Trường Quốc học Vinh, Lộc Đa (TP Vinh), Dương Xuân (Anh Sơn), Lý Trai và Vạn Phần (Diễn Châu), trường Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh…thành chi bộ Cộng sản đầu tiên.
Ngày 28 - 7 - 1929, đồng chí về quê lên nhà thờ Can Cụ ngồi biên soạn các văn bản tài liệu cho cuộc họp liền bị tri huyện Thanh Chương Hoàng Xuân Viên và tên lính khố xanh ập vào nhà. Tên gián binh nói với đồng chí Sách bằng tiếng Pháp. Sau đó đồng chí Sách nói với vợ “Mình xếp hộ tôi 2 bộ quần áo, 10 đồng bạc, cả giấy căn cước bỏ vào cặp cho tôi”. Cùng lúc đó tên lính đưa xiềng ra khóa tay đồng chí lại rồi xông vào lục soát trong nhà và cả ở nhà thờ cạnh đó. Đồng chí Sách lại gần cụ Hàn Giản và thưa “Thưa cha, đối với gia đình con chưa được làm gì để cha mẹ yên lòng. Vì con sinh ra ở cái xã hội bất công này con rất đau lòng… xin cha mẹ ở nhà cứ yên tâm, con chẳng làm gì mà có tội” (ý muốn nói làm cách mạng không bao giờ có tội). Sau đó tên gián binh giải đồng chí Sách đi qua cổng ngăn, cùng lúc đó hàng trăm người dân trong làng già trẻ đổ ra đường đấu tranh cản đường đi của chúng, đòi trả tự do cho Nguyễn Sỹ Sách. Đồng chí Sách ngậm ngùi tạm biệt gia quyến và bà con hàng xóm hiên ngang bước lên xe ô tô đi xuống Vinh. Không ai ngờ, buổi trưa hôm bị bắt đó Nguyễn Sỹ Sách đã đi mãi không về. Bà con họ hàng làng xóm chia tay anh hôm đó cũng là buổi ly biệt, anh để lại muôn vàn tình thương yêu cho quê hương xứ Nghệ.
Anh Sách bị đưa vào giam ở nhà lao Vinh. Mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Tòa án Nam triều đã kết án anh tù khổ sai chung thân, đày đi nhà tù Lao Bảo. Chúng đưa anh vào giam ở lao B. Nhà tù Lao Bảo nằm sâu trong vùng núi hiểm trở thuộc huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị. Thực dân Pháp dựng lên ở đây 2 nhà giam gọi là nhà lao A và nhà lao B, nối liền với nhau bằng một dãy nhà cầu. Mặc dù đã bố trí kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, bọn chúng vẫ bắt người tù đêm ngày cho chân vào cùm và ngậm một tấm thẻ “Cấm nói chuyện”. Rời nhà lao đi làm khổ sai, mỗi người phải mang 3 chiếc xiềng sắt ở cổ, ở tay, ở chân. Bọn lính dùng dây xích nối 3 xiềng đó lại để dắt di như dắt súc vật. Biết bao người yêu nước đã chết dần, chết mòn vì chế độ nhà tù hà khắc tàn bạo này.
Không thể chịu nổi cảnh ngục tù dã man này, Nguyễn Sỹ Sách đã cùng với các chiến sỹ cách mạng khác tổ chức đấu tranh. Nguyễn Sỹ Sách nhận trách nhiệm lãnh đạo ở lao B, Trần Văn Cung nhận trách nhiệm ở lao A. Theo kế hoạch, trưa ngày 19-12-1919 sau khi đi lao dịch về, tù chính trị ở hai lao A và B thống nhất bỏ ngậm thẻ, tuyên bố tuyệt thực để tố cáo tội ác nhà tù và đòi gặp Côngbơ, tên sếp lao người Pháp để đưa yêu sách. Hắn sai tên cai người Việt đến nhà lao, anh em không tiếp, không thể trốn tránh được, Công bơ buộc phải đến gặp anh em tù. Hắn giở đủ mánh khóe, hết xoa nịnh, phỉnh phờ, dụ dỗ đến quát nạt, răn đe nhưng đều không có kết quả. Vừa bực tức, vừa bẽ mặt hắn đánh bài chuồn thẳng. Anh em vẫn không chịu lùi bước. 3 giờ sau, Côngbơ đành phải quay trở lại lao A. Anh em đưa bản yêu sách gồm 7 điều:
1. Bỏ gông cùm, xiềng xích.
2. Trả về nhà tù các tỉnh.
3. Cho đọc sách báo.
4. Cho gửi thư về gia đình.
5. Cho nhận quần áo gia đình gửi đến.
6. Cải thiện chế độ ăn uống
7. Không được bắt làm việc nặng nhọc.
Công bơ nhận bản yêu sách rồi bắt 3 người ở lao A giam vào xà lim. Biết tin, Nguyễn Sỹ Sách kịp thời động viên anh em ở lao B giữ vững tinh thần đấu tranh và đòi thả bằng được những người bị bắt.
Đến lao B Côngbơ giở giọng xoa dịu vuốt ve, cảnh giác trước âm mưu thâm độc của hắn, Nguyễn Sỹ Sách liền quật lại bằng những lời đanh thép: “Chính sách nhà tù quá tàn nhẫn! Các ông đừng mượn chiêu bài bác ái để che đậy tội ác, chúng tôi quyết đòi bằng được 7 yêu sách, không được quyết không nhân nhượng!”
Trước thái độ kiên quyết của đồng chí Sách và anh em trong tù, Côngbơ trở giọng thách thức: “Được chúng mày sẽ biết tay tao!”. Nguyễn Sỹ Sách phẫn nộ quát vào mặt hắn: “Đối với chúng tôi hoặc sống làm người hoặc là chết chớ không chịu sống cảnh ngục tù dã man này!”. Côngbơ lập tức sai lính dẫn Nguyễn Sỹ Sách vào xà lim. Khi đi qua lao A Nguyễn Sỹ Sách gọi to: “Anh em ơi! Hãy kiên trì đấu tranh, phải đòi bằng được 7 yêu sách mới thôi!” Nguyễn Sỹ Sách dùng tiếng Pháp chửi thẳng vào mặt bọn chúa ngục và bè lũ tay sai bán nước, tên Côngbơ hốt hoảng xô đẩy đồng chí Sách, đồng chí dùng tấm chiếu mang theo quật vào mặt hắn. Ngay lập tức bọn tay sai đã bắn chết đồng chí vào lúc 17 giờ ngày 19 - 12 - 1929. Nguyễn Sỹ Sách ngã xuống ở ngục Lao Bảo lúc đồng chí vừa tròn 24 tuổi. Anh em tù nhân ở ngục Lao Bảo làm lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, tìm cách báo tin về nhà và thông báo cái chết của đồng chí đến những người cộng sản và đồng bào cả nước. Nhận được tin về sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo đã gửi thông tư cho toàn Đảng làm lễ truy điệu, giới thiệu và nêu gương sáng về tư tưởng, tinh thần và thành tích hoạt động của đồng chí.
Đồng chí Sách mất đi, nhưng tinh thần chiến đấu bất khuất của đồng chí đã cổ vũ mạnh mẽ anh em trong lao tù tiếp tục đấu tranh giữ vững ý chí chiến đấu tin tưởng vào ngày tháng thắng lợi.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: