Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Con người và xã hội loài người được hình thành và phát triển trong quá trình sản xuất vật chất. Lịch sử xã hội, do vậy trước hết là lịch sử của sản xuất vật chất. Vì vậy, khi nghiên cứu các hiện tượng xã hội, sản xuất của cải vật chất (sản xuất vật chất) là điểm xuất phát để tìm ra các quy luật vận động, phát triển khách quan của xã hội. .
Sản xuất vật chất là quá trình con người sử dụng công cụ lao động tác động vào tự nhiên để cải biến các dạng vật chất của tự nhiên thành của cải phục vụ cho đời sống xã hội. Đây là hoạt động nền tảng, cơ bản và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển và tồn tại của xã hội, là cái khác biệt căn bản giữa con người và động vật, là tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại và phát triển của con người. Trong quá trình sản xuất vật chất con người tạo ra tư liệu sinh hoạt nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển mình, đồng thời sáng tạo ra toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội với tất cả sự phong phú và phức tạp của nó. Chính trong quá trình này, con người đã từng bước làm biến đổi tự nhiên, biến đổi xã hội và biến đổi chính bản thân mình.
Để giải quyết đúng đắn các vấn đề của đời sống xã hội thì cần phải tìm nguyên nhân cuối cùng của nó từ tình trạng phát triển của nền sản xuất vật chất của xã hội đó mà căn bản là từ trình độ phát triển của phương thức sản xuất của nó - cái quyết định toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của một xã hội nhất định.
Với tính cách là phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử, phương thức sản xuất là cách thức con người thực hiện quá trình sản xuất vật chất ở những giai đoạn nhất định của xã hội loài người. Tương ứng với mỗi cách thức đó, trong lịch sử xã hội sẽ hình thành nên những tính chất, kết cấu và đặc điểm tương ứng về mặt lịch sử.
Và “phương thức mà con người sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho mình phụ thuộc trước hết vào tính chất của chính những tư liệu sinh hoạt mà con người thấy có sẵn và phải tái sản xuất ra”. Vì thế, dựa vào phương thức sản xuất đặc trưng của mỗi thời đại lịch sử, người ta có thể phân biệt các thời đại kinh tế khác nhau, hiểu thời đại lịch sử đó thuộc về hình thái kinh tế - xã hội nào.
Đối với sự vận động của lịch sử loài người cũng như sự vận động của mỗi xã hội cụ thể, sự thay đổi về phương thức sản xuất bao giờ cũng là sự thay đổi có tính chất cách mạng. Trong sự thay đổi đó, các quá trình kinh tế, xã hội…được chuyển sang một chất mới. Và sự thay thế hợp quy luật khách quan của các phương thức sản xuất tạo nên quá trình phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên.
Phương thức sản xuất là cách thức mà con người làm ra của cải vật chất cho xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Theo cách đó, con người có những quan hệ với tự nhiên và quan hệ với nhau trong sản xuất; hay nói cách khác, phương thức sản xuất là sự thống nhất biện chứng giữa lực lượng sản xuất ở một trình độ nhất định với quan hệ sản xuất tương ứng.Hai mặt này được hình thành một cách khách quan trong quá trình sản xuất vật chất, có sự tác động qua lại lẫn nhau, được C.Mác gọi là “quan hệ song trùng” của bản thân sự sản xuất xã hội.
Trong đó, lực lượng sản xuất là toàn bộ các lực lượng được con người sử dụng trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất. Lực lượng sản xuất biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong quá trình sản xuất. Nó thể hiện năng lực hoạt động thực tiễn của con người trong quá trình sản xuất ra của cải vật chất.
Lực lượng sản xuất bao gồm người lao động với kỹ năng lao động của họ và tư liệu sản xuất, trước hết là công cụ lao động. Trong quá trình sản xuất, lao động của con người và tư liệu sản xuất, trước hết là công cụ lao động kết hợp với nhau tạo thành lực lượng sản xuất.
Trong các yếu tố của lực lượng sản xuất thì con người - người lao động giữ vị trí hàng đầu và quyết định. Người lao động cùng với sức lao động (thể lực và trí lực) thông qua hoạt động lao động tạo nên sức mạnh vật chất tác động vào tự nhiên, cải biến tự nhiên nhằm phục vụ cho nhu cầu của bản thân và của toàn xã hội. Đồng thời, cải biến chính bản thân con người và các quan hệ giữa con người với con người. Qua đó, con người đã “tự nhân đôi mình lên một cách tích cực, một cách hiện thực” , tự khẳng định và thể hiện vai trò của mình trong sự phát triển xã hội, từ đó tạo nên bước chuyển quan trọng của mình là trở thành con người theo đúng nghĩa của nó.
Trong lao động, con người không ngừng phát triển năng lực nhận thức và tư duy của mình, sức mạnh và kỹ năng lao động thần kinh - cơ bắp vì thế được nhân lên gấp nhiều lần. Lao động của con người do đó ngày càng trở thành lao động có trí tuệ và lao động trí tuệ. Hàm lượng trí tuệ trong lao động, đặc biệt trong điều kiện khoa học - công nghệ phát triển vượt bậc, nền kinh tế tri thức đang hình thành và phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đã làm cho con người trở thành nguồn lực đặc biệt của sản xuất, là nguồn lực cơ bản, nguồn lực vô tận, giữ vai trò quyết định trong sự phát triển của nền sản xuất xã hội.
Tư liệu lao động là một vật hay toàn bộ những vật mà người lao động dùng để tác động vào đối tượng lao động nhằm sản xuất ra của cải vật chất. Tư liệu lao động là một trong những yếu tố giản đơn, cần thiết của quá trình lao động sản xuất ra của cải vật chất. Tư liệu lao động bao gồm: Loại truyền dẫn hoạt động lao động của con người tới đối tượng lao động hay còn gọi là công cụ lao động (máy móc, thiết bị...); Loại chứa đựng nguyên, nhiên, vật liệu, nửa thành phẩm, thành phẩm (giỏ, ống, thùng, lọ, vv.); Những điều kiện vật chất tuy không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nhưng cũng chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình sản xuất (nhà xưởng, đường sá, sân phơi, kho tàng...).
Trong toàn bộ các thành tố cấu thành tư liệu lao động, công cụ lao động đóng vai trò quan trọng nhất và là một thành tố cơ bản của lực lượng sản xuất. Công cụ lao động là “khí quan của bộ óc con người”, “là sức mạnh tri thức đã được vật thể hóa”, có tác dụng “nối dài bàn tay” và nhân lên sức mạnh trí tuệ của con người. Nhờ có công cụ lao động mà người lao động có thể tác động trực tiếp đến đối tượng lao động, chế biến nó trong quá trình sản xuất. Công cụ lao động có vai trò quyết định trong sản xuất. Mức độ và trình độ phát triển của công cụ lao động là thước đo khả năng chi phối tự nhiên của con người. Từ công cụ bằng đá thô sơ đến những máy tự động phức tạp nhất hiện nay là con đường phát triển của công cụ lao động mà con người đã thực hiện trong lịch sử sinh tồn của mình. Chính sự chuyển đổi, cải tiến và hoàn thiện không ngừng của nó đã gây ra sự biến đối sâu sắc trong toàn bộ tư liệu sản xuất. Xét đến cùng, nó là nguyên nhân sâu xa của mọi biến cải xã hội.
Để tiến hành quá trình sản xuất vật chất, đối tượng lao động là một yếu tố không thể thiếu. Đối tượng lao động là toàn bộ những vật mà trong quá trình lao động con người tác động vào bằng công cụ lao động để sản xuất ra của cải vật chất. Đối tượng lao động có hai loại. Loại thứ nhất có sẵn trong tự nhiên như các khoáng sản, đất, đá, thủy sản... Loại thứ hai đã qua chế biến nghĩa là đã có sự tác động của lao động trước đó, ví dụ như thép phôi, sợi dệt, bông...
Các yếu tố của lực lượng sản xuất quan hệ hữu cơ với nhau trong đó người lao động và công cụ lao động là hai yếu tố cơ bản nhất. Trên cơ sở sự thống nhất biện chứng giữa các yếu tố cấu thành nên nó, lực lượng sản xuất là kết quả khách quan củahoạt động thực tiễn của con người, được hình thành trong lao động và biến đổi cùng lao động. Đồng thời lực lượng sản xuấtbiểu hiện năng lực thực tiễn của con người trong quá trình chinh phục tự nhiên vì nhu cầu của con người, là thước đo quan trọng của sự tiến bộ xã hội.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất đã thúc đẩy quá trình phân công lao động xã hội. Đồng thời mỗi bước tiến của sự phân công lao động xã hội lại có tác dụng thúc đẩy lực lượng sản xuất của xã hội phát triển. Lực lượng sản xuất của xã hội phát triển cùng với nó là sự cải tiến không ngừng công cụ lao động, tư liệu sản xuất mở rông, đối tượng lao động ngày càng đa dạng lại thúc đẩy phân công lao động phát triển, năng suất lao động xã hội cao, Theo C.Mác: “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào”. [7, tr.269]
Điều này cho thấy rằng, việc tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam là yêu cầu phát triển khách quan của lực lượng sản xuất, để nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, nâng cao được trình độ kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền sản xuất xã hội. Muốn thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải chú trọng vào xây dựng, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người - nhân tố quan trọng nhất của lực lượng sản xuất, áp dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, cải tiến công cụ lao động, gắn với đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển nhanh và bền vững.
Lực lượng sản xuất là nhân tố cơ bản, tất yếu tạo thành nội dung vật chất của quá trình sản xuất; không một quá trình sản xuất hiện thực nào có thể diễn ra nếu thiếu một trong hai nhân tố là người lao động và tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, chỉ có lực lượng sản xuất vẫn chưa thể diễn ra quá trình sản xuất hiện thực được bởi “trong sản xuất, người ta không chỉ quan hệ với giới tự nhiên. Người ta không thể sản xuất nếu không kết hợp với nhau theo một cách nào đó để hoạt động chung và để trao đổi hoạt động với nhau. Muốn sản xuất được người ta phải có những mối liên hệ và quan hệ nhất định với nhau; và quan hệ của họ với giới tự nhiên, tức là việc sản xuất, chỉ diễn ra trong khuôn khổ những mối liên hệ và quan hệ xã hội đó” [10,tr.552]. Những quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất được gọi là quan hệ sản xuất, một mặt khác của phương thức sản xuất.
Trong hệ thống các quan hệ xã hội hết sức phức tạp, quan hệ sản xuất hình thành một cách khách quan trong quá trình sản xuất, là quan hệ cơ bản của xã hội, là cơ sở của các quan hệ xã hội khác.
Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất (sản xuất và tái sản xuất xã hội), bao gồm: các quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất; các quan hệ trong tổ chức và quản lý sản xuất; các quan hệ trong phân phối sản phẩm lao động.
Trong đó, quan hệ sở hữu là quan hệ cơ bản, xuất phát, trung tâm của các quan hệ sản xuất; là quan hệ quy định tính chất của quan hệ sản xuất và từ đó quy định luôn đặc trưng của một phương thức sản xuất nhất định. Sở hữu được hình thành từ sự chiếm hữu đối tượng để tiến hành sản xuất nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người. Sở hữu biểu hiện mối quan hệ giữa tập đoàn người này với tập đoàn người khác trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tư liệu sản xuất xã hội trong nền sản xuất xã hội mang tính chỉnh thể.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: