Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Một số giải pháp để phát triển du lịch Quảng Nam
Một là, Giải pháp về quy hoạch, quản lý quy hoạch
Tiếp tục nghiên cứu khớp nối các quy hoạch du lịch với quy hoạch phát triển của các ngành, địa phương liên quan và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quy hoạch phải gắn với phát huy đầy đủ các tài nguyên du lịch hiện có, chú ý các giá trị bản sắc văn hóa địa phương, xây dựng phương án khai thác, gìn giữ và tôn tạo các giá trị ấy, nghiên cứu thị trường, thị hiếu để lập dự án kêu gọi đầu tư, không tiến hành quy hoạch một cách áp đặt đơn thuần chỉ dựa vào tài nguyên mà không tính toán đến các yếu tố liên quan trong hệ thống. Điều chỉnh các quy hoạch đã có và nghiên cứu lựa chọn một số khu vực trọng điểm tiến hành quy hoạch. Quan điểm thực hiện quy hoạch là đồng bộ, khoa học, có thể thuê tư vấn nước ngoài giúp lập một số quy hoạch du lịch trọng điểm. Đồng thời với việc lập, điều chỉnh quy hoạch, cần thực hiện nghiêm túc trong quản lý sau quy hoạch, thông qua thẩm định, kiểm tra, giám sát và các quy định chế tài nghiêm ngặt.
Hai là ,về thu hút đầu tư du lịch
Tiếp tục xây dựng Hội An trở thành trung tâm du lịch của tỉnh có tầm cỡ quốc gia và khu vực với thế mạnh là nơi du lịch văn hóa và du lịch biển đảo, tạo nguồn khách cho các cụm du lịch khác trong tỉnh. Đầu tư xây dựng Cù Lao Chàm trở thành đảo du lịch tổng hợp bao gồm các sản phẩm về du lịch biển, du lịch rừng và văn hóa lịch sử, trước mắt hoàn chỉnh một số công trình hạ tầng thiết yếu tại Cù Lao Chàm đưa vào khai thác. Xây dựng Tam Kỳ trở thành hạt nhân du lịch ở phía Nam có một số khách sạn từ 3-4 sao khai thác các tuyến du lịch: Tam Kỳ - Phú Ninh; Tam Thanh- Tam Kỳ - Tiên Phước - Trà My - Tháp Chàm - địa đạo Kỳ Anh, khai thác nguồn khách công vụ, khách nghỉ cuối tuần, khách hội nghị, đón các luồng khách đến từ Hội An, Núi Thành qua sông Trường Giang và các tour du lịch đường bộ khác.
Thu hút đầu tư vào các khu du lịch Mỹ Sơn - Thạch Bàn bao gồm lâm viên, văn hóa, khu lưu trú, nơi giữ chân khách cho các tour du lịch sông Thu Bồn, suối nước nóng Tây Viên, thủy điện Duy Sơn 2 và các làng nghề truyền thống ở Duy Xuyên. Đây là nơi được xác định là thế mạnh phát triển loại hình du lịch văn hóa.
Đối với du lịch miền núi và đường Hồ Chí Minh tập trung khai thác các trọng điểm: A Sờ, sông Tranh, Phước Sơn. Xây dựng một số làng văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Trà My, Phước Sơn. Chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2010 có thể đón khách du lịch đường bộ qua cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang).
Hình thành dọc ven biển từ Điện Ngọc vào Kỳ Hà, các khu du lịch cao cấp trong đó thu hút một số nhà đầu tư nước ngoài của các quốc gia đang là thị trường khách trước mắt và lâu dài như: Nhật, Úc, Mỹ, Thái Lan... Thu hút đầu tư xây dựng một số khu giải trí, thể thao như sân golf, casino; đẩy nhanh việc tìm nguồn vốn cho khu du lịch đa chức năng Hội An, tạo cơ hội cho các dự án lớn có năng lực tài chính, đồng thời khuyến khích các dự án vừa và nhỏ đầu tư ở khu vực ngoài tuyến ven biển nhằm thu hút khách nội địa.
Giai đoạn 2010-2015 cần tập trung đầu tư một số hạng mục sau đây:
- Cầu Cửa Đại (Cửa Đại - Duy Hải)
- Đường Tam Kỳ - Phú Ninh
- Đường Tam Thanh - Tam Kỳ - Trà My
- Khu du lịch đa chức năng Hội An.
- Khu du lịch Mỹ Sơn - Thạch Bàn
- Khu du lịch Phú Ninh
- Khu du lịch Tam Thanh
- Các khu lưu trú, khu nghỉ mát, khách sạn, khu giải trí.
- Phương tiện vận chuyển khách du lịch: xe ô tô, tàu, thuyền...
- Trung tâm thông tin du lịch, trạm du khách...
Ba là, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch
Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch như tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, quốc tế. Đặc biệt chú ý hình thức tổ chức road show tại một số thị trường mới như Hàn Quốc, ASEAN, Tây Âu, Mỹ... Phấn đấu thiết lập đại diện chính thức hoặc không chính thức của du lịch Quảng Nam tại các thị trường trọng điểm trong nước và nước ngoài.
Đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và bằng các hình thức khác như trên các ấn phẩm (sách hướng dẫn tờ rơi, catalogue...) trên các phương tiện trực quan (pa nô, biểu ngữ...). Xây dựng trạm du khách bên đường để phục vụ, điều hành du khách, tổ chức các chiến dịch phát động thị trường. Qua các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao, qua các hội nghị trong nước và quốc tế tại tỉnh ta qua các hội chợ du lịch. Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch thông qua lễ hội và các hoạt động văn hóa khác. Đây là hình thức tuyên truyền, quảng bá mang hiệu quả cao.
Tăng cường hiệu quả của việc sử dụng công nghệ tin học nhằm tăng khả năng thu hút khách thông qua cổng thông tin điện tử tỉnh, qua trang Web của Sở Du lịch và các ngành, địa phương khác.
Bốn là, phát triển sản phẩm và thị trường du lịch
Tiếp tục khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đẻ nâng cao chất lượng các địa phương hiện có. Xây dựng những sản phẩm mới mang tính đa dạng và phong phú gắn liền với nhiều loại hình văn hóa, biển đảo và khu vực phía tây của tỉnh. Chú ý phát triển sản phẩm du lịch làng nghề và xây dựng thương hiệu quốc tế đối với sản phẩm làng nghề như; lồng đèn, may mặc, sản phẩm mộc và đồng... để tạo nguồn thu trong bán và xuất khẩu hàng lưu niệm.
Phân tích cơ cấu khách đến Quảng Nam trong những năm qua cho thấy khách châu Âu, Bắc Mỹ chiếm phần lớn, khách Đông Nam Á chiếm số lượng ít; khách nội địa còn thấp so với các tỉnh trong khu vực. Một số thị trường mới nổi lên của du lịch Việt Nam cần lưu ý như Nga, Hàn Quốc. Trên cơ sở lợi thế sản phẩm du lịch Quảng Nam, đánh giá thị trường khách du lịch đang phát triển cần có những giải pháp tích cực nhằm duy trì thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới và đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.
Phát triển mối quan hệ về du lịch giữa Quảng Nam với các tỉnh thành phố bằng hình thức liên kết thích hợp, nhất là các tỉnh, thành phố lân cận như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nha Trang.
Xây dựng cơ chế ưu đãi đối với các doanh nghiệp lữ hành mở ra những tour, tuyến mới khai thác tiềm năng du lịch trong tỉnh cũng như thu hút được nguồn khách quốc tế và nội địa đến Quảng Nam, chú ý phối hợp với các hãng hàng không, tàu biển, các cửa khẩu đường bộ.
Năm là, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực
Hiện trạng lực lượng lao động ngành du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đa số lao động chưa nắm vững kiến thức văn hóa xã hội của địa phương, vì vậy cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực mang tính toàn diện của ngành trên cơ sở chiến lược chung toàn tỉnh. Tranh thủ nhiều nguồn hỗ trợ, nhiều kênh đào tạo theo phương châm xã hội hóa để đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tiếp tục phối hợp với các trường mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho nhân viên làm việc tại các khu nghỉ mát, khách sạn, nhà hàng, các khu du lịch (lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, hướng dẫn viên) xem đây là một trong những điều kiện bắt buộc về tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp nhằm hướng đến một ngành du lịch chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh.
Quy định chặt chẽ về kiến thức văn hóa xã hội khi cấp thẻ cho hướng dẫn viên; có biện pháp ràng buộc các đơn vị kinh doanh du lịch khi tuyển dụng lao động phải đạt kiến thức văn hóa theo yêu cầu. Thường xuyên tổ chức thông tin, cập nhật kiến thức văn hóa cho đội ngũ lao động trong ngành trên địa bàn.
Sáu là, nhóm giải pháp khác
Thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực du lịch, tham mưu cho UBND tỉnh ra các văn bản pháp lý về quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là văn bản chế tài về khai thác, sử dụng, tu bổ và tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Trước mắt hoàn chỉnh một số quy chế về quản lý cơ sở lưu trú, quản lý các hoạt động du lịch trên biển, quản lý các di tích...
Thành lập ban quản lý du lịch tại một số khu vực trọng điểm để trực tiếp quản lý các dự án đầu tư phát triển, dự án tăng cường năng lực quản lý ngành thuộc các nguồn ngân sách trung ương, tỉnh và tài trợ của các tổ chức quốc tế và triển khai các hoạt động du lịch có hiệu quả, an toàn và bền vững. Triển khai thu phí và lệ phí để tái đầu tư.
Tham mưu các giải pháp về xã hội hóa du lịch thông qua các cơ chế qu đãi đầu tư, ưu đãi khai thác thị trường. Phát huy vai trò của nhân dân qua các hoạt động du lịch. Tăng cường sự phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể mặt trận trong công tác du lịch. Thành lập Hiệp hội du lịch Quảng Nam.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên qua bảo đảm an ninh quốc gia, trong các hoạt động đầu tư, xúc tiến, quảng bá và kinh doanh du lịch. Xây dựng các tuyến, điểm, khu du lịch an toàn làm cho du khách thật sự yên tâm khi đến du lịch ở Quảng Nam. Tiếp tục xây dựng Hội An trở thành thị xã văn hóa, xây dựng các làng, xã văn hóa ở các điểm du lịch. Xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, không có tình trạng ăn xin, chèo kéo du khách, hạn chế và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: