Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Với đặc điểm của địa lý tự nhiên, tiến trình lịch sử, cũng như các tiền đề xã hội – kinh tế - văn hoá, phong tục tập quán, lễ hội và các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Quảng Nam vừa mang những đặc điểm chung của quốc gia Việt Nam thống nhất, vừa thể hiện những đặc điểm riêng của vùng đất, con người xứ Quảng mà ở những nơi khác không có. Phong tục tập quán, lễ hội và sinh hoạt tín ngưỡng của các dân tộc ở Quảng Nam chính là những giá trị văn hoá đã được hun đúc và thử thách qua thời gian, được bảo lưu và phát huy tác dụng cho đến ngày hôm nay. Đó là những gì mà người dân Quảng Nam sáng tạo ra trong quá trình sống, sản xuất, chiến đấu nhằm thoả mãn những nhu cầu phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của mình. Đó là những quy định, kinh nghiệm, thói quen trong cách ứng xử với tự nhiên, xã hội, con người; là những tín ngưỡng, nghi thức tế lễ, hoạt động vui chơi, … của các dân tộc sinh sống trên vùng đất này. Phong tục tập quán, lễ hội và các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng của người dân xứ Quảng thể hiện sự kết hợp, đan xen, giao lưu, tiếp xúc với các phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng của nhiều dân tộc khác nhau trên cùng địa bàn cư trú, chính là sự chuyển giao, kết hợp, pha trộn của các tập tục hay kết hợp nhiều hoạt động trong một lễ hội (như Lễ hội Bà Thu Bồn). Người dân Quảng Nam dù ở miền núi hay miền biển, đồng bằng hay trung du thì việc mở hội để thực hiện các nghi thức tế lễ là một nhu cầu hết sức tự nhiên, nhằm để gửi gắm một khát vọng rất trần thế, rất đời thường của mình vào những nhân vật ở cõi hư vô nhưng lại gắn bó với sự tồn vong, sinh tử của họ. Mặt khác, do chịu ảnh hưởng của địa hình (núi, sông, đồng bằng, ven biển) nên đời sống tín ngưỡng của nhân dân Quảng Nam khá đa dạng. Có tín ngưỡng của đồng bào miền núi còn nặng về tính chất ma thuật và đậm sắc thái rừng, có lễ hội về nông nghiệp của cư dân vùng đồng bằng, vùng ven biển của người Kinh.
Đối với người dân Quảng Nam, tuy đời sống vật chất còn nhiều khó khăn song đời sống tinh thần khá phong phú, đa dạng với nhiều hình thức tín ngưỡng đan xen, hoà quyện với nhau.Tất cả các dân tộc đều thống nhất một điểm bao trùm và chi phối trong nhiều hoạt động của cá nhân cũng như cộng đồng là tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Họ luôn coi trọng các hình thức tín ngưỡng dân gian, từ thờ cúng tổ tiên, thờ mẫu đến thờ thành hoàng, những người có công với đất nước luôn được tổ chức cúng bái trang nghiêm. Các lễ hội của người dân trên khắp các vùng đất Quảng Nam, từ vùng miền núi, vùng biển, lễ hội nông nghiệp,… đều mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh được tổ chức đều đặn hàng năm để cầu mong cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an; để ngợi ca những bậc tiền nhân, hướng về cội nguồn, truyền thống của dân tộc và thể hiện khát vọng vươn tới Chân – Thiện – Mỹ của con người nơi đây.
Đặc điểm của con người Việt Nam nói chung, con người Quảng Nam nói riêng là hết sức cởi mở, khoan dung, nên cùng một lúc có thể tiếp nhận được nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Phong tục tập quán, lễ hội và các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng hết sức phong phú và đa dạng của người dân Quảng Nam chính là cái nền cho việc dễ dàng tiếp thu những tôn giáo khác du nhập vào. Những hình thức tôn giáo – tín ngưỡng sơ khai đến hiện tại, từ tôn giáo phương Đông cổ đại đến phương Tây cận đại, hiện đại - tất cả đều đã và đang tồn tại bên cạnh tín ngưỡng dân gian bản địa của các dân tộc sinh sống trên đất Quảng Nam.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: