Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Mê tín dị đoan – một hiện tượng xã hội cần phải tuyên truyền xóa bỏ
(Phần II)
4. Tính chất phản khoa học và tiêu cực của các hình thức mê tín dị đoan
a. Lý thuyết về sự may - rủi trong cuộc sống
Có thể nói rằng tri thức nhân loại đã mở ra thêm một bước khi toán học khám phá ra quy luật xác suất. Nói đến xác suất có nghĩa là nói đến những cái sẽ xảy ra và những cái có thể xảy ra. Khi ta tung một đồng xu xuống sàn, cái sẽ xảy ra là thế nào cũng có một mặt sấp xuống hoặc một mặt ngửa lên. Ta gọi xác suất cho mỗi mặt là 1/2. Khi ta gieo một con xúc xắc có 6 mặt xuống sàn và ta chờ đợi mặt số 1 sẽ ngửa lên trên cùng. Sự chờ đợi của ta sẽ có khả năng diễn ra như ý với cơ may (xác suất) chỉ là 1/6, trong khi khả năng diễn ra không như ý là 5/6. Như vậy, quy luật xác suất cho phép lượng hóa được khả năng xảy ra hoặc không xảy ra của những vấn đề mà ta cảm thấy không chắc chắn. Ví dụ như ta bất ngờ đến thăm một người bạn mà không báo trước thì ta không thể biết chắc chắn là có gặp được hay không, do đó phải vận dụng quy luật xác suất để phán đoán.
Triết học Mác - Lênin cũng đã chỉ ra cặp phạm trù tất nhiên và ngẫu nhiên. Phạm trù tất nhiên dùng để chỉ những cái nảy sinh từ bản chất bên trong của sự vật, nó nhất thiết phải xảy ra trong những điều kiện nhất định. Phạm trù ngẫu nhiên dùng để chỉ những cái nảy sinh không có quan hệ trực tiếp với bản chất bên trong của sự vật. Do đó, nó có thể xảy ra hoặc không, có thể xảy ra như thế này, hoặc thế khác. Ngẫu nhiên và tất nhiên cùng tồn tại trong mỗi sự vật, hiện tượng, quá trình cụ thể, trong đó cái ngẫu nhiên là hình thức biểu hiện của cái tất nhiên, cái tất nhiên luôn tự vạch đường đi cho mình thông qua vô số những ngẫu nhiên. Do đó, khi xem xét sự vật phải quan tâm đến cả cái tất nhiên lẫn cái ngẫu nhiên.
Những điều mà ta ước muốn và nó bất ngờ đến với ta gọi là may mắn. Những điều mà ta ước muốn nhưng nó không đến với ta gọi là thất vọng. Những điều mà ta lo sợ và mong muốn nó đừng đến với ta nhưng nó vẫn cứ đến với ta gọi là bất hạnh, rủi ro. Cái tất nhiên là sẽ có những điều gì đó đến với ta. Cái ngẫu nhiên là điều may mắn hay rủi ro. Trong cuộc sống, có vô số những biến ngẫu nhiên có thể xẩy ra. Nếu xét trong phạm vi cuộc đời của một cá thể con người thì yếu tố may, rủi là cái tất nhiên. Trong cái tất nhiên đó: may có thể nhiều hơn rủi; rủi có thể nhiều hơn may hoặc may và rủi ngang nhau. Ngày hôm nay may mắn hơn hôm qua, tháng này rủi ro hơn tháng trước, năm trước xúi quẩy hơn năm nay - đó là một chuỗi những biến ngẫu nhiên theo quy luật xác suất.
Xét trong toàn thể xã hội, có những cá nhân trong cuộc đời luôn gặp may mắn nhưng có những cá nhân lại luôn gặp rủi ro. Có những đứa trẻ sinh ra bất hạnh: xấu xí, tật nguyền; sinh ra trên hè phố, dưới gầm cầu; sinh ra trong nghèo khổ..., có những đứa trẻ sinh ra may mắn: khỏe đẹp, thông minh; sinh ra trong gia đình giàu có, quý phái, gia đình có văn hóa cao... Nhiều người cho rằng, đó là do “số” và phần đông đều hiểu rằng “số” ở đây chính là “số phận tiền định” hoặc lý giải đó là “quả” của “nhân”. Những người theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì cho rằng đó là “vô phúc”, hoặc “có phúc”. Vậy những điều rủi ro và may mắn đó của người này so với người khác là vì sao?
Theo quy luật của xác suất, một biến ngẫu nhiên không như mong muốn của ta sẽ ít có cơ hội xảy ra nếu có xác suất thấp và một biến ngẫu nhiên như mong muốn có nhiều cơ hội xảy ra nếu có xác suất cao. Cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên có thể chuyển hóa cho nhau và chúng thường quy định lẫn nhau. Ví dụ: chạy xe với tốc độ cao mà nhắm mắt thì tất nhiên là tai nạn; trong cái tất nhiên tai nạn đó thì biến ngẫu nhiên về may mắn (không tai nạn) không xảy ra vì xác suất gần như bằng không và xác suất của biến ngẫu nhiên về rủi ro (tai nạn) gần như bằng một (xác suất gần bằng 0 hay bằng 1 là những trạng thái lý tưởng). Nắm được quy luật xác suất để điều chỉnh cái ngẫu nhiên và từ đó thay đổi được cái tất nhiên như mong muốn của ta. Điều này chứng minh cho khả năng cải tạo thế giới tự nhiên của con người. Và con người cải tạo được tự nhiên, làm biến đổi tự nhiên theo ý muốn của mình thì có nghĩa là “số phận tiền định”, “nhân kiếp trước, quả kiếp này” bị bác bỏ.
Trở lại vấn đề về may mắn và bất hạnh, rủi ro của những con người khác nhau trong xã hội, ta thấy rằng: trong một xã hội kém phát triển hoặc có xung đột, chiến tranh thì tỷ lệ những đứa trẻ tàn tật, đói khổ thường cao gấp nhiều lần so với những đứa trẻ lành lặn, ấm no; ngược lại trong một xã hội văn minh, kinh tế phát triển thì tỷ lệ những đứa trẻ được học hành và sống sung túc lại cao hơn nhiều lần so với những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Ngày nay, khoa học - nhất là sinh học phát triển vượt bậc - cho phép con người có thể biết trước được đặc điểm của những đứa trẻ khi còn chưa chào đời, từ đó có thể can thiệp kịp thời theo ý muốn của cha mẹ, của xã hội. Trong tương lai, dưới tác động của y học phát triển và kinh tế phát triển, con người lúc đó sinh ra sẽ đều được khỏe mạnh và xinh đẹp.
Như vậy, xã hội loài người phát triển theo từng cấp độ. trong xã hội phát triển thấp thì xác suất bất hạnh và rủi ro của con người cao do đó mới có phân biệt “người này - người kia”, có người sinh ra để làm vua, nhưng lại có người sinh ra để làm dân; người khổ nhiều người giàu ít... trong xã hội phát triển cao hơn, do con người có điều kiện can thiệp nên xác suất bất hạnh, rủi ro giảm xuống và xác suất may mắn, lành lặn tăng cao nên người giàu có nhiều, người nghèo khổ ít. Và cuối cùng khi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đến đỉnh cao, khi mà con người có đủ điều kiện và mọi khả năng làm cho xác suất bất hạnh, rủi ro giảm đến gần bằng không và xác suất may mắn, lành lặn tăng đến gần bằng một (trạng thái lý tưởng), thì lúc đó không còn sự phân biệt đẳng cấp theo kiểu “người này - người kia”, mọi người đều được hưởng hạnh phúc ngang nhau. Đó là một xã hội lý tưởng - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Tóm lại, sự may mắn hay rủi ro trong cuộc sống là do xác suất quy định. Nó không phải là sự “sắp đặt trước”, “sự ban ơn”, che chở hay trừng phạt của một thế lực siêu nhiên huyền bí nào cả. Khi con người có điều kiện thì mọi sự may mắn hay rủi ro có thể điều chỉnh được.
b. Tính chất phản khoa học của các hình thức mê tín dị đoan
Như đã đề cập ở trên, các hành vi mê tín dị đoan trong đời sống xã hội vô cùng đa dạng. Có những hành vi theo quan niệm cá nhân và có những hành vi theo quan niệm của một nhóm người, một địa phương, một vùng hoặc một cộng đồng dân tộc. Có thể nói mê tín dị đoan là một hiện tượng xã hội xuất hiện ở mọi nơi. Và do nó là một hiện tượng phản văn hóa nên cũng là một hiện tượng phản khoa học. Sau đây là phần luận giải tính chất phản khoa học của các hình thức mê tín dị đoan:
* Các hình thức lễ bái, cúng tế, cầu xin:cúng cô hồn, vong linh; cúng sao giải hạn; cầu tài lộc; cầu tự; cầu tình duyên, gia đạo; xi xăm, số đề; những hành vi hiến tế, dày vò thể xác, quan hệ nam nữ bất thường, nhảy múa điên cuồng...
Ở Việt Nam, cứ đến rằm tháng bảy âm lịch (14/7) có rất nhiều nhà cúng vong linh, cô hồn để cầu mong được yêu ổn, không bị quấy phá, đi liền đó là tục đốt vàng mã, tiền giấy và tổ chức cho trẻ con giật đồ cúng lễ gọi là “giật cô hồn”. Họ quan niệm rằng ngày rằm tháng bảy là ngày “xá tội vong nhân”, ngày các cô hồn được thả tự do đi lang thang. Tục lệ của người Thái có hiện tượng chia của cho người thân đã khuất như gạo, y phục, các vật dụng sản xuất và buộc con gà kèm theo để dẫn đường cho hồn về với tổ tiên. Ở một số vùng, có kẻ lợi dụng tôn giáo, lợi dụng sự mê tín của một số người để tổ chức nhảy múa và làm tình tập thể một cách hết sức phản văn hóa...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán “... Khi ta làm cách mạng thì trời hay người làm? Khi ta kháng chiến thì trời hay người làm? Năm trước chống hạn là vì người hay vì trời? Trời làm hạn là xấu, ta phải chống hạn. Ta phải chống hạn chứ không phải cầu trời...”.
Các hình thức mê tín dị đoan trên thể hiện sự thiếu hiểu biết, sự tự tri giác của những con người chưa tìm thấy bản thân mình hoặc đã bị đánh mất chính bản thân mình. Họ tự nguyện hiến tinh thần mình, thậm chí cả thể xác mình cho những điều hoang đường. Những hành vi mê tín này thường được liên kết với những vấn đề tế nhị của tín ngưỡng, tôn giáo. Vì vậy, đôi lúc nó rất khó phân biệt hoặc dễ nhầm lẫn với tín ngưỡng, tôn giáo.
* Các hình thức xem tướng số, bói toán: bói dáng người, bói chỉ tay, bói chân gà, bói mai rùa, bói chữ viết, bói chữ ký, gieo lá số tử vi, bói bài...
Những hình thức bói toán xem tướng số làm cho người ta tin tưởng và khẳng định rằng mỗi người đều có mệnh của riêng mình. những “thông tin” do bói toán, đoán mệnh, quy định người này có tướng làm quan, người có tướng giàu có, người hào hoa phong nhã, người phải chịu phận ăn mày, nghèo khổ, người trộm cướp, lọc lừa... và khi đã có số mệnh như thế thì không sao có thể xoay chuyển được.
Hiện nay, các hình thức bói chân gà - mai rùa - cỏ thi; bói vi tính - bói bài - bói kiều: một loại thì cổ xưa phức tạp, khó hiểu; một loại thì có vẻ thiếu trang trọng nên có ít người sử dụng hoặc chỉ xem nó như một trò chơi giải trí. Thế nhưng, một số hình thức bói chỉ tay, bói dáng người, bói chữ viết, bói chữ ký... lại được nhiều người cho rằng đó là khoa học hoặc “khoa học đang nghiên cứu”. Trong cái cảm giác mường tượng vào khoa học đó, người ta vội vàng nghe theo lời phán bảo của “thày bói”. Thực ra đây là một sự nhầm lẫn vì lấy hiện tượng quy thành bản chất.
Chúng ta thấy rằng, bệnh tật quy định một số biểu hiện bên ngoài chứ các biểu hiện bên ngoài không quy định bệnh tật, ví như “bệnh lao” quy định việc “gầy yếu” chứ “gầy yếu” không quy định “bệnh lao” hoặc “bệnh gan” quy định “vàng mắt” chứ “vàng mắt” không quy định “bệnh gan”. Cũng như vậy các đường chỉ tay rõ ràng, tướng mạo đĩnh đạc, uy nghi là biểu hiện bên ngoài của một con người có sức khỏe, có năng lực chứ không phải các hình thức ấy quy định số mệnh của anh ta, vì anh ta có sức khỏe, có năng lực, có phẩm chất nên anh ta được trọng dụng. Do anh ta được trọng dụng nên anh ta có tương lai tốt đẹp, tươi sáng. Việc người này có sức khỏe, có năng lực, có phẩm chất hơn so với người khác trong xã hội không phải do số mệnh tiền định mà do công thức sau:
Kiểu gen trội + giáo dục tốt + nuôi dưỡng tốt = con người phát triển
Sinh học đã khám phá ra rằng: kiểu gen quy định con người to cao, người thấp bé, người đẹp, người xấu, người ham hoạt động hoặc người có tính cách thụ động... những kiểu gen trội quy định kiểu hình tốt thuận lợi cho cá thể. Những yếu tố thuận lợi của cá thể do kiểu gen quy định kết hợp với chế độ chăm sóc nuôi dưỡng tốt và giáo dục đúng cách sẽ tạo ra con người phát triển. Như vậy, nhất quyết phải loại trừ tư tưởng “nhân duyên tiền định”, “số mệnh”, quan niệm con người phận số đã an bài. Những việc xem chỉ tay, tướng mạo nếu có thể được thì chỉ tồn tại trên cơ sở tâm lý học và y học nhằm sử dụng trong phạm vi “xem mạch, đoán bệnh” để rồi “chữa bệnh” chứ không phải để khẳng định hay phủ định một con người. Tuy thế rất nhiều người đã lợi dụng khoa học để rồi tô vẽ thêm trong việc xem chỉ tay, tướng mạo làm huyền bí hóa nó.
Trong các hình thức bói toán thì việc nghe theo lời phán của những kẻ được gọi thày bói là điều gây tác hại và nguy hiểm nhất. Nhiều người tin tưởng mù quáng vào thày bói vì thày “nói đúng”, “biết mọi chuyện”. thật ra, đó là những kẻ lừa đảo có hiểu biết về tâm lý. Trong lĩnh vực nào cũng vậy, đều có “kỹ xảo nghề nghiệp”, ví như nếu ta không biết trước ảo thuật là một loại hình giải trí thì ta liền vội vàng bái lạy nhà ảo thuật vì cho rằng anh ta là một phù thủy. Kẻ nào có “trình độ tay nghề” càng cao thì càng có đất dụng võ. Những kẻ bói toán có rất nhiều kỹ xảo: tạo ra tin đồn, cho đệ tử quảng cáo khắp nơi, hẹn “khách hàng” lần sau sẽ gặp và cho đồng bọn âm thầm điều tra về những bí mật của người ấy... cũng có những kẻ hành nghề bói toán vốn là lưu manh, lừa đảo, thất học “phán” rất tùy tiện, bậy bạ gây nên những hậu quả nghiêm trọng, xót xa.
Bói toán dựa trên giả định, tương lai là xác định: khoa học ngày nay đã chứng tỏ rằng tương lai là bất định và không thể dự báo được. Đó là sự khẳng định chắc chắn của thuyết lượng tử, thuyết hỗn độn hay lý thuyết về sự phức tạp.
Tuy nhiên, bói toán không cần phải chính xác. Người ta cần nó như một cách thức xoa dịu nỗi khát khao muốn biết trước tương lai và trấn an những bất định trong tâm tưởng. Nhà tâm lý học hành vi Skinner đã chứng tỏ trong nghiên cứu về hành vi mê tín: người ta chỉ cần thỉnh thoảng được khen hay khích lệ để tin tưởng và thày bói thì rất nhiều cách khích lệ.
* Các hình thức chữa bệnh bằng ma thuật:trừ tà ma, đồng bóng, thư yểm bùa...
Khi bị ốm, con bệnh không được cứu chữa tại các cơ sở y tế, bệnh viện mà được đem đến hoặc mời một thầy cúng cứu chữa. Thầy cúng sau khi đánh đập con bệnh làm cho ma quái trong người sợ hãi, đồng thời đốt một lá bùa bảo con bệnh uống, hậu quả là làm cho bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch. Một số người bị bệnh nhẹ may mắn tự khỏi thì công lao của thầy cúng được đề cao và đồn đại vang xa.., ở những vùng đồng bào dân tộc tây nguyên sinh sống, người bệnh thường bị nghi là do ma lai nhập.Vùng Tây Nam bộ, nơi có người Khơme, người bệnh bị nghi là do người nào đó “thư” như “thư con gà, lưỡi dao, búa...” vào bụng, cần phải tìm ra người đã “thư” để xin hóa giải.
Ở nhiều nơi, nhất là những vùng nông thôn, có những cách chữa bệnh bằng “mẹo”. Chẳng hạn như người bị hóc xương cá thì cứ âm thầm lặng lẽ xoay mâm 7 lần là được; người bị bệnh thần kinh thì cứ đem lửa xông; người bị đau lưng thì nhờ đàn bà có chửa đạp lên lưng 7 cái; phụ nữ có mang bị ngã thì uống nước tiểu trẻ con; người bị mụn cơm thì chạm vào tay người chết sẽ hết, v.v… những phương pháp chữa bệnh bằng “mẹo” có rất nhiều trong dân gian. Mỗi địa phương đều có những “mẹo” chữa bệnh khác nhau. Đã gọi là “mẹo” thì không giải thích vì sao và đừng ai hỏi vì sao. Vấn đề là người ta có tin hay không mà thôi. Nhiều người cho rằng “mẹo” là thể hiện “niềm tin” trong điều trị bệnh - tin thì khỏi, không tin thì không khỏi. Cũng có người cho rằng “mẹo” là cách thức lừa ma quái thiêng, độc ra khỏi cơ thể, do đó cần phải âm thầm lặng lẽ để không cho “chúng nó” biết.
Những hình thức chữa bệnh bằng ma thuật và bằng “mẹo” như trên rõ ràng là hết sức vô lý, phản khoa học, nó hoàn toàn không có căn cứ gì để lý giải. Sở dĩ những hình thức này tồn tại là nhờ dựa trên sự thiếu hiểu biết và tâm lý nhút nhát của một bộ phận quần chúng nhân dân. Nó chỉ có lợi cho những kẻ lợi dụng thần thánh. Chỉ riêng vấn đề ép buộc người ta tin và thể hiện niềm tin trong chữa bệnh cũng đã là một thủ đoạn tâm lý mang lại hiệu quả cao cho những kẻ lừa đảo. Người bệnh nếu tự khỏi thì mang ơn “thày lang”, nếu không khỏi bệnh hoặc bệnh trầm trọng hơn thì vẫn cứ tôn sùng và không dám trách cứ “thày lang” vì tâm tưởng họ đã bị huyễn hoặc.
* Các hình thức kiêng cữ:kiêng đàn bà có chửa xông đất đầu năm hoặc dự cỗ ma, cỗ cưới; kiêng khởi đầu một việc gì đó vào ngày 13 hoặc các ngày lẻ; kiêng mèo tự nhiên vào nhà; kiêng tặng mực đầu năm...
Không thể nào có thể kể hết được những hình thức kiêng cữ vì chúng vô cùng phong phú đa dạng. Hành vi kiêng cữ được hình thành trên cơ sở liên hệ, móc nối cái nọ với cái kia dựa vào mối quan hệ cảm tính bề ngoài, không dựa vào mối quan hệ bản chất giữa chúng, ví như “mực thì đen” cho nên kiêng tặng mực; tiếng mèo kêu có âm gần giống như “nghèo... nghèo..” nên kiêng mèo tự nhiên vào nhà; đàn bà tượng trưng cho bẩn thỉu thấp kém (phong kiến) nên kiêng ra ngõ gặp đàn bà... các hình thức kỵ tuổi như: dần - thân - tỵ - hợi, hay tý - ngọ - mẹo - dậu là tứ hành xung; kỵ tháng năm, ngày giờ; kỵ màu sắc như mạng thủy thì hợp với màu xanh nhưng kỵ với màu đỏ vì thủy là nước còn màu đỏ tượng trưng cho hỏa nên nước - lửa kỵ nhau... đây là những hình thức xuất phát từ dịch lý, âm dương ngũ hành - lý giải nguồn gốc, cấu tạo vũ trụ của các trào lưu tư tưởng trung hoa cổ xưa. Đến nay nó đã bị khoa học phản bác. Vì giới hạn phạm vi nghiên cứu nên không cho phép nêu lên những phản bác của khoa học đối với những tư tưởng ấy. Vấn đề đáng đề cập hơn là ở chỗ nó gây ra những rắc rối, tiêu cực trong đời sống xã hội. Những rắc rối tiêu cực này sẽ được đề cập ở phần sau.
Ngoài những hình thức chủ yếu ở trên, mê tín dị đoan còn được biểu hiện dưới các hình thức ngụy khoa học như dùng nhân điện để tìm mộ, hài cốt; nói chuyện với vong linh bằng hình thức gọi hồn; dùng sóng điện tử để liên hệ với người đã khuất... chúng được mang danh nghĩa là khoa học đang nghiên cứu và được chuyển tải qua một số tờ báo, tạp chí có xu hướng “lá cải”, hoặc được đồn đại, lan truyền trong một số người thuộc giới trí thức. Tính chất vô căn cứ của các hình thức ngụy khoa học này được thể hiện như sau:
- Thứ nhất, người Việt Nam có câu “trăm nghe không bằng một thấy”, thậm chí thấy cũng chưa chắc đúng vì có thể là ảo giác hoặc một trò ảo thuật lừa đảo. Rất tiếc những người luôn khẳng định niềm tin về những hiện tượng như tìm mộ, hài cốt bằng “ngoại cảm” là những người chưa bao giờ được trực tiếp chứng kiến mà tiếp xúc vấn đề qua một số bài báo hoặc những lời kể. Người kể trước lại cố gắng tìm mọi cách để khẳng định rằng mình là người được tiếp xúc trực tiếp hoặc được nghe từ một vị “rất có uy tín” nào đó cho người nghe sau. Cứ như vậy người nghe sau từ chỗ lạ lùng, kinh ngạc lại kể tiếp cho người khác. Và sự thật đã bị khúc xạ đến hàng chục, hàng trăm lần. Từ một sự thật hết sức bình thường (có khi không phải là sự thật mà là lừa đảo) đã được biến chuyển thành một vấn đề huyền bí.
- Thứ hai,những vấn đề gọi là “huyền bí” bao giờ cũng đáng tin hơn cả nếu nó được phát ra từ một nhân vật “chuyên chính vô sản” hoặc một vị “cách mạng lão thành đã từng vào sinh ra tử”. Người ta dễ dàng bị thuyết phục khi được dẫn chứng rằng việc khảo sát những hiện tượng “ngoại cảm” là công trình đang nghiên cứu của một cơ quan, một nhóm mà người đứng đầu là một vị thiếu tướng, một vị đại tá nào đó được nêu tên cụ thể.
- Thứ ba,giả sử rằng có một nhóm hoặc một vị “có uy tín” nào đó thật sự đang nghiên cứu hoặc phát ngôn (kể cả chính thức hoặc không chính thức) về những vấn đề “huyền bí” thì trước hết chúng ta cũng cần phải làm rõ động cơ của việc nghiên cứu hoặc phát ngôn đó. Khi ta chưa rõ động cơ thực sự mà đã vội vàng tin là thiếu căn cứ khoa học.
c. Những ảnh hưởng tiêu cực của mê tín dị đoan
Theo phân tích ở trên, mê tín dị đoan là một hiện tượng mang tính phản văn hóa. Nó là niềm tin dẫn đến những hành vi trái ngược với những luận thuyết và thực hành của đa số cộng đồng khoa học, tiến bộ và của cộng đồng tôn giáo có tính văn hóa quan trọng nhất. Nói đến mê tín dị đoan là nói đến niềm tin mù quáng kết hợp với yếu tố tác hại đối với xã hội. Mê tín dị đoan ảnh hưởng tiêu cực đối với nhiều lĩnh vực xã hội như:
- Về mặt tư tưởng, sự phát triển của các loại hình mê tín dị đoan sẽ xâm hại và từng bước phủ nhận thế giới quan duy vật biện chứng trong nhân dân, làm cho hệ tư tưởng Mác - Lênin và các phát kiến khoa học tiến bộ có nguy cơ bị đẩy lùi. Niềm tin mù quáng vào một thế giới siêu nhiên, vào sự quyết định và chi phối của thần tiên, ma quỷ sẽ thay chỗ cho mọi niềm tin khác, trong đó có cả niềm tin vào sức mạnh bản thân con người. Những niềm tin mù quáng sẽ làm cho con người mất đi sức mạnh cải tạo thế giới tự nhiên; làm cho xã hội mất đi động lực phát triển - đó là ý chí đấu tranh của con người.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là hệ tư tưởng cách mạng nhất và khoa học nhất do chủ trương giải phóng xã hội, giải phóng con người, làm cho con người phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần; đồng thời học thuyết này được xây dựng trên cơ sở thế giới quan duy vật biện chứng và các nền tảng khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác. Giả sử rằng hệ tư tưởng Mác - Lênin bị phủ nhận thì niềm tin khoa học cũng bị đánh đổ; xã hội ngừng phát triển; con người không được giải phóng và luôn sống trong hoang mang, sợ hãi trước những ảo tưởng về thế lực siêu nhiên, hoang đường. Rõ ràng là điều đó sẽ không xẩy ra vì nó trái với quy luật phát triển của xã hội. Do đó hệ tư tưởng Mác - Lênin tất yếu là hệ tư tưởng lãnh đạo xã hội. tuy nhiên, mê tín dị đoan là một rào cản đáng lo ngại gây cản trở sự tác động của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với xã hội.
- Trên lĩnh vực chính trị nội bộ, tệ mê tín dị đoan có thể thâm nhập vào tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Nó nguy hiểm ở chỗ làm cho cán bộ, đảng viên từ bỏ ý chí, lập trường đấu tranh; từ bỏ vai trò tiên phong gương mẫu của bản thân để thực hiện sự chờ đợi, cầu xin ban ơn, che chở của thần linh ma quái. Cán bộ, đảng viên nếu vướng phải tệ mê tín dị đoan sẽ ít chú tâm cho công việc do thời gian được để dành cho những nghiên cứu tính toán về những điều thần bí.
Mê tín dị đoan là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ bè phái làm cho uy tín lãnh đạo của đảng bị giảm sút, năng lực quản lý của nhà nước bị hạn chế. Điều này diễn ra do một số cán bộ, đảng viên có đầu óc nặng về mê tín. trong công tác tuyển dụng cán bộ, họ quan niệm rằng phải tuyển người có “nhân mạng”, “khắc tinh”, phù hợp với mình như người tuổi chuột thì không thể tuyển người tuổi mèo vì như thế sẽ gây đe dọa cho mình; người có “mạng mộc” không thể tuyển dụng hoặc cất nhắc cho người “mạng kim” vì “mộc khắc kim”. Trong đơn vị, cơ quan, họ phân đồng nghiệp, đồng chí thành hai nhóm người: nhóm những người “tương sinh” và nhóm những người “tương khắc”. Những người “tương khắc” là những người kỵ tuổi, kỵ mệnh với mình sẽ làm cho mình “hao tài tốn của” hoặc bị “hãm tài” nên cần phải tìm cách cho nghỉ việc hoặc điều chuyển công tác khác... rất nhiều những chuyện về mất đoàn kết nội bộ do mê tín dị đoan xẩy ra trong lĩnh vực chính trị nội bộ. Nó có thể dễ dàng bị kẻ thù hoặc những phần tử cơ hội lợi dụng nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” hoặc động cơ cá nhân không trong sáng.
- Trong lĩnh vực kinh tế, mê tín dị đoan làm người ta mất đi động lực hoặc gây trì trệ cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh. có những cơ quan, xí nghiệp do thủ trưởng quan niệm ngày tốt, ngày xấu, giờ “hoàng đạo”, giờ “hắc đạo” mà làm lỡ dịp ký kết hoặc thực hiện hợp đồng kinh tế. Có những công ty làm ăn bằng cách phân biệt đối tác không dựa trên cơ sở tính toán tối đa hóa lợi nhuận mà dựa trên cơ sở dịch lý âm dương. Nhiều gia đình, nhiều vùng, địa phương lâm vào tình trạng đình đốn cũng vì quan niệm ngày giờ tốt xấu trong kỳ thu hoạch... những vấn đề này đã gây nhiều sự thất thoát lớn trong việc tích lũy nhằm phát triển nền kinh tế quốc dân. Nó làm cho nhân dân thì tổn hại kinh tế, còn nhà nước bị thất thu.
- Trong đời sống sinh hoạt xã hội hàng ngày, mê tín dị đoan gây nên những lãng phí, bất ổn, đau thương, mất mát của nhân dân. Đó là sự cúng tế, cầu xin linh đình, đốt thải tiền bạc, vàng mã... vừa tốn kém vừa gây ô nhiễm môi trường; sự tổn hại về thể xác và tinh thần khi tin và chữa bệnh ở các thày mo; sự chia lìa của đôi lứa yêu nhau thật lòng nhưng bị bố mẹ ngăn cấm vì tin vào lời phán của thày bói; sự nghi kỵ, hiềm khích thù hằn dẫn đến chém giết lẫn nhau vì những quan niệm mê tín... những điều đó làm cho tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa bị loại bỏ, thay vào đó là những sự độc ác, ích kỷ, hẹp hòi diễn ra giữa những cá nhân trong cộng đồng.
Tóm lại, mê tín dị đoan - và thường kết hợp với nó là những hủ tục - gây nên những tác hại rất lớn trên mọi lĩnh vực của xã hội, từ tư tưởng, chính trị, đạo đức đến kinh tế, đời sống. Những ảnh hưởng tiêu cực đó không thể nào phù hợp cho một xã hội vì con người - một xã hội công bằng, dân chủ, hiện dại, văn minh. Vì vậy nó cần phải bị đấu tranh xóa bỏ mà vấn đề trước hết cần thực hiện là đấu tranh thông qua công tác tuyên truyền.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: