Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
KHÁI NIỆM HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ THEO QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN
Trong học thuyết chính trị Mác - Lênin, mặc dù khái niệm HTCT chưa được sử dụng với tư cách là khái niệm khoa học như hiện nay vẫn dùng, nhưng những nội dung có tính nguyên tắc để phân biệt bản chất của nhà nước, của chế độ chính trị tư sản với nhà nước, chế độ chính trị kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đã được các nhà lý luận giải quyết thấu đáo. Đặc biệt với tư cách là lãnh tụ, nhà tổ chức, lãnh đạo công cuộc xây dựng CNXH và xây dựng nền chính trị dân chủ XHCN đầu tiên trên thế giới, V.I Lênin đã tổng kết, nêu lên khá phong phú các nội dung cốt lõi của công cuộc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền Xô viết; cũng như quá trình xây dựng và từng bước củng cố chế độ chính trị mới - chế độ dân chủ XHCN. Lý luận về Đảng kiểu mới cầm quyền, về nhà nước chuyên chính vô sản, về vai trò của các đoàn thể quần chúng (công đoàn, thanh niên, phụ nữ...) là những di sản lý luận liên quan trực tiếp đến việc xây dựng và củng cố HTCT mà chúng ta đã đề cập hiện nay. Một trong những tiêu chí cơ bản nói lên mức độ cao hay thấp, nhiều hay ít của các nền dân chủ khác nhau, theo Lênin, là mức độ tham gia của quần chúng nhân dân lao động vào công việc của nhà nước, vào các hoạt động chung của xã hội. Vì vậy, Người cho rằng: "Phát triển dân chủ một cách đầy đủ, nghĩa là làm sao cho toàn thể quần chúng nhân dân lao động tham gia thật sự bình đẳng và thật rộng rãi vào mọi hoạt động của nhà nước". Xét từ phương diện ấy, nhà nước vô sản, nhà nước XHCN mới có khả năng phát triển dân chủ một cách đầy đủ nhất. Tất nhiên, để xây dựng và thực hiện dân chủ, nhà nước một mặt phải thể chế hoá đầy đủ những quyền chính trị của công dân; mặt khác nhà nước, xã hội phải tạo ra các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội để mọi người dân, mọi công dân có đủ năng lực tham gia và tham gia ngày một hiệu quả vào các quá trình đó.
Nhân dân tham gia vào công việc của nhà nước, xã hội có thể bằng hình thức trực tiếp (bầu cử các cơ quan nhà nước bằng đầu phiếu phổ thông; hoặc thảo luận, đóng góp vào các quyết sách chính trị, các giải pháp để tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của quốc gia đất nước...); hoặc hình thức gián tiếp (thông qua những đại diện của mình trong các tổ chức chính trị - xã hội, hoặc các đại biểu được trao quyền, uỷ quyền trong bộ máy nhà nước để đề ra các quyết sách và tổ chức thực hiện các quyết sách đó). Vì lẽ đó, trong đời sống chính trị của chế độ xã hội mới, vai trò của quần chúng nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng được củng cố, nâng cao. Khi hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp được củng cố, mở rộng tăng cường, đó sẽ là điều kiện, động lực nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao các chức năng xã hội của nhà nước sang các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng, các tổ chức xã hội tự quản nói chung, và đó cũng chính là quá trình “tự tiêu vong” của nhà nước.
HTCT là khái niệm dùng để chỉ một chỉnh thể bao gồm nhà nuớc, các đảng chính trị và các tổ chức đại diện các nhóm lợi ích hợp pháp, vận hành theo những nguyên tắc, cơ chế và quan hệ cụ thể, nhằm tham gia vào các quá trình chính trị, thực thi các quyết sách nhà nước, bảo đảm quyền thống trị của giai cấp cầm quyền đồng thời đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển xã hội.
Như vậy, có thể thấy rằng việc xác định nội hàm của HTCT phải đáp ứng hai yêu cầu: Một là, phục vụ cho mục đích nhận thức về hệ thống các tổ chức, thiết chế có vai trò thực tế và được thừa nhận trong việc thực hiện quyền lực chính trị hoặc tham gia quyền lực chính trị một cách thường xuyên. Hai là, phải đủ tính khái quát để không chỉ phản ánh hiện thực chính trị từ một quốc gia riêng biệt mà còn phản ánh được hiện thực chính trị ở nhiều quốc gia có chế độ chính trị- xã hội khác nhau trong thể chế chính trị dân chủ.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: