Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Tính cấp thiết của việc đổi mới phương pháp giảng dạy học phần đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam
Hiện nay, ở nước ta việc nâng cao chất lượng dạy và học đối với các môn lý luận chính trị nói chung và môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam giữ một vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo ra sự hứng thú cũng như niềm yêu thích đặc biệt đói với môn học này là điều cần thiết được quan tâm tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
“Ngại” - Đó là cảm giác đầu tiên của nhiều sinh viên khi nhìn thấy tên môn học trong thời khóa biểu của mình. Sinh viên ngại bởi một đây là môn học gắn với nhiều sự kiện lịch sử, nhiều quan điểm của Đảng trong các giai đoạn, cũng như các kỳ đại hội của Đảng từ khi thành lập… Quyển giáo trình dày hàng trăm trang phải “ngốn” hết trong một khoảng thời gian 30 giờ giảng quả là một thử thách đối với sinh viên.
Trong khi đó về phía giảng viên, hiện nay vẫn còn rất nhiều giờ giảng, giảng viên hầu như chỉ cắm cúi vào giáo trình, nhắc lại một cách máy móc rập khuôn những điều đã có, đã được ghi chép một cách đầy đủ, rõ ràng trong sách vở, tài liệu. Nhiều giờ học trôi qua trong sự nhàm chán, nặng nề nếu không muốn nói là tra tấn bởi giảng viên hầu như chỉ có lý thuyết suông, chỉ sử dụng một phương pháp thuyết trình hết sức đơn điệu “thầy đọc, trò chép”... dẫn đến bài giảng thiếu sức sống, sức hấp dẫn, sức thuyết phục, không sinh động, không tạo ra được cảm hứng trong giờ học cho sinh viên. Đây cũng được cho là một hiện tượng khá phổ biến tại các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo chính trị hiện nay của nước ta.
Hệ quả tất yếu kéo theo đó là chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, giảng dạy yếu kém, thậm chí đôi khi còn phản tác dụng và tạo ra tâm lý ức chế, khiên cưỡng, gò ép cho người học. Từ đó nhiều người dễ cho rằng chính trị dường như là một lĩnh vực khô khan, thiếu sức sống, thiếu sức truyền cảm... Xuất phát từ quan niệm sai lầm này mà trong thực tế nhiều sinh viên đã đến với các bài học, bài thi môn Đường lối cách mạng bằng một tâm lý “đối phó”, chỉ chú trọng “học vẹt”, học “thuộc lòng”, học để lấy điểm sao cho miễn là qua được các kỳ thi, còn bản chất vấn đề thì hầu như không hiểu hoặc không cần hiểu, niềm đam mê hứng thú hầu như không có, không biết cách vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Với những quan niệm và tâm lý xuất phát điểm như vậy rõ ràng chất lượng, hiệu quả ở đây có lẽ là vấn đề đáng được báo động trong toàn ngành giáo dục nói chung và giảng đường đại học nói riêng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sinh viên có tâm lý chán nản dẫn đến việc bỏ học.
Vậy những nguyên nhân nào đưa đến thực trạng đó? Tôi xin được đưa ra một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, do đặc thù của môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã là rất khô khan, cứng nhắc, lại hết sức trừu tượng, khó tiếp thu vậy mà lại thường học vào các năm thứ nhất, thứ hai khi mà sinh viên đang còn chập chững bước vào ghế nhà trường, tâm lý chưa ổn định, chưa quen với các phương pháp học ở đại học… Thêm vào đó, mặc dù chưa học môn Đường lối cách mạng nhưng sinh viên đã được các anh chị khóa trước “thổi” vào đầu tư tưởng đó là môn khô khan, khó học, chán, buồn ngủ… Vì vậy, khiến cho công tác giảng dạy của giảng viên cũng như việc học của sinh viên gặp nhều khó khăn, gây ra tâm lý chán nản của sinh viên đối với môn học.
Thứ hai, hiện nay số giảng viên trẻ giảng dạy môn lý luận chính trị chiếm đại đa số trong các trường đại học. Ví dụ như khoa tôi, hiện có 6/7 giảng viên đều ở tuổi từ 30 đến 40 tuổi. Vì vậy, việc thiếu kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như kinh nghiệm về vốn sống dường như là một hiện tượng khá phổ biến. Nhiều giảng viên trẻ nắm vững lý thuyết, thuộc làu giáo án, có phương pháp giảng dạy tốt, có khả năng sư phạm nhưng bài giảng vẫn chưa hay, vẫn còn thiếu sức thuyết phục, nguyên nhân cơ bản cũng chỉ nằm ở chỗ bài giảng thiếu tính thực tiễn, thiếu kinh nghiệm sống. Cụ thể là thiếu những dẫn chứng mang tính trải nghiệm lịch sử, thiếu những ví dụ lịch sử mang tính sinh động, thiếu đi cái gọi là “hơi thở” thực sự của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội đã và đang diễn ra hàng ngày hàng giờ xung quanh những quan điểm lý luận mà giảng viên đó trình bày.
Thứ ba, một nguyên nhân khác khá quan trọng khiến cho việc giảng dạy Đường lối cách mạng kém phần hấp dẫn là vì sự lựa chọn và chắt lọc thông tin để đưa vào bài giảng của giảng viên là chưa thật sự hiệu quả, mang tính thời sự... Chúng ta ai cũng biết trong đời sống thực tiễn của thời đại hội nhập quốc tế hiện nay có muôn vàn sự kiện, hiện tượng đang diễn ra hàng ngày hàng giờ. Trong đó có biết bao thứ bộn bề hỗn độn, đặc biệt là trong cái thực tiễn tạm gọi là rất “thô ráp” đó còn lẫn lộn biết bao thứ thật giả, phải trái, tốt xấu, trắng đen. Cái nào đúng, cái nào sai, cái nào là chân thực giá trị, cái nào là giả dối, cái nào nên dùng, cái nào nên vứt bỏ, đâu là cái mới, cái tiến bộ, hợp quy luật, đâu là những thứ bọt bèo rác rưởi cần phải sàng lọc, gạt qua một bên, thậm chí phải vứt bỏ hoàn toàn? Hàng trăm hàng nghìn câu hỏi hóc búa được đặt ra, có biết bao nhiêu là vấn đề phải lựa chọn sàng lọc để có được một hình ảnh thực tiễn vừa hấp dẫn, sinh động, vừa đúng đắn, phù hợp với quan điểm đường lối. Vậy đòi hỏi chúng ta phải biết lựa chọn, sàng lọc, phải biết “rút tỉa” từ trong thực tiễn những gì là tinh tuý nhất, những gì là bản chất nhất, linh hồn nhất để rồi tiếp tục cô đọng nó, hoà quyện nó một cách tự nhiên, hài hoà với những quan điểm lý luận vốn khô khan và trừu tượng. Đây là một việc làm vô cùng khó, phức tạp, nó đòi hỏi ở người giảng viên chính trị không chỉ có sự cần cù, chăm chỉ, chịu khó, tích cực học hỏi, lượm lặt mà còn phải đòi hỏi có một sự nhạy cảm, thông minh, óc vận dụng sáng tạo, khiếu quan sát nhạy bén và trên hết là một khả năng tổng hợp, phân tích, khái quát hoá, trừu tượng hoá rất cao. Dĩ nhiên là người giảng viên Đường lối cách mạng nào cũng được đào tạo để có đủ khả năng hoàn thành công việc này, nhưng trong thực tế không phải ai cũng làm được. Và do không làm được, lại sẵn tâm lý ngại “đụng chạm”, ngại “nói sai” nên nhiều giảng viên đã áp dụng luôn cái khuôn khổ biết thì thưa thốt, không biết thì im lặng bỏ qua. Tốt nhất là cứ lý thuyết suông mà diễn giải. Do đó bài giảng đã nặng nề lại càng thêm năng nề hơn, nhàm chán lại càng nhàm chán hơn, khô khan lại càng khô khan hơn.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: