Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Sau khi được các đảng Dân chủ và Cộng hòa chính thức cử ra tranh ghế Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay, từ tuần này, bà Hillary Clinton và ông Donald Trump bắt đầu trình bày với cử tri các chương trình hành động của mình, trọng tâm là các chính sách kinh tế.
Hôm thứ Hai 8-8, tại thành phố Detroit, ông Donald Trump đã có bài phát biểu dài về chính sách kinh tế, trong đó ông nhấn mạnh vào cắt giảm thuế, giảm sự can thiệp của nhà nước, điều chỉnh chính sách năng lượng và hủy bỏ các hiệp định thương mại tự do với nước ngoài để giảm thâm hụt cán cân thương mại. Bà Hillary Clinton, theo kế hoạch, sẽ trình bày đường lối kinh tế của mình vào hôm nay thứ Năm 11-8.
Chính sách thuế của ông Trump không mới mà phản ánh chính sách chung của đảng Cộng hòa, có điều chỉnh theo quan điểm của riêng ông: giảm thuế thu nhập cá nhân cho người giàu từ mức 39,6% hiện nay xuống 33%; bãi bỏ “thuế tài sản” (estate tax) hiện hành mà ông gọi là “thuế chết” (death tax); đưa chi phí chăm sóc con cái vào diện khấu trừ thuế; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 35% xuống còn 15%. Ông tuyên bố: “Với nhiều người lao động Mỹ, chính sách thuế mới sẽ khiến cho họ đóng thuế 0%”.
Tuy nhiên, phân tích của Tax Foundation – một tổ chức nghiên cứu có xu hướng bảo thủ – cho thấy, nếu thực thi chính sách này, ngân sách nhà nước Mỹ sẽ thất thu 2.400 tỉ đô la trong thập niên tới trong khi lợi ích mà nó mang lại chỉ tương đương 200 tỉ đô la; phần thu nhập sau thuế của tầng lớp trung lưu (chiếm khoảng 40-60% dân số) chỉ tăng 0,2% trong khi của tầng lớp giàu (1% dân số Mỹ) sẽ tăng khoảng 5,3%.
Trong lĩnh vực năng lượng, ông Trump nhắc lại cam kết rút khỏi hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu ký ở Paris cuối năm ngoái, ngừng sự đóng góp của Mỹ vào các chương trình khí hậu của Liên hiệp quốc. Ông cho rằng các cam kết về khí hậu của Mỹ đã “giết chết” rất nhiều công việc làm trong ngành công nghiệp năng lượng và chế tạo.
Đặc biệt, ông đã đi ngược với cương lĩnh của đảng Cộng hòa khi tuyên bố bác bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (Nafta) đã ký và đang có hiệu lực với Canada và Mexico. Đi xa hơn, ông cam kết sẽ “trừng phạt” những doanh nghiệp Mỹ nào chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, và đình chỉ thi hành “những quy định mới” về sự giám sát của chính phủ Obama đối với hoạt động kinh tế…
Mặc dù chương trình kinh tế của ông Trump – gọi nôm na là Trumponomics – chưa nêu ra chi tiết để giới phân tích có thể nghiên cứu, nhưng trên báo chí Mỹ một số nhà kinh tế đã chỉ ra “độ vênh” rất lớn giữa những nhận định của ông Trump với thực tế kinh tế Mỹ.
Một ví dụ, ông Trump nói: “Cứ 5 gia đình Mỹ thì có 1 gia đình không có người nào đang đi làm; và đó là con số thất nghiệp thực sự, còn con số thất nghiệp 5% là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong chính trị Mỹ hiện đại”. Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 7-2016 mà Bộ Lao động Mỹ công bố thứ Sáu tuần trước, được các nhà kinh tế học của tất cả các xu hướng chính trị ủng hộ, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động Mỹ là 4,9%, tiền lương trung bình tăng 2,6% so với năm trước – mức tăng cao nhất kể từ năm 2009 – trong khi tỷ lệ lạm phát là 1%. Đây không phải là những con số lừa đảo mà là cơ sở để dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ quyết định nâng lãi suất vào cuối năm nay.
Một ví dụ khác về thuế tài sản mà ông Trump gọi là “thuế chết”. Theo luật hiện hành, chỉ những người giàu (cá nhân có tài sản trên 5,45 triệu, hộ gia đình có tài sản trên 10,9 triệu đô la Mỹ) mới phải đóng thuế cho phần tài sản vượt ngưỡng và cả nước Mỹ chỉ có khoảng 5.400 hộ, khoảng hai phần ngàn số hộ gia đình, phải đóng thuế này. Vì thế, việc bãi bỏ “thuế chết” chẳng mang lại lợi lộc gì cho người trung lưu và người nghèo.
Khó phủ nhận rằng, dưới thời Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ, kinh tế Mỹ đã có sự phục hồi vững chắc từ cuộc khủng hoảng tồi tệ năm 2008; và đó là lợi thế để bà Hillary Clinton phản bác ông Donald Trump. Tuy nhiên, bà Clinton cũng có vấn đề phải giải quyết: lợi ích kinh tế không chia đều cho mọi người và một bộ phận lớn dân Mỹ – nhất là những người có học vấn thấp, thiếu kỹ năng làm việc trong nền kinh tế hiện đại – đang chịu nhiều thiệt thòi và bất mãn. Thống kê cho thấy, trong lớp người trên 25 tuổi, tỷ lệ thất nghiệp của lao động phổ thông là 6,3%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 2,5% của những người tốt nghiệp đại học. Nếu không có giải pháp cho lớp người này, bà Clinton có thể khiến họ quay lưng với đảng Dân chủ và tìm đến sự “thay đổi” ở đối thủ Donald Trump, làm nghiêng cán cân ủng hộ của cử tri hiện còn khá sít sao: 46% (Hillary Clinton) so với 39% (Donald Trump).
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: