Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Quan điểm Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
1. Chủ nghĩa Mác – Lênin về tôn giáo
Trong quá trình đấu tranh, xây dựng thế giới quan mới, Mác - Ăngghen đã thẳng thắn đấu tranh với các trào lưu tư tưởng sai trái đương thời trong đó có tư tưởng về tôn giáo. Mác - Ăngghen đã dùng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để giải thích tôn giáo; đề cập đến các vấn đề cơ bản của tôn giáo như: nguồn gốc, bản chất, tính chất, chức năng của tôn giáo; lập trường, phương pháp giải quyết vấn đề tôn giáo của giai cấp vô sản; phê phán các trào lưu tư tưởng duy tâm tôn giáo và các trào lưu tư tưởng sai lầm khác. Hai ông chủ trương xây dựng thế giới quan triết học duy vật, đối lập với thế giới quan duy tâm, tôn giáo. Về phương diện chính trị, xã hội, tôn giáo là một tàn dư của xã hội cũ, xã hội có giai cấp. Tôn giáo là một lực cản trong sự phát triển xã hội, một lực cản giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh lật đổ giai cấp tư sản, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Nhìn chung quan niệm của Mác - Ăngghen được trình bày tương đối có hệ thống và nhất quán ở 4 điểm sau:
1. Không có Chúa trời như một đấng sáng thế. Vật chất là thực thể duy nhất của mọi vật. Cũng không thể có một linh hồn bất tử tồn tại cả sau khi con người chết. Trong “chống Duyrinh”, Ph. Ăngghen định nghĩa: “tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào đầu óc con người, của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang những lực lượng siêu trần thế” . Ở đây Ăngghen đã giải đáp ba vấn đề cơ bản: tôn giáo là gì? phản ánh cái gì? phản ánh như thế nào? Định nghĩa này của Ăngghen được nhiều người chú ý và coi như thể hiện rõ nhất của các nhà sáng lập ra học thuyết Mác – Lênin khi nghiên cứu bản chất của tôn giáo. Như vậy tôn giáo là do con người sáng tạo ra, là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội.
2. Tôn giáo là một hình thái xã hội mang tính lịch sử. Nó không tồn tại vĩnh viễn mà chỉ trong những giai đoạn nhất định trong lịch sử nhân loại khi mà con người bị chế ước bởi những điều kiện tự nhiên và xã hội như thiên tai, chiến tranh, đói nghèo, bất công xã hội… Người ta cần đến tôn giáo như một sự giải thoát khỏi những ràng buộc trong cuộc sống hàng ngày.
3. Tôn giáo thuộc về kiến trúc thượng tầng, do vậy cũng như khoa học, nghệ thuật… bị quy định bởi các điều kiện kinh tế và cơ sở hạ tầng của xã hội. “Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo, tức thế giới quan lộn ngược, vì bản thân chúng là thế giới lộn ngược.
4. Tôn giáo mang tính giai cấp, nghĩa là nó không thể đứng ngoài chính trị, mà đứng về phía giai cấp này hay giai cấp kia trong xã hội có giai cấp. Theo C. Mác - Ăngghen, các giai cấp thống trị thường sử dụng và thao túng tôn giáo để mê hoặc quần chúng đấu tranh chống lại những áp bức và bất công xã hội. Chẳng hạn, giáo hội Công giáo đã khoác cho chế độ phong kiến ở Pháp trước cách mạng một vòng hào quang thần thánh. Giai cấp tư sản cũng sử dụng tôn giáo để bảo vệ lợi ích thống trị của mình. Do vậy, vấn đề tôn giáo gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản vì một chế độ xã hội mới.
Kế thừa những tư tưởng của C. Mác - Ăngghen, Lênin trình bày quan điểm của mình về tôn giáo trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản Nga nói riêng và chủ nghĩa tư bản đang trong quá trình phát triển thành chủ nghĩa đế quốc nói chung. Đặc biệt Lênin đã có những quan điểm về tôn giáo trong điều kiện của Chủ nghĩa xã hội:
1. Lênin cho rằng tôn giáo là hình thái tinh thần phản ánh một cách siêu tự nhiên nhưng lại có ảnh hưởng tới đời sống của hiện thực. Vì vậy tôn giáo được cả giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột sử dụng như chỗ dựa tinh thần. Với nghĩa đó, Lênin khẳng định nhận định của Mác - Ăngghen về sức mạnh tinh thần.
2. Từ lịch sử của tôn giáo và từ sự đúc kết của Mác - Ăngghen, Lênin khẳng định khía cạnh tâm linh, tiêu cực trong tôn giáo chịu ảnh hưởng trực tiếp ở trình độ nhận thức của con người trước những hiện tượng thiên nhiên và trước hiện thực. Theo Lênin, chủ nghĩa xã hội hiện thực là “chủ nghĩa xã hội đưa khoa học vào cuộc đấu tranh chống đám mây mù tôn giáo và làm cho công nhân khỏi tin vào một cuộc đời ở thế giới bên kia là giành lấy một cuộc đời tốt đẹp hơn trên trần thế .
3. Về quan điểm tự do tín ngưỡng, Lênin cho rằng “bất kỳ ai cũng được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mình thích, hoặc không thừa nhận một tôn giáo nào. Mọi sự phân biệt giữa công dân có tín ngưỡng tôn giáo khác với công dân không có tín ngưỡng tôn giáo đều hoàn toàn không thể tha thứ được”.
4. Theo Lênin, tôn giáo và chính trị là hai hình thái tinh thần độc lập. Vì vậy, giáo hội và Nhà nước không thể là một. Từ đó, sinh hoạt tôn giáo “phải được tuyên bố là một việc tư nhân”.
Những quan điểm, tư tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề tôn giáo là di sản quý giá để chúng ta vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, góp phần thực hiện thành công chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong từng thời kỳ qua các giai đoạn cách mạng.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
Vận dụng Chủ nghĩa Mác – Lênin và kế thừa tinh hoa tri thức của nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta trong việc hình thành các quan điểm về tôn giáo và công tác tôn giáo. Những quan điểm và cách ứng xử của Người đối với vấn đề tôn giáo chứng minh Người am hiểu sâu sắc các tôn giáo lớn, trân trọng những giá trị cao đẹp của tôn giáo, đồng thời Người cũng kiên quyết vạch mặt những kẻ đội lốt tôn giáo để làm hại tôn giáo và dân tộc.
Nội dung chính của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo bao gồm:
2.1. Về tự do tín ngưỡng
Quan điểm về tự do tín ngưỡng của Hồ Chủ tịch được thể hiện trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Nhà nước Việt Nam từ khi Nhà nước dân chủ được thành lập. Ngay trong Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam từ năm 1946, đã nêu “đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo”. Tại điều 10 của bản Hiến pháp này đã xác định, quyền tự do tín ngưỡng là một quyền cơ bản trong hệ thống 5 quyền cơ bản của công dân Việt Nam. Và chính bản Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta có sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch.
Trong những năm lãnh đạo đất nước, với cương vị người đứng đầu Nhà nước, Hồ Chủ tịch đã nhiều lần đề cập tới vấn đề tự do tín ngưỡng như là sự tái khẳng định của Nhà nước, của Chính phủ trong công tác tôn giáo. Chẳng hạn, trong thư của Hồ Chủ tịch gửi cho Tổng giám mục Lê Hữu Từ (1947), Người nhân danh Chính phủ viết “Thưa Đức cha. Trong Hiến pháp nước ta đã định rõ quyền tự do tín ngưỡng, kẻ nào vi phạm và khiêu khích bà con Công giáo sẽ bị xử lý”.
2.2. Về đoàn kết tôn giáo
Tư tưởng đoàn kết luôn bao trùm rộng lớn và có ý nghĩa quy định thành công trong cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Đối với tôn giáo, hơn bao giờ hết cần có đoàn kết thực lòng và bền vững.
Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tôn giáo là tư tưởng đoàn kết đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, đồng bào theo đạo với đồng bào không theo đạo; đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, cùng lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, đó là vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Lấy nguyên tắc đoàn kết là trung tâm của chính sách tôn giáo, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc là mấu chốt. Mọi chính sách, pháp luật về tôn giáo phải xoay quanh nguyên tắc đoàn kết là xuất phát từ lợi ích chung của cả dân tộc, trong đó có lợi ích của tổ chức tôn giáo. Người nhận thức rằng: tín ngưỡng là những biểu hiện sâu kín của thành kính, tôn giáo hàm chứa tình cảm thiêng liêng đã nâng lên thành biểu tượng mà người có đạo dễ dàng chấp nhận hy sinh để gìn giữ sự ngưỡng vọng và tôn kính đó. Đối với công tác tôn giáo, Người dạy “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bất biến là nguyên tắc đoàn kết, là nguyên tắc vì lợi ích chung của Tổ quốc, của nhân dân. Vạn biến là phương pháp vận động thuyết phục mềm dẻo, linh động, có đối sách trong từng trường hợp cụ thể, có chính sách thu hút sự ủng hộ của đông đảo chức sắc, quần chúng tín đồ tham gia phong trào thi đua yêu nước. Khơi dậy “đức hy sinh”, “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” hoà quyện trong tinh thần dân tộc tự cường, chủ trương đưa đạo “nhập thế”, đạo cũng là việc đời, việc đời cũng là việc đạo, tạo nên nguồn lực cộng hưởng trong sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện xây dựng một nước Việt Nam “hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
2.3.Về đạo đức tôn giáo
Năm 1990, lần đầu tiên Đảng ta thừa nhận giá trị đạo đức tôn giáo có trong tôn giáo khi khẳng định: “đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp trong công cuộc xây dựng xã hội mới” và việc phát huy giá trị tốt đẹp về văn hoá và đạo đức có trong tôn giáo được thể hiện ở Văn kiện Đại hội IX của Đảng là phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôn giáo thường có điểm chung là giáo dục con người, trừ ác, hướng thiện; khuyên răn điều hay lẽ phải ở đời. Hồ Chí Minh đã khái quát giá trị đạo đức có trong tôn giáo: “Chúa Giêsu dạy: đạo đức là bác ái. Phật Thích ca dạy: đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: đạo đức là nhân nghĩa”. Người cũng rất quan tâm đến những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân loại như: phẩm chất, ý chí, nghị lực, tư cách, lối sống… tức là những yếu tố cơ bản đánh giá, phẩm chất, đạo đức con người. Phải thừa nhận rằng tuy mức độ khác nhau các tôn giáo có khả năng xây dựng mẫu hình con người theo quan điểm của nó, đồng thời cũng góp phần vào việc xây dựng thang bậc, chuẩn mực đạo đức cho con người ở nhiều thời kỳ lịch sử.
Một mặt kế thừa, mặt khác Hồ Chí Minh cũng phê phán đạo đức tôn giáo khi nó không còn phù hợp với đạo đức cách mạng.
2.4. Về sự phân biệt có tính nguyên tắc giữa sinh hoạt tôn giáo và lợi dụng tôn giáo
Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê phán những kẻ lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị phản động. Đối với những kẻ không chỉ là “việt gian mà còn là giáo gian” này cần phải nghiêm trị. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất của Người vẫn là làm thế nào để đoàn kết, thu hút những người có tôn giáo tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân do Đảng cộng sản lãnh đạo.
Từ khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, một nửa nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, chính Người đã nhắn nhủ, góp ý, động viên đồng bào có đạo sống trong cộng đồng theo tinh thần lương giáo đoàn kết, “không nên lợi dụng việc đạo để gây khó khăn cho Chính phủ, khó khăn cho việc sản xuất của đồng bào như một số người đã cố ý tổ chức để làm phúc kéo dài hàng tuần giữa lúc đang gặt hái gấp”.
Cần phân biệt sinh hoạt tín ngưỡng của một tôn giáo với hoạt động của một số người giả danh đang hoạt động tôn giáo. Chính họ đã nhân danh tôn giáo để gây chia rẽ các tôn giáo, hoặc phá rối trật tự công cộng. Thậm chí họ còn lợi dụng niềm tin tôn giáo để mê hoặc tín đồ, phật tử, mưu lợi cá nhân. Trong “Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp”, Người đã luận tội đanh thép về chủ nghĩa thực dân cũng như việc chúng lợi dụng tôn giáo và tự do tín ngưỡng. Người đã phân biệt một cách rõ ràng giữa đức tin với hành vi, giữa cá nhân với tổ chức giáo hội, giữa việc hành đạo chân chính với sự lợi dụng việc hành đạo để chống lại dân tộc, quốc gia. Hơn ai hết Người hiểu rất sâu sắc, một đức tin chân chính, một hành vi tôn giáo chân chính không bao giờ đi ngược lại lợi ích dân tộc. Và Người cho rằng các hủ tục mê tín hay lợi dụng tôn giáo gây phương hại đến lợi ích chung cũng là những biểu hiện cần lên án và khắc phục.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã bổ xung vào kho tàng của Chủ nghĩa Mác – Lênin một cách nhìn nhận tôn giáo mềm mại và có ý nghĩa thực tiễn hơn. Tất cả những gì người viết, nói về tôn giáo, tín ngưỡng chung quy lại là nhằm giác ngộ đại đa số đồng bào các tôn giáo và đoàn kết toàn dân, hoàn thành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, có thể nói đoàn kết giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, giữa đồng bào có đạo và những người không theo tôn giáo là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Tư tưởng đoàn kết lương giáo, mối quan hệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo là một mẫu mực của việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: