Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và dân,
nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới
Đại hội đại biểu lần thứ VIII của Đảng ta đã đánh giá tổng quát về công cuộc đổi mới ở nước ta với 5 nhận định quan trọng sau:
- Một là:công cuộc đổi mới trong mười năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra năm năm 1991-1995 đã được hoàn thành cơ bản.
- Hai là:đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội nhưng còn một số mặt chưa thật vững chắc.
- Ba là:nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Bốn là:con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta càng được xác định rõ hơn.
- Năm là:xét tổng thể, việc hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới những năm qua về cơ bản là đúng đắn, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên cũng còn có một số khuyết điểm lệch lạc ở một số lĩnh vực.
Có thể nói những thành tựu do công cuộc đổi mới tạo ra cùng chiều là những điều kiện thuận lợi để củng cố tăng cường mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với dân trong thời kỳ mới.
Củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và dân là một vấn đề có ý nghĩa thiết thực, cấp bách lại vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, là điều kiện cơ bản bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển hiện nay, trước yêu cầu của cách mạng, tăng cường và củng cố mối quan hệ giữa Đảng và dân trong cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Các biện pháp thiết thực tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và dân trong giai đoạn hiện nay như sau:
- Thứ nhất:kiên trì sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết bảo đảm thắng lợi của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Từ Đại hội VI (1986), Đảng ta chủ trương chuyển nền kinh tế nước ta từ nền kinh tế bao cấp, quản lý theo kiểu tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường. Một số người cho rằng, trong nền kinh tế thị trường không cần thiết có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản việt nam , vì “sự phát triển kinh tế thị trường là cái mâu thuẫn như nước với lửa với học thuyết xây dựng xã hội cộng sản? Thực chất của cơ chế thị trường là thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần (quốc doanh, tập thể, cá nhân, tư nhân, tư sản )”, nhưng nền kinh tế thị trường nước ta hiện nay không phải là nền kinh tế thị trường bất kỳ, càng không phải kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mà là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là nền kinh tế thật sự vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đúng là nếu phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa thì không cần đến Đảng cộng sản lãnh đạo mà là một đảng khác, nhưng với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì nhất thiết phải có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Vấn đề ở chỗ Đảng cộng sản phải đủ tri thức, năng lực lãnh đạo đất nước, phát triển hoà nhập với dòng chảy của thời đại của, nhân loại tiến bộ.
- Thứ hai: đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước phải xuất phát từ nhu cầu nguyện vọng của nhân dân, đem lại lợi ích thực tế cho nhân dân.
Lợi ích chính là động lực hoạt động của con người. Phấn đấu vì lợi ích của nhân dân cũng chính là nội dung và mục đích hoạt động của Đảng. Một đảng cầm quyền, một chính phủ có trách nhiệm với nhân dân thì phải có chủ trương chính sách phù hợp nguyện vọng của dân, đem lại lợi ích thực tế cho nhân dân. Như chính sách đường lối đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa do Đảng đề ra và lãnh đạo là phù hợp ý nguyện của dân, đưa đất nước ta đi đúng quy luật phát triển của lịch sử.
“Ý đảng lòng dân” gặp nhau thì sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. “Ý đảng” là đường lối chủ trương của Đảng, còn “lòng dân ” tức nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Ý đảng lòng dân được thể hiện ở hiệu quả thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đó chính là thước đo quan trọng nhất của quan hệ giữa Đảng và nhân dân.
- Thứ ba:phát huy dân chủ, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ thật sự của nhân dân lao động trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Điểm xuất phát và chỗ đi tới của sự lãnh đạo xã hội của Đảng là sự dân chủ của nhân dân, là người dân trở thành người chủ, dân phải làm chủ lấy mình
Để phát huy dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, cần phải tạo ra những điều kiện nhất định đó là:
+ Nâng cao dân trí, làm cho người dân có kiến thức và trình độ nhất định về văn hoá, giáo dục, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật pháp luật, văn học nghệ thuật, lý luận Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
+ Cần tổ chức tiếp dân, tôn trọng ý kiến phê bình và kiến nghị của dân chúng.
Hồ Chí Minh có một quan niệm đúng về việc dân mạnh dạn phê bình cán bộ đảng viên, phê bình Đảng. Theo Người phê bình và giúp đỡ sửa chữa, đó là quyền lợi và nghĩa vụ dân chủ của nhân dân ta.
Dân chủ hơn hết phải gắn liền với pháp luật hoá. Pháp luật kiên quyết trừng trị những kẻ thù dân, hại dân, phải bảo đảm cho người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình. Đồng thời dân chủ cũng phải đi liền với kỷ cương nằm trong khuôn khổ pháp luật tránh dẫn tới sự lệch lạc, quá trớn, làm nguy hại đến chính trị.
+ Có quy chế và quy trình thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đảm bảo quyền lợi cho dân biết, bàn, kiểm tra về việc đề ra và tổ chức thực hiện đường lối chính sách của đảng và nhà nước. Sự làm chủ của nhân dân cũng là quá trình từ thấp đến cao, diễn ra suốt thời kỳ quá độ và sau đó nữa, đây là cơ hội và phương tiện để nhân dân làm chủ ngày càng được đầy đủ và hoàn thiện.
- Thứ tư:đẩy mạnh công tác dân vận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ mới.
Trong điều kiện hiện nay, dân trí được nâng cao, dân chủ mở rộng, phương tiện thông tin được phổ cập, nhân dân được tiếp cận những thành tựu khoa học kỹ thuật và tiếp nhận được nhiều thông tin về vấn đề chính trị, kinh tế văn hoá xã hội trong và ngoài nước, dân có điều kiện thực tế để tham gia đóng góp vào đường lối chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước một cách chủ động, tự giác và sáng tạo. Ngày nay mục tiêu sáng tạo của Đảng đối với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân là đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới, giữ vững độc lập dân tộc, toàn vẹn chủ quyền của Tổ quốc, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đoàn thể nhân dân để đoàn kết các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo, đoàn kết mọi người Việt Nam trong nước và ngoài nước là vấn đề chiến lược lâu dài và nhất quán của Đảng ta. Thấm nhuần Tư tưởng của Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, phấn đấu mở rộng khối đoàn kết toàn dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Bác Hồ từng nói: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết, chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp lại ở bàn tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Đối với những người lầm đường lạc lối, ta phải lấy tình nhân ái để cảm hoá họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.
Lời dạy của Bác Hồ cách đây gần nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời sự nóng hổi. Lực lượng của dân rất to lớn, việc dân vận rất quan trọng, “dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
- Thứ năm:phải có những biện pháp tích cực, kiên quyết ngăn chặn và đầy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn tham nhũng hiện nay trong thời kỳ đổi mới phát triển đất nước. Bên cạnh những thành tựu to lớn và toàn diện vẫn còn những khuyết điểm và yếu kém, trong đó rất đáng lo ngại là sự phát triển của các tệ nạn xã hội, nhưng bao trùm nhất, nghiêm trọng nhất là tệ tham nhũng phát triển tràn lan, hoành hành ở tất cả các cấp, các ngành các địa phương, trở thành một thứ giặc “nội phản” một “quốc nạn”.
Thực chất của tham nhũng là sự lợi dụng chức vụ quyền hành của những cán bộ, đảng viên có chức quyền để nhũng nhiễu dân, để “chiếm công vi tư”, lấy công quỹ, tiền của nhà nước, của tập thể để làm giàu cho cá nhân và gia đình họ. Hiện nay tệ tham nhũng trở thành một hiện tượng phổ biến, một hiểm họa xã hội không kém gì các căn bệnh nan y khác, làm giảM thanh danh, uy tín của Đảng cầm quyền, làm xói mòn và đục rỗng bộ máy nhà nước, là nhân tố gây mất ổn định chính trị, là thách thức số một và là lực cản lớn nhất đối với công cuộc đổi mới. Hiện nay, Đảng và Chính phủ, Quốc hội vẫn đang nổ lực tìm cách loại trừ tệ nạn đó ra khỏi đời sống nhân dân
Đẩy lùi và triệt phá tệ tham nhũng là một quá trình đấu tranh rất phức tạp phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ chủ yếu sau:
+ Một là:cần phải rà soát lại toàn bộ những văn bản về cơ chế, chính sách đã ban hành về kinh tế và tài chính. Những chế độ chính sách đã hợp lý thì cần được thực hiện một cách dân chủ và công khai, làm cho mọi người đều biết để thực hiện và có thể kiểm soát việc thực hiện. Cần sửa đổi, bổ sung những chế độ chính sách đã lỗi thời hoặc có nhiều sơ hở pháp luật, tránh để bọn tham nhũng lợi dụng.
+ Hai là:cần quy định trách nhiệm cá nhân người phụ trách cơ quan đơn vị, ở các cấp, các ngành đối với công quỹ và mọi tài sản chung.
+ Ba là:phải tổ chức lực lượng chuyên trách chống tham nhũng, bao gồm những người có phẩm chất trong sạch có khả năng chuyên môn. Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp mở những chiến dịch chống tham nhũng.
+ Bốn là:trong việc chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội, quần chúng nhân dân có vai trò và khả năng to lớn, cần phát động tư tưởng quần chúng để gây áp lực cho bọn tham ô, lãng phí.
Có thể nói tệ nạn tham nhũng là vấn đề bức xúc của xã hội, giải quyết tốt việc đó sẽ tiếp tục lấy lại được uy tín của Đảng cầm quyền đối với dân, củng cố được Nhà nước vững mạnh, tăng cường được mối quan hệ mật thiết vốn có giữa Đảng và dân, đưa sự nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục vững chắc tiến lên trong thời kỳ mới.
- Thứ sáu:Đảng tự đổi mới và chỉnh đốn để ngày càng trong sạch, vững mạnh là điều kiện cơ bản bảo đảm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và dân trong thời kỳ mới.
Tự đổi mới và chỉnh đốn là công việc thường xuyên phải làm đối với một Đảng cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là “ việc chính, phải rất coi trọng” đặc biệt là trong điều kiện ở nước ta, nhân dân coi Đảng là của mình, không chấp nhận “đa đảng” thì dân càng tin Đảng và yêu cầu nhiều hơn, cao hơn ở Đảng.
Đảng tự đổi mới và chỉnh đốn là để nâng cao năng lực và phẩm chất lãnh đạo của Đảng, làm cho Đảng luôn luôn trong sạch và vững mạnh “ngang tầm” với những đòi hỏi của thời kỳ mới. Đảng ta xác định trong công tác Xây dựng đảng thời kỳ mới phải tập trung làm tốt những vấn đề cơ bản là:
- Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng hàng đầu của Đảng ta.
- Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ phẩm chất và năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ đảng viên. Khi có biểu hiện sai lầm về nhận thức, dao động về tư tưởng thì phải kịp thời uốn nắn.
- Củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt của Đảng, phát huy dân chủ đi đôi với giữ gìn kỷ luật, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng.
- Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, chú trọng cán bộ chủ chốt các cấp, xây dựng cho được một chiến lược cán bộ của thời kỳ mới.
- Củng cố và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng nhất là cơ sở đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng theo đạo thiên chúa và các doanh nghiệp.
- Đổi mới công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng, đặc biệt coi trọng làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ đảng.
- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: đảng lãnh đạo thông quan tổ chức, không thông qua cá nhân đảng viên, phát huy vai trò và hiệu lực của Nhà nước chứ không bao biện điều hành thay nhà nước. Đảng và mọi đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật, và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình.
Với vai trò là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân, trong quá trình tự đổi mới và chỉnh đốn, Đảng ta cần tập trung giải quyết một số vấn đề nhằm khắc phục và loại trừ nguy cơ xa rời quần chúng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và dân.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: