Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với dân qua các giai đoạn cách mạng
Mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với dân là mối quan hệ tác động qua lại giữa hai chủ thể có vị trí, vai trò, khả năng khác nhau, nhưng cần nhau. Dân cần Đảng vì có đảng lãnh đạo, dẫn đường chỉ lối. Đảng cần dân vì có dân đảng mới có điều kiện để sinh tồn và hoạt động, mới có lực lượng và khả năng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Vì vậy, về bản chất mối quan hệ giữa Đảng và dân là mối quan hệ khăng khít, gắn bó máu thịt. Mối quan hệ giữa Đảng với dân là mối quan hệ khách quan xuất hiện ngay từ khi có Đảng và tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của Đảng. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn cách mạng có những đặc điểm và yêu cầu về nhiệm vụ chính trị khác nhau, chi phối mối quan hệ giữa Đảng và dân. Do đó sự thể hiện nội dung cụ thể và cách giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và dân trong mỗi giai đoạn cách mạng cũng không thể giống nhau.
+ Trong giai đoạn 1930-1945: Đảng ta mới được thành lập, chưa có chính quyền hơn nữa luôn luôn bị chính quyền của bọn thực dân, phong kiến khủng bố phải hoạt động bí mật. Nhiệm vụ chính trị của Đảng ta trong giai đoạn này là tuyên truyền giáo dục, giác ngộ nhân dân vận động và tập hợp lực lượng nhân dân đứng lên đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, giành độc lập tư do. Trong giai đoạn này Đảng gắn bó máu thịt với dân, hoà nhập, sống chết cùng dân. Dân ta thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, một lòng một dạ đi theo Đảng. Đó là thời kỳ mối quan hệ giữa Đảng và dân rất tốt đẹp và có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
+ Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Đây là bước phát triển mới về chất trong quá trình hoạt động của Đảng ta. Và nó cũng làm thay đổi nội dung và hình thức mối quan hệ giữa Đảng và dân so với trước. Trong giai đoạn này, tình hình chính trị có nhiều phức tạp, Đảng ta với chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân ủng hộ, còn các đảng đối lập khác vẫn xa cách dân, hoạt động không vì lợi ích của dân, thoái thác trách nhiệm trước dân, nên không được dân ủng hộ, không chịu được thử thách cách mạng nên bị rơi rụng hết.
Từ khi trở thành đảng cầm quyền, liên tục trong ba mươi năm, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân và được nhân dân đồng tình tiếp tục làm nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đã anh dũng thắng hai đế quốc to lớn nhất là Pháp và Mỹ, bảo vệ độc lập tự do Tổ quốc và thống nhất đất nước.
Đảng ta vừa thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vừa “kiến quốc”, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng có chủ trương đường lối chính sách đúng, phù hợp nguyện vọng của dân, lợi ích của tầng lớp nhân dân, đồng thời cũng phù hợp với đặc điểm và xu thế của thời đại nên không những nhân dân trong nước ủng hộ mà nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới cũng đồng tình. Do đó thắng lợi của cách mạng rất to và uy tín của Đảng trong nhân dân rất cao.
+ Sau đại thắng mùa xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Song như Đại hội VI đã thừa nhận, do chủ quan, do duy ý chí, không vận dụng đúng quy luật khách quan và không nắm bắt đúng thực tế yêu cầu nguyện vọng của nhân dân, Đảng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng và kéo dài trong chủ trương, chính sách chỉ đạo chiến lược và cả về tổ chức thực hiện, do đó làm cho tình hình kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, phức tạp, lòng tin của dân đối với Đảng và mối quan hệ giữa Đảng - dân bị giảm sút. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Đảng ta nhận rõ và cương quyết sửa chữa sai lầm khuyết điểm, đồng thời Đảng xuất phát từ xu thế thời đại và những đặc điểm của đất nước trong giai đoạn này để đề ra đường lối đổi mới phù hợp với quy luật khách quan và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
+ Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi sướng và lãnh đạo những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn: ổn định về chính trị, tạo ra những chuyển biến chung về kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được nâng cao một bước rõ rệt, sinh hoạt dân chủ được mở rộng và phát huy. “lòng tin của nhân dân đối với chế độ và tiền đồ của đất nước với Đảng và Nhà nước được khẳng định ”.
****
Có một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn trong mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với dân đó là tư tưởng của Lênin về nguy cơ đối với một Đảng cầm quyền. Theo Lênin thì Đảng cầm quyền phải đề phòng hai nguy cơ: một là sai lầm về đường lối chính sách, hai là quan liêu xa rời quần chúng.
Đến Hồ Chí Minh - Người đã sớm nhận thấy và nhiều lần nhắc đến với thái độ phê phán mạnh mẽ. Bởi đấy là những nguy cơ làm cho Đảng xa rời quần chúng, xa rời cái vốn đã tạo nên cái sức mạnh của Đảng.
Để nêu cao vai trò trách nhiệm của Nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân, do dân và vì dân, ngay sau khi đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” (3-9-1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính phủ, trình bày bản báo cáo: “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” nêu lên một cách xúc tích 6 vấn đề cấp thiết nhất mà chính quyền cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội như: nạn đói, nạn dốt, nạn nghiện rượu, thuốc phiện, bỏ các thứ thuế vô lý, tự do tín ngưỡng lương giáo đoàn kết và tổ chức tổng tuyển cử. Đồng thời vì sớm nhận thấy nguy cơ quan liêu mệnh lệnh xa rời quần chúng, “cái tập ngông nghênh cậy thế, cậy quyền”, khi nắm chút quyền trong tay thì hay lạm dụng của một số cán bộ chính quyền các cấp làm cho dân sợ hãi, oán ghét, làm rạn nứt mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước của dân. Người đã luôn có những bài báo, thư gửi cho các tỉnh, huyện, làng phê bình, nhắc nhở, uốn nắn những hiện tượng tiêu cực, trong đó nổi bật lên một tác phẩm Người viết năm 1947: “Sửa đổi lối sống làm việc” nêu lên 12 căn bệnh nguy hiểm của Đảng cầm quyền trong đó có “bệnh xa quần chúng”. Nó cũng trở nên phổ biến trầm trọng hơn trong điều kiện mới. Đảng lãnh đạo chính quyền trên phạm vi cả nước, điều đó thể hiện ở một số luận điểm sau:
- Thứ nhất: một số chủ trương chính sách của Đảng mang tính chủ quan duy ý chí, không phù hợp quy luật khách quan, và cũng không phù hợp với lợi ích nguyện vọng của nhân dân, không được dân ủng hộ.
- Thứ hai:phương pháp công tác của các tổ chức đảng và của cán bộ đảng vẫn xa rời thực tế, xa rời quần chúng, mang nặng bệnh quan liêu.
- Thứ ba:một số cán bộ đảng viên, nhất là những người có chức quyền, biến chất trở thành những “quan cách mạng ”, “những cường hào mới”, đặc biệt tệ nạn tham nhũng hiện nay rất phổ biến , trầm trọng trở thành một trong bốn nguy cơ mà Đảng và nhân dân đang phải chịu đựng và tìm mọi cách khắc phục.
- Thứ tư:các đoàn thể quần chúng của ta cũng bị quan liêu hoá, hành chính hoá, không đổi mới nội dung hoạt động và hình thức, phương pháp tập hợp các tầng lớp nhân dân.
Tình trạng trên làm cho mối quan hệ Đảng - dân bị giảm sút, hạn chế nhiệt tình cách mạng và khả năng to lớn của nhân dân trong công việc xây dựng đất nước, xây dựng đảng, xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước và đoàn thể quần chúng.
Mối quan hệ giữa Đảng với dân bị giảm sút, có thể tính đến các nguyên nhân sau đây:
- Một là:cán bộ đảng viên chưa thật sự thấm thuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, quan điểm của Đảng ta và Hồ Chí Minh về cách mạng là sự nghiệp “của dân, do dân và vì dân” và bài học kinh nghiệm hàng đầu “lấy dân làm gốc”.
- Hai là:nhiều chủ trương chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước chưa xuất phát từ ý kiến, nhu cầu, nguyện vọng của dân.
- Ba là:trong cơ chế thị trường hiện nay, nhiều cán bộ đảng viên “nhạt đảng”, phai mờ lý tưởng của Đảng, theo chủ nghĩa thực dụng, chạy theo đồng tiền xem đó là động lực, lợi ích duy nhất, sống xa dân thậm chí trở thành sâu mọt đối với dân.
- Bốn là:ngày nay nhu cầu và nguyện vọng của dân rất phong phú đa dạng, phức tạp, nên Đảng cũng khó có điều kiện nắm bắt kịp thời và đáp ứng đầy đủ.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: