Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Đôi nét về hệ thống giáo lý, giáo luật, tổ chức của đạo Công giáo
1. Giáo lý đạo Công giáo
Giáo lý của đạo Công giáo được thể hiện trong hai bộ kinh thánh: Cựu ước và Tân ước, gồm tất cả 73 cuốn.Giáo lý Công giáo quan niệm rằng Thiên chúa đã sáng tạo ra trời đất, muôn loài trong 6 ngày và mọi sự xuất hiện, tồn tại và biến đổi của vũ trụ đều do Thiên chúa tiền định tuyệt đối.Theo giáo lý Công giáo con người do Thiên chúa bằng phép màu nhiệm đã tạo nên theo hình ảnh của mình để thờ phụng mình. Thiên chúa có 3 ngôi: Cha, Con và các Thánh thần. Trong giáo lý đạo Công giáo cũng cho rằng, đến một ngày nào đó thế giới sẽ đến ngày tận thế, bị huỷ diệt, những người chết sẽ sống lại, Giesu lại giáng thế để phán xét lần cuối cùng. Những người không có tội, siêng năng thờ phụng chúa sẽ được lên thiên đàng, kẻ có tội phải xuống hoả ngục.
2. Giáo luật, lễ nghi
Đạo Công giáo có luật lệ và lễ nghi rất chặt chẽ. Các giáo dân phải giữ được 10 điều răn của Chúa trời, 6 điều răn của giáo hội và 21 điều quy định đối với chính mình, thân xác con người và linh hồn con người. Những điều răn này đều hướng con người đến cái thiện, tránh làm việc ác.
Đạo Công giáo có rất nhiều ngày lễ và nghi thức giáo dân phải thực hiện. Lễ nghi công giáo có 7 phép bí tích cơ bản trong đó có 3 bí tích quan trọng nhất là: Bí tích thánh tẩy (rửa tội), bí tích thánh thể (lễ Misa) và bí tích giải tội.
1. Bí tích thánh tẩy (rửa tội): dùng nước thánh để rửa sạch tội tổ tông truyền để trở thành tín hữu Kitô.
2. Bí tích thánh thể (lễ Misa): đây là bí tích quan trọng nhất trong các bí tích. Linh mục ban bánh, rượu đã được thánh hoá.
3. Bí tích giải tội: dùng cho những người cần hối lỗi và quyết tâm sửa chữa lỗi lầm.
4. Bí tích sức dầu thánh.
5. Bí tích truyền chức thánh.
6. Bí tích thêm sức.
7. Bí tích hôn phối.
Đạo Công giáo có rất nhiều những ngày lễ lớn như: lễ buộc, lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh, lễ Chúa Giesu lên trời, lễ chúa thánh thần hiện xuống, lễ Đức bà Maria hồn và xác lên trời, lễ các thánh, lễ ngày chủ nhật. Ngoài ra còn rất nhiều ngày lễ, tháng lễ, mùa lễ, các tín hữu dự lễ sẽ được nhiều ơn phước.
3. Hệ thống tổ chức giáo hội Công giáo
Giáo hội Công giáo là một hệ thống tổ chức hữu hình chặt chẽ từ cá thể đến tập thể, từ tập thể nhỏ đến tập thể lớn, từ địa phương đến trung ương, từ quốc gia đến toàn cầu.
- Đứng đầu giáo hội Công giáo là giáo triều Vatican do Đức thánh cha (tức Giáo hoàng) đứng đầu là người kế vị thánh Phêro, thay mặt chúa Giêsu cai quản giáo hội Công giáo toàn cầu.
Vatican là một nhà nước có lãnh thổ riêng độc lập, có chủ quyền. Có các cơ quan: Văn phòng thư ký giáo hoàng; 9 thánh bộ, 3 tòa án giáo triều và 12 Hội đồng giáo hoàng.
Tại các nước độc lập có chủ quyền được giáo hội và thế giới công nhận thì Toà thánh Vatican cho thành lập giáo hội riêng của nước đó gọi là giáo miền. Giáo miền là một định chế tổ chức cộng đoàn tín hữu trong một lãnh thổ nhất định theo một lễ điển đề giữ mối liên kết trong Giáo hội về mọi mặt hoạt động tôn giáo. Giáo miền không nhất thiết phải tư cách pháp nhân trong hệ thống tổ chức của Giáo hội, là một tổ chức liên hợp các Giáo hội địa phương nên Giáo miền không có bản quyền. Người đại diện cho Giáo miền là Hồng y, có thể một nước có hai Hồng y.
- Bên dưới giáo miền là các giáo tỉnh. Các Tổng Giám mục phụ trách các giáo tỉnh, giáo tỉnh gồm nhiều giáo phận.
- Giáo phận là một cộng đoàn tín hữu được giới hạn trong một địa dư nhất định và trực thuộc Toà thánh. Quyền thành lập, bãi bỏ, thay đổi giáo phận là quyền riêng của Toà thánh.
Giám mục đứng đầu, phụ trách giáo phận, Giám mục có quyền quyết định mọi việc về tôn giáo ở giáo phận mình và có quyền liên hệ trực tiếp với Giáo hoàng. Giúp việc giám mục có giám mục phó hoặc giám mục phụ tá. Từng giáo phận có Hội đồng tư vấn, gồm một số linh mục do giám mục chỉ định để đóng góp ý kiến cùng giám mục cai quản giáo dân.
Hồng y, các Tổng giám mục và Giám mục ở một nước hợp lại thành “Hội đồng Giám mục” nước đó. Hội đồng Giám mục có quyền đề ra và thống nhất chủ trương, phương thức hoạt động cho giáo hội trong cả nước.
- Dưới giáo phận là tổ chức Giáo hội cơ sở đó là các giáo hạt, giáo xứ, giáo họ.
Giáo hạt là một đơn vị liên kết theo địa dư, trong địa dư giáo phận do Giám mục thiết lập. Mỗi giáo hạt có một linh mục đứng đầu gọi là hạt trưởng. Hạt trưởng có thể do các linh mục bầu cử hoặc Giám mục giáo phận bổ nhiệm. Giáo hạt là đơn vị có tính chất liên hiệp giữa các giáo xứ lân cận nên không có tư cách pháp nhân trong cơ cấu tổ chức Giáo hội. Linh mục hạt trưởng không có bản quyền trên các giáo xứ thuộc hạt.
Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập thành đơn vị Giáo hội cơ sở trong một địa dư nhất định có tính chất bền vững trong cơ cấu tổ chức Giáo hội.
Mỗi giáo xứ có một linh mục chính xứ và có thể có nhiều tư tế khác phục vụ mục vụ trong xứ. Quyền thành lập, giải tán, thay đổi giáo xứ cũng như quyền bổ nhiệm linh mục chính xứ là quyền độc hữu của Giám mục giáo phận. Tất cả giáo xứ đều có tư cách pháp nhân theo giáo luật.
Mỗi giáo xứ có “Hội đồng giáo xứ” gồm một số giáo dân bầu ra. Hội đồng giáo xứ do linh mục điều khiển và cùng với linh mục điều hành đạo trong giáo xứ. Giáo hội thường dùng tổ chức này để thực hiện chủ trương trong giáo dân, giúp linh mục sắp đặt công việc trong xứ họ đạo. Điều hành sinh hoạt tôn giáo hàng ngày tại nơi thờ tự như đọc kinh buổi sớm, buổi chiều, chuẩn bị lễ bái…Trong mỗi giáo xứ có những cộng đồng nhỏ như: các họ đạo, các khu, các dâu… mỗi đơn vị nhỏ ấy thường nhận một vị thánh làm thánh bảo trợ cho mình, không có tư cách pháp nhân.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: