Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Những giải pháp giáo dục đạo đức cho hiện nay
Cùng với nghệ thuật, khoa học, đạo đức là một trong 3 thành tố đặc thù của văn hóa hình thành nên các giá trị phổ biến và vĩnh hằng Chân - Thiện - Mỹ của nhân loại. Chân - Thiện - Mỹ vừa là mục tiêu để con người hướng đích nhưng cũng là thước đo giá trị của hành vi con người. Khẳng định điều này để chúng ta thấy rằng không nên quá ảo tưởng về tăng tưởng kinh tế mà bỏ rơi đạo đức xã hội, không nên lấy tư tưởng làm giàu bằng bất cứ giá nào để đánh giá nhân cách và giá trị con người. Phát triển bền vững phải có nền tảng đạo đức tốt đẹp và lành mạnh. Để làm được điều này thì nhất định phải hiện thực hóa các giải pháp giáo dục đạo đức sau đây.
3.1. Xây dựng, giáo dục đạo đức con người Việt Nam theo 5 đức tính trong Nghi quyết Trung ương V, khóa VIII
Thực ra, tất cả những giá trị đạo đức đều ngưng kết trong một chủ thể CON NGƯỜI với tư cách là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, lưu giữ văn hóa đồng thời cũng là sản phẩm của văn hóa trong những thời điểm và môi trường nhất định. Xác định ý nghĩa to lớn này mà nhiệm vụ đầu tiên của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là xây dựng 5 đức tính quan trọng của con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Đó là xây dựng con người Việt Nam “có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; Có nếp sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực”. Để xây dựng được những đức tính này không phải một sớm một chiều, không phải con người nào cũng rập khuôn theo những đức tính đó mà phải tùy những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, chúng ta có thể xây dựng cho cán bộ đảng viên “đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình” nhưng khó có thể, thậm chí là không thể làm được điều này với những người nông dân chân lấm tay bùn đang “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”. Thiết nghĩ, đối với những đức tính này, nhiệm vụ quan trọng là làm sao các cách làm phải thật sự thiết thực nhưng rất gần gũi sau:
Thứ nhất là nhiệm vụ giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc. Yêu nước và tinh thần dân tộc không chỉ là những giá trị mà còn là một đòi hỏi thiêng liêng của người Việt Nam. Yêu nước không chỉ là thước đo mà còn là một nhu cầu, đòi hỏi về mặt đạo đức. Mỗi gia đình, thiết chế đều có nhiệm vụ giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dân tộc nhưng không phải từ những lời đao to búa lớn mà từ những tình cảm và việc làm nhỏ nhất. “Tư tưởng yêu nước cũng như ý thức dân tộc thường bắt nguồn từ tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, làng xóm hoặc khối phố. Cho nên đối với một người ở xa Tổ quốc, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, thường gợi nhớ lại thời thơ ấu, những tình cảm thân thương của người ruột thịt...những bài hát, điệu hò quê hương, xóm làng...”. Tuy nhiên, giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dân tộc cho con cháu mà các bậc cha mẹ, thầy cô… tỏ ra coi nhẹ, thờ ơ với các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống thì gốc rễ của nhân cách sẽ bị méo mó và khập khểnh. Hiện nay, việc coi nhẹ các môn học xã hội nhân văn, nơi kết tinh các giá trị đạo đức, đặc biệt là môn lịch sử trong học sinh có một phần do định hướng giá trị của gia đình, nhà trường và xã hội.
Thứ hai là giáo dục tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết. Tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết là những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam được trải nghiệm trong lịch sử nhưng hiện nay, để phát huy những giá trị đó thật không dễ dàng khi cái cá nhân vị kỷ đang tác động mạnh mẽ đến lớp trẻ. “Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc” là một trong nhiều giá trị của văn hóa Việt Nam phải được bộc lộ trong những thời điểm và môi trường cụ thể.
Thứ ba là giáo dục lối sống, nếp sống, lẽ sống. Không ai sinh ra đã có văn hóa nhưng đều có một nền văn hóa, môi trường văn hóa đang chờ sẵn. Nhân cách một con người bắt đầu từ truyền thống văn hóa, vì vậy mà gia đình có nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho con cháu trong quá trình “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Các khuôn mẫu của gia đình truyền thống như gia phong, gia giáo, gia huấn, gia lễ…đều có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng văn hóa gia đình nhưng giáo dục kỹ năng sống lại là điều cần thiết trong một xã hội hiện đại.
Thứ tư là giáo dục thái độ lao động cho công dân. Giá trị của cuộc sống được thể hiện trong lao động. Chính vì vậy mà chúng ta cần xây dựng thái độ lao động, đạo đức lao động đối với mọi tầng lớp trong xa hội. Mọi công dân nếu ỷ lại và lười nhác đều làm tha hóa nhân cách và có thể dẫn đến phạm tội. Ngược lại, cần làm cho mọi người dân hiểu được giá trị của lao động chính đáng, hiểu được đạo đức nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Tuy nhiên, không nên quá ngộ nhận và tôn vinh về tài năng đối với những người tự cho mình là không vi phạm pháp luật, lách luật nhưng lại vi phạm về mặt đạo đức.
Thứ năm là giáo dục tinh thần, ý thức học tập cho xã hội . Xây dựng một xã hội học tập để tiến kịp với các nước tiên tiến là một trách nhiệm đạo đức lớn lao. Tuy nhiên, cần phải thay đổi quan niệm cho mọi người khi học không phải để làm quan, không chỉ để làm giàu mà học để biết giá trị đạo đức của cuộc sống từ những mối quan hệ với những người xung quanh đến quê hương và dân tộc. Lòng tự trọng về bản thân, gia đình, quê hương và dân tộc là giá trị cần được xây đắp trong mỗi con người.
3.2. Đối với cán bộ đảng viên cần giáo dục đạo đức cách mạng
Đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò hết sức to lớn trong hệ thống chính trị nói riêng và sự phát triển đất nước nói chung. Đây là đội ngũ ưu tú có nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý đất nước, chèo lái con thuyền dân tộc trong trong những thời điểm khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc đội ngũ cán bộ đảng viên mà bị suy thoái đạo đức thì nhất định dẫn đến nguy cơ chia rẽ xã hội.
Nghị quyết Trung ương V đã đưa ra nguy cơ về sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên. Thực này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, giảm sút long tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng. Chính vì vậy, bên cạnh việc giáo dục đạo đức truyền thống thì nhất định phải giáo dục đạo đức cánh mạng, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Hồ Chí Minh từng cho rằng: muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người mới xã hội chủ nghĩa. Như vậy, xây dựng con người về cơ bản không chỉ đề cập đến một lực lượng mà cốt lõi là phẩm chất của mỗi con người trong thế hệ đó. Chính vì vậy mà việc xây dựng con người, xây dựng xã hội phải gắn với việc xây dựng đạo đức nói chung và đạo đức cách mạng nói riêng đối với cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên. Đây là vấn đề đã được bàn đến từ lâu và đã được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và khẳng định giá trị của nó. Điều quan trọng là chúng ta nhìn nhận vai trò của đạo đức cách mạng với tư cách là nhân tố cốt lõi của văn hóa Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Tổ chức Đảng phải là một biểu tượng, là hình mẫu, là ngọn đuốc dẫn đường cho mọi thắng lợi của cách mạng. Trong Di chúc để lại, Bác Hồ từng khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Thắng lợi của cách mạng Việt Nam đi liền với giáo dục đạo đức cách mạng trong tổ chức Đảng, đặc biệt là ở những biểu hiện rất cụ thể, thường nhật của từng cán bộ, đảng viên. Điều này cũng có nghĩa là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hiện nay đã làm xấu đi biểu tượng trong sạch, đạo đức, văn minh của đảng. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều người thường nhắc nhiều đến từ văn hóa như một sự đòi hỏi lớn lao về mặt đạo đức! Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đặt ra vấn đề xây dựng văn hóa Đảng với tư cách là giá trị cao nhất của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đây là một việc làm không phải dễ dàng bởi lẽ hiện nay đã có sự thay đổi khá sâu sắc về môi trường và thời điểm. Chẳng hạn, chúng ta phát động phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, điều đó là thật sự đúng đắn nhưng vẫn còn nhiều người hoài nghi, thậm chí có cả những người giữ những cương vị lãnh đạo trong tổ chức Đảng
3.3. Giáo dục đạo đức truyền thống trong gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội cho nên nếu đạo đức gia đình không được chăm lo sẽ đến đến sự suy thoái và đứt gãy đạo đức xã hội. Hiện nay, lối sống hiện đại đang tác động mạnh đến văn hóa gia đình ở các đô thị lớn mà ở đó các bậc cha mẹ gần như bất lực trước những thay đổi trong lối sống của con cái. Lấy ví dụ sự kiện phim sex Hoàng Thuỳ Linh đã làm cho các bậc cha mẹ đau đầu. Một học sinh lớp 6 của một trường trung học cơ sở ở Đà Nẵng đã có ngay đoạn băng này và khoe với bạn như một niềm kiêu hãnh. Ngày càng có nhiều nữ sinh thế hệ 9x sống buôn thả và thác loạn khi đưa lên mạng thân thể trần truồng của mình, điều mà đạo đức truyền thống xem như là sự cấm kỵ. Điều này cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của internet, bên cạnh những tích cực đáng được thừa nhận thì nó cũng đã tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống và nhân cách thanh thiếu niên. Việc hình thành một lớp cư dân mạng mà ở đó có sự tham gia khá đông của con em học sinh và đi liền với hoạt động đó là sự méo mó về nhân cách đã thật sự đụng chạm mạnh mẽ đến đạo đức gia đình truyền thống, trong đó có sự đánh mất bản sắc gia đình.
Thực tế cho thấy mọi thời đại đều có sức mạnh của nó khi mang đến cái mới cho những ai có nhu cầu, dù đó chỉ là sự tò mò ban đầu để rồi sa vào tội lỗi. Một vấn đề nữa là không thể đổ lỗi cho phương Tây hay “diễn biến hoà bình” nếu như chúng ta không nhận diện những cái mới một cách công bằng. Thực ra cái mà chúng ta gọi là mới lại chẳng có gì mới so với người khác, như phim sex chẳng hạn. Cách mạng tình dục ở phương Tây những năm 60, 70 giờ đây đã lụi tàn nhưng lại thời thượng ở châu Á, trong đó giới trẻ Việt Nam lại đón nhận và thực hành một cách hồ hởi. Điều quan trọng là sự ứng xử của chúng ta nhiều khi từ thái cực này chuyển sang thái cực khác mà không, hay chưa dự liệu cho mọi tình huống. Cấm đoán mạnh mẽ hay thả nổi đều không là giải pháp tốt trong khi đạo đức truyền thống đang ngày càng suy yếu và giáo dục giới tính cho con em lại quá rụt rè và giấu diếm. Như vậy cái mới, cái hiện đại xét đến cùng phải được nhìn nhận một cách khách quan và công bằng. Đây chính là vấn đề nhận thức mà không chỉ các bậc cha mẹ, ông bà lưu ý mà các thiết chế giáo dục đạo đức ở từng địa phương phải thực thi bằng những biện pháp tuyên truyền và giáo dục.
Nếu như cái hiện đại mỗi ngày thường xuất hiện dưới nhiều hình thức để thách thức nhu cầu của lớp trẻ thì những giá trị truyền thống của văn hóa gia đình lại được thẩm thấu thường nhật trong từng tế bào xã hội. Những giá trị đạo đức truyền thống của văn hóa gia đình không phải từ trên trời rơi xuống mà nó được bảo lưu, giữ gìn từ nhiều thế hệ của mỗi cộng đồng. Hàng ngày con cái luôn được bố mẹ giáo dục về đạo đức gia đình, về sự hiếu để với ông bà, bố mẹ, kính trên nhường dưới, không nói dối, không trộm cắp, ma tuý cờ bạc…Một nhà văn từng nói rằng “hãy cho con cái đạo đức thay vì tiền bạc”, điều đó là quá đúng vì tiền bạc có thể làm hư hỏng con người. Tuy nhiên, nếu giáo dục đạo đức không đúng cách, không đúng thời điểm, không nêu gương từ bố mẹ thì con cái có thể bị bội thực vì nó quá cũ và nhàm chán trong khi đó những quan niệm về đạo đức có thể thay đổi.
Như vậy, không thể không phát huy giá trị đạo đức gia đình trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi đầu tiên đạo đức nảy mầm, sinh sôi và được nuôi dưỡng. Nền tảng đạo đức xã hội sẽ không thể tồn tại nếu không bắt đầu từ đạo đức gia đình. Chính vì vậy mà phải “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội”. Thực tế cho thấy “tư tưởng yêu nước cũng như ý thức dân tộc thường bắt nguồn từ tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, làng xóm hoặc khối phố. Cho nên đối với một người ở xa Tổ quốc, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, thường gợi nhớ lại thời thơ ấu, những tình cảm thân thương của người ruột thịt...những bài hát, điệu hò quê hương, xóm làng...”. Hiện nay, có nhiều gia đình chỉ lo làm ăn kinh tế mà bỏ rơi đạo đức gia đình. Hậu quả là con cái bỏ học, sa vào nghiện ngập, tội phạm. Những đồng tiền bất chính có từ tham nhũng, buôn lậu...đã giết chết những giá trị đạo đức đang vừa mới nảy sinh trong gia đình. Nhiều giá trị văn hóa gia đình như vợ chồng hòa thuận, con cháu hiếu để, kính trên nhường dưới đã bị đổ vỡ và trở nên xa lạ với một bộ phận lớp trẻ. Khi bất lực trước những đổ vỡ đó nhiều người tìm cách biện minh, đổ lỗi cho “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” mà quên rằng, một nhân cách hình thành phải trải qua quá trình “học ăn, học nói, học gói, học mở” hay “phần nhiều do giáo dục mà nên”(Hồ Chí Minh).
3.4. Phát huy các thiết chế văn hóa đạo đức
Suy cho cùng, mọi thiết chế xã hội đều có chức năng giáo dục đạo đức cho mỗi con người, mỗi thành viên trong xã hội bởi lẽ đạo đức là một thành tố của nền tảng tinh thần của xã hội. Không có xã hội nào tồn tại mà không cần vai trò của đạo đức. Tuy nhiên, đạo đức có được phát huy hay không là nhờ vào quá trình giáo dục trong đó vai trò của các thiết chế xã hội là hết sức quan trọng.
Với chức năng dạy chữ, dạy nghề và dạy làm người, thiết chế giáo dục - đào tạo có vai trò to lớn trong việc hình thành nhân cách con người. Để làm được điều này, phải xuất phát từ một triết lý giáo dục vì con người, vì lương tâm, trách nhiệm con người đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc. Nhà trường không nên bỏ rơi việc giáo dục đạo đức làm người dẫn đến đạo thầy trò bị xâm phạm. Giáo dục mà chạy theo thành tích và tiêu cực thì nhất định sẽ bào mòn đạo đức xã hội.
Các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…cần có những quy ước, quy chế, quy phạm về mặt đạo đức khi tham gia vào các công tác xã hội, tham gia vào các phong trào xây dựng người tốt việc tốt, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa.
Các thiết chế tôn giáo dùng sức mạnh tính thiêng, những điều cấm kỵ và sự linh nghiệm để giáo dục đạo đức cho con người, làm cho con người đùng tham, sân, si mà hãy làm điều lành, điều tốt. Hiện nay các thiết chế này đã có vai trò nhất định trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người.
Thông qua sức mạnh dư luận xã hội, hệ thống thiết chế thông tin đại chúng cần lên án cái ác, nêu gương cái tốt để định hướng giá trị đạo đức cho xã hội. Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đang sử dụng sức mạnh của mình cho công cuộc xây dựng xã hội mới nhưng không tránh khỏi việc lạm dụng nó vì lợi ích cá nhân.
Các thiết chế văn hóa, dù là truyền thống hay hiện đại đều có chức năng giáo dục đạo đức trong quá trình hoạt động của mình. Một nhà cộng đồng hay một trung tâm văn hóa, một nhà hát…đều phải có sự hướng giá trị văn hóa nói chung và đạo đức nói riêng.
Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa đạo đức này thì việc giáo dục đạo đức cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nước ta sẽ thành công.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: