Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Vai trò của tổ chức chính trị - xã hội với việc thực hiện quyền làm chủ của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; trong việc thực hiện và phát huy quyền làm chủ của công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng*.
Các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta ngày càng phát triển về số lượng, thu hút được đông đảo công nhân, người lao động, các giai - tầng xã hội gia nhập vào tổ chức. Trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổ chức Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhất của giai cấp công nhân, người lao động.
Trên phương diện tổng quát thì các tổ chức chính trị - xã hội là tổ chức quần chúng rộng lớn, là thành viên của hệ thống chính trị, là tổ chức hợp pháp, bình đẳng và có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống xã hội. Quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức này đã được xác định ở Hiến pháp4, Luật và các văn bản pháp luật khác. Là tổ chức rộng rãi nhất để liên kết người lao động, theo giới tính, lứa tuổi vào tổ chức mình để giáo dục, rèn luyện ngày càng phát triển; các tổ chức này còn là sợi dây nối liền Đảng với quảng đại quần chúng.
Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác có những chức năng sau:
+ Đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, của người lao động; có trách nhiệm tham gia với nhà nước về phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động.
+ Đại diện và tổ chức hội viên, người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước, trong phạm vi chức năng của mình thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà nước, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật.
+ Có trách nhiệm tổ chức, giáo dục động viên hội viên, người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Có thể nói gọn 3 chức năng trên là: Bảo vệ, tham gia, giáo dục và vận động. Ba chức năng nói trên, mỗi chức năng có vị trí, nội dung và phạm vi tác động khác nhau, nhưng có quan hệ khắng khít với nhau, làm tiền đề và điều kiện cho nhau, hợp thành một hệ thống chức năng, trong đó chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích là cơ bản nhất.
- Chức năng đại diện và bảo vệ lợi ích, trước đây cũng như hiện nay do nhiều nguyên nhân cho nên vẫn còn nhiều biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu của bộ máy nhà nước; những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng… vẫn còn khá phổ biến. Do vậy, các tổ chức chính trị - xã hội phải chống lại tệ quan liêu, chống lại các biểu hiện tiêu cực.
Đặc biệt khi nước ta chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, thì quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là quan hệ chủ thợ, thì việc bảo vệ lợi ích của công nhân, người lao động càng trở nên bức xúc nhất là các vấn đề: quyền dân chủ, tiền công, thời gian lao động, bảo hộ lao động. Trong điều kiện đó, các tổ chức chính trị - xã hội phải hết sức coi trọng việc bảo vệ lợi ích thiết thực hàng ngày của người lao động, nhưng không chỉ lo việc bảo vệ lợi ích trước mắt mà quên nhiệm vụ lâu dài của người lao động cũng như của đất nước.
- Chức năng tham gia quản lý, là chức năng đặc thù trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội, trong khi tham gia quản lý kinh tế phải quan tâm đến mặt xã hội của sản xuất, đến các chính sách đối với người lao động, phải tác động đến con người và thông qua con người để tác động đến kinh tế, kỹ thuật. Suy cho cùng, tham gia quản lý chính là điều kiện, phương tiện rất quan trọng để thực hiện chức năng bảo vệ lợi ích của đoàn viên, hội viên và người lao động.
- Chức năng giáo dục, trong điều kiện hiện nay các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện chức năng này là nhằm tác động trực tiếp vào việc đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ, ổn định tình hình tư tưởng cho đoàn viên, hội viên và người lao động. Chú trọng việc đổi mới hoạt động tuyên truyền, giáo dục cả về nội dung lẫn hình thức và biện pháp để chuyển tải thông tin nhiều mặt, nhiều chiều, đúng định hướng về chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật… đến với người lao động.
Nội dung bao trùm nhất của các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho giai cấp công nhân, người lao động, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh; kiên định con đường xã hội chủ nghĩa; xây dựng ý thức nhà nước pháp quyền, ý thức tuân thủ pháp luật, kỷ cương xã hội…
Từ ngày ra đời cho đến nay Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội của nước ta đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, quá độ lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Gần 25 năm đổi mới (tính từ năm 1986) Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội đang từng bước đổi mới nhằm phát huy vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu của thời kỳ đổi mới cùng với truyền thống đoàn kết yêu nước và ý chí tự lực tự cường vẫn là những thuận lợi cơ bản để chúng ta bước vào thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn nhiều, mà nổi bật nước ta vẫn là một nước nghèo, điểm xuất phát thấp, trình độ của lực lượng sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, năng lực quản lý vẫn còn lạc hậu so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Trong cơ chế thị trường, nhiều vấn đề xã hội phức tạp tiếp tục nẩy sinh, nhất là các tệ nạn xã hội vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả. Vấn đề việc làm, đời sống… vẫn đang là những vấn đề xã hội bức xúc, làm cho các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên có nhiều tâm tư lo lắng, ảnh hưởng đến tính tích cực và niềm tin của nhân dân.
Trong môi trường và điều kiện mới - nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mà các tổ chức chính trị - xã hội cần phải tính đến, đó là:
- Trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng không thuần nhất, mỗi nước đầu tư cũng có những quan niệm và lợi ích khác nhau đối với người lao động.
- Sức lao động là hàng hóa, người lao động vừa là người làm chủ, vừa là người làm thuê. Họ ngày càng có ý thức rõ ràng hơn về lợi ích riêng, lợi ích thiết thân của họ; sự chuyển dịch lao động ngày càng nhiều, đã xuất hiện sự cạnh tranh giữa các nhóm công nhân, các chủ sở hữu và sự xung đột giữa người quản lý và người lao động trực tiếp sản xuất.
- Trong điều kiện hạch toán kinh doanh không còn cho phép hội họp trong giờ sản xuất, bản thân người lao động cũng rất ít thời gian nhàn rỗi ngoài giờ sản xuất, trong khi đó nhu cầu thông tin của người lao động ngày càng tăng.
Tình hình trên đòi hỏi phải nghiên cứu để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: