Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở TỈNH NGHỆ AN
Tỉnh Nghệ An nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ với diện tích tự nhiên vào loại lớn nhất nước ta: 16.487 km2, chiếm 83% diện tích của Bắc Trung Bộ và chiếm gần 6% diện tích của cả nước. Tổng diện tích miền núi và trung du chiếm 77% diện tích tự nhiên của cả tỉnh, riêng vùng núi cao chiếm 58%[1]. Theo thống kê hiện nay dân số trên địa bàn tỉnh có 2.912.041 người[2] với 37 dân tộc cùng sinh sống như người Thái, người Mường, người Thổ, người Khơ mú, người Ơ đu… bên cạnh dân tộc chính là người Kinh. Vùng núi và trung du là nơi sinh tụ của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh chiếm hơn ba phần tư diện tích trong toàn tỉnh và số dân chiếm một phần tư dân số toàn tỉnh. Địa giới của khu vực này tiếp giáp phía Bắc là miền núi tỉnh Thanh Hoá, phía Tây là 3 tỉnh của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, phía Nam giáp vùng núi tỉnh Hà Tĩnh và phía Đông giáp các huyện đồng bằng và ven biển.
Trong thời gian qua thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc như Nghị định 05/NĐ-CP, Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã thôn đặc biệt khó khăn tiếp tục được thực hiện, chính sách mới theo quyết định 755/TTg về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã thôn đặc biệt khó khăn, chính sách hỗ trợ di dân tái định cư đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, việc Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng như việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển kinh tế-xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2355/QĐ-TTg đã tạo cơ sở hành lang pháp lý để tỉnh thực hiện các chính sách đi vào cuộc sống. Trên cơ sở của những nghị định, quyết định của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện như Chỉ thị số 07/2013/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Về công tác tham mưu thực hiện chính sách: Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ngày 22/1/2014 về việc ban hành quy định các tiêu chí đề phân loại xã theo mức độ khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Với quyết định này đã phân định, phân vùng rõ ràng hơn về mức độ khó khăn của các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao để có sự hỗ trợ thích đáng và kịp thời về mọi mặt trong đời sống cho đồng bào các dân tộc sống trong vùng. Tiếp đó, ngày 20/5/2014 UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết đinh số 2615/QĐ-UBND về Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Bên cạnh đó Ban Dân tộc đã trình UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ vốn các chương trình, chính sách, dự án năm 2014 như vốn các dự án thuộc chương trình 135, chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số theo Quyết định 84/UBND, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo quyết định 102/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định 33/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết đinh 755/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến giữa năm 2014, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo tổng số điểm, phân loại xã theo mức độ khó khăn, cách tính điểm và phân bổ vốn dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho từng xã theo mức độ khó khăn của các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới giai đoạn 2014-2015. Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt và quyết định tổ chức Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số toàn tỉnh, chỉ đạo thực hiện Đại hội dân tộc thiểu số cấp huyện lần thứ 2 năm 2014 và tổ chức Hội diễn văn nghệ các dân tộc thiểu số lần thứ ba của tỉnh.
Về công tác xây dựng kế hoạch, kiểm tra và đánh giá thực hiện chính sách: Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các văn bản về thực hiện chính sách dân tộc còn hiệu lực, đề nghị UBND tỉnh và các Bộ ngành Trung ương bổ sung, sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, Ban Dân tộc cũng đã soạn thảo các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các chương trình, chính sách, dự án thực hiện năm 2014 và giai đoạn 2014-2015. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh đã luôn đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành công tác giải ngân năm 2013 và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và quyết toán các công trình trọng điểm của năm 2014. Để có cái nhìn sát thực hơn về việc thực hiện chính sách dân tộc, tỉnh đã thành lập 03 đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc tại các huyện, nhất là các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông… Tiếp tục thực hiện công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại tố cáo của công dân, đẩy nhanh việc giải quyết các đơn thư liên quan đến vấn đề dân tộc và bước đầu đã giảm được số đơn thư còn tồn đọng, chưa được giải quyết.
Về công tác phối hợp với các sở ngành liên quan: Ban Dân tộc tỉnh đã luôn phối hợp với các sở ngành như Văn phòng UBND tỉnh, Ban Dân vận, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Văn hóa Thể thao và du lịch, Sở Y tế, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng và các đơn vị có liên quan để tham mưu, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng ký kết chương trình phối hợp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.
Với sự chủ động và tích cực thực hiện đó, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Cụ thể như về việc thực hiện chương trình 135 năm 2014 đã hoàn thành khối lượng 100% kế hoạch 6 tháng đầu năm, công tác giải ngân đạt 96%. Về thực hiện chính sách định canh- định cư đã khởi công xây dựng 12 hạng mục công trình thuộc 04 dự án định canh-định cư đó là 02 công trình giao thông, 01 công trình thủy lợi, 01 công trình điện sinh hoạt, 01 nhà văn hóa cộng đồng, 01 nhà mẫu giáo và 06 công trình gải phóng và san gạt mặt bằng. Về thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đã tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục công trình từ nguồn kinh phí năm 2013 chuyển sang, hỗ trợ, sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng 14 công trình nước sinh hoạt tập trung, giải ngân được 2,08 tỷ trên 2,3 tỷ đồng đạt 90,4% kế hoạch. Về thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo quyết định 102/TTg: với nguồn kinh phí được cấp năm 2014 là 28,9 tỷ đồng, tỉnh đã phân phối trực tiếp xuống các huyện, theo định mức 80.000 đồng/ khẩu ở các xã khu vực 2 và 100.000 đồng/ khẩu ở xã khu vực 3. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2014 đã thực hiện đạt 45% kế hoạch. Về thực hiện việc cấp không dầu hỏa cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn đã triển khai thực hiện với kinh phí gần 2,5 tỷ đồng, tính đến nay đang được triển khai ở các huyện miền núi với khối lượng thực hiện ước đạt trên 40% kế hoạch. Về thực hiện hỗ trợ bảo tồn phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số theo Quyết định số 84/QĐ-UBND, đã thực hiện đạt 100% kế hoạch với việc tổ chức Hội diễn văn nghệ giao lưu văn hóa các dân tộc, tổ chức 11 lớp phổ biến chữ Thái, chữ H’mông, mở 02 lớp tập huấn sản xuất một số nhạc cụ truyền thống các dân tộc thiểu số để trưng bày, lưu giữ. Tỉnh cũng đã cung cấp nguồn kinh phí 12 tỷ đồng nhằm thực hiện xây dựng 35 ngôi nhà kiên cố cho các hộ dân tái định cư là người dân tộc Đan Lai ở huyện Con Cuông và xây dựng các công trình giao thông từ trung tâm xã đi các điểm tái định cư[3]. Đến nay các công trình đang được hoàn thành với kết quả giải ngân đạt 100% kế hoạch.
Nhìn chung, thời gian qua công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như:
- Một là, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với vùng miền núi và dân tộc.
- Hai là, làm tốt công tác tham mưu thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn, tập trung hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra xử lý những vướng mắc, tồn tại ở cơ sở.
- Ba là, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách mới trình UBND tỉnh và Bộ, ngành Trung ương ban hành chính sách dân tộc trong giai đoạn mới.
- Bốn là, thực hiện tốt công tác phối kết hợp với các sở, ngành và các huyện trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả cụ thể đã đạt được, để công tác dân tộc của tỉnh ngày một hiệu quả hơn thì lãnh đạo các ban ngành của tỉnh và những người làm công tác dân tộc ở tỉnh cần chú ý khắc phục một số tồn tại như: nguồn cán bộ làm công tác dân tộc ở tỉnh còn yếu và thiếu, chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ lẫn lý luận chính trị nên khi triển khai còn khó, thậm chí thực hiện chưa đúng; nhiều hạng mục công trình thuộc dự án định canh-định cư hiện đang xây dựng dang dở do còn thiếu nguồn vốn đối ứng của địa phương; mức hỗ trợ giải tỏa, giải phóng mặt bằng có lúc, có nơi chưa hợp lý. Khắc phục được những hạn chế trên công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An chắc chắn sẽ còn khởi sắc hơn./.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: