Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
Chế độ tập trung dân chủ - tinh thần văn hoá và sức sống của Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh
1 - Quan điểm Hồ Chí Minh về chế độ dân chủ tập trung
Lý luận tập trung dân chủ là một bộ phận quan trọng của học thuyết Mác-Lênin về Đảng Cộng sản, là cơ sở 1ý luận và kim chỉ nam cho các chính đảng của giai cấp công nhân thực hiện phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong Đảng. Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về chế độ tập trung dân chủ được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản lấy nguyên tắc đó làm cơ sở xây dựng kết cấu tổ chức, nội dung hoạt động, sinh hoạt và phong cách lãnh đạo. Chế độ dân chủ trong Đảng là một thuộc tính của chính đảng vô sản. Nó là điều kiện bảo đảm quan trọng để chính đảng giai cấp công nhân tổ chức, đoàn kết, thực hiện sứ mệnh lịch sử vĩ đại của giai cấp công nhân.
Hai là, nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi phải thực hiện kỷ luật chặt chẽ, thống nhất trong Đảng. Thực hiện chế độ “thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, tổ chức cấp dưới và toàn thể đảng viên của Đảng phải chấp hành nghị quyết của Đảng, phục tùng sự lãnh đạo của Ban Chấp hành trung ương.
Ba là, thực hiện dân chủ phải dựa trên cơ sở đấu tranh tư tưởng trong đảng. Chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng tranh luận là cần thiết cho sự phát triển bình thường của đảng, là tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho giai cấo vô sản, ngăn chặn mọi khuynh hướng sai lệch.
Bốn là, tập trung hoá là xu hướng tất yếu của mọi tổ chức. Do đó, chủ nghĩa Mác-Lênin nhấn mạnh nhiều hơn đến vấn đề dân chủ hoá trong Đảng. Chủ nghĩa Mác-Lênin coi vấn đề dân chủ trong đảng, đặc biệt cho đông đảo đảng viên là hạt nhân của việc thực hiện nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện dân chủ hoá trong sinh hoạt đảng có quan hệ mật thiết với đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh nguyên tắc tập trung dân chủ được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:
- Một là, quan niệm của Hồ Chí Minh về bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong các bài viết, bài nói của mình, Hồ Chí Minh có khi dùng “dân chủ tập trung”, có khi dùng “tập trung dân chủ”. người giải thích: “tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung”. Đây là hai phạm trù có sự khác nhau ở cách nói, viết nhưng nội hàm của nó thống nhất theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về nguyên tắc tập trung dân chủ. Song, ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, Hồ Chí Minh sử dụng phạm trù khác nhau. Khi nhấn mạnh vấn đề dân chủ thì Hồ Chí Minh dùng phạm trù “dân chủ tập trung”, khi nhấn mạnh vấn đề tập trung, Hồ Chí Minh dùng phạm trù tập trung dân chủ. Hồ Chí Minh nêu ra và thường sử dụng phạm trù dân chủ tập trung xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam.
- Hai là, Hồ Chí Minh làm rõ hơn nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ. Người nêu lên năm nội dung chủ yếu của chế độ dân chủ tập trung là: thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức; cấp dưới phục tùng cấp trên; các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Theo Hồ Chí Minh, thực chất đó là những nội dung cơ bản của nguyên tắc dân chủ tập trung. Những nội dung đó là bộ phận, và thuộc tính của chế độ dân chủ tập trung.
Tập trung dân chủ là một phạm trù độc lập có đời sống riêng. Nó không phải là sự lắp ghép của hai khái niệm có nội dung đối lập nhau giữa tập trung và dân chủ. Để thống nhất tinh thần và lực lượng, trước hết “tư tưởng chính trị và tổ chức của Đảng đều phải thống nhất” nhằm phát huy mọi năng lực chiến đấu, lao động, công tác, chủ động sáng tạo của mỗi thành viên của tổ chức đảng và tổ chức Nhà nước. Muốn vậy, theo Hồ Chí Minh, Đảng cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc chế độ dân chủ tập trung.
Một khi hệ thống tổ chức đảng đã hình thành và phát triển nó thường có xu hướng tăng cường tập trung và mở rộng dân chủ. Tăng cường tập trung và mở rộng dân chủ về thực chất là thực hành dân chủ thực sự trong nội bộ các tổ chức của Đảng, đoàn kết nội bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ, “nếu không có dân chủ thì nội bộ của Đảng âm u”, “nếu không có đoàn kết nội bộ thì Đảng sẽ không thống nhất”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân chủ và tập trung có sự thống nhất biện chứng. Người không đối lập hai mặt đó của một nguyên tắc. Người cho rằng, sự tập trung của Đảng được xây dựng trên cơ sở dân chủ, dân chủ dưới sự lãnh đạo của tập trung, dân chủ có lãnh đạo chứ không phải dân chủ cực đoan, vô chính phủ. Dân chủ và để đi đến tập trung và tập trung là nhằm thực hiện dân chủ. Dân chủ trong Đảng càng rộng rãi bao nhiêu thì tập trung trong Đảng càng đúng đắn bấy nhiêu. Do vậy, tập trung là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2- Chế độ tập trung dân chủ - tinh thần văn hoá Đảng.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, những quan điểm về chế độ dân chủ tập trung thể hiện một cách sâu sắc tinh thần văn hoá Đảng.
- Trước hết, thực hiện chế độ dân chủ tập trung thực chất là thực hành dân chủ thực sự trong nội bộ các tổ chức đảng. Hơn thế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có dân chủ trong Đảng, mới có dân chủ trong xã hội, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng không có quyền lợi gì riêng của mình, Đảng không ở trên dân mà cũng không ở ngoài dân. Chế độ ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Đảng lãnh đạo là để nhân dân được làm chủ. Do đó phải thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng. Quan điểm này là sự vận dụng quan điểm của Lênin cho rằng, «... tất cả mọi công việc của Đảng đều được toàn thể các Đảng viên, hoàn toàn bình quyền và không ngoại lệ nào, tiến hành trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu; đồng thời tất cả những người có trách nhiệm trong Đảng, tất cả các ban lãnh đạo của Đảng, tất cả các cơ quan của Đảng đều được bầu ra, đều có trách nhiệm phải báo cáo và có thể bị bãi miễn”.
Người chỉ rõ, “dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân”, là thành quả của cách mạng. « Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là quyền lợi mà cũng là nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến,đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền phục tùng chân lý”. Người yêu cầu mọi tổ chức đảng “phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả các đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”. Dân chủ là điều kiện không thể thiếu để đảm bảo sinh hoạt bình thường của Đảng và phát huy tính tích cực của đảng viên. Không có dân chủ thì Đảng không thể thực hiện thành công vai trò lịch sử là “đội tiên phong của giai cấp và dân tộc”, không phát huy được tinh thần văn hoá Đảng.
- Thứ hai, tinh thần văn hoá Đảng còn được thể hiện trong quan niệm dân chủ trong Đảng của Hồ Chí Minh. Điều đó được thể hiện trong việc đề cao vai trò, trách nhiệm và tính tích cực của mỗi thành viên đối với các công việc của Đảng. Người chỉ rõ, trong nội bộ Đảng, chủ thể dân chủ là đảng viên. Tất cả các đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng; trong thực hiện, đảm bảo cho sự hiểu biết, sự tham gia, sự quyết định và quản lý của đảng viên đối với công việc của Đảng. “Bất cứ vấn đề nào, đảng viên đều phải được thảo luận và phát biểu ý kiến”. “Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”. Các tổ chức đảng, các cán bộ, và mọi đảng viên phải chịu sự giám sát. Theo Hồ Chí Minh giám sát dân chủ trong Đảng là “thang thuốc hay nhất, là thiết thực phê bình và tự phê bình”. Sau đó là sự giám sát dân chủ ngoài Đảng đối với cán bộ, đảng viên; tăng cường chế độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng là mặt quan trọng để đảng viên tiến hành giám sát dân chủ.
Dân chủ tập trung đòi hỏi đi liền với tính công khai dám thừa nhận khuyết điểm. Điều đó đảm bảo sự đoàn kết thống nhất ý chí và hành động. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Điều này sẽ đảm bảo cho nguyên tắc dân chủ tập trung không bị biến dạng. Do đó bảo đảm cho việc xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Thực hiện chế độ dân chủ tập trung không chỉ hình thành trong Đảng và trong toàn xã hội tinh thần dân chủ, bình đẳng, phát huy mọi năng lực, sáng kiến, của mỗi cá nhân trong hoạt động của Đảng mà còn khắc phục được những căn bệnh của chủ nghĩa quan liêu. thái độ vô trách nhiệm.
Tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Người chỉ rõ: “Nếu việc gì đã được tập thể bàn kỹ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì cần giao cho một người phụ trách, nếu giao cho một nhóm người thì cũng cần có một người phụ trách chính. Như thế công việc mới chạy, như thế mới tránh được thói dựa dẫm, người này ỷ vào người kia, ỷ vào tập thể. Không xác định rõ cá nhân phụ trách, thì giống như “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”.
Trong nguyên tắc tập trung dân chủ, quan hệ giữa tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nội dung quan trọng nhất nhằm tránh ý muốn chủ quan, sai lầm của cá nhân khi quyết định, đồng thời khắc phục tình trạng vô trách nhiệm, ỷ lại, dựa dẫm vào tập thể khi thực hiện. Tất cả những vấn đề về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đều phải do tập thể cấp uỷ, ban cán sự Đảng đoàn các cấp thảo luận dân chủ, ra nghị quyết theo đa số và chỉ đạo thực hiện, không một cá nhân nào được làm trái nghị quyết của tập thể và vi phạm lãnh đạo tập thể. Sau khi có nghị quyết, phải phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng thành viên. Mỗi công việc cụ thể phải có người cụ thể chịu trách nhiệm. Do đó, “tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Đi đôi với việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, bàn bạc tập thể phải thực hiện đúng chế độ phân công cá nhân phụ trách, đảm bảo chế độ thủ trưởng trong từng công việc nhằm phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, ý thức trách nhiệm cá nhân, phát huy tinh thần văn hoá Đảng.
3 - Chế độ dân chủ tập trung - sức sống của Đảng.
Thực hiện chế độ dân chủ tập trung trong Đảng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên sức sống của Đảng. Điều đó được biểu hiện cụ thể ở mấy điểm như sau:
- Một là, thực hiện chế độ dân chủ tập trung sẽ phát huy được toàn diện sức mạnh của Đảng, của quần chúng trong một tổ chức thống nhất tạo điều kiện cho các đảng viên - chủ thể của Đảng - có cơ hội đóng góp khả năng sức lực, trí tuệ của mình vào nhiệm vụ chung của Đảng. Đồng thời, nó thể hiện được tính tổ chức cao, sự thống nhất giữa ý chí và hành động của toàn Đảng. Thực hiện nghiêm chế độ dân chủ tập trung, mọi hoạt động của Đảng được vận hành một cách có tổ chức, có kỷ luật vừa phát huy được sức mạnh, trí tuệ của toàn Đảng, vừa phát huy được trách nhiệm của mỗi cá nhân.
- Hai là, thực hiện dân chủ trong Đảng là con đường tất yếu đổi mới cách làm của Đảng. Sự lãnh đạo đúng, sai, hiệu quả của Đảng, quyết định bởi việc kiên trì phát huy dân chủ trong Đảng. Kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ tập trung sẽ đảm bảo có hiệu quả sự lãnh đạo của tổ chức đảng. “Mở rộng dân chủ” trong Đảng Cộng sản Việt Nam là vũ khí quan trọng nhất để “lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh, tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
- Ba là, thực hiện chế độ dân chủ tập trung trong Đảng là bảo đảm quan trọng tăng cường đoàn kết, thống nhất và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức tự nguyện, mọi đảng viên phải chấp hành nghị quyết và kỷ luật Đảng.
“Đảng có kỷ luật rất nghiêm khắc. Tất cả Đảng viên đều tuân theo tư tưởng chính trị và tổ chức của Đảng, đều phải thống nhất” để khi hành động thì toàn Đảng “thống nhất như một người”. Người khẳng định, thực hiện nghiêm chế độ dân chủ tập trung “là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, “là then chốt của thành công”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng ta là một khối thống nhất về tư tưởng và hành động. Nếu thiếu điều đó Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bế tắc. Có phê phán và khắc phục được tình trạng mất dân chủ ở từng cấp, từng đơn vị, trước hết là trong cấp lãnh đạo đồng thời phải khắc phục tình trạng buông lỏng về tổ chức, kỷ luật ; không nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Đảng, các chủ trương chính sách của Đảng và của Nhà nước thì mới tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng đi đôi với tăng cường tổ chức, kỷ luật là vấn đề tổ chức cơ bản mấu chốt để ngăn chặn và giải quyết kịp thời, tận gốc mọi hoạt động có tính chia rẽ, bè phái trong Đảng. Chế độ dân chủ tập trung đòi hỏi Đảng phải không ngừng mở rộng dân chủ , phát huy trí tuệ của tập thể, của toàn Đảng trong việc tham gia quyết định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhiệm vụ phương hướng, mục tiêu, biện pháp mấu chốt của từng Đảng bộ và nâng cao tính tự giác của đảng viên trong việc chấp hành các quyết định ấy.
Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng là cách thức để thực hiện có chất lượng tự phê bình và phê bình. Khi quyền dân chủ của đảng viên được phát huy, Đảng viên sẽ có trách nhiệm và tích cực phê bình, phê bình trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Theo Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng sẽ hạn chế được thái độ “sợ phê bình”, “nể nang không phê bình” và đặc biệt sẽ khắc phục được căn bệnh phê bình để nói xấu, để công kích lẫn nhau.
Việc khắc phục tình trạng giấu giếm khuyết điểm, “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Thực hành dân chủ rộng rãi sẽ ngăn chặn được khuynh hướng tập trung quan liêu chủ nghĩa rất dễ nảy sinh trong điều kiện Đảng cầm quyền; đồng thời ngăn chặn tình trạng đảng viên “khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: