Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
RUỘNG THIÊNG VÀ HẠT LÚA GIÀNG CỦA NGƯỜI
VÂN KIỀU Ở HƯỚNG HÓA, QUẢNG TRỊ
1. Khái quát về đồng bào Vân Kiều
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Bru-Vân Kiều ở Việt Nam có dân số 227.716 người, cư trú tại 39 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Bru xưa kia tập trung sinh sống tại vùng trung Lào, sau những biến động của lịch sử diễn ra hàng thế kỷ, họ phải di cư đi các nơi. Một số đi theo hướng tây bắc sang Thái Lan, một số đi theo hướng đông tụ cư tại vùng miền núi phía tây Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế của Việt Nam. Trong đó cư trú tập trung nhiều nhất tại Quảng Trị với 55.079 người[1], chiếm 73,9 % tổng số người Bru-Vân Kiều tại Việt Nam. Khi vào Việt Nam họ dựng làng xung quanh hòn núi Vân Kiều (hay Viên Kiều), về sau người Việt lấy tên của hòn núi đặt cho một tổng của người Bru, và từ đó họ còn được gọi là Bru - Vân Kiều. Còn có các tên thường gọi khác là người Bru, người Vân Kiều, người Mang Cong, người Trì hay người Khùa.
Hướng Hóa là một huyện miền núi phía tây của tỉnh Quảng Trị, có đường biên giới dài 156 km thuộc 11 xã tiếp giáp với Lào. Diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng: 1151 km², dân số khoảng: 76.000 người. Các dân tộc chủ yếu tập trung sinh sống ở huyện Hướng Hóa gồm Kinh, Vân Kiều và Pa Cô. Trong đó đồng bào Vân Kiều ở đây luôn được chú ý với những đặc điểm độc đáo về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán… trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chỉ xin phép được giới thiệu việc làm ruộng thiêng có từ hàng trăm năm trước, đó được xem như là một nghi thức thiêng liêng của người Vân Kiều.
2. Những thửa ruộng thiêng.
· Quy định ngặt nghèo:
Vốn là cư dân nông nghiệp có trình độ tương đối phát triển, từ hàng trăm năm trước người Vân Kiều ở Hướng Hóa đã luôn coi hạt lúa là mòn quà vô giá của Giàng, là tài sản lớn lao và cũng là vật thiêng liêng kết nối thần linh với dân bản. Để tỏ lòng tôn kính và biết ơn, trân trọng món quà mà Giàng trao cho đồng bào ở đây đã lập nên một loại ruộng đặc biệt để tạ ơn Giàng đó là ruộng thiêng hay còn gọi là ruộng truyền thống, ruộng phong tục. Sở dĩ gọi như vậy là bởi vì đây là loại ruộng đặc biệt, đặc biệt từ khâu chọn ruộng, lựa giống, chăm sóc, thu hoạch cho đến bảo quản và sử dụng, tất thảy đều toát lên một sự linh thiêng, kì bí.
Ruộng được chọn làm ruộng thiêng thường là thửa ruộng trên núi cao của dãy Trường Sơn, ruộng không quá rộng lớn nhưng có vị trí đắc địa và thường là quay mặt về bản làng. Sau khi chọn được vị trí những người được lựa chọn, thường là trai tráng khỏe mạnh, sẽ khai ruộng cẩn thận, kỹ lưỡng từng khâu một bằng tay không được sử dụng gia súc kéo cày, bừa vì làm thế sẽ mất thiêng. Trong quá trình làm ruộng cũng như chăm sóc sau này chủ nhân của ruộng thiêng sẽ không bao giờ sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay bất kỳ một loại phân bón nào. “Cây lúa sẽ tự lớn lên bằng tinh của đất và khí của trời, được Giàng che chở nên sẽ không bị sâu bệnh”- Già Hồ Dừn giải thích. Chỉ những hạt lúa của ruộng thiêng – những hạt lúa của Giàng mới đủ tiêu chuẩn tinh khiết để dùng trong các nghi lễ của đồng bào.
Khi đến vụ thu hoạch, ruộng thiêng sẽ được thu hoạch trước những thửa ruộng khác và điều đặc biệt là theo quy định từ lâu không được phép sử nông cụ để gặt hái mà phải thu hoạch hoàn toàn bằng tay với thái độ tôn kính. Mỗi người tuốt lúa đều được phân công một khu vực nhất định và luôn phải đi thẳng hàng, nếu có hai người trở lên cùng thu hoạch thì những người đó phải luôn quay mặt vào nhau khi tuốt lúa. Tất cả phụ nữ vừa mới sinh nở và những người đau ốm, bệnh tật không được tham gia vào quy trình này.[2] Sau khi thu hoạch lúa ruộng thiêng được phơi phóng ở một khu vực riêng và sau đó được đóng vào những bì lớn gác lên những nơi cao ráo nhất của ngôi nhà.
Vì lúa ruộng thiêng là lúa của Giàng nên khi cần sử dụng cũng không được tùy tiện sử dụng các loại máy móc xay xát mà phải giã thủ công trong những chiếc cối đá được truyền lại từ các thế hệ đi trước. Tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt như vậy trong suốt quá trình lao động, sản xuất nên đối với đồng bào người Vân Kiều những hạt gạo ruộng thiêng là vô cùng quý hiếm. Chỉ trong những ngày lễ trọng như giỗ tổ tiên, đón năm mới người Vân Kiều mới sử dụng gạo ruộng thiêng để nấu. Rất ít khi đồng bào dùng loại gạo này để làm quà tặng, chỉ khi thật sự quý mến hay mang ơn cứu mạng thì họ mới dùng gạo thiêng để làm lễ tạ. Trong trường hợp cấp thiết phải bán đi vì lý do quan trọng nào đó thì chủ nhân phải làm lễ cúng xin Giàng cho phép bán thì Giàng mới không trách tội. Tuy quy định ngặt nghèo như vậy nhưng nét đẹp nhân văn của đồng bào nơi đây thể hiện ở chỗ là trong trường hợp có người gặp nạn hay bị đói rét thì có thể được lấy gạo đó ra cứu đói rồi làm lễ tạ với Giàng sau!
· Xử phạt nghiêm khắc:
Để ruộng thiêng và lúa Giàng luôn được duy trì và gìn giữ cho các thế hệ về sau, đồng bào Vân Kiều đã thống nhất những hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với những người vi phạm những điều cấm kị của loại gạo nghi lễ này. Giả dụ, một ai đó vô tình đặt chân vào ruộng thiêng hay để cho trâu bò vào phá hoại sẽ bị đưa ra “hội đồng” luận tội để xử phạt. Nếu mức độ vi phạm nhẹ thì có thể bị phạt vạ gà, lợn và rượu còn xúc phạm nặng nề đến ruộng thiêng thì sẽ bị phạt giết trâu, bò đền làng. “Năm trước có người ở xã Pa Tầng vì để gia súc phá hoại ruộng thiêng của người khác mà bị phạt vạ đến tán gia bại sản luôn đó” ông Hồ Xuân Phúc, nguyên trưởng Phòng Giáo dục huyện cho biết.
Mặc dù còn chứa đựng nhiều yếu tố huyền ảo, tâm linh song việc duy trì ruộng thiêng của đồng bào Vân Kiều ở Hướng Hóa, Quảng Trị đã góp phần vào việc bảo vệ sản xuất, coi trọng lao động nông nghiệp và hơn nữa là giữ gìn một nét văn hóa độc đáo của họ cho các thế hệ sau này./.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: