Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
1. Kierkegaard (1813–1855)
Triết gia, nhà văn và là nhà thần học người Ðan Mạch. Tên đầy đủ: Søren Kierkegaard.
Ông chào đời tại Copenhague, học triết học cùng văn chương tại đó và hầu như suốt đời không ra khỏi xứ mình. Cuộc sống bề ngoài yên ổn của Kierkegaard trong thầm kín lại là một quá trình khảo sát mãnh liệt bản ngã và xã hội, đưa tới kết quả nhiều văn bản đa dạng và sâu sắc với chủ đề xuyên suốt: ‘Chân lý thì chủ quan’.
Tuy sống vào nửa đầu thế kỷ 19, nhưng quả thật Kiekegaard đã đặt những khởi đầu cho chủ nghĩa hiện sinh. Những suy nghiệm về mối quan hệ giữa Thượng đế và mỗi cá nhân con người đã đưa Kierkegaard tới việc phê phán các hệ thống suy lý thuần túy. Ông phê bình siêu hình học của Hegel là trừu tượng và cằn cổi, không thích đáng cho việc lập các chọn lựa. Ông cay đắng công kích thái độ tự mãn phàm tục của giáo hội Kitô Ðan Mạch.
Bằng cái nhìn thấu suốt tận nền tảng, Kierkegaard nhận ra những yêu cầu cụ thể về tôn giáo và đạo đức mà mỗi cá nhân đang đối mặt, và theo ông, cá nhân không thể đáp ứng thỏa mãn chúng bằng quyết định thuần túy trí tuệ. Chúng đòi hỏi phải có sự dấn thân có tính chủ quan của mỗi cá nhân. Với Kierkegaard, trong tôn giáo, điều quan trọng không phải vấn đề chân lý có là một thực tế khách quan hay không, mà là mối quan hệ của cá nhân đối với chân lý. Như thế, chỉ tin vào học thuyết tôn giáo thôi thì không đủ, người ta phải sống nó.
Có thể xếp các tác phẩm của ông vào hai phạm trù: mỹ học và tôn giáo. Các tác phẩm về mỹ học gồm có: Either/On (1843), chủ yếu chống Hegel, Philosophical Fragments (Các tản văn triết lý, 1844), Stage on Life’s Way ( Cấp bậc trong lối sống, 1845), The Concluding Unscientific Postcript (Tái bút đúc kết phi khoa học, 1846) đều được xuất bản với bút hiệu, và đều thông giải sự hiện hữu của con người qua con mắt của những nhân vật được ông mô tả muôn hình muôn vẻ bằng thơ.
Trong các tác phẩm đó, Kierkegaard triển khai một ‘biện chứng pháp’ hiện sinh, đối lập với biện chứng pháp duy tâm của Hegel. Biện chứng pháp Kierkegaard miêu tả các cấp độ đa dạng của cuộc hiện sinh mà ông mô tả như có tính mỹ học, đạo đức học và tôn giáo. Khi cá nhân thăng tiến qua các cấp độ đó, y càng ngày càng nhận biết rõ rệt hơn mối quan hệ của y với Thượng đế. Y đồng thời càng ngày càng đối mặt với những quyết định đạo đức thiết yếu và nghiêm chỉnh. Trong khi đó, y cũng nhận ra phản đề giữa cuộc hiện sinh nhất thời và chân lý vĩnh hằng. Chính sự nhận biết đó là nguồn suối của sợ hãi cùng thất vọng. Như thế, phân tích ấy của Kierkegaard về tình cảnh của con người đã cung cấp chủ đề trung tâm cho chủ nghĩa hiện sinh trong thế kỷ 20.
Các tác phẩm chuyên đề tôn giáo của ông gồm có Works of Love (Công trình của tình yêu, 1847) và Training in Christiany (Tôi luyện trong Kitô giáo, 1850). Kierkegaard cũng giữ một cuốn nhật ký bao quát, chứa nhiều cái nhìn sắc bén và thấu suốt. Dù trên thực tế thời ấy, ngoài biên giới Ðan Mạch, Kierkegaard ít được biết tới trong suốt thế kỷ 19, nhưng về sau, ông có ảnh hưởng lớn lao lên thần học Tin Lành đương đại; và đối với phong trào triết học có tên là hiện sinh chủ nghĩa, ông được xem là là triết gia khai sáng.
2. Heidegger (1889–1976)
Triết gia Ðức. Tên đầy đủ Martin Heidegger.
Khi còn là sinh viên của Ðại học Freiburg. Heidegger chịu ảnh hưởng của hiện tượng học của Edmund Husserl và của Heinrich Rickert, người theo thuyết tân Kant. Năm 1923, ông trở thành giáo sư tại Marburg. Ở đó, ông viết và xuất bản phần duy nhất của tác phẩm chính của mình là Sein und Zeit (Hữu thể và thời gian, 1927) để kế tục chiếc ghế giáo sư triết học của Husserl tại Freiburg. Tới năm 1933, ông trở thành viện trưởng đại học ấy. Sau năm 1945, ông về hưu vì những quan hệ của mình với chế độ Ðức Quốc xã.
Dù được đánh giá rộng rãi là người hiện sinh chủ nghĩa, Heidegger quyết liệt bác bỏ danh vị đó, cũng như ông sắp bác bỏ hiện tượng học của Husserl. Quan tâm căn bản của Heidegger, như đã được công bố trong cuốn Hữu thể và thời gian, và được triển khai trong các tác phẩm sau đó, là vấn đề hữu thể. Trong Hữu thể và thời gian, hữu thể được chứng minh là nối kết mật thiết với sự tạm thời; mối quan hệ này được thẩm tra bằng cách phân tích sự hiện hữu của con người.
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Kiekergaard, ông phác họa các khía cạnh đa dạng của kinh nghiệm con người thí dụ ‘lo toan’, ‘âu sầu’ và mối quan hệ của con người với cái chết. Chính những nghiên cứu này cùng những ảnh hưởng của chúng lên Jean Paul Sartre đã khiến nhiều nhà phê bình đánh giá Heidegger là người hiện sinh chủ nghĩa. Heidegger không chỉ quan tâm tới sự hiện hữu của cá nhân cùng những chọn lựa luân lý của nó mà còn xem những vấn đề có tính bản thể luận là ưu tiên. Khía cạnh bản thể luận của tư tưởng Heidegger nổi bật sắc nét trong các văn bản về sau của ông.
Ông tự xem mình là nhà tư tưởng đầu tiên trong lịch sử triết học phương Tây đã nêu những câu hỏi minh bạch và dứt khoát liên quan tới ‘ý nghĩa của hữu thể’, và ông định vị cuộc khủng hoảng của văn minh Tây phương hiện nay là ở chỗ tình trạng tập thể ‘lãng quên hữu thể’. Ngoài ảnh hưởng lên Sartre, tư tưởng của Heidegger còn ảnh hưởng lên thần học Tin Lành qua Paul Tillich và Rudolf Bultman (1884-1976). Trong số các tác phẩm của Heidegger có Kant and the Problem of Metaphysics (Kant và vấn đề của siêu hình học, 1929); What is Metaphysics (Siêu hình học là gì, 1929); Introduction to Metaphysics (Nhập môn siêu hình học, 1959); What is Philosophy (Triết học là gì, 1958).
3. Sartre (1905-1980)
Triết gia hiện sinh chủ nghĩa, nhà văn và nhà viết kịch người Pháp. Tên đầy đủ: Jean Paul Sarte.
Ông tốt nghiệp trường École Normale Superieure (Đại học Sư phạm); và bắt đầu để ý tới triết học vào năm ngoài 20 tuổi, khi đọc cuốn Essai sur les données immédiates de la conscience (Luận về những dữ kiện lập tức của ý thức, 1889) của triết gia Pháp Henry Bergson (1859–1941). Chịu ảnh hưởng của triết học Ðức, đặc biệt Heidegger, Sartre trở thành triết gia tiên phong và hàng đầu của phong trào triết học hiện sinh thế kỷ 20. Trong thời gian đó, ông dạy triết tại Le Havre, Paris và Berlin.
Sartre đi lính và bị bắt làm tù binh năm 1941 tại Ðức. Sau khi được phóng thích, ông tham gia phong trào kháng chiến ở Paris. Năm 1945, ông nổi bật như ngọn hải đăng dẫn đường cho cuộc sống trí thức cánh tả ở Paris. Tên ông đồng nghĩa với chủ nghĩa hiện sinh, một phong trào triết học tìm kiếm sự tự do cho cá nhân con người và được ông chia sẻ với người bạn đồng hành là Simone de Beauvoir, cùng chủ trương tạp chí Les temps modernes (Thời hiện đại). Qua các tác phẩm của mình, ông khảo sát tình huống con người chịu trách nhiệm cuộc đời mình nhưng cô đơn bồng bềnh phiêu dạt trong một vũ trụ vô nghĩa và phi lý.
Trong khi Heidegger bác bỏ nhãn hiệu ‘người hiện sinh chủ nghĩa’ của mình, thì trong số các nhà tư tưởng có liên qua tới phong trào ấy, chỉ có Sartre đích thân tuyên bố mình là ‘người hiện sinh chủ nghĩa’.
Ðối với Sartre, không có Thượng đế, và do đó không có bản tính cố định của con người, quyết định cái ta phải hành động. Trong tình thế bị can dự và phải nhập cuộc vào thế giới, con người sống thể hiện mình một cách đích thực. Con người hoàn toàn tự do và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm cho mình, nghĩa là đã làm thành mình. Nhưng cũng như quan điểm của Kierkegaard, chính sự tự do và trách nhiệm ấy là nguồn suối âu lo sợ hãi của con người. Tư tưởng của Sartre ảnh hưởng mạnh mẽ lên văn chương Pháp sau Thế chiến Hai, tiêu biểu rõ rệt trong các tác phẩm của Albert Camus và Simone de Beauvoir.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là La Nausée (Buồn nôn, 1938). Các tiểu thuyết của ông bao gồm bộ ba Les Chemins de la liberté (Những con đường tự do, 1945-1949); và ông cũng viết, đặc biệt sau Thế chiến Hai, nhiều vở kịch, thí dụ Huis clos (Kín cửa, 1944) và Le Diable et le bon Dieu (Con quỉ và Thượng đế tốt lành, 1951). Triết học của ông được thể hiện trong L’Être et le néant (Hữu thể và hư không, 1943). Ngoài ra, ông còn hàng chục tác phẩm văn học và bút ký triết học khác. Năm 1964, ông xuất bản cuốn tự thuật Les Mots (Những chữ), và được tặng thưởng, nhưng không nhận, giải Nobel văn chương. Vào cuối thập niên 1960, ông ngày càng dính líu xâu sa vào việc chống đối chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam, và ủng hộ cuộc nổi loạn của sinh viên tại Pháp năm 1968. Ông qua đời trong sự tưởng tiếc sâu xa của người dân Pháp.
4. De Beauvoir (1908–1986)
Nhà văn và tiểu thuyết gia hiện sinh chủ nghĩa người Pháp. Tên đầy đủ Simone de Beauvoir.
Bà sinh tại thủ đô Paris. Ban đầu, bà học triết với Jean Paul Sartre tại Ðai học Sorbonne, nơi sau này bà trở thành giáo sư (1941–1943). Kết hợp mật thiết với các hoạt động văn chương và cuộc sống của Sartre từ sau Thế chiến Hai, bà là người bạn đời của ông cho tới sau ngày ông từ trần (1980).
Các tác phẩm của De Beauvoir cung cấp cho chủ nghĩa hiện sinh sự nhạy cảm đầy nữ tính và thiết yếu, đồng thời như một cách thức nhập cuộc tích cực, và đầy tính hiện sinh chủ nghĩa, của bà vào phong trào nữ quyền. Nỗi bật nhất là cuốn La deuxième sexe (Phái tính thứ hai, 1949) viết về nữ quyền, đặc biệt nghiên cứu về địa vị của phụ nữ, và trở thành tác phẩm kinh điển của văn học nữ quyền.
Cuốn Mandarins (Những viên quan, 1941) được giải văn học Goncourt, mô tả các nhóm theo hiện sinh chủ nghĩa tại Paris thời hậu thế chiến, những thông giải về tình trạng tiến thoái lưỡng nan mang tính hiện sinh chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự đóng góp bền bỉ nhất của bà có thể là các tập hồi ký, trong đó có nhiều ghi chép về các chuyến đi của bà sang Hoa Kỳ và Trung Hoa. Chúng bao gồm Mémoires d’un jeune fille ranquée (Hồi ký của một cô gái đã hứa hôn, 1963). Cùng với Sartre, bà thành lập và điều hành nguyệt san Les temps modernes (Thời hiện đại) từ năm 1945.
5. Freud (1856–1939)
Cha đẻ ngành phân tâm học, người Áo. Tên đầy đủ Sigmund Freud.
Ông sinh tại Freiburg, Moravia, nay là Pribor, Cộng hòa Czech, trong một gia đình cha mẹ là người Do Thái. Ông học y tại Vienna, rồi theo chuyên khoa thần kinh học, sau đó, tâm bệnh học.
Nhận thấy khoa thôi miên không thích đáng trong việc chữa trị bệnh thần kinh, ông thay vào đó bằng phương pháp ‘hợp tác tự do’, cho phép bệnh nhân trình bày các ý nghĩ trong trạng thái thư giản tỉnh táo, và ông thông giải các ý tưởng thời thơ ấu cùng những hồi tưởng các giấc mơ. Bất chấp những nhạy cảm mang tính thanh giáo của chính mình, Freud càng ngày càng tin vào thực tế bản năng tính dục thời thơ ấu, một lý thuyết cô lập ông với nghề nghiệp thầy thuốc.
Năm 1900, ông xuất bản tác phẩm chủ yếu Die Traumdeutung (Thông giải các giấc mộng). Trong đó ông lập luận rằng các giấc mộng là những biểu thị che giấu sự thèm muốn tình dục bị ức chế – libido, tương phản với cái nhìn hiện đại được chấp nhận rộng rãi rằng các giấc mộng chỉ đơn giản là sự biểu thị có tính sinh vật học của sự tình cờ phát nhiệt các nơ-ron não bộ trong một trạng thái ý thức cá biệt.
Danh xưng ‘Phân tâm học’ do chính Freud đặt ra cho một hệ thống tâm thần bệnh học cùng quá trình điều trị để đặc biệt ứng xử với bệnh loạn thần kinh chức năng. Freud thấy vô thức có tính động và là một khu vực hoạt động rộng lớn, tác động lên mọi hành động của chủ thể, nhưng nó thao tác từ những chất liệu bị đè nén tới độ chống lại sự hồi tưởng. Do đó, ông tạo cho bệnh nhân sự nhận biết, một cách có ý thức, các tình huống bị quên lãng, đặc biệt bằng sự kết hợp tự nguyện giữa bệnh nhân và người chữa trị, để làm cơ sở cho việc điều trị; các giấc mộng cũng là chìa khóa để mở cánh cửa vô thức.
Lý thuyết của Freud nhấn rất mạnh lên hai bản năng đối kháng nhau: bản năng tự hủy diệt (như xâm lấn, háo thắng hoặc thù nghịch) và bản năng tính dục kiến tạo. Sự điều chỉnh hoàn hảo sẽ trung hòa những biểu lộ có tính nguyên sơ và công khai của mỗi bản năng; ngược lại, sự kiềm chế các năng lượng bản năng là thành tố tạo ra chứng rối loạn thần kinh chức năng.
Freud tin rằng đối với người lớn tuổi, về mặt cảm xúc, phần nhiều năng lượng bị ức chế ấy có thể tạo thăng bằng hoặc làm lệch mục đích tính dục vô thức của nó mà hướng tới những mục đích phi tính dục và hữu ích cho xã hội. Các nhà phân tâm học tin rằng bên cạnh sự ức chế và thăng hoa, bản ngã còn có sẵn trong nó những phương cách khác để tự vệ chống lại những đòi hỏi của xung động bản năng, cái vốn là kho dự trữ của những lèo lái có tính bản năng nằm sâu trong tâm trí.
Năm 1902, Freud được bổ nhiệm làm giáo sư tại Ðại học Vienne, bất chấp phong trào bài Do Thái trong giới hàn lâm trước đó, và khởi sự tập hợp các môn đệ. Từ đó, bắt đầu mọc lên Hiệp hội Phân tâm học Vienna (1908), Hội Phân tâm học Quốc tế (1910), trong đó có Alfred Adler (1870–1937) và Carl Jung. Chính quyền Ðức Quốc xã càng ngày càng gia tăng sự chống đối tích cực công cuộc của Freud, kể cả khi ông được tưởng thưởng giải Goethe năm 1930. Năm 1933, Hitler cấm phân tâm học. Sau khi Áo bị Ðức chiếm đóng, Freud và gia đình lọt khỏi bàn tay của Gestapo và được phép di dân. Ông sống ở Luân Ðôn cho tới ngày qua đời.
Một cách khái quát, không phải mọi người đều đồng ý với Freud. Ngay từ thập niên 1920 cho tới nay, phân tâm học của Freud ngày càng bị thách thức nhiều hơn bởi các nhóm triết gia và chuyên gia tâm lý trị liệu. Họ nhấn mạnh lên các thành tố văn hóa và xã hội của bệnh rối loạn thần kinh chức năng. Và trong việc điều trị, họ nhấn mạnh tới khía cạnh tương liên nhân tính trong mối quan hệ với bệnh nhân.
(Sưu tầm)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: