Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
NHỮNG LUẬN ĐIỂM TRONG TƯ TƯỞNG CHÍ MINH VỀ DÂN
Tư tưởng về dân của Hồ Chí Minh rất phong phú, có thể khái quát lại thành những luận điểm sau:
- Thứ nhất:dân là gốc của nước của cách mạng
“Dân là gốc của nước”, “nước lấy dân làm gốc” là những tư tưởng vốn có trong Nho giáo. Trong học thuyết Khổng Mạnh: đây là một tư tưởng sâu sắc mà ông cha ta đã kế thừa và thực thi ở những thời kỳ hưng thịnh của các vương triều, trong quá trình dựng nước và giữ nước suốt mấy ngàn năm lịch sử. Và tư tưởng đó được Hồ Chí Minh thấm nhuần và vận dụng trong cả cuộc đời hoạt động của Người, đặc biệt từ sau khi cách mạng tháng Tám thành công (1945). Người là chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và là Chủ tịch đảng. Dân với nước gắn bó với nhau, nước phải có dân, do dân lập nên, không có dân thì không có nước, do đó dân là gốc của nước. “Gốc” là cơ sở quan trọng nhất của một sự vật, thay đổi tận “gốc” là thay đổi sự vật một cách triệt để. Mất “gốc” là mất cái căn bản nhất, làm cho một sự vật biến chất, không còn là nó nữa. Tuy nhiên, dân là gốc, là nền của nước nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều đó. Người nói: “một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc”. Người còn khẳng định vai trò lao động của nhân dân là vô cùng to lớn. Người nói “xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở là nhờ người lao động. Trí thức mở mang cũng là nhờ người lao động . Vì vậy lao động là sức chính của sự tiến bộ loài người”.
Vì thế cho nên Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”. Đó chính là tư tưởng ơn dân “uống nước nhớ nguồn”, là một đạo lý cao đẹp của dân tộc ta.
Hồ Chí Minh còn khẳng đinh, dân là lực lượng chủ yếu, là gốc của các cuộc cách mạng, nhiều lần Người khẳng định vai trò quyết định của quần chúng nhân dân “cách mạng là do nhân dân tự làm lấy, Đảng chỉ là người lãnh đạo” hay “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải của cá nhân anh hùng nào”, đặc biệt Người nhấn mạnh “cán bộ không đội viên, lãnh đạo không quần chúng, thì không làm gì được ”.
Người thấy rõ mối quan hệ giữa cá nhân, lãnh tụ với quần chúng nhân dân, nhưng vai trò quyết định vẫn là quần chúng nhân dân. Dân là gốc, là nước của cách mạng vì dân không những có lực lượng đông mà còn rất cần cù, thông minh khéo léo, có nhiều kinh nghiệm quý báu, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”, đúng như câu ca dao mới của nhân dân Quảng Bình đã khẳng định:
“Dễ mười lần không dân cũng chịu
Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Vì vậy, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở “dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được , dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không nên”, “nước lấy dân làm gốc … gốc vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Chính vì dân là gốc của nước, “cho nên dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết”. Hồ Chí Minh đã khẳng định “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân , trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân. trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân ”. Đây là tư tưởng có tính triết lý sâu sa, thể hiện thế giới quan khoa học, một quan niệm nhân sinh đúng đắn đầy ý nghĩa nhân văn cao cả.
- Thứ hai: dân là chủ của đất nước, của xã hội, là chủ vận mệnh của chính mình.
Tư tưởng dân chủ - dân là chủ của đất nước, của nhà nước, của xã hội, chủ vận mệnh của chính mình là tư tưởng mới mẻ, chưa có trong tư tưởng truyền thống của dân tộc ta, cũng chưa có trong tư tưởng nho giáo. Tư tưởng dân chủ chính là cái cốt lõi nhất, bản chất nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về dân, “nước ta là nước dân chủ”, “chế độ ta là chế độ dân chủ” là những câu mà Hồ Chí Minh đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Dân chủ theo Hồ Chí Minh là “dân là chủ”, “nhân dân là người chủ” điều đó Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói rõ “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”.
Tư tưởng dân chủ được Hồ Chí Minh trình bày một cách rất cô đọng và sáng tỏ ngắn gọn mà đặc sắc như danh ngôn:
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở dân.
Bảy câu mà câu nào cũng có nghĩa dân, dân không phải ở vị trí phụ thuộc mà ở vị trí cao nhất, chi phối những thứ khác làm cho mọi thứ khác phải xuất phát từ đó, đều hướng vào đó. Bảy câu nhưng nói được vai trò quyết định của dân đến đoàn thể, chính quyền, lợi ích, trách nhiệm.
Dân chủ nghĩa là dân làm chủ, vì dân có lợi ích “bao nhiêu lợi ích đều vì dân” đặt lợi ích lên hàng đầu là thể hiện rõ quan điểm triết học duy vật lịch sử, rất đúng với lý luận và có ý nghĩa thực tiễn trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Dân là chủ bởi vì dân quyền hạn, có quyền hành - tức là có khả năng thực tế quyết định, định đoạt, điều hành những tổ chức, những công việc do mình làm chủ. và cũng vì thế mà Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “dân là chủ thì chính phủ phải là đầy tớ … nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”.
Dân có quyền vì dân có lực lượng. Lực lượng của dân vô cùng vô tận, đã tạo ra một của cải vật chất và mọi giá trị tinh thần của xã hội trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh.
Nét độc đáo trong quan niệm quyền lực nhân dân của Hồ Chí Minh là ở chỗ nó tuân theo phép biện chứng một cách triệt để vì “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Độc lập, tự do chính là kết quả của sự hy sinh xương máu của mọi tầng lớp nhân dân. Do vậy mọi thành quả của cách mạng và quyền lực của chế độ xã hội ắt phải thuộc về dân là của dân. Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, phải yêu dân, dựa dân gần dân, lắng nghe dân, tin dân. Cán bộ đảng cũng như cán bộ chính quyền đều là đầy tớ của dân, phải hết lòng hết sức phục vụ dân. Như vậy “dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân” là một tư tưởng mới mẻ, độc đáo của hồ chí minh. tư tưởng dân chủ của hồ chí minh chứa đựng toàn bộ, nguyên lý vì dân, do dân, của dân mà đảng nhận thức rõ và đang lãnh đạo triển khai trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
- Thứ ba:dân có lực lượng to lớn, tiềm năng vô tận nhưng không thuần nhất mà có nhiều tầng lớn khác nhau, cần phải được giác ngộ, tổ chức lãnh đạo đúng đắn.
Hồ Chí Minh quan niệm “dân chúng không nhất loạt như nhau. trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau”.
Quan niệm như vậy là rất phù hợp với thực tế vì rất cần thiết dễ có phương pháp ứng xử thích hợp với từng đối tượng cụ thể trong dân chúng.
Xét về mặt xã hội, dân là tập hợp người không đơn giản, không thuần nhất, mà được phân loại, xếp hạng theo những tiêu chí nhất định giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp.
Xã hội phong kiến, dân được chia thành “thứ dân”, “bình dân”, “thường dân” và xếp thành bốn hạng gọi là “tứ dân” xắp xếp giá trị xã hội theo thang bậc từ cao đến thấp “sĩ - nông - công - thương”. Còn trong xã hội hiện đại, do sự phát triển của nền công nghiệp và kinh tế hàng hoá đã xuất hiện hai giai cấp đối lập nhau là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Đây là hai giai cấp cơ bản trong xã hội mới cùng các tầng lớn vốn có trong xã hội cũ tiếp tục tồn tại và phát triển, phân hoá làm cho dân chúng phân chia thành nhiều bộ phận rất đa dạng và phức tạp.
Hồ Chí Minh quan tâm nhân dân đến thái độ chính trị và hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân. Người đã nói nhiều lần về phẩm chất cao đẹp của nhân dân ta “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước rất cần cù, thông minh và khéo léo, có nhiều kinh nghiệm quý báu”. Tuy nhiên người cũng không quên kế hoạch nhắc nhở “cách mạng trước hết phải làm cho dân giác ngộ, cách mạng phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mạng vận động và tổ chức dân chúng”.
Đó chính là cơ sở sâu xa của sự cần thiết phải có đảng lãnh đạo cơ sở của tư tưởng dân vận, cũng là cơ sở của tư tưởng chiến lược đại đoàn kết nổi tiếng của người.
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công đại thành công”
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: