Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Một số giải pháp để phát triển đô thị bền vững về môi trường ở Đà Nẵng
Thứ nhất: Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường; huy động sự tham gia từ các sở, ban, ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể
Phát động phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, xây dựng xã, phường đạt tiêu chuẩn môi trường. Giải pháp này bao gồm huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; duy trì phát triển phong trào, như phong trào Ngày chủ nhật xanh – sạch – đẹp, phân loại rác thải tại nguồn,…hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm cho các năm sau.
Phát huy tối đa hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của nhân dân. Chuyên mục “Thành phố môi trường” được phát song định kỳ trên đài phát thanh Truyền hình Đà Nẵng (DRT), tần suất 2 lần/tháng. Thời gian qua, chuyên mục đã đi vào cuộc sống, nội dung ngày càng được đầu tư hơn, phản ánh các vấn đề môi trường kịp thời và phát song nhiều hoạt động triển khai của thành phố. Ngoài ra, ở các cơ quan ngôn luận khác như Báo Đà Nẵng, Trung tâm truyền hình Việt Nam tai Đà Nẵng…cũng đăng nhiều tin/bài có ý nghĩa. Các quận, huyện, phường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phát thanh, truyền hình.
Bên cạnh đó, ở Đà Nẵng có nhiều mô hình bảo vệ môi trường được triển khai thí điểm và nhân rộng có hiệu quả, như “Quản lý môi trường có sự cùng tham gia”, “Mô hình 5 không, 3 sạch”, “Mô hình thu gom rác thải hộ gia đình”, “Mô hình mái nhà xanh”, “Mô hình cộng đồng khai thác kết hợp bảo vệ nguồn thủy sản tại khu vực biển phường Thọ Quang”, “Mô hình giáo dục môi trường”…
Hai là: Tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và quản lý đô thị
Hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường: Phát triển lực lượng cán bộ quản lý môi trường tại các phòng Tài nguyên và Môi trường ở cấp quận, huyện theo hướng kết hợp quản lý tài nguyên với quản lý môi trường, phải thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý môi trường trên địa bàn và ít nhất phải từ 2 đến 3 công chức. Ngoài bộ máy quản lý môi trường quận, huyện mỗi xã, phường phải có một cán bộ chuyên trách về môi trường và tài nguyên, đối với tổ dân phố có một tổ phó phụ trách vấn đề môi trường và lực lượng nòng cốt cho công tác môi trường là các hội như: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, thanh niên xung kích…Thành lập và phát triển phòng cảnh sát môi trường thuộc Công an Thành phố, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn các sự cố môi trường, tôi phạm môi trường.
Ba là: Xây dựng thể chế chính sách nhằm triển khai thực hiện thành công thành phố môi trường.
Trong quá trình thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành:
- Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố
- Đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và Ứng dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015.
- Đề án bảo vệ rạn san hô và các hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà.
- Chương trình và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.
- Chiến lược quản lý nước thải thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2040.
- Quy địnhvề quản lý tổng hợp vùng bờ biển trên địa bàn quận Sơn Trà và quận Ngũ Hàng Sơn.
- Quy chế xét chọn danh hiệu “Nhà hàng xanh” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật, đề án và dự án được ban hành thời gian qua tạo tiền đề cho việc lập các kế hoạch, nhiệm vụ của từng cơ quan ban ngành triển khai thực hiện.[2]
Bốn là : Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trên toàn thành phố
Các công trình xử lý môi trường được kêu gọi xã hội hóa do tư nhân thực hiện: Trung tân hỏa tang An Phước Viên, hệ thống xử lý nước thải các khu công nghiệp tập trung, hệ thống xử lý nước rỉ bãi rác Khánh Sơn. Đối với lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn: Ngoài công ty môi trường đô thị, còn có các doanh nghiệp ngoài thành phố như: Công ty TNHH Môi trường Xanh, Công ty môi trường đô thị Hà Nội, Doanh nghiệp tư nhân Ánh Dương.
Về hoạt động bảo vệ môi trường, trên cơ sở ký kết liên tịch giữa Sở tài nguyên và môi trường với 07 hội đoàn thể, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đến các hội viên và khu dân cư bằng nhiều hình thức truyền thông, đào tạo, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, ra quân, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ môi trường…Ngoài ra, chương trình này còn kết hợp với việc thực hiện các đề án Nếp sống văn minh đô thị, cuộc vân động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp và phong trào xây dựng, quản lý đoạn đường, tuyến đường an toàn- văn minh – sạch đẹp, các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân, thanh niên đăng ký xây dựng và thực hiện. Đến năm 2012, toàn thành phố có trên 2000 tổ dân phố, thôn có phong trào bảo vệ môi trường tốt, có trên 1.845 thôn, tổ dân phố đảm bảo tiêu chuẩn đường làng, kiệt hẻm sạch đẹp. Hội Cựu chiến binh đã thành lập 13 câu lạc bộ bảo vệ môi trường ở cấp cơ sở.
Năm là: Đào tạo nguồn nhân lực
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố đưa nhóm ngành đào tạo kỹ thuật môi trường và Đề án thạc sỹ, tiến sỹ nước ngoài (Đề án 393) và đào tạo bậc đại học cho học sinh phổ thông trung học (Đề án 47). Ngoài ra, Thành phố phân bổ chỉ tiêu cử học sinh và cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo các nhóm ngành này.
Trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức hàng năm của thành phố, Sở Nội vụ đề xuất ưu tiên cử cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học đối với các nhóm ngành: Kỹ thuật môi trường, quản lý đô thị và bảo vệ môi trường cho các đơn vị, tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý đô thị và môi trường cho công chức, viên chức công tác tại các đơn vị Công ty cây xanh, Công ty môi trường đô thị, công ty cấp nước, cán bộ làm công tác quản lý đô thị, quy tắc đô thị, tài nguyên môi trường ở quận, huyện, xã, phường…
Sáu là: Huy động vốn để thực hiện Đề án thành phố môi trường
Tăng cường nguồn lực và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường, huy động các nguồn vốn ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế, vốn từ nguồn thu phí môi trường và đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc mọi thành phần kinh tế trên toàn địa bàn thành phố đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường,…
Căn cứ dự toán phân bổ của Trung ương và khả năng cân đối ngân sách thành phố để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.
Thực hiện công tác xã hội hóa trong đó triển khai các biện pháp huy động theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cá nhân trên địa bàn thành phố.
Xúc tiến kêu gọi nguồn viện trợ, các dự án đầu tư nước ngoài, tăng cương khả năng thu hút các nguồn vốn ODA, tăng tỷ lệ đầu tư cho bảo vệ môi trường từ nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA. Các ngành, địa phương lập các dự án bảo vệ môi trường cụ thể của đơn vị mình để thu hut đầu tư ODA, đặc biệt chú trọng các dự án liên quan đến xử lý nước thải, chất thải rắn, không khí và tiếng ồn, chất thải y tế.
Thành lập Quỹ bảo vệ môi trường để huy động các nguồn lực của Nhà nước, công cộng, các tổ chức trong và ngoài nước và sự ủng hộ tài trợ của các tổ chức quốc tế để tập trung giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc ưu tiên.
Bảy là: Lồng ghép các vấn đề môi trường vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Lần đầu tiên, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 có lập báo cáo môi trường chiến lược được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại quyết định 1866/QĐ –TTg có lồng ghép vấn đề môi trường, trong đó mục tiêu môi trường là một trong 03 nhóm mục tiêu then chốt của Quy hoạch, 1/9 giải pháp thực hiện quy hoạch là đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” sau năm 2015.
Ở cấp quận, UBND quận Thanh Khê đã ban hành đề án xây dựng quận môi trường đến năm 2020, UBND quận Cẩm Lệ đã lồng ghép mục tiêu môi trường vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội quận đến năm 2020 và được UBND thành phố phê duyệt.
Để phát triển thành phố theo hướng công nghiệp “không khói”, thời gian qua UBND có nhiều chủ trương không cho phép đầu tư sản xuất sắt thép công nghiệp cũ, từ chối các dự án lớn của nước ngoài khi xét thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm, khuyến khích phát triển du lịch dịch vụ theo hướng sinh thái, chính sách để bảo vệ san hô…Nhìn chung, bước đầu đã cân nhắc và thiết lập sự cân đối giữa các yếu tố kinh tế - xã hội – môi trường, kết hợp bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: