Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
SỰ THAY ĐỔI TRONG THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG MỸ- NHẬT TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
Với tư cách là hai quốc gia có quy mô kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba trên thế giới, đồng thời là đồng minh an ninh và kinh tế, Mỹ- Nhật có quan hệ thương mại chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau. Cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, Nhật Bản từng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Mỹ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Mỹ. Mặc dù hiện nay Nhật Bản vẫn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Mỹ, song vai trò và tầm quan trọng về kinh tế của Nhật đã giảm sút trước sự cạnh tranh của các đối tác thương mại như Canada, Mexico, trung Quốc. Năm 2017 Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Mỹ, tiếp đến là Mexico và Canada. Xu hướng phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á dẫn đến sự dịch chuyển dòng chảy thương mại của Nhật Bản từu Mỹ sang accs nước châu Á, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á
Trong thập niên 1980 và thập niên 1990, Mỹ và Nhật đối mặt với những bất đồng nghiêm trọng khi thâm hụt thương mại của Mỹ và Nhật lên đến 50% tổng thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước. Tuy nhiên, những năm gần đây cùng với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, thâm hụt thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã vượt lên trên Nhật Bản và điều này làm cho bất đồng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản lắng dịu hơn, nhưng hai nước vẫn tồn tại những vấn đề chưa giải quyết.
Những xung đột thương mại giữa Tokyo và Washington đã xuất hiện kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống vào năm 2017 với cam kết đàm phán lại các hiệp định thương mại mà ông cho là không công bằng đối với các công ty và công nhân Mỹ. Chính quyền Trump cũng tham gia vào các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với cả Liên minh châu Âu và Trung Quốc như là một phần của chương trình nghị sự mà Tổng thống Mỹ đặt ra. Các quan chức chính phủ Nhật Bản đang ngày càng lo lắng rằng ông Trump sẽ yêu cầu giảm số lượng nhập khẩu ô tô của Nhật Bản để giảm thâm hụt thương mại. Họ cũng lo ngại rằng Mỹ có thể áp thuế nhập khẩu mạnh đối với ô tô và phụ tùng ô tô, điều này sẽ gây ra một cú đánh lớn cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.
Cùng với cuộc đàm phán FTA song phương, dự kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể gặp Tổng thống Donald Trump tại Mỹ vào cuối tháng 4 để đàm phán về thương mại Bắc Triều Tiên và Mỹ-Nhật. Cũng dự kiến vào tháng 5, ông Trump sẽ đưa ra quyết định về việc có nên áp dụng mức thuế cao đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu hay không sau khi có báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ xác định ảnh hưởng của nhập khẩu đối với an ninh quốc gia. Hai nước đồng minh sẽ tìm cách xác định phạm vi của các cuộc đàm phán trong tương lai, đặt nền tảng cho một hội nghị thượng đỉnh, có thể vào ngày 26 tháng 4, giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao.
Các cuộc đàm phán giữa cấp bộ trưởng có thể sẽ gặp khó khăn, bất chấp việc Tổng thống Trump thúc đẩy phải giải quyết thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Nhật Bản. Cuộc bầu cử quốc gia và một cuộc bầu cử Hạ viện tại Nhật Bản sẽ diễn ra từ mùa xuân đến mùa hè năm nay, có thể gây khó khăn hơn cho các nhà đàm phán. Nông nghiệp dự kiến sẽ là một lĩnh vực khó khăn vào thời điểm ngành công nghiệp thịt bò của Mỹ chứng kiến thị phần của mình tại thị trường Nhật Bản ngày càng bị thu hẹp trước các đối thủ cạnh tranh khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi sau khi Washington rút khỏi hiệp định TPP ban đầu. Nhật Bản cảnh giác trước mong muốn của Mỹ về việc mở rộng hơn nữa lĩnh vực nông nghiệp nhạy cảm của mình, cho biết sẽ không nhượng bộ lớn hơn so với các hiệp định thương mại song phương và đa phương hiện có. Tokyo vẫn bảo lưu quan điểm rằng các cuộc đàm phán thương mại với Washington sẽ chủ yếu chỉ tập trung vào hàng hóa. Tuy nhiên, Mỹ đang kêu gọi một hiệp định thương mại tự do toàn diện sẽ bao gồm không chỉ hàng hóa mà còn cả dịch vụ và đầu tư.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: