Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh – một giá trị đặc trưng cho văn hoá hoà bình
GS. Song Thành, Viện Hồ Chí Minh
Thế kỷ XX đã qua với hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng trăm cuộc chiến tranh khu vực lớn nhỏ. Nỗi khủng khiếp trước thảm họa Hirôsima và Nagasaki đến nay vẫn chưa thôi nhức nhối trong trái tim nhân loại. Trái đất càng trở nên mong manh hơn khi vũ khí hủy diệt ngày càng được hoàn thiện, sự tích lũy ngày càng lớn, đủ sức làm nổ tung cả hành tinh bé nhỏ của chúng ta.
Hòa bình là khát vọng của nhân loại, bởi trong thực tế tồn tại mấy nghìn năm qua, loài người chưa bao giờ được sống trong một thế giới hòa bình. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, bước vào thiên niên kỷ mới, loài người càng thấm thía nhận ra rằng không thể giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng vũ khí mà phải bằng thông cảm, hiểu biết, đối thoại, bằng văn hóa khoan dung. Muốn có hòa bình lâu dài phải tạo lập trước hết một nền văn hóa hoà bình mà linh hồn của nó chính là lòng nhân ái, khoan dung.
"Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy, và chính Người là biểu tượng, là tinh hoa của khoan dung, nhân ái Việt Nam.
Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh biểu hiện ở lòng yêu thương mênh mông, sâu sắc đối với con người, ở niềm tin vào phần tốt đẹp, phần thiện trong mỗi con người, dù nhất thời họ có lầm lạc, còn nhỏ nhen, thấp kém; từ đó Người nhắc nhở chúng ta "phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi". "Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ".
Đối với những quan lại cũ, cả với những người từng có nợ máu với cách mạng, Người cũng khuyên "không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới,... mà nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung". Để làm được điều đó, Người nhắc nhở chúng ta phải vượt qua những thiên kiến, hẹp hòi. "Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu".
Chính sách đại đoàn kết và tấm lòng khoan dung, độ lượng của Bác Hồ đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, đã cảm hoá được nhiều nhân sĩ, trí thức có tên tuổi, kể cả các quan lại cao cấp của chế độ cũ, một lòng một dạ đi theo cách mạng và kháng chiến, không quản ngại gian khổ, hy sinh. Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh biểu hiện ở thái độ trân trọng, cái nhìn rộng lượng đối với những giá trị khác nhau của văn hoá nhân loại, là chấp nhận giao lưu, đối thoại, tìm ra cái chung, nhằm đạt tới sự hoà đồng, cùng phát triển.
Hồ Chí Minh xa lạ với mọi thói kỳ thị văn hoá. Trong khi chống Pháp, Người vẫn yêu mến và đề cao văn hoá Pháp; chống Mỹ và vẫn ca ngợi truyền thống đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Mỹ. Bản thân Người là hình ảnh kết tinh của tinh hoa văn hóa nhân loại Đông và Tây. Trong một thế giới cộng sinh về văn hóa, có sự giao lưu giữa cái chung và cái riêng, cái đồng nhất và cái dị biệt, khoan dung Hồ Chí Minh là chấp nhận đối thoại về giá trị, là truy tìm cái chung, cái nhân loại để hòa đồng. Người đã viết: "Tuy phong tục mỗi dân tộc mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. ấy là dân nào cũng ưa sự lành, ghét sự dữ".
Là một nhà ngoại giao biết thương lượng, có đầu óc thực tế, Hồ Chí Minh biết tìm ra mẫu số chung cho mọi cuộc đối thoại. Người nói với người Pháp: "Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức tự do, bình đẳng, bác ái độc lập".
Với các tôn giáo, Hồ Chí Minh thành thật tôn trọng đức tin của người có đạo, khẳng định lẽ sống cao đẹp, những giá trị đạo đức - nhân văn của các vị sáng lập, không hề bài bác, phủ định mà khéo hướng lý tưởng của các tôn giáo vào mục tiêu giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
Mùa hè năm 1946 tại Paris, Người đã tiếp một nhóm linh mục công giáo đến thăm, trong đó có linh mục Cao Văn Luận, một người công giáo xác tín, chống cộng. Sau này, ông ta đã thuật lại trong cuốn hồi ký của mình lời của Hồ Chí Minh trong buổi gặp: "Mục đích của Chính phủ ta là đeo đuổi chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Để đạt hạnh phúc đó mọi người cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu đức Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước những nỗi đau của người đồng thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm cứu khổ loài người".
Tại cuộc họp mặt đại biểu các tôn giáo, đảng phái tại Chùa Bà Đá mừng Chính phủ liên hiệp lâm thời vừa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Giatô giáo tin ở Đức Chúa Trời, cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với nhân dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn làm gì, ta phải theo nấy".
Nói về khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh, chính J.Sainteny thừa nhận: "Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để thấy nơi các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự công kích, đa nghi hoặc chế diễu bất kỳ một tôn giáo nào'".
Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh được xây dựng trên nguyên tắc công lý, chính nghĩa, tự do, bình đẳng, không chấp nhận thỏa hiệp vô nguyên tắc với tội ác, bất công, xã hội và tất cả cái gì chà đạp lên "quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" của mỗi con người và mỗi dân tộc. Người nói: "Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân".
Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu sự nghiệp cách mạng của mình bằng một cử chỉ hòa bình: đưa yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Vecxay (1919). Nhưng Người biết: "Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu", bởi vậỵ, Người cũng đã nói từ rất sớm: "Nếu chúng ta không đạt được (việc tự giải phóng) bằng phương pháp ôn hòa thì chúng ta không ngần ngại hành động quyết liệt để trả thù nhà, nợ nước và để chen vai, thích cánh với năm châu".
Trong cuộc xung đột Việt - Pháp, giữa hai giải pháp hòa bình và bạo lực, Hồ Chí Minh luôn luôn chọn giải pháp hòa bình, nên Người đã chấp nhận thỏa hiệp, nhân nhượng: ký Hiệp định sơ bộ 6.3 rồi "Tạm ước 14.9; không quản bất trắc, hiểm nguy, Người sang tận thủ đô nước Pháp để tìm kiếm hòa bình. Rất tiếc, thiện chí đó đã không được đáp lại.
Đến khi đối phương buộc chúng ta phải cầm súng đứng lên tự vệ, Người đã luôn luôn giáo dục chúng ta biết phân biệt bọn thực dân xâm lược phản động Pháp với nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình và công lý. Người đã tìm mọi cách để hạn chế đến mức thấp nhất những thương vong trên chiến trường, cho quân ta và cho cả quân địch. Người nói một cách xúc động: "Trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt đều là máu, người Pháp hay là người Việt đều là người". Người nhắc nhở mục tiêu của chúng ta là đánh bại, đánh sập ý chí xâm lược của địch chứ không phải là đánh tiêu diệt hoàn toàn chúng trên chiến trường. Ta hiểu vì sao Người không tán thành cách gọi một trận đánh chết nhiều người là một trận đánh "đẹp"! Người nói: "Đánh mà thắng là giỏi, nhưng không đánh mà thắng lại giỏi hơn", nên theo binh pháp của cha ông, "đánh vào lòng người là hơn hết, đánh vào thành trì là thứ hai", vì vậy Người tất coi trọng địch vận, ngụy vận, coi "khéo ngụy vận thì đó cũng là một cách tiêu diệt sinh lực địch".
Đối với những tù binh và thường dân Pháp bị ta bắt trong chiến tranh, Người kêu gọi đồng bào và chiến sĩ ta phải nêu cao lý tưởng chính nghĩa, nhân đạo, phải đối xử khoan hồng đối với họ để "cho thế giới biết rằng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp nước". Người chỉ thị cho Bộ tài chính của ta cấp cho mỗi người lính hay thường dân Pháp bị bắt 200 đồng/mỗi tháng, trong khi mức ăn của bộ đội ta chỉ có 150 đồng/tháng, với lý do "ta có thể chịu kham khổ được, nhưng đối với họ cần phải rộng rãi hơn". Một lần đến thăm trại tù binh Pháp bị bắt trong chiến dịch Biên giới, thấy một đại úy quân y Pháp ở trần, đang run lên vì lạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cởi chiếc áo người đang mặc, trao cho anh ta.
Trong thư gửi cho tướng R.Xalăng, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, (6-1947), một người đã từng tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chuyến Người sang thăm nước Pháp, đã từng được Người coi là bạn, có đoạn viết: "Chúng ta đã từng là những người bạn tốt... Nhưng hoàn cảnh ngoài ý muốn đã biến chúng ta thành hai kẻ đối địch. Điều đó thật đáng tiếc!... Vì chúng ta buộc phải chiến đấu, thì các ngài hãy tỏ ra là những chiến binh hào hiệp, những đối thủ quân tử, trong khi chờ đợi chúng ta trở thành bạn hữu của nhau".
Thật là ngôn luận của một hiệp sĩ, một chính nhân quân tử! Chúng ta chiến đấu vì những mục tiêu cao cả hòa bình, độc lập dân tộc, chứ không vì lý do nào khác. Hoàn cảnh đã buộc phải chiến đấu thì hãy chiến đấu ra trò, cao thượng và chính trực, để sau chiến đấu, lại trở lại là những người bạn! Người đã làm hết sức mình để không gây ra mối hận thù đối với dân tộc Pháp, một dân tộc mà Người luôn luôn yêu mến và kính trọng.
Qua đó, có thể thấy: khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh không phải là một sách lược mà là sự kế tục và phát triển truyền thống khoan dung, nhân ái của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử và cũng là sự thể hiện bản chất nhân văn, chính nghĩa của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Khoan dung cũng là một biểu hiện sức mạnh của cách mạng, chỉ có những cuộc cách mạng chân chính, được lòng dân, mới có sức thuyết phục, cảm hóa trái tim, khối óc của quần chúng, bao gồm cả những người lầm lạc và chống đối.
Ngày nay, trên thế giới, chiến tranh lạnh đã qua đi, nhưng loài người vẫn đang phải sống trong "một nền hòa bình nóng". Nhiều nơi vẫn đang diễn ra những cuộc chiến tranh, xung đột đẫm máu về lãnh thổ, dân tộc, sắc tộc và tôn giáo. Do thiếu một thái độ khoan dung, người ta tự coi mình là độc tôn, đi tới dị hóa, kỳ thị với tất cả cái gì không phải là mình! Ngược lại, cũng đang có những thế lực mưu toan lợi dụng cái gọi là "bản chất chung của con người" để áp đặt cho các dân tộc khác những giá trị xa lạ với truyền thống văn hóa của họ. Khi không áp đặt được, họ sẵn sàng dùng sức mạnh của bom đạn, sắt thép để khuất phục ý chí của một dân tộc có chủ quyền. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang đe dọa quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc trong hòa bình, tự do, độc lập; quyền được lựa chọn con đường phát triển riêng theo lý tưởng và truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc. Chính trong điều kiện đó, giáo dục, bồi dưỡng và phát triển lòng nhân ái, khoan dung đang là một yêu cầu cấp bách, trong đó tấm gương khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh đang được nhắc nhở như một giá trị tiêu biểu cho đặc trưng văn hóa của thế kỷ XXI - văn hóa hoà bình.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: