Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
MỘT SỐ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ XÃ Ở HUYỆN HÒA VANG – TP ĐÀ NẴNG
*Lượng hoá tiêu chuẩn phù hợp với các chức danh cán bộ công chức, chuyên trách và không chuyên trách ở xã
Tiêu chuẩn cán bộ, công chức nói chung là những tiêu thức cơ bản làm căn cứ để đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ, công chức làm căn cứ để tiến hành các mặt của công tác cán bộ. Việc xác định tiêu chuẩn cụ thể cho cán bộ công chức, chuyên trách và không chuyên trách phường, xã là căn cứ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, chấm dứt tình trạng tuyển dụng, đào tạo, bố trí cán bộ theo kiểu thân quen, cảm tính, không vì việc mà bố trí người. Tiêu chuẩn cán bộ không chỉ là bằng cấp, học vị, tuổi tác, sức khoẻ mà nó thể hiện cụ thể qua phẩm chất chính trị và năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ.
Tiêu chuẩn của cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đã được Bộ nội vụ quy định cụ thể ở Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004. Tuy nhiên, việc quy định này cũng chưa đầy đủ, các chức danh không chuyên trách vẫn chưa có tiêu chuẩn rõ ràng để làm cơ sở cho phường, xã thực hiện. Hơn nữa việc xác định tiêu chuẩn phải căn cứ vào tình hình thực tế của các xã, trong đó cần chú ý đến yếu tố có tình đặc thù về chức năng quản lý nhà nước ở từng phường, xã; mặt bằng dân trí ở từng khu vực (đô thị, đồng bằng, trung du, miền núi) ...mới có thể lượng hóa các tiêu chuẩn này làm căn cứ để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thực tế của từng địa phương.
*Rà soát, đánh giá lại thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức của HTCT cơ sở
Để tiến hành làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã thì trước hết huyện Hòa Vang phải đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức ở HTCT cơ sở hiện nay. Muốn đánh giá đúng cán bộ, công chức phải căn cứ vào những tiêu chuẩn đã qui định, đánh giá phải khách quan, công tâm, lịch sử cụ thể, cả quá khứ, hiện tại và tương lai của cán bộ, công chức. Việc đánh giá cán bộ, công chức không chỉ khen hay chê mà chủ yếu thông qua đánh giá để có hướng bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, công chức cho phù hợp với năng lực, phẩm chất, cống hiến và triển vọng của từng người, tức là để có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức một cách hợp lý.
Đánh giá cán bộ, công chức là khâu khó khăn nhất, hệ trọng, rất tế nhị và phức tạp nhất trong công tác cán bộ, nó là khâu mở đầu quyết định để bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, là nhân tố dễ gây mất đoàn kết nội bộ, nên việc đánh giá cán bộ, công chức phải đặt người cán bộ, công chức đó trong phạm vi công tác và môi trường hoạt động. Phải kết hợp theo dõi thường xuyên đối với đánh giá định kỳ, đánh giá cán bộ, công chức phải thực chất, tránh hình thức, không đơn thuần theo quá trình, bằng cấp, học vị, tuổi tác; không hẹp hòi định kiến về lý lịch và thành phần xuất thân, xoá bỏ quan niệm cũ kỹ, lỗi thời, coi thứ bậc chức vụ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước là thước đo giá trị con người.
Đánh giá phải kết hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau để phân tích, chọn lọc một cách khách quan, lấy hiệu quả công tác và sự đóng góp thực tế làm thước đo phẩm chất năng lực cán bộ, công chức; phải căn cứ vào những việc làm cụ thể; phải đặt cán bộ, công chức vào trong môi trường và điều kiện cụ thể và xem xét cả quá trình phát triển của cán bộ, công chức và triển vọng của họ. Cần phải tham khảo ý kiến của quần chúng nơi cán bộ, công chức công tác, sinh hoạt để kiểm tra cán bộ, công chức có thực sự đi sâu, sát quần chúng ở cơ sở hay không..., tất cả những vấn đề đó có thể coi là cơ sở quan trọng bước đầu để đánh giá cán bộ, công chức cơ sở. Việc đánh giá đúng sẽ giúp cho việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng thích ứng cho từng loại cán bộ, công chức.
Thông qua kết quả đánh giá rà soát cán bộ, công chức sẽ giúp dễ dàng xác định được cơ cấu cán bộ, công chức có hợp lý, đồng bộ hay không và nắm được chất lượng cán bộ, công chức phường, xã để có giải pháp kịp thời nhằm điều chỉnh một cách hợp lý. Muốn thực hiện được công việc đó, yêu cầu trung uơng, thành phố cần phải xây dựng tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá cán bộ, công chức một cách chính xác.
* Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Việc xây dựng quy hoạch dù là khoa học đến mấy cũng chỉ là bước đầu, vấn đề là triển khai thực hiện quy hoạch như thế nào, hơn nữa quy hoạch không chỉ là bố trí, sắp xếp mà mục tiêu chính, trực tiếp của quy hoạch là xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách của cán bộ, công chức. Vì vậy, việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là công việc vô cùng quan trọng, là chìa khoá của công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Đất nước đang đi vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thế giới đang đi vào con đường kinh tế tri thức, không có con đường nào khác là phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ chủ chốt nói riêng đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phải đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức sau quy hoạch, có như vậy quy hoạch mới đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. Đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ, công chức đang là yêu cầu bức thiết trong công tác cán bộ.
Trong công tác đào tạo cần chú ý những mặt còn yếu như: kiến thức quản lý nhà nước, kỷ năng giao tiếp, ứng xử, công tác dân vận; quy trình xử lý tình huống gắn với chức danh cụ thể; ngoại ngữ, tin học, tiếng đồng bào dân tộc cho cán bộ xã Hòa Phú, Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang, truyền thống văn hóa của địa phương nơi cán bộ đang công tác....Đào tạo phải gắn với tiêu chuẩn, chức danh và yêu cầu sử dụng cán bộ với phương châm “biết nhiều việc, chuyên sâu một việc”.
Tiếp tục mở các lớp đào tạo như: đào tạo bí thư, chủ tịch phường, xã từ sinh viên khá, giỏi; đào tạo trung cấp quân sự, công an cho cán bộ làm công tác ở ban chỉ huy quân sự phường, xã và ban công an xã; trung cấp đoàn đội để về làm bí thư đoàn phường, xã. Thực hiện cơ chế cử tuyển và hỗ trợ cho con em đồng bào dân tộc đi đào tạo một số ngành, nghề để tạo nguồn cán bộ là đồng bào dân tộc ở các xã Hòa Bắc, Hòa Phú thuộc huyện Hòa Vang.
Nâng cao ý thức tự học trong cán bộ, đồng thời thực hiện định kỳ kiểm tra kiến thức và trình độ chuyên môn đối với từng loại cán bộ, công chức để có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu đặt ra.
Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ trẻ từ quận, huyện về phường, xã để đào tạo rèn luyện.
* Bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ
Khắc phục tình trạng bố trí cán bộ theo cảm tính, tình cảm, cục bộ địa phương. Bố trí sử dụng cán bộ, công chức phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo. Đề bạt, đào tạo phải đúng người, đúng việc, đúng quy hoạch, không vì người mà bố trí việc, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, kiên quyết luân chuyển, bãi nhiệm, miễn nhiệm kịp thời, đúng lúc đối với những cán bộ không đủ sức đảm đương nhiệm vụ hoặc không còn uy tín. Chống tư tưởng khép kín, cục bộ trong tuyển chọn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Uu tiên sử dụng cán bộ, công chức được đào tạo chính quy, cán bộ, công chức giỏi có năng lực thực tiễn, có năng lực vận động quần chúng. Mạnh dạn bố trí cán bộ, công chức trẻ, có năng lực vào các vị trí quan trọng nhằm đào tạo tại chỗ. Kiến quyết cho thôi việc đối với những cán bộ, công chức kém năng lực, vi phạm phẩm chất, thoái hoá biến chất, hai năm liền được đánh giá không hoàn nhiệm vụ.
Thực hiện đúng qui chế bầu cử có nhiệm kỳ, bổ nhiệm có thời hạn. Khắc phục tình trạng bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “có lên mà không có xuống; có vào mà không có ra” kiên quyết bãi nhiệm, miễn nhiệm đối với cán bộ lấy phiếu tín nhiệm hai năm liền đạt thấp chứ không chờ đến hết nhiệm kỳ.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia nhận xét, đánh giá và giới thiệu những người có đức, có tài vào các chức danh chủ chốt ở địa phương.
* Giáo dục nâng cao tinh thần đạo đức cho cán bộ, công chức
Việc giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, đẩy mạnh đấu tranh chống lại những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức phường, xã nói riêng được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Thực tế trong những năm qua một số cán bộ, công chức phường, xã trên địa bàn thành phố bị thoái hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm mất niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Do vậy, cần phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, đạo đức cách mạng; ý thức, tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho toàn thể cán bộ, đảng viên.
*Từng bước đổi mới chính sách cán bộ
Nhận thức được tầm quan trọng của cán bộ, công chức và công tác cán bộ trong sự nghiệp đổi mới, trong những năm qua trung uơng và thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách cho cán bộ phường, xã, kịp thời động viên cán bộ phường, xã an tâm công tác. Tuy nhiên hiện nay chế độ chính sách cho cán bộ còn nhiều vấn đề bất cập. Vì vậy trong những năm đến cần có chính sách thỏa đáng như: Nên xem xét chính sách tiền lương cho cán bộ phường, xã. Tiền lương của tất cả cán bộ, công chức phường, xã nói chung phải được hưởng theo ngạch bậc và phụ cấp chức vụ nếu có. Có chính sách khuyến khích cho cán bộ không đạt chuẩn, lớn tuổi khó đào tạo tự nguyện nghĩ hưu trước tuổi, nghĩ thôi việc để tạo điều kiện cho việc tuyển dụng, bố trí cán bộ trẻ.
Nâng mức phụ cấp cho cán bộ dưới phường xã (tổ dân phố, thôn) lên chí ít bằng với mức lương cơ bản hiện hành để động viên cán bộ tận tâm, tận lực với công việc được giao; đồng thời hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho bí thư, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận.
Thành phố nên xây dựng chính sách đặc thù đối với cán bộ ở các xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang, nhà công vụ để khuyến khích cán bộ về công tác ở các xã này vì thực tế sinh viên ra trường đăng ký về các xã này rất ít.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: