Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG VÀ THỰC TRẠNG XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CẤP XÃ Ở HUYỆN HÒA VANG- TP ĐÀ NẴNG
Huyện Hòa Vang nằm về phía Tây của thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp với 2 quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, phía Tây giáp với huyện Đông Giang, phía Nam giáp với 2 huyện Điện Bàn và Đại Lộc tỉnh Quảng Nam, phía Bắc giáp với 2 huyện Nam Đông và Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế, với diện tích tự nhiên 73.691 ha, gồm: đất nông nghiệp 6.527,31 ha (đất lúa 3230,8 ha; đất nuôi trồng thủy sản 480 ha; đất trồng cây hằng năm 1556,95 ha; đất trồng cây lâu năm 1.259,67 ha), đất lâm nghiệp 55.438ha, còn lại là đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Địa bàn huyện có 11 xã được phân bố đều trên 3 vùng : đồng bằng, trung du và miền núi.
Tổng dân số trên địa bàn huyện là 122.228người, mật độ dân số đạt 165 người/km2; thu nhập bình quân đầu người 18,7 triệu đồng/đầu người;
Trong quá trình phát triển đã tách các xã từ Huyện Hòa Vang để thành lập 3 quận mới (Quận Liên Chiểu, Quận Ngũ Hành Sơn, Quận Cẩm lệ). Huyện Hòa Vang còn lại 11 xã (trong đó có 4 xã miền núi: Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Liên) với 118 thôn (có 03 thôn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống).
Hòa Vang là huyện ngoại thành, địa bàn rộng, mặt bằng dân trí, văn hóa, mức sống còn rất thấp; cộng đồng dân cư sống theo tộc họ, làng, xóm; đội ngũ cán bộ phần lớn trưởng thành từ thực tiễn chưa được đào tạo cơ bản.
Cùng với đó, quá trình đô thị hóa quá nhanh của thành phố dẫn đến việc nhiều xã có sự biến động lớn về địa giới hành chính kéo theo sự thay đổi của cư dân, nhiều hộ được giải tỏa đến định cư nơi khác, nhiều hộ mới từ nơi khác nhập cư đến làm cho tình hình quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội hết sức phức tạp. Một số xã ở Huyện Hòa Vang tốc độ đô thị hóa nhanh, dáng dấp của đô thị đang dần dần hình thành, quản lý nhà nước ở chính quyền xã yêu cầu đặt ra ngày càng cao có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn... Tính xen kẻ này làm cho việc quản lý chính quyền ở cơ sở thành phố Đà Nẵng nói chung và huyện Hòa Vang nói riêng không kém phần phức tạp.
* Đặc điểm hệ thống chính trị ở thôn, xã trên đại bàn huyện Hòa Vang
*Hệ thống chính trị ở xã
Cơ cấu tổ chức và bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở cũng được thành lập theo cấu trúc chung của hệ thống chính trị gồm: Đảng uỷ, chính quyền (HĐND, UBND), mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội (Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh).Mỗi tổ chức được cơ cấu một chức danh trưởng, phó. Riêng UBND các xã được cơ cấu 01 chức danh Chủ tịch UBND và 02 Phó chủ tịch UBND xã; Mặt trận được cơ cấu 01 chủ tịch, 02 phó chủ tịch.
* Hệ thống chính trị ở thôn
Tương tự như cấu trúc hệ thống chính trị ở cấp xã, hệ thống chính trị ở thôn với vai trò là cánh tay nối dài của hệ thống chính trị cấp xã, gồm: các Chi bộ Đảng, Ban nhân dân thôn, Ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể thôn, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn được cơ cấu 01 chức danh trưởng và phó. Riêng Ban nhân dân thôn được cơ cấu 01 chức danh trưởng và 02 chức danh phó trở lên (tùy theo tổng số hộ dân trên một thôn). Dưới Ban nhân dân thôn có các tổ dân cư, dưới Ban công tác mặt trận thôn có các tổ đoàn kết.
Tổng số thôn trên địa bàn huyện là: 118 thôn, có 118 chi bộ thôn, các tổ chức như Ban công tác mặt trận, Chi hội Nông dân, Phụ nữ, chi hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên được thành lập ở từng thôn dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng.
HTCT ở cơ sở bao gồm ba bộ phận cấu thành: Đảng, chính quyền, Mặt trận và các ĐTND; trong đó mỗi bộ phận tồn tại với vai trò, chức năng riêng và có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo thành hệ thống. Tuy có chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động khác nhau, song các thành viên của HTCT cơ sở cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: