Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Phong trào đấu tranh đòi hoà bình, thi hành Hiệp định Genève ở
Quảng Nam – Đà Nẵng
Mở đầu phong trào là sự kiện ngày 1-8-1954, hàng ngàn phụ nữ là công nhân, tiểu thương thành phố Đà Nẵng và các vùng phụ cận kéo đến đồn Võ Tánh, là nơi tập trung khá đông thanh niên mới bị bắt đi lính, đấu tranh đòi thả chồng, con bị bắt đi lính trở về với gia đình. Số lính gác bối rối, một số chị em nhảy lên bệ trụ cờ, hô hào hạ cờ xuống. Bất thình lình một tràng đạn nổ xuất phát từ sở chỉ huy. Chị công nhân khuân vác Phùng Thị Tương, người phụ nữ xông lên kéo cờ, bị trúng đạn. Chị Đặng Thị Trợ cũng bị thương. Trước sự đàn áp dã man của kẻ thù, quần chúng vô cùng phẫn nộ. Bất chấp hiểm nguy, quần chúng hô vang những khẩu hiệu đả đảo bọn giết người, bọn tay sai bán nước. Khí thế đùng đùng của quần chúng khiến địch hoảng sợ bỏ chạy. Quần chúng làm chủ hoàn toàn đồn Võ Tánh, họ đốt tất cả bàn ghế, đốt phá kho tàng, đốt xe quân sự, giải thoát số thanh niên bị bắt. Lính gác trong đồn bỏ trốn. Suốt hai ngày 1 và 2-8-1954, nhân dân Đà Nẵng đình công, bãi thị để phản đối hành động giết người của địch. Đám tang chị Tương, chị Trợ được tổ chức chu đáo, có xe đưa tang, có vòng hoa, liễn đối… Đám tang trở thành cuộc tuần hành, thị uy của nhân dân Đà Nẵng làm kẻ thù hoảng hốt, bối rối. Để ngăn chặn, chúng tung mật vụ, gián điệp đi khắp các ngã đường tìm bắt cán bộ, đảng viên và cơ sở trung kiên của cách mạng. Đồng thời, địch thẳng tay đàn áp bằng súng, lựu đạn cay, vòi rồng… Sự phản ứng điên cuồng của địch làm một số người chết và bị thương. Cuộc đấu tranh tạm thời lắng xuống .
Ngày 1-5-1955, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, tại Đà Nẵng, công nhân và nhân dân lao động ở tất cả các khu phố tổ chức mítting, biểu tình nêu các khẩu hiệu đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi chấm dứt những hành động khủng bố và trả thù.
Ngày 20-7-1955, trong khi CQSG tổ chức kỷ niệm một năm ngày “Quốc hận” thì cuộc đấu tranh của nhân dân các đô thị QN - ĐN diễn ra sôi nổi. Ở Hội An, công nhân lao động thị xã đã kết hợp cùng nhân dân ngoại ô từng tốp tập trung về khu vực chợ Hội An. Đoàn biểu tình lên đến hàng ngàn người kéo qua các ngã đường Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu với các khẩu hiệu đòi: “Hiệp định Genève!”, “Hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà”. Sau khi diễu hành qua trụ sở cảnh sát, quần chúng đã tiến thẳng đến Tỉnh đường Quảng Nam. Các tổ chức nòng cốt mang hàng trăm bản kiến nghị trực tiếp vào cơ quan địch đấu tranh. CQSG tại đây hoảng hốt, vội vã điều lực lượng cảnh sát và quân đội đến bảo vệ Tỉnh đường và đàn áp quần chúng.
Tại Đà Nẵng, nhân dân nhiều vùng, dưới những hình thức hợp pháp như ma chay, giỗ chạp, cúng tế, hội làng, tộc họ, sinh hoạt nghề nghiệp tổ chức hội đàm, bàn tán về tổng tuyển cử, trao đổi bưu thiếp, thăm hỏi bà con giữa hai miền…
Nổi bật nhất trong thời gian này là cuộc đấu tranh ngày 21-8-1955 của nhân dân Đà Nẵng, có sự phối hợp của nhân dân Hội An, Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc,… Từ 6h sáng, các chợ Hàn, chợ Mới, chợ An Hải vắng người, nhiều cửa hiệu đóng cửa. Công nhân bến tàu, tài xế, thợ máy, xích lô đình công đòi thực hiện hiệp thương, tổng tuyển cử… làm cho mọi hoạt động của Đà Nẵng bị tê liệt. Truyền đơn, biểu ngữ được dán ở khắp các chợ, bến đò, trường học, cầu tàu; nhiều biểu ngữ còn được bà con treo chồng lên cả áp phích của địch ngay trước đồn cảnh sát Thanh Khê… đòi hiệp thương tổng tuyển cử và phản đối hành động khủng bố trả thù. Ngoài ra, tại Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, quần chúng còn lập bản kiến nghị gởi lên các cấp chính quyền địch cũng như Ủy ban Quốc tế giám sát việc thực thi Hiệp định Genève nhằm gây áp lực, đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thực hiện tổng tuyển cử. Ở Đà Nẵng ta đã tập hợp được 2.000 bản kiến nghị; ở Hội An, hàng ngàn bản kiến nghị được tập hợp; tại Tam Kỳ, nhân dân đã thu thập được hàng vạn chữ ký đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử
Cùng với phong trào đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử là phong trào chống “trưng cầu dân ý”, bầu cử quốc hội và ban hành Hiến pháp riêng rẽ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ngày 23-10-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc “trưng cầu dân ý” nhằm phế truất Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống. Từ 3h sáng, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắc loa kêu gọi đồng bào đi bỏ phiếu, tay chân Ngô Đình Diệm lùng sục từng nhà thúc ép cử tri đi bầu cử. Ở nơi đặt thùng phiếu, bọn mật vụ theo dõi, kiểm soát những ai bỏ phiếu cho Bảo Đại. Tuy vậy, dưới sự hướng dẫn của cơ sở Đảng, quần chúng nhân dân đã vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của địch và thực hiện khẩu hiệu “xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ quần” hoặc “xanh, đỏ đều bỏ giỏ” thay cho khẩu hiệu: “xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ thùng của địch. Tại Tam Xuân (Tam Kỳ), quần chúng phá cuộc “trưng cầu dân ý” bằng cách đem rắn thả vào nơi tổ chức bầu cử rồi hô hoán “rắn cắn” để quần chúng xô đẩy, bỏ chạy, không thực hiện bầu cử. Ở Đà Nẵng, Hội An, quần chúng đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau như trì hoãn, đến chậm, kéo dài cho đến hết ngày, lánh đi nơi khác, cãi vả làm mất trật tự ở nơi bỏ phiếu… Đặc biệt, nhân dân một số xã ở Hòa Vang đã đập phá thùng phiếu, tẩy chay cuộc bỏ phiếu.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: