Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC:
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CẤP XÃ Ở HUYỆN HÒA VANG ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI
GV thực hiện: THS. NGUYỄN THỊ HẢI LÊN
1.Tính cấp thiết của đề tài
Hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng,nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên,nhiều thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế: Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chuyển giao khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Nông nghiệp, nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, cấp nước…còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị còn lớn phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Vì vậy, tất yếu phải tiến hành xây dựng nông thôn mới toàn diện.
Việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang còn lúng túng, trình độ hiểu biết của người dân, năng lực quản lý, cơ chế, phương pháp triển khai thực hiện, điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn vốn đầu tư,… còn hạn chế. Trong đó, việc xây dựng HTCT vững mạnh là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, miền núi. Đối với huyện Hòa Vang, trong những năm qua, nhất là từ sau khi triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và Nghị quyết Trung ương 7(khóa XI) về xây dựng HTCT, đến nay HTCT ở các xã đã từng bước được củng cố, kiện toàn; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo động lực và góp phần tạo nên những thành quả đáng kể về phát triển kinh tế xã hội...Tuy vậy, trên tổng thể HTCT cấp xã ở huyện Hòa Vang vẫn còn những mặt yếu kém, bất cập… Trước yêu cầucủa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để huyện Hòa Vang đạt chuẩn Nông thôn mới trong thời gian đến thì việc tiếp tục xây dựng HTCT cấp xã vững mạnh phù hợp với các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là đòi hỏi bức xúc.
Xuất phát từ những yêu cầu về phát triển nông thôn mới và tình hình trên, tác giả đã chọn đề tài: “Thực trạng và giải pháp xây dựng Hệ thống chính trị cấp xã ở Huyện Hòa Vang đạt chuẩn Nông thôn mới” để nghiên cứu.
2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược, đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung nỗ lực của Nhà nước và nhân dân, giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời tạo ra tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo. Chính vì vậy, hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu dưới dạng các đề án được tất cả các địa phương trong cả nước triển khai nhằm đánh giá công nhận xã, huyện, tỉnh đạt nông thôn mới. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài tác giả tham khảo một số đề tài bài viết cụ thể như sau:
Luận văn của Ths. Bùi Nữ Hoàng Anh- ĐH Thái Nguyên“Giải pháp thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại xã Sông Công- Tỉnh Thái Nguyên” tác giả đã hệ thống hoá lý luận về nông thôn và xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu về quá trình xây dựng nông thôn mới ở nước ngoài và trong nước nhằm rút ra một số bài học cho địa bàn nghiên cứu. Đồng thời tìm hiểu, đánh giá thực trạng nông thôn tại thị xã Sông Công theo các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa bàn thị xã Sông Công.
*Căn cứ thực hiện đề tài
- Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới;
- Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
- Quyết định số 1049/QĐ-UBND, ngày 08 tháng 12 năm 2011 của UBND thành phố Đà Nẵng “Về kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Đứng dưới góc độ nghiên cứu HTCT. Thì hiện nay có rất nhiều công trình, bài báo, sách ... cụ thể như:
+ Việc khẳng định lại những giá trị, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguồn gốc và bản chất của đời sống chính trị - vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp, nhà nước và các vấn đề liên quan đến nhà nước; góp phần làm rõ mối quan hệ giữa chuyên chính và dân chủ trong thể chế nhà nước nói chung và trong thể chế chính trị ở các nước TBCN cũng như ở các nước XHCN nói riêng. Trong đó có một số công trình bàì viết tiêu biểu như: "Từ học thuyết chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác- Lênin đến đổi mới HTCT ở nước ta hiện nay", Tạp chí Triết học, số 2-1993 của tác giả Phạm Ngọc Quang; "Dân chủ- di sản văn hoá Hồ Chí Minh", Nxb Sự thật, Hà Nội, 1997 - tác giả Nguyễn Khắc Mai; "Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân", Nxb CTQG, HN, 1998- tác giả Nguyễn Đình Lộc...
+ Nghiên cứu HTCT theo cấp độ vùng, khu vực địa lý của nước ta, trong những năm qua có các công trình của: PGS, TS Tô Huy Rứa- PGS, TS Nguyễn Cúc- PGS, TS Trần Khắc Việt: “Giải pháp đổi mới hoạt động của HTCT các tỉnh miền núi nước ta hiện nay”, Nxb CTQG, Hà Nội, 2003; PGS,TS. Phạm Hảo - PGS,TS Trương Minh Dục: “Một số vấn đề về xây dựng hệ thống chính trị ở Tây Nguyên”, Nxb CTQG, Hà Nội, 2003; GS,TS Hoàng Chí Bảo: “Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay”, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004; PGS,TS Hồ Tấn Sáng: “Hệ thống chính trị ở nước ta trong thời kỳ đổi mới - những thành tựu và vấn đề đặt ra hiện nay”, Tạp chí SHLL, Số 2006...Ngoài ra còn có một số tạp chí nghiên cứu trong nước và ngoài nước đã có nhiều bài viết của nhiều tác giả phản ánh về vấn đề HTCT và đổi mới HTCT cơ sở ở nước ta.
Với tổng quan những kết quả nghiên cứu trên có thể thấy nội dung của chủ đề này đã được tiếp cận dưới nhiều góc độ và những kết quả nghiên cứu đều bổ ích cho những nghiên cứu chuyên sâu trong phạm vi từng địa phương. Tuy nhiên, việc tìm ra các giải pháp xây dựng HTCT cơ sở ở từng địa phương cụ thể đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới là vấn đề rất mới vì hiện nay các địa phương chủ yếu nghiên cứu dưới dạng các đề án tổng thể (19 tiêu chí nông thôn mới). Vì vậy, đề tài “Thực trạng và giải pháp xây dựng Hệ thống chính trị cấp xã ở Huyện Hòa Vang đạt chuẩn Nông thôn mới” được nghiên cứu là mặt mạnh về tính đổi mới của công trình nhưng cũng là một thách thức đối với tác giả khi nghiên cứu đề tài này.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
* Mục đích: Đánh giá thực trạng xây dựng Hệ thống chính trị cấp xã ở huyện Hòa Vang. Từ đó, đề xuất các giải pháp xây dựng hệ thống chính trị cấp xã huyện Hòa Vang đạt tiêu chuẩn HTCT vững mạnh.
* Nhiệm vụ:
- Hệ thống hóa những vấn đề lý luận chung về HTCT cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
- Đánh giá thực trạng xây dựng HTCT cấp xã ở huyện Hòa Vang theo tiêu chuẩn nông thôn mới.
- Đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm xây dựng HTCT cấp xã huyện Hòa Vang đạt tiêu chuẩn HTCT vững mạnh.
4.Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu: Hệ thống chính trị cấp xã ở huyện Hòa Vang.
* Phạm vi nghiên cứu:
- Đề tài tập trung phân tích thực trạng xây dựng HTCT cấp xã- huyện Hòa Vang từ năm 2010- 2012.
- Đề xuất giải pháp xây dựng HTCT cấp xã huyện Hòa Vang đạt chuẩn Nông thôn mới giai đoạn từ nay đến năm 2015.
5. Phương pháp nghiên cứu:
Đề tài sử dụngcác phương pháp nghiên cứu chuyên ngành: phương pháp logíc và lịch sử, phân tích, tổng hợp, so sánh…kết hợp với các phương pháp hỗ trợ như: trao đổi chuyên gia…
6. Đóng góp của đề tài
*Về lý luận: Góp phần làm rõ thêm một số nhận thức chung về hệ thống chính trị, hệ thống chính trị cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam.
*Về thực tiễn:
- Hỗ trợ UBND huyện Hòa Vang trong việc xây dựng đề án nông thôn mới giai đoạn từ nay đến năm 2015.
- Kết quả nghiên cứu có thể vận dụng vào giảng dạy các môn khoa học Mác-lênin, Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam.
7. Kết cấu đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, đề tài gồm có 3 chương và 9 tiết.
» Tin mới nhất: