Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
HÀNH TRÌNH ĐI TÌM TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
Thạc sỹ Trần Hồng Phong
Trưởng khoa Lý luận chính trị Đại học Duy tân.
Triết lý giáo dục là gì? Vai trò của triết lý giáo dục đối vợi sự nghiệp giáo dục? Việt nam đã có triết lý giáo dục hay chưa? Nếu có thì hiện nay cần bổ sung phát triển như thế nào? Sự cần thiết cấp bách của việc xây dựng một triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại làm cơ sở cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Khoảng mười năm trở lại đây những vấn đề nêu trên đã được nhiều hội thảo khoa học quy mô khác nhau trên cả nước thực hiện. Nhiều nhà giáo ,nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài nước đã công bố các bài viết,các ý kiến của mình về triết lý giáo dục. Có ý kiến cùng chiều,cũng có ý kiến trái chiều thậm chí đối lập gay gắt. Để rộng đường dư luận thu hút thêm sự quan tâm của đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp trẻ tuổi ,Tác giả xin giới thiệu những nội dung cơ bản của các chủ đề đã nêu trên.
I.Triết lý giáo dục là gì?
- Triết lý giáo dục hiểu theo nghĩa hẹp là lý luận triết học về giáo dục, nghiên cứu những quy luật chung nhất của giáo dục, hay nói cách khác là một môn học nêu ra chủ trương tổng quát và có hệ thống lý luận triết học về giáo dục.Khái niệm triết lý giáo dục hiểu theo nghĩa rộng, đó là quan điểm, chủ trương, phương hướng giáo dục phù hợp với thực trạng kinh tế, chế độ chính trị, đời sống xã hội và trình độ văn hoá của thời đại đó.
Về hình thức triết lý giáo dục được thể hiện cô đọng trong một vài câu, thậm chí một vài từ rất dễ hiểu,dễ nhớ và dễ thực hành theo. “Trí, Đức, Thể, Mỹ” một thời được sử dụng rộng rãi. Có thể coi đây là một triết lý giáo dục theo đúng nghĩa của khái niệm này.
Triết lý giáo dục được UNESCO công bố năm 1996, do 13 nhà cải cách giáo dục được lựa chọn trên toàn thế giới cùng xây dựng, nêu ra “bốn cột trụ của giáo dục đi vào thế kỷ 21” gồm các nội dung cơ bản như sau:
1) Phải coi giáo dục là một then chốt hàng đầu trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống xã hội.
2) Học, học mãi, học suốt đời.
3) Giáo dục có bốn cái trụ là: học để biết - học để làm - học để chung sống - học để tồn tại.
Phân loại triết lý giáo dục:
Phân theo thời gian có triết lý giáo dục cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.
Phân theo không gian có triết lý giáo dục của thế giới ( triết lý giáo dục của Unesco) triết lý giáo dục của mỗi nước, triết lý giáo dục của mỗi trường.Trong quá trình phát triển Đại học Duy Tân xác định triết lý giáo dục hiện đại và toàn diện của trường là: “Đào tạo gắn liền với nghiên cứu thực nghiệm lấy nhân văn làm nền tảng”. Đây là “kim chỉ nam” cho toàn bộ các quyết định của lãnh đạo, là định hướng cho mọi hoạt động của toàn trường cũng như của từng cán bộ, giảng viên, chuyên viên, nhân viên, sinh viên và học sinh trong trường.(1)
Phân theo nội dung có triết lý giáo dục xã hội (giáo dục tinh thần trách nhiệm xã hội)
Triết lý giáo dục nhân văn (gồm cả giáo dục đạo làm người – hạt nhân của triết lý nhân sinh)
Triết lý giáo dục tự nhiên,
Triết lý giáo dục kỹ thuật tổng hợp.
Triết lý giáo dục hành dụng ( học đi đôi với hành)
Triết lý giáo dục toàn diện ( trí, đức, thể, mỹ)
Triết lý giáo dục học suốt đời .
Phân theo giai cấp qua các thời đại,có triết lý giáo dục của các giai cấp thống trị như:triết lý giáo dục của chủ nô, triết lý giáo dục phong kiến, triết lý giáo dục tư sản và triết lý giáo dục của giai cấp công nhân - triết lý giáo dục xã hội chủ nghĩa.
II. Việt nam đã có triết lý giáo dục hay chưa?
Qua nhiều hội thảo về triết lý giáo dục, nhiều ý kiến của các nhà giáo, nhà nghiên cứu có tên tuổi và uy tín đều khẳng định rằng nền giáo dục Việt Nam từ trong truyền thống và hiện đại đều đã có triết lý giáo dục. Triết lý đó được thể hiện, diễn giải một cách tự nhiên, giản dị mà ai cũng biết, cũng nhớ: “Không thày đố mày làm nên”; “Muốn sang thời bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thày”. “Tiên học lễ, hậu học văn”; “Học phải đi đôi với hành”; “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”; “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Có thể khẳng định chắc chắn rằng: ông cha ta đã từng có triết lý giáo dục, trong thực tiễn cũng đã có triết lý giáo dục, Bác Hồ đã từng nói về triết lý giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa biết tích hợp những di sản triết lý, trong truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng; chưa tiếp cận một cách đầy đủ, hệ thống những tinh hoa triết lý giáo dục của thế giới để tích hợp lại, bổ sung, phát triển, hoàn thiện thành triết lý giáo dục của Việt Nam. Đáng chú ý, lâu nay chúng ta chưa biết cách vận dụng, truyền bá triết lý giáo dục vào trong quan hệ thầy, trò, cộng đồng xã hội. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh điều đó, thời phong kiến, Việt Nam tiếp thu phương thức giáo dục của Trung Quốc (cũng theo Tam giáo, nhưng Nho giáo được đề cao hơn Phật giáo và Đạo giáo). Nền giáo dục đó đã đào tạo nên một tầng lớp trí thức quan lại phục vụ xã hội phong kiến . Tuy nhiên, nền giáo dục đó chỉ phù hợp với xã hội phong kiến,
học để làm quan, một người làm quan cả họ được nhờ. Lấy kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc làm cơ sở, coi trọng kẻ sỹ (sỹ- nông- công- thương)
Thực dân Pháp sang thống trị, đã cải biến nền kinh tế phong kiến thành nền kinh tế thuộc địa, nửa phong kiến. Những cuộc cải cách giáo dục của thực dân ban đầu bị tầng lớp sĩ phu Nho giáo kịch liệt phản đối. Nhưng sau đó, một số sĩ phu tiến bộ đã nhận thấy muốn khôi phục lại nền độc lập dân tộc thì phải mở mang dân trí, do đó các phong trào Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục, Văn hoá mới, Truyền bá chữ quốc ngữ... đã diễn ra ngày càng sôi nổi. Đi liền với phong trào mở mang dân trí là phong trào chấn hưng công nghệ dân tộc.
Sau khi nước nhà giành được độc lập, chúng ta đã có một nền giáo dục dân chủ nhân dân, với phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng”.
Nền giáo dục đó đã cung cấp một đội ngũ thầy giáo xuất sắc như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giàu, Đặng Thái Mai, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, và một đội ngũ trí thức trẻ được đào tạo từ các trường Đại Học Y Dược, Sư phạm cao cấp, đã đóng góp một nguồn nhân lực quan trọng có trình độ văn hoá cho công cuộc kháng chiến kiến quốc lúc bấy giờ.
Sau năm 1954, một số lượng khá đông trí thức được đào tạo từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc và Đông Âu) trở về nước, đã mang theo mô hình giáo dục XHCN về áp dụng ở nước ta. Nền giáo dục XHCN hay “triết lý giáo dục” XHCN đó đã cung cấp một đội ngũ trí thức đông đảo đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Bước vào thời kỳ “đổi mới”, nền giáo dục của chúng ta đã không theo kịp thời đại.Vì thế, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đã không kiếm được việc làm, vì không đáp ứng được tay nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường. Cho nên phải xây dựng một “triết lý giáo dục” mới, không còn là “triết lý giáo dục” xã hội chủ nghĩa nữa, nhưng cũng không thể quay lại áp dụng “triết lý giáo dục” tư bản chủ nghĩa một cách máy móc. Triết lý này để cho sinh viên hội nhập được với thế giới, đáp ứng được với kinh tế thị trường, nhưng vẫn giữ được định hướng XHCN
III Vai trò và sự cần thiết cấp bách phải xây dựng và truyền bá triết lý giáo dục Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ những vấn đề cơ bản về giáo dục và đào tạo như: Chỉ rõ vị trí, vai trò giáo dục và đào tạo: Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.
Đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao và coi đây là một trong ba đột phá chiến lước nhằm khắc phục ba điểm nghẽn của phát triển.
Để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một mặt phải học tập nghiên cứu cụ thể hoá nghị quyết bằng luật, bằng chính sách, bằng đề án và chương trình hành động cụ thể . Mặt khác phải coi trọng việc xây dựng và truyền bá triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại. Coi đây là một nhiệm vụ khoa học cấp bách của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, của các nhà trường .
a. Phải xây dựng cho được một triết lý giáo dục mới làm cơ sở cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Đó là ý kiến của Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận, và là ý kiến của nhiều nhà giáo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu giáo dục.
Triết lý giáo dục mà chúng ta đang xây dựng là triết lý giáo dục của thời kỳ
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Không thể máy móc vận dụng triết lý giáo dục xã hội chủ nghĩa hay triết lý giáo dục tư bản chủ nghĩa. Triết lý giáo dục này nhằm đào tạo ra người sinh viên hội nhập được với thế giới, đáp ứng được với kinh tế thị trường, nhưng lại giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa..
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú(2) ông cha ta đã từng có triết lý giáo dục, trong thực tiễn cũng đã có triết lý giáo dục, Bác Hồ đã từng nói về triết lý giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa biết tích hợp những di sản triết lý, trong truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng; chưa tiếp cận một cách đầy đủ, hệ thống những tinh hoa triết lý giáo dục của thế giới để tích hợp lại, bổ sung, phát triển, hoàn thiện thành triết lý giáo dục của Việt Nam. Đáng chú ý, lâu nay chúng ta chưa biết cách vận dụng, truyền bá triết lý giáo dục vào trong quan hệ thầy, trò, cộng đồng xã hội.Trong quá trình triển khai sắp tới, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch các chương trình đề án cụ thể, chiến lược giáo dục Việt Nam 2011 - 2020 cần hình thành được một triết lý giáo dục và truyền bá sâu rộng triết lý giáo dục trong thầy, trò, cộng đồng xã hội, coi đây là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong chiến lược đổi mới giáo dục trong 10 năm tới đồng chí nhấn mạnh. Vậy có cần không một triết lý giáo dục Việt Nam? Mặc dù còn có nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng nhìn tổng thể thì chúng ta rất cần một triết lý giáo dục. Vì bên cạnh chính sách, đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước về giáo dục là chính thống, là cơ sở để nhà nước cụ thể hóa thành chiến lược, thành chính sách, thì còn có một cái không phải là chính thống nhưng lại đầy sức sống, nó phản ánh bản sắc của dân tộc, đó chính là triết lý giáo dục. Triết lý chính là tinh túy trong tư duy của một đội ngũ về một lĩnh vực, về sự phát triển của đất nước. Nó dễ dàng đi vào trái tim, khối óc của cộng đồng dân tộc và trở thành ngọn đuốc cho ứng xử, thể hiện thái độ trách nhiệm của xã hội về giáo dục
Đề cập những nội dung trên, GS. Hoàng Tụy (Viện Toán học) ngay từ rất sớm đã có câu nói khá nổi tiếng: “Chúng ta không chỉ đang lạc hậu, mà đang lạc hướng! Lạc hướng chính là lạc hướng về triết lý giáo dục”. Theo ông, “trước hết phải đặt ra yêu cầu giáo dục và đào tạo ra con người hiện đại, có thể sống được trong thời hiện đại này, đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa đất nước, thành công trong hội nhập quốc tế. Nên rà soát lại để dứt khoát từ bỏ đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động hơn là biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm”.
Tiến sỹ- Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, lại rất thẳng thắn: “Soi thực tiễn Việt Nam vào triết lý giáo dục của thế giới, chúng ta hình như đang đi ngược chiều với mọi triết lý giáo dục hiện đại. Không thể nấn ná, đã đến lúc phải chấn hưng nền giáo dục Việt Nam. Ít ra, trong vòng 10 năm nay trên rất nhiều diễn đàn, các nhà giáo dục đã lên tiếng đòi hỏi ngành giáo dục - đào tạo phải khẳng định triết lý giáo dục của Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập là như thế nào.
Nói nhẹ nhàng, dễ hiểu như Tiến sỹ- Ngô Tự Lập - khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà nội, là: “Chúng ta muốn dạy con mình thành người như thế nào?”. Và, câu hỏi đã được các nhà nghiên cứu giáo dục đặt ra là: phải chăng vì không có triết lý rõ ràng - trong khi bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước đã đổi thay - nên chưa bao giờ nền giáo dục của chúng ta lại lúng túng như thế này?
. Nhà văn Nguyên Ngọc đã phân tích rất cụ thể hiệu ứng của vấn đề: “Triết lý giáo dục chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục, từ nội dung giáo dục, phương châm giáo dục, phương pháp giáo dục, tổ chức giáo dục, ảnh hưởng quyết định đến tất cả các cấp của nền giáo dục, từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, trên đại học. Kiểu triết lý giáo dục nào đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức giáo dục đó.”
GS. Nguyễn Hùng Hậu (Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) kêu gọi: cần có một triết lý giáo dục đi trước mở đường, chứ không thể xây dựng chiến lược theo kiểu “dò đá qua sông”.
Nguyên Phó chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Bình: “Mục tiêu đào tạo con người giờ khác trước rồi, không thể nói chung chung mà phải nói đến con người có nhân cách đạo đức, có phương pháp tư duy, con người của năng lực, hành động”
.Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chú: Đồng ý là chúng ta phải ra sức tìm kiếm để có triết lý giáo dục Việt Nam với hôm nay và mai sau sao cho tối ưu. Nhưng song song với vấn đề xây dựng triết lý giáo dục, rất cần đặt vấn đề khoa học xã hội và nhân văn cho xứng đáng. Có thể khẳng định rằng vấn đề khoa học xã hội và nhân văn còn quan trọng hơn, cần thiết hơn cả vấn đề triết lý. Với nền giáo dục hiện thời của đất nước, muốn tiến lên vững chắc nhất thiết phải có một nền tảng khoa học xã hội và nhân văn vững chắc hơn những gì đang có. Trong giáo dục, có thể coi khoa học tự nhiên và công nghệ là động lực chính nhưng khoa học xã hội và nhân văn mới là nền tảng.
b. Ý kiến trái chiều.
Tuyệt đại đa số ý kiến các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà giáo tán thành chủ trương xây dựng triết lý giáo dục mới, hiện đại soi đường cho nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên cũng có ý kiến trái chiều cho rằng chất lượng giáo dục của một trường đại học, một nền giáo dục của một quốc gia phụ thuộc nhiều yếu tố ví dụ trường Đại học Harvard. Cái quyết định đến đẳng cấp của trường này, phải là chất lượng của đội ngũ giáo sư và sinh viên, cơ sở vật chất, văn hóa, truyền thống học thuật và rất quan trọng là cách thức tổ chức và cơ chế vận hành nhà trường, chứ không phải chỉ là triết lý giáo dục của trường đó. Ở Việt Nam hiện nay nếu xây dựng được triết lý giáo dục đúng đắn phù hợp rồi truyền bá khắp mọi nơi cũng chưa hẳn đã đẩy được nền giáo dục đi lên vượt qua khủng hoảng.
IV. Các phương pháp tiếp cận triết lý giáo dục.
Để xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại, có nhiều phương pháp tiếp cận rất phong phú có cách tiếp cận theo chiều sâu lịch sử, có cách tiếp cận xu thế của thời đại và xu hướng của thế giới, có cách tiếp cận từ nhu cầu bức xúc từ thực tiễn của cuộc sống, và có cách tiếp cận tích hợp tinh hoa dân tộc và thời đại .Có lẽ để xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam hiện đai phương pháp hợp lý nhất là phương pháp tích hợp những tinh hoa trong triết lý giáo dục của dân tộc, của cách mạng, tinh hoa triết lý giáo dục của thế giới, tích hợp lại, bổ sung, phát triển, hoàn thiện thành triết lý giáo dục của Việt Nam. Đáng chú ý, lâu nay chúng ta chưa biết cách vận dụng, truyền bá triết lý giáo dục vào trong quan hệ thầy, trò, cộng đồng xã hội .
(1) Lê Công Cơ chủ tịch HĐQT- quyền Hiệu trưởng Trưởng Đại Học Duy Tân
(2) Giáo sư- Tiến sỹ Phùng Hữu Phú phó chủ tịch hội đồng lý luận trung ương.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: