Địa chỉ : P.203 - K7/25 Quang Trung - Đà Nẵng
Điện thoại : 05113 827 111 ( 203)
Lịch sử là một dòng chảy bất tận từ quá khứ đến tương lai. Trong dòng chảy đó, thời đại văn hóa Phục hưng như một điểm nhấn, một bước ngoặt và có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của văn hóa phương Tây, qua đó, nó tác động đến diện mạo phần còn lại của thế giới. Bước qua cánh cửa hẹp “đen tối” của Đêm trường Trung cổ, văn hóa Phục hưng đã mang lại những giá trị tinh thần to lớn và góp công xây dựng những tiền đề cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản sau này. Bằng lưỡi gươm chính trị và gông cùm của thần quyền và thế quyền trong thời kỳ Trung cổ, thân phận con người đã trở nên nhỏ bé, và nó như được cởi trói bằng chủ nghĩa nhân văn Phục hưng mà N.Machiavelli là người đã có những đóng góp quan trọng, trước hết đó là nghệ thuật trị nước.
Khi nhắc tới N. Machiavelli người ta thường biết đến ông với tư cách là nhà triết học, văn học, sử học và quan trọng hơn là một chính trị gia nổi tiếng của Italia thời Phục hưng. Những tư tưởng của N.Machiavelli được thể hiện rõ trong các tác phẩm như Quân vương (1513), Những bài thuyết giảng (1513), Về nghệ thuật quân sự (1520), trong đó Quân Vương trở thành tên gọi căm thù nhất đối với giới chức sắc tôn giáo trong nhiều thế kỷ.
Ngoài phần đề tặng, tác phẩm có 26 chủ đề.
1. CÁC HÌNH THỨC QUỐC GIA VÀ PHƯƠNG THỨC HÌNH THÀNH
Nội dung này tác giả khái lược một cách ngắn gọn các chế độ chủ yếu trong xã hội: “Các chính thể xưa nay giữ vai trò thống trị tại tất cả các quốc gia, lãnh thổ đều là chế độ cộng hòa hoặc chế độ quân chủ. Chế độ quân chủ gồm chế độ thế tập, là chế độ mà quyền cai trị được truyền trong dòng họ hoàng gia từ đời này sang đời khác và chế độ quân chủ mới” [tr. 35]
2. CÁC QUỐC GIA QUÂN CHỦ THẾ TẬP
Tác chỉ ra thuận lợi của nền quân chủ thế tập: “nền quân chủ thế tập thuộc quyền cai trị của một dòng họ thì dễ bảo toàn hơn nhiều so với các nền quân chủ mới; bởi vì khi đó, quân vương nối ngôi chỉ cần không phá bỏ những tập tục lâu đời và biết điều chỉnh hành vi của mình trước những biến cố bất ngờ. Cứ như thế, một quân vương, với năng lực bình thường, luôn có thể duy trì đất nước của mình trừ khi có một thế lực đặc biệt và bất thường phế truất ông ta” [tr. 37-38], đồng thời chỉ ra những hạn chế của chế độ thế tập khi làm thui chột đi mọi sáng tạo, đồng thời khẳng định mọi sự phát triển kể cả trong lĩnh vực nhà nước đều có sự kế thừa: “dưới sự cai trị lâu đời và liên tục đó, những động cơ cho sự sáng tạo và cải cách đều lụi tàn, vì cái mới thường phải xây lên từ khoảng trống mà cái cũ để lại” [tr. 38].
3. CÁC QUỐC GIA QUÂN CHỦ MANG TÍNH HỖN HỢP
Các quốc gia quân chủ mang tính hỗn hợp. Theo tác giả thì quốc gia mang tính hỗn hợp là kết quả của sự sáp nhập của hai quốc gia, hỗn hợp theo nghĩa khi hai vương quốc được hợp lại làm một là kết quả của sự hỗn hợp, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, luật lệ và thuế khóa. Từ đây tác giả chỉ ra các phương thức trị vì hiệu quả: thứ nhất “Cho dù có quân đội hùng mạnh nhất, sự ủng hộ của dân bản xứ vẫn luôn là điều cần thiết để chiếm giữ một vùng đất” [tr. 40]; thứ hai: “Con người thường sinh sống một cách hiền hòa miễn là cách sống quen thuộc không bị đảo lộn, tập tục không bị thay đổi… thứ nhất, phải tuyệt diệt hoàng tộc cũ ; và thứ hai, không nên thay đổi luật lệ và thuế khóa. Được vậy, các vùng đất mới sẽ nhanh chóng hợp nhất vào chính quốc.” [tr. 42]; thứ ba, người chinh phục phải đích thân tới vùng đất vừa chiếm được để sinh sống và kiểm soát bọn quan lại: “Bởi vì, chỉ khi mà người chinh phục sống ngay tại nơi đó thì mới có thể phát hiện vấn đề từ trong trứng nước và nhanh chóng tìm ra biện pháp giải quyết. Không sống ở đó, các bậc quân vương chỉ có thể biết được tình hình sau khi vấn đề đã trở nên trầm trọng và khi ấy thì vô phương cứu chữa. Hơn nữa, không nên để bọn quan lại cướp bóc vùng đất vừa chiếm được bởi dân chúng mong muốn được trông cậy trực tiếp vào nhà vua của mình.” [19, tr. 43]; thứ tư, được cân nhắc trên những phí tổn kinh tế trong quá trình duy trì quân sự và nguy cơ thường trực bởi kẻ chống đối mặc dù bị khuất phục nhưng họ vẫn sống dưới mái nhà của mình cho nên “Tôi muốn kết luận rằng, hình thức di dân chính quốc tới sinh sống tại các thuộc địa không tốn kém, còn đám dân này trung thành hơn và ít gây phiền nhiễu hơn. Và những kẻ bị tổn hại, như tôi đã nói, không thể là mối đe dọa do chúng nghèo hèn và phân tán.” [tr. 44]
Tại sao đế chế Ba Tư của vua Darius không nổi loạn chống lại những người kế vị Alexander đại đế. Khi nghiên cứu về đế chế Thổ Nhĩ Kỳ, đế chế Ba Tư, đế chế ở Pháp ở Tây Ban Nha, Hy Lạp tác giả đã rút ra ba kết luận, thứ nhất, đối với các đế chế là một khối thống nhất trọn vẹn, người tấn công phải dựa vào sức mình nhiều hơn là trông đợi sự mất đoàn kết của đối phương. Thứ hai, đối với một đế chế đạt được sự thống nhất thì rất khó tấn công và chiến thắng nhưng tấn công được thì rất dễ bề cai trị. Thứ ba, đối với các đế chế không phải là một khối thống nhất trọn vẹn thì rất dễ tấn công giành chiến thắng nhưng việc trị vì rất khó khăn bởi các quốc gia này bị chia nhỏ thành nhiều lãnh địa.
4. TẠI SAO ĐẾ CHẾ BA TƯ CỦA VUA DARIUS KHÔNG NỔI LOẠN CHỐNG LẠI NHỮNG NGƯỜI KẾ VỊ ALEXANDER ĐẠI ĐẾ
5. PHƯƠNG THỨC CAI TRỊ NHỮNG VƯƠNG QUỐC, THÀNH BANG ĐÃ TỪNG CÓ CHỦ QUYỀN
Phương thức cai trị những vương quốc, thành bang đã từng có chủ quyền. Khi khảo cứu về phương thức trị ở các thành bang này tác giả đi vào làm rõ vai trò truyền thống có sức mạnh ghê gớm khi nó thâm nhập vào quần chúng nhân dân “Cai trị một thành phố đã từng có tự do mà không làm như vậy thì rất dễ bị chính thành phố này lật đổ. Trong những thành phố như vậy, luôn có nơi trú ẩn cho tinh thần tự do và những thể chế truyền thống, những điều chưa từng bị lãng quên cho dù bởi thời gian hay lợi lộc… Ký ức về thời kỳ tự do trước đây khiến họ không thể bị khuất phục.” [19, tr. 60]. Từ đây tác giả đề xuất ba phương thức trị vì: “thứ nhất là xóa bỏ toàn bộ; thứ hai là phải thân hành tới sống ở đó, thứ ba là cho phép cư dân xứ này sinh sống với những luật lệ riêng của họ, buộc họ cống nạp và dựng lên ở đó một chính quyền gồm một nhóm người và chính những người này sẽ đảm bảo duy trì sự thân thiện của đất nước họ đối với ngài.” [tr. 59]
6. NHỮNG VƯƠNG QUỐC MỚI GIÀNH ĐƯỢC BẰNG BINH LỰC VÀ TÀI TRÍ CỦA BẢN THÂN
Một mặt, ông chủ trương sử dụng bạo lực như là điều kiện để đảm bảo chiến thắng: “Thực tế cho thấy, tất cả những người nhìn xa trông rộng mà vùng vũ lực thì điều chiến thắng. Nếu như họ không dùng vũ lực thì hẳn đã bị thất bại.” [tr. 66], mặt khác, như một phương thức thiết lập và cũng cố niềm tin vào chính quyền “Thuyết phục thì dễ nhưng duy trì niềm tin mới là điều khó. Bởi vậy, cần phải đảm bảo rằng khi người ta không còn tin nữa thì phải dùng vũ lực buộc người ta phải tin”.
7. CÁC VƯƠNG QUỐC GIÀNH ĐƯỢC BẰNG BINH LỰC CỦA NGƯỜI KHÁC VÀ VẬN MAY CỦA BẢN THÂN
Tác giả đã chỉ ra những điều thiết yếu để quân vương giữ được ngôi báu: “biết tự bảo vệ trước kẻ thù; tăng thêm đồng minh; chinh phạt bằng vũ lực hoặc bằng thủ đoạn; khiến dân chúng mến phục và sợ uy quyền, làm cho binh lính tôn trọng và tuân phục, trừ khử tất cả những kẻ có thể hoặc có khả năng gây nguy hại, thay thế những thể chế cũ bằng những thể chế mới, nghiêm khắc và độ lượng, cao thượng và hào phóng; giải tán những đội quân thiếu trung thành và tuyển chọn những đội quân mới, duy trì sự thân thiện của các bậc vương hầu theo cách khiến họ phải vui lòng giúp đỡ hoặc không thể tự do gây hại cho quân vương.
8. NHỮNG NGƯỜI TRỞ THÀNH QUÂN VƯƠNG BẰNG TỘI ÁC
Từ những nhân vật lịch sử cụ thể, tác giả khẳng định quan điểm của mình về một quân vương: “Không thể gọi là tài trí khi tàn sát đồng bào của mình, phản bội bạn bè, phản trắc, không biết xót thương và vô thần. Bằng những phương cách này, người ta có thể đạt được quyền lực chứ không thể có vinh quang.” [tr. 83].
Việc sử dụng bạo lực có được xem là tàn bạo hay không điều đó phụ thuộc vào việc sử dụng bạo lực có đúng cách hay không, thước đo của vấn đề theo lập luận của tác giả: “Sử dụng đúng cách là những sự tàn bạo (nếu có thể nói đến sự đúng cách trong tội ác) được thực hiện một lần chỉ để nhằm tự vệ. Sự tàn bạo này không lặp lại mà phải biến thành những lợi ích to lớn cho thần dân. Sử dụng không đúng cách là những tàn bạo ban đầu chỉ nhỏ bé nhưng dần dần lớn lên chứ không mất đi” [tr. 86]
9. CÁC QUỐC VƯƠNG DÂN SỰ.
Bằng việc phân tích tương quan lực lượng, mâu thuẫn của các giai cấp, giai tầng trong xã hội: “Có hai khuynh hướng đan xen trong mọi thể chế chính trị. Dân chúng không muốn bị giới quý tộc cai trị và hà hiếp trong khi giới quý tộc thì lại muốn cai trị và đè nén dân chúng” [tr. 88] để xác định tính chất của các vương quốc chủ trương thân dân hay chủ trương thân qúy tộc. Trong quan điểm của tác giả một lần nữa khẳng định vai trò của nhân dân đối với sự tồn tại của một vương quốc: “quân vương nào được dân chúng tôn lên ngôi vua sẽ có địa vị độc tôn và hầu như chẳng có kẻ nào dám chống lệnh ông… Hơn nữa, một quân vương không bao giờ an toàn khi bị dân chúng căm thù bởi vì đây là một lực lượng vô cùng đông đảo”. [19, tr. 90-91]
10. ĐÁNH GIÁ SỨC MẠNH CỦA CÁC VƯƠNG QUỐC.
Tác giả nhấn mạnh hai yếu tố đó là vai trò của thành trì, pháo đài, lương thực, thực phẩm và sự đồng thuận của nhân dân: “Thật chẳng dễ dàng gì khi tấn công một quân vương có thành trì được gia cố vững vàng và không bị thần dân thù ghét”
11. CÁC VƯƠNG QUỐC THUỘC GIÁO HỘI.
Theo tác giả các vương quốc này là những thể chế duy nhất được an toàn và hạnh phúc: “Các vương quốc này tồn tại bằng những thể chế tôn giáo cổ xưa. Những thể chế này có sức mạnh siêu phàm đến mức có thể đảm bảo quyền lực cho các quân vương cho dù họ có hành xử thế nào đi nữa.
12. CÁC LOẠI QUÂN ĐỘI VÀ LÍNH ĐÁNH THUÊ
13. QUÂN ĐỘI QUỐC GIA, NGOẠI BINH VÀ QUÂN HỖN HỢP Tác giả bàn đến những nền móng vững chắc của tất cả các vương quốc là quân đội hùng mạnh và pháp luật nghiêm minh: “Bởi vì ở đâu không có quân đội hùng mạnh sẽ chẳng thể có luật pháp nghiêm minh và nơi nào có quân đội mạnh thì tất phải có luật pháp nghiêm minh”. Đi vào phân tích về quân đội tác giả chỉ ra những hạn chế của quân đội khi xây dựng trên nền tảng lính đánh thuê: “Lính đánh thuê và ngoại binh thường vô dụng và rất nguy hiểm. Nếu một quân vương bảo vệ đất nước bằng quân đánh thuê thì không bao giờ có được sự an toàn và ổn định. Bọn chúng là những kẻ thiếu đoàn kết, tham lam, vô kỷ luật và không trung thành. Chúng hùng hổ trước bạn hữu nhưng lại hèn nhát trước kẻ thù. Chúng không kính sợ Chúa và cũng chẳng trung thành với ai. Sự sụp đổ của ngài chẳng qua là được trì hoãn lại cho đến khi những cuộc tấn công xảy ra… Chúng không có tình cảm hay động lực nào để chiến đấu ngoài đồng lương ít ỏi không đủ để hy sinh vì ngài. Chúng thích là lính khi không có chiến tranh nhưng khi chiến tranh đến, chúng tháo chạy hoặc đào ngũ.” [tr. 105]. Đối với Machiavelli quân đội của một vương quốc phải được tổ chức và bảo đảm xây dựng trên các nguyên tắc sau: quân đội phải được đặt dưới sự chỉ huy của một quân vương; quốc vương phải đích thân nắm quyền tổng chỉ huy; quân đội phải được tổ chức từ những công dân của chính mình, bởi vì quân đội là công dân của mình sẽ khó bị quân đội tiếm quyền hơn so với khi được bảo vệ bằng lính nước ngoài; quân đội phải được kiểm soát bằng pháp luật, bởi chỉ huy là những người có năng lực “anh ta phải được kiềm chế bằng pháp luật sao cho anh ta không làm gì vượt quá quyền hạn của mình.”. [tr. 107]
14. QUÂN VƯƠNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ QUÂN SỰ
Phẩm chất của một quân vương trong lĩnh vực quân sự được tác giả xem xét trên cơ sở phân tích tâm lý trong quá trình hợp tác “chẳng có lý do gì để một người có vũ khí tự nguyện tuân lệnh kẻ tay không và làm sao một người không được vũ trang lại có thể an toàn giữa đám tùy tùng vũ khí đầy mình. Khi người có vũ khí bị nghi ngờ, còn người không có vũ khí lại có thái độ khinh miệt thì họ làm sao có thể cùng hợp tác với nhau được” [tr. 120]. Để từ đó đặt ra các yêu cầu đối với phẩm chất của một quân vương: “Quân vương phải nắm được đặc tính các loại địa hình, phải nhớ được các sườn núi, thung lũng, đồng bằng, các dòng sông và đầm lầy, và phải bỏ phần lớn thời gian của mình để tìm hiểu những điều này… cần nghiên cứu lịch sử và học hỏi các chiến công của những người vĩ đại; quân vương cần lưu tâm đến cách họ tiến hành chiến tranh, đặt ra câu hỏi về nguyên nhân của thắng lợi và thất bại để tránh thất bại và tìm chiến thắng cho chính mình.” [tr. 120-122] Những phẩm chất đó giúp quân vương hiểu về đất nước của mình và tìm ra cách để bảo vệ nó, đồng thời là cơ sở để được binh sĩ tôn trọng.
15. SỰ NGỢI CA VÀ PHÊ PHÁN ĐỐI VỚI QUÂN VƯƠNG
Quan điểm của tác giả là tìm tòi về bản chất của một vấn đề thì phù hợp hơn là việc tưởng tượng ra vấn đề đó. Vì vậy, khi bàn về các phẩm chất của một quân vương được xem xét trong những mặt đối lập của các phẩm chất: “hào phóng, còn kẻ khác là keo kiệt; người này biết cho, kẻ khác chỉ biết nhận; người này bao dung, kẻ khác lại tàn bạo, người thì tận trung, kẻ thì bất trung; người thì táo bạo dũng cảm, kẻ thì nhu nhược hèn nhát, người thì điềm đạm, kẻ thì ngạo mạn; người thì thanh tịnh, kẻ thì dâm ô; người thì chân thành, kẻ thì xảo trá; người thì sùng đạo, kẻ thì vô thần”.
Cũng từ quan điểm tìm tòi về bản chất của một vấn đề nên trên thực tế tác giả đã thấy được sự khác biệt ghê gớm mà không phải nhà tư tưởng nào cũng dám thừa nhận: “Có khoảng cách giữa cách sống trên thực tế và cách mà người ta phải sống. Người nào từ bỏ những gì đáng lẽ đã làm trên thực tế để thực hiện những gì phải làm thì sẽ bị diệt vong chứ không phải là được bảo toàn, bởi vì người mà lúc nào cũng muốn sống tốt sẽ bị tiêu vong giữa biết bao kẻ xấu. Bởi vậy, quân vương nào muốn bảo vệ địa vị của mình thì cần học cách gác lòng tốt sang một bên, và có vận dụng điều đó hay không thì còn tùy theo thời thế.” [tr. 123-124]
16. HÀO PHÓNG VÀ KEO KIỆT
Là một phẩm chất của quân vương hào phóng biểu hiện thông qua bằng sự xa hoa, lãng phí và để lại hậu quả rất lớn cho sự an nguy của vương quốc và quân vương bởi vì không một sự xa hoa nào lại không dẫn đến “đè nặng dân chúng bằng những khoản thuế chồng chất, và không việc gì để thu được tiền bạc. Điều đó bắt đầu khiến ông bị thần dân ghét bỏ, và khi trở nên khánh kiệt, ông sẽ chẳng được ai kính trọng” [tr. 126]. Thực hiện phẩm chất này ông chủ trương nếu không có những thói xấu này thì việc giữ được vương quốc có thể sẽ khó khăn “Người khôn ngoan nên sống với cái tiếng là kẻ keo kiệt, bị chỉ trích nhưng không bị căm ghét, còn hơn là chuốc lấy cái tiếng tham tàn, đem lại cả sự chỉ trích lẫn căm ghét, chỉ vì muốn được coi là người hào phóng.” [tr. 129]
17. TÀN BẠO VÀ BAO DUNG LÀM CHO DÂN YÊU HAY LÀM CHO DÂN SỢ
Khi bàn đến phẩm chất này xuất phát điểm của tác giả là căn cứ vào mục đích, mục đích duy trì quyền lực và sự hưng thịnh cho đại đa số: “không việc gì phải bận tâm đến lời chỉ trích về sự tàn bạo nếu điều đó khiến các thần dân của ông đoàn kết và trung thành; bởi dù chỉ ít lần tàn bạo, ông sẽ là người nhân đạo hơn kẻ có lòng bao dung quá đáng đã để xảy ra hỗn loạn, nguyên nhân của những vụ cướp bóc và giết chóc. Mà những hỗn loạn đó thì làm hại cả cộng đồng rộng lớn trong khi những vụ hành quyết của quân vương chỉ làm hại một số cá nhân nhất định mà thôi.” [tr. 130]
Trả lời cho câu hỏi được đặt ra là nên làm cho dân yêu hay dân sợ? Ông chủ trương làm cho dân sợ, bởi theo ông: “Được yêu là lạc thú của con người, còn được dân sợ là lạc thú của bậc quân vương. Quân vương khôn ngoan cần xây nền tảng của mình trên những gì thuộc về ông chứ không phải trên những gì thuộc về người khác. Ông chỉ phải tránh không bị thù ghét mà thôi.” [tr. 135]
18. CHỮ TÍN CỦA QUÂN VƯƠNG
Chữ tín của quân vương được tác giả xem xét trong mối tương quan với mục đích và điều kiện thực hiện. Bởi theo ông không có ai phán xử công bằng hành động của con người, nhất là của bậc quân vương nên chỉ kết quả cuối cùng mới là đáng phải quan tâm đến: “Do vậy, một người cai trị khôn ngoan không thể và không nên giữ lời khi sự trung tín này đem lại bất lợi cho ông và khi những lý do của lời hứa đã không còn nữa.” [tr. 137] nên ông chủ trương rất táo bạo rằng: Có tất cả các phẩm chất đó và lúc nào cũng sống đúng như thế thì thật là nguy hại, còn chỉ làm ra vẻ như có chúng thôi thì thật là rất hữu ích: “Nên làm ra vẻ bao dung, trung thành, nhân từ, đáng tin cậy, sùng đạo và đại khái thế nhưng đầu óc lại phải luôn hành động ngược lại nếu cần.” [tr. 138]
19. TRÁNH BỊ KHINH MIỆT VÀ THÙ GHÉT
Những công việc quan trọng trong một vương quốc là đối nội và đối ngoại, đồng thời là hai nỗi sợ hãi lớn nhất đe dọa đến quân vương và vương quốc, trong đó tác giả lập luận thiên về quan điểm vai trò của đối nội mà thực chất là vai trò của nhân dân và sự yêu mến của nhân dân: “khi được dân chúng yêu mến thì quân vương không việc gì phải sợ những âm mưu. Nhưng khi dân chúng có thái độ thù địch và căm ghét thì ông phải dè chừng tất cả mọi thứ và tất cả mọi người” [tr. 144]
20. PHÁO ĐÀI VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC PHÒNG THỦ KHÁC: CÓ ÍCH HAY CÓ HẠI
Khi bàn đến pháo đài và các phương thức phòng thủ tác giả chỉ ra vai trò của nhân dân với tính cách là một hệ thống pháo đài phòng thủ vững chãi nhất: “Dù sao đi nữa thì pháo đài vững chãi nhất đó là không bị thần dân thù ghét… Cho dù ngài có thể có các pháo đài nhưng chúng cũng không thể bảo vệ được ngài nếu dân chúng căm thù ngài, vì khi dân chúng đã cầm vũ khí nổi dậy thì không bao giờ thiếu những kẻ ngoại bang sẵn sàng hỗ trợ họ.” [tr. 162]
21. ĐỂ GIÀNH ĐƯỢC LÒNG KÍNH TRỌNG
Điều mà một bậc quân vương được kính trọng theo tác giả đó chính là những hành động cao cả và những biểu hiện tài năng siêu việt. Những biểu hiện cụ thể như, biết lựa chọn những bất lợi nhỏ nhất, trọng dụng hiền tài, khuyến khích việc làm có lợi cho quốc vương, thiết lập niềm tin: “khi cố gắng tránh một bất lợi này, chúng ta lại đương đầu với một thế bất lợi khác. Sự khôn ngoan chính là ở chỗ nhận biết được bản chất của những bất lợi và lựa chọn bất lợi nhỏ nhất như là một giải pháp tốt nhất. Quân vương cũng nên thể hiện là người mến chuộng tài năng bằng cách công nhận những người có năng lực và vinh danh cho những người xuất sắc trong các lĩnh vực cụ thể. Hơn nữa, ông phải khuyến khích các thần dân tự do và bình yên theo đuổi các ngành nghề, cho dù là thương mại, nông nghiệp hay bất kỳ ngành nghề nào khác. Và ông phải hành động sao cho người dân kiếm tiền mà không bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ bị tước đoạt, những người làm thương nghiệp không phải lo sợ thuế má, mà ông phải thưởng cho những ai có các nguyện vọng đó, và cho bất kỳ ai tìm được cách làm giàu cho thành phố và đất nước của ông.” [tr. 168-169]
22. CÁC VỊ QUÂN SƯ
Những yêu cầu về các quân sư của tác giả nếu chúng ta mở rộng và sử dụng khái niệm tương đương như người cán bộ, người đứng đầu các lĩnh vực thì thấy nguyên tính giá trị của nó. Tác giả đề cập tới cả hai khía cạnh về yêu cầu quân sư và yêu cầu quân vương. Với quân sư thì luôn luôn đặt lợi ích chúng lên trên lợi ích riêng: “Một người nắm trong tay giang sơn của quân vương thì không bao giờ được nghĩ đến bản thân mình mà phải luôn nghĩ cho quân vương, và không bao giờ được bận tâm đến bất kỳ điều gì không phải là mối bận tâm của quân vương.” [tr. 171]. Đối với quân vương phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần, giáo dục trách nhiệm và bổn phận trong các quân sư và nhấn mạnh đến đời sống vật chất cao để chống các tiêu cực: “Quân vương phải tôn trọng, phải ban phát danh vọng, tiền bạc cho người đó, để khiến ông ta chịu ơn huệ trong việc chia sẻ với ngài những vinh quang và trách nhiệm sao cho người quân sư thấy được rằng mình không thể tồn tại nếu không có ngài, và sự giàu sang sẽ khiến ông ta không thèm khát tiền bạc, và nhiều bổn phận sẽ khiến ông ta e sợ những thay đổi.” [tr. 172]
23. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRÁNH NHỮNG KẺ XU NỊNH
Quan điểm nhất quán của tác giả khi bàn đến nhiệm vụ chống lại những kẻ xu nịnh lũng đoạn quá trình thực thi quyền lực là ở sự khôn ngoan mang lại những lời khuyên tốt chứ không phải lời khuyên tốt mang lại sự khôn ngoan, và bởi sự thật khi một người nào đó dám nói với ngài sự thật thì sẽ đánh mất sự tôn kính của họ đối với ngài. Chính vì điều này, để tránh được những kẻ xu nịnh tác giả đề xuất thứ nhất, “Không có cách nào khác để tránh những lời xu nịnh ngoài cách bày tỏ cho mọi người hiểu rằng nói cho ngài sự thật không phải là xúc phạm ngài. [tr. 73]; thứ hai, “Quân vương phải hành động sao cho tất cả họ hiểu rằng họ càng trình bày một cách thoải mái bao nhiêu, họ càng được ông tán thưởng bấy nhiêu.” [tr. 173]; thứ ba, “Phải tuân thủ chính sách đã đề ra và vững vàng trong các quyết định.” [tr, 174]; thứ tư, “Quân vương luôn luôn nên tìm kiếm lời khuyên nhưng chỉ khi ông muốn chứ không phải khi người khác muốn. Trái lại, quân vương cũng phải hạn chế người ta khuyên bảo cho mình trừ phi chính quân vương yêu cầu. Ông phải là người giỏi về dò hỏi, và đối với những vấn đề đang được hỏi ý kiến, ông phải kiên nhẫn lắng nghe sự thật”.
24. LÝ DO CÁC QUÂN VƯƠNG ITALIA ĐÁNH MẤT VƯƠNG QUỐC
Tổng hợp lại của các nguyên nhân đã trình bày ở các phần trước tác giả đi đến kết luận nguyên nhân thường thấy là con người thường hay an bàn vui hưởng hiện tại đến khi thất bại lại đổ lỗi cho số phận “không nên đổ lỗi cho số phận mà phải tự trách mình ngu dốt. Trong thời bình, họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc thời thế đổi thay (lỗi thường thấy ở con người là khi trời yên gió lặng, thì không nghĩ tới bão giông), nên cuối cùng khi khó khăn tới, họ chỉ nghĩ tới việc bỏ chạy chứ không lo tìm cách tự vệ.” [tr. 179]
25. VAI TRÒ CỦA SỐ PHẬN VÀ CÁCH ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỐ PHẬN
Thoát thai khỏi ý thức hệ thần học suốt đêm trường trung cổ, ít nhiều tâm trí con người còn vương vấn lại nhiều điều về số phận và sự an bài “Tôi không biết có bao nhiêu người đã và vẫn cho rằng mọi sự việc trên thế giới này đều do Chúa và số phận định đoạt, còn con người với trí tuệ của mình không những không thể kiểm soát số phận mà thậm chí còn không thể đối phó được với số phận. Vịn vào lý do này, họ cho rằng hãy để mặc số mệnh quyết định tương lai. [tr. 180]. Nhưng trong thời đại và trong điều kiện của Italia với nhiều biến động thì quan điểm này còn có sức thuyết phục hơn nhiều và bởi một nguyên nhân nhận thức của con người trước hiện thực khách quan “trong thời đại của chúng ta do những biến động lớn lao xảy ra hàng ngày đã vượt quá sự suy đoán của con người.” [tr. 180]. Nhưng trong quan điểm của mình tác giả thiên về vai trò của con người trước các biến cố và quyết định số phận, vai trò đó thể hiện ra bên ngoài ở việc con người biết nắm bắt thời thế và hành động phù hợp với thời thế “vị quân vương nào hoàn toàn dựa vào số phận sẽ thất bại ngay khi số phận đổi thay. Tôi cũng tin rằng ai biết lựa theo thời thế mà hành động sẽ là người thành công và tương tự như vậy, người nào hành động không hợp thời sẽ chuốc lấy tai họa.” [tr. 181], vai trò đó còn biểu hiện ra ở phương pháp và sự biện chứng của phương pháp “Sự khác biệt về quan niệm “cái gì là tốt” cũng tùy thuộc vào thời thế, bởi nếu một quân vương thận trọng và kiên nhẫn, và thời thế biến đổi theo chiều hướng phù hợp với sách lược của ông thì ông sẽ thành công, nhưng nếu thời thế thay đổi theo chiều hướng ngược lại, ông sẽ thất bại do không chịu thay đổi phương pháp hành động… do số phận thì mang tính thay đổi còn con người thường không chịu thay đổi nên người ta sẽ thành công khi hai yếu tố trên hòa hợp, và thất bại khi chúng không thuận nhau.” [tr. 183-184]
26. LỜI KÊU GỌI GIẢI PHÓNG ITALIA
Đọc lời kêu gọi giải phóng Italia chúng ta thấy được nỗi thống khổ, áp bức, tủi nhục của người dân nô lệ mất nước “không lãnh tụ, không tổ chức, bị đánh đập, bị cướp đoạt, bị xé lẻ, bị giày xéo và trở thành nạn nhân của bất kỳ tai họa nào.” [tr. 185] và ước vọng giải phóng nhân dân và đất nước Italia của Niccolò Machiavelli. Nhưng trên hết, trong ước vọng đó của ông vương quyền luôn gắn liền mật thiết với dân quyền (nhưng điều tốt đẹp cho người dân Italia) “một chính quyền có thể đem vinh quang đến cho ông và những điều tốt đẹp đến cho người dân Italia hay không, tôi thấy dường như có quá nhiều điều thuận lợi cho vị tân vương mới đến mức tôi không còn thấy thời điểm nào thích hợp hơn.” [tr. 185].
Trần Quốc Huy
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: