Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VỀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Hệ thống chính trị là một phạm trù quan trọng của khoa học chính trị bởi vì nó tổng hợp những vấn đề của thực tiễn chính trị, của đời sống chính trị. Hơn nữa, khi xem chính trị với tư cách là một hệ thống thì chính trị không còn chỉ là “đơn nhất - thuần túy là nhà nước và công việc của nhà nước” mà xem xét chính trị như là một chỉnh thể các bộ phận hợp thành, các mối quan hệ (về quyền, chức năng), các hoạt động-hành vi của các cấp độ chủ thể có thẩm quyền tham gia vào đời sống chính trị. Chính vì sự phức tạp đó mà đến nay, quan niệm về HTCT còn có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Ở phương Tây có hai loại tiếp cận cơ bản và từ hai loại tiếp cận cơ bản này phát triển thành một số quan điểm khác nhau về HTCT. Cách tiếp cận thể chế: coi HTCT là tập hợp các thể chế chính trị (gồm các tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị) và những mối quan hệ qua lại giữa chúng; cách tiếp cận về hệ thống: lại xem HTCT không chỉ bao gồm cấu trúc thể chế và các quan hệ giữa chúng mà còn là những chuẩn mực chính trị, vai trò chính trị, hành vi chính trị…
Nhà chính trị học Mỹ D.Istons, trong tác phẩm: “Hệ thống chính trị” (1953), và “Giới hạn sự phân tích chính trị” (1965) cho rằng, HTCT giống như một (bộ máy) tự phát triển, tự điều tiết và phản ứng với những tác động từ bên ngoài. Hệ thống đó có “đầu vào và đầu ra”. Đầu vào, đó là nơi thu nhận những tác động, yêu cầu, ủng hộ của môi trường xã hội và văn hóa xã hội quanh nó; đầu ra, là những quyết định chính trị và hành động chính trị để thực hiện các quyết định đó.
Một cách tiếp cận khác của nhà chính trị học Mỹ G.Almold cho rằng, HTCT đó là các kiểu khác nhau của hành vi chính trị, của các tổ chức nhà nước cũng như phi nhà nước. các kiểu hành vi đó được chia ra hai cấp độ thể chế và định hướng. Almold khẳng định rằng, khác với các hệ thống xã hội khác, HTCT được xác định bởi quyền cưỡng chế hợp pháp đối với người công dân. Đó là sức mạnh pháp lý, thâm nhập vào các yếu tố “đầu vào” và “đầu ra” làm nên tính chất đặc biệt, tính bền vững của của HTCT.
Ở các nước xã hội chủ nghĩa, trong sách báo trước đây, khi đề cập đến các thiết chế chính trị chủ yếu là đề cập đến nhà nước và rộng hơn là hệ thống chuyên chính. Trong thời kỳ cải cách, đổi mới, mới sử dụng khái niệm HTCT. Tuy vậy thời kỳ đầu vẫn tồn tại quan niệm rằng, HTCT chỉ bao gồm những tổ chức chính trị - xã hội mang bản chất của giai cấp cầm quyền nhằm phục vụ cho quyền lực chính trị của giai cấp đó. Cách tiếp cận này thực chất là đồng nhất phạm trù “hệ thống chính trị” với phạm trù “hệ thống chuyên chính của giai cấp cầm quyền”. Theo đó, HTCT trong xã hội tư bản chính là hệ thống chuyên chính tư sản, còn HTCT trong xã hội xã hội chủ nghĩa là hệ thống chuyên chính vô sản….
Có thể nói, sự đồng nhất hai phạm trù HTCT và hệ thống chuyên chính của giai cấp cầm quyền vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của quan điểm tập trung nhấn mạnh cái giai cấp trong chính trị. Trong bối cảnh cuộc đấu tranh giai cấp giải quyết vấn đề “ai thắng ai” đầy cam go của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội- như cách tiếp cận của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin thì việc làm đó là cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tiễn của công cuộc kiến tạo chế độ chính trị mới, do nhấn mạnh đến mức “tuyệt đối hóa” mặt chuyên chính, vô hình trung dẫn những người Cộng sản cầm quyền phạm phải sai lầm phiến diện, “tả khuynh” trong quản lý và điều hành đất nước. Trong đó, biểu hiện rõ nhất là chưa thấy hết diện mạo của cái dân tộc, cái thời đại đang chi phối toàn bộ đời sống chính trị thế giới hiện đại, đặc biệt là các hình thức biểu hiện của thể chế chính trị dân chủ (cho dù có tính từ) đang chi phối đời sống chính trị đương đại.
Ở Việt Nam, phải đến Hội nghị Trung ương 6 khoá VI (tháng 3-1989), Đảng ta mới chính thức sử dụng khái niệm HTCT thay cho khái niệm hệ thống chuyên chính. Sau đó, trong sách báo, tạp chí, công trình nghiên cứu chính trị ở nước ta phạm trù HTCT, HTCT xã hội chủ nghĩa và HTCT ở các nước tư bản đã được sử dụng rộng rãi. Phân tích, lý giải cho sự thay đổi, phát triển nhận thức mới này về chính trị và đời sống chính trị hiện đại của Đảng ta có lẽ cũng là cách thức để luận về thực chất –nội hàm của khái niệm cơ bản này.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: