Địa chỉ: phòng 405 – Số 254 Nguyễn Văn Linh - Đà Nẵng
Điện thoại : (+84) 236.3650403 (405)
Email: lyluanchinhtri@duytan.edu.vn
Trưởng khoa: TS. Nguyễn Văn Dương
TTO - Trong năm 2015, nước Pháp liên tục hứng chịu các vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Dù rất nỗ lực, chính phủ Pháp tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn thanh niên Hồi giáo đi theo con đường cực đoan và bạo lực.
Gần 10 tháng sau vụ thảm sát tại tạp chí biếm Charlie Hebdo tại Paris và các vụ tấn công liên quan khiến 17 người thiệt mạng, nước Pháp một lần nữa bị khủng bố giáng đòn choáng váng.
Rạng sáng 14-11, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: “Chúng tôi biết các vụ tấn công này đến từ đâu. Có nhiều lý do để sợ hãi”.
Theo ước tính của tình báo phương Tây, Pháp là quốc gia mất nhiều công dân vào tay các nhóm khủng bố Hồi giáo nhất, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu. Báo cáo của Thượng viện Pháp hồi tháng 4 cho biết ít nhất 1.430 trong tổng số 3.000 kẻ cực đoan châu Âu đã đến Syria và Iraq để gia nhập IS là người Pháp.
Tình báo Pháp đang giám sát thêm 1.570 người bị tình nghi có quan hệ với các mạng lưới cực đoan ở Syria. Ngoài ra, nhà chức trách lo ngại 7.000 người khác có khả năng cũng sẽ ngả theo con đường cực đoan và bạo lực.
Theo báo Guardian, hiện hơn 150 người Pháp đang phải ngồi tù ở nước này vì dính líu tới khủng bố. Nhưng vấn đề đáng báo động hơn với lực lượng an ninh Pháp là ít nhất 200 kẻ cực đoan từng đến Syria và Iraq để gia nhập IS đã trở về nước.
Hồi đầu năm nay, báo cáo của Trung tâm Quốc tế nghiên cứu cực đoan và bạo lực chính trị (ICSRPV) xác định chỉ có Saudi Arabia, Tunisia, Nga và Jordan là có nhiều công dân gia nhập IS hơn Pháp. Và số lượng tay súng Pháp gia nhập IS cao gấp đôi Đức và Anh.
Nhóm tấn công tạp chí biếm Charlie Hebdo và siêu thị Do Thái ở trung tâm Paris có quan hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thông qua hung thủ Amedy Coulibaly. Khi thực hiện cuộc tấn công hắn tuyên bố “chiến đấu vì IS”.
Chính phủ Pháp chưa đưa ra tuyên bố gì về nhóm tấn công mới đây. Tuy nhiên giới phân tích cho biết bọn chúng cũng sử dụng chiến thuật “chiến tranh đô thị” như những kẻ thảm sát tại tòa báo Charlie Hebdo, cũng sử dụng súng AK-47 tương tự.
Bất chấp hàng loạt chiến dịch chống cực đoan hóa, chính phủ Pháp vẫn không thể ngăn chặn một số lượng đáng kể thành viên cộng đồng Hồi giáo lên đến 4,7 triệu người (khoảng 7,5% dân số) đi theo xu hướng cực đoan.
Các chuyên gia cho biết nhiều thanh niên trẻ ở các cộng đồng Hồi giáo phải sống trong cảnh nghèo hèn, thất học, không có cơ hội công ăn việc làm nên phẫn chí, chán đời, rất dễ bị khủng bố dụ dỗ và tẩy não. Ngoài ra, chính phủ Pháp trong thời gian qua là thành viên tích cực nhất ở châu Âu trong liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu.
Máy bay chiến đấu Pháp thường xuyên tham gia các cuộc không kích chống IS và càng tăng cường chiến dịch này sau vụ thảm sát ở tạp chí Charlie Hebdo. Trong nước, chính quyền Pháp gây tranh cãi hồi năm 2010 khi ra lệnh cấm người Hồi giáo đeo mạng che mặt nơi công cộng.
Sau các vụ tấn công khủng bố hồi tháng 1, tình trạng phân biệt đối xử, e dè người Hồi giáo tăng vọt tại Pháp. Trong khi đó, uy tín của đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc chủ trương chống nhập cư và đạo Hồi của chính trị gia Marine Le Pen tăng vọt. Tất cả những diễn biến đó càng đổ thêm dầu vào lửa cực đoan.
Trên thực tế, sau vụ Charlie Hebdo, tình báo Pháp đã ngăn chặn được hàng loạt âm mưu tấn công khủng bố mới. Và giới quan sát dự báo nước Pháp sẽ rơi vào một vòng xoáy luẩn quẩn. Chính phủ sẽ phải hành động mạnh tay chống IS và cực đoan để trả đũa các vụ tấn công ở Paris, và cực đoan tiếp tục có thêm động lực để tấn công nước Pháp.
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: